Site icon CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN

ĐỪNG ĐÙA VỚI BỆNH CAO HUYẾT ÁP

Các bạn có thường nghe những câu như sau: Đừng đùa với cá sấu, đừng đùa với cọp, đừng đùa với lửa, đừng đùa với tử thần…

Tất cả những câu này đều đồng nghĩa là đừng mất cảnh giác với một điều gì có thể gây nên những nguy hiễm và có thể gây chết chóc cho mình. Tôi xin bổ sung một câu cũng đồng nghĩa với những câu trên: Đó là đừng đùa với bệnh cao huyết áp.

 

Tôi xin kể cho bạn một chuyện của tôi. Huyết áp tôi thường ngày khoảng 110/70 mmHg. Đã lâu rồi tôi không đo huyết áp. Một buổi sáng, tôi thức dậy để đi làm. Vừa thức dậy, còn nằm trên giường tôi có cảm giác đầu nặng nề, choáng nhẹ. Lúc đó nằm trên giường mà tôi quên rất nhiều việc, ngay cả chuyện tôi không biết buổi sáng mấy giờ mình đi làm (thường thì tôi bắt đầu từ nhà đến bệnh viện là 6g30). Nhưng sáng hôm đó trong đầu cứ hoang mang không biết là 6g30 hay 7g30 mình bắt đầu rời khỏi nhà. Tôi cố gắng nhớ, nhưng thật tình không thể nhớ nỗi là 6g30 hay 7g30, đầu thì nặng nề, trí óc như mụ đi.

May mắn là tôi vẫn còn biết gọi vợ tôi đo dùm huyết áp, lúc đó huyết áp của tôi là 140/90 mmHg, mạch 84 lần/ phút. Tôi nói bà xã lấy cho tôi 1 viên lợi tiểu Hydroclorothiazide 25mg rồi uống ngay. Hai mươi phút sau, tôi đi vài lần tiểu rồi trí óc tôi mới trở lại bình thường, huyết áp đo lại là 110/70mmHg, mạch 82 lần/phút. Thật hú hồn!

Và