CHÓNG MẶT

ĐỘNG TÁC PHÒNG VÀ CHỮA CHÓNG MẶT

acm1

Tôi có kinh nghiệm một lần chóng mặt nặng. Cách đây 2 năm, buổi sáng vừa thức dậy, theo thói quen tôi ngồi như thường lệ.   Nhưng hôm đó thì không được, vừa chống tay lên, tôi bổng thấy mọi vật quay cuồng, chóng mặt thật dữ dội. Tôi ngã vật xuống nệm mà không thể gượng được. Cùng lúc đó cảm giác buồn nôn bên trong bụng, ruột như cuộn lại từng hồi, tôi hết sức cố gượng lại để khỏi nôn tháo ra ngoài.

Tôi chỉ biết nhắm mắt lại trong khi đầu óc vẫn quay cuồng. Cơn chóng mặt kéo dài khoảng 5 phút rồi dịu dần nhưng vẫn chưa thật hết, đầu óc còn váng vất, cảm giác buồn nôn chưa giảm, mắt nhắm lại thì dễ chịu hơn. Khi nằm ngữa, bất động, cảm giác xoay vần vẫn tiếp tục, nhưng chịu được. Còn khi đầu tôi chuyển động, dù là quay đầu một góc rất nhỏ ( khoảng # 15 độ ) thì tình trạng chóng mặt buồn nôn dữ dội tái phát! Thật tình không biết làm thế nào để trở lại bình thường đây. Tôi đo huyết áp vẫn là 110/70mmHg

Đợt đó tôi nằm ngữa, hầu như bất động suốt 3 ngày. Thuốc mà tôi uống trong thời gian chóng mặt là Tanganil mỗi ngày 3 lần mỗi lần 1 viên và Flunarizin 5mg ( Sibelium 5mg ) buổi trưa 1 viên buổi tối 1 viên kèm theo 3 viên Tanakan/ ngày chia làm 3 lần.

Trong 3 ngày đó tôi chỉ ăn cháo vì ăn cơm vào là buồn nôn. Ăn uống rất ít và khi ăn uống tôi nhờ bà xã cho ăn uống dùm. Thời gian 3 ngày với tư thế nằm ngữa, hầu như bất động, không thể nghiêng qua nghiêng lại được. Thật là vô cùng khó chịu. Thậm chí cả đến tiểu tiện và đại tiện cũng tại chỗ. Lúc đó mới thấy thời gian dài khủng khiếp!      Thú thật với các bạn niềm ao ước trong khi bị cơn chóng mặt hành hạ phải nằm một chỗ của tôi khi ấy là gì các bạn biết không? Thật đơn giản và trần tục hết sức: Tôi chỉ muốn ngồi dậy và đi được để vào toilet đi đại tiện! Nhưng thật không thể nào.

Trong suốt một tháng tôi phải xin nghỉ việc, quanh quẩn trong nhà. Dù vậy, nhưng mỗi lần đi tới đi lui trong nhà cũng thật nhẹ nhàng, chậm chạp. Nhưng mỗi lần nằm xuống hoặc ngồi dậy, do sự thay đổi tư thế của đầu, cơn chóng mặt trở lại với cảnh vật xung quanh quay cuồng kèm với bụng cuộn lên và cảm giác nôn thốc tháo ra ngoài. Thật vô cùng đau khổ

Nghỉ làm việc khoảng 1 tháng, cuối cùng tôi cũng phải cố gắng đi làm nhưng tình trạng đầu váng vất vẫn còn. Tôi tiếp tục uống thuốc nhưng không thật bình phục, nhất là lúc đang nằm đổi sang tư thế ngồi, hoặc khi bước xuống cầu thang, vẫn còn hoa mắt, phải cố hết sức để chân bước cho đúng vào bậc thang…

Thời gian này tôi tình cờ biết được một cách tập vô cùng đơn giản. Chỉ một động tác tập này mà đến nay hơn 2 năm nay, cơn chóng mặt chỉ xảy ra có 1 lần và tôi uống ít loại thuốc và liều nhẹ hơn cũng đũ giải quyết ổn thỏa

Từ đó tôi hướng dẩn cho những bệnh nhân chóng mặt lớn tuổi. Họ cũng nhận được sự kết quả rất tốt qua động tác tập đơn giản này. Đầu tiên khi được giới thiệu cách tập này thì phần lớn bệnh nhân chóng mặt không tin tưởng lắm. Vì động tác quá đơn giản, quá thường trong khi căn bệnh chóng mặt thì đã lâu năm, điều trị nhiều nơi mà vẫn còn dai dẳng. Nhưng sau khi áp dụng khoảng 4 tuần trở đi cơn chóng mặt gần như trở lại bình thường, những bệnh nhân này rất ngạc nhiên

Trong khi tập có một số ít bệnh nhân thỉnh thoảng có những cơn chóng mặt tái phát, lúc đó họ có uống lại những loại thuốc chóng mặt, nhưng liều lượng ít hơn, đáp ứng thuốc tốt hơn và thời gian điều trị cũng ngắn đi nhiều.

Trước khi đề cập đến động tác chữa bệnh chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng ở người già tôi xin nói sơ lược về nguyên nhân của những bệnh có thể gây nên tình trạng chóng mặt.

 

Những bệnh sau đây như: huyết áp thấp, huyết áp cao, tiêu chảy, rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não, rối loạn lipid máu, đường huyết thấp, đường huyết cao, suy nhược cơ thể, hẹp động mạch cảnh do xơ vữa, u não, u dây thành kinh số VIII, chấn thương vùng đầu… đều có thể gây chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng…

 

Loại chóng mặt tôi đang nói với các bạn là loại chóng mặt lành tính ( không do chấn thương, không do u…) thường gặp ở người trung niên và người già. Nói lành tính nhưng cũng thường gặp ở người lớn tuổi và gây không ít phiền toái.

Nhiều trường hợp chóng mặt thật dữ dội, không thể chủ động được cơ thể của chính mình, hoặc nhiều khi phải nằm bất động.

Loại chóng mặt này thường do lượng máu cung cấp cho hệ thống tiền đình ngoại biên ( thuộc tai trong, có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể ) hoặc cho tiểu não ( thuộc hệ thống tiền đình trung ương, có nhiệm vụ phối hợp điều khiển thăng bằng ) kém, vì mạch máu của người lớn tuổi có khuynh hướng hẹp lại do xơ vữa bám trong thành mạch máu làm co hẹp khẩu kính lòng mạch máu. Cuối cùng là những cơn chóng mặt, mất thăng bằng, hoa mắt…xuất hiện

ĐỘNG TÁC:

Xoay đầu cổ mắt theo vòng tròn

Cách thực hiện:

Mời các bạn xem hình minh họa và làm đúng như vậy:

acm2

Động tác xoay đầu theo vòng tròn thực sự giúp đở bản thân tôi và một số bệnh nhân trung niên, người già trong bệnh chóng mặt lành tính do thiếu máu nuôi vùng tiền đình ở tai trong và não. Hôm nay tôi xin được chia sẻ với các bạn.

Trong trường hợp nhẹ các bạn có thể chỉ tập động tác xoay đầu. Còn trong trường hợp nặng, các bạn vừa tập vừa kết hợp với toa thuốc mà các bạn đang sử dụng. Động tác này các bạn nên tập tiếp tục kể cả sau khi hết chóng mặt, xem như đây là bài thể dục giúp máu lưu thông lên đầu mặt tai giúp phòng và chữa bệnh chóng mặt ở người già rất tốt

Hy vọng động tác đơn giản trên sẽ giúp ích các bạn cải thiện bệnh lý hay gặp này ở người cao tuổi

 

Comments(2)
  1. Ngọc 16 September 2017
    • BS HUỲNH HẢI 16 September 2017

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *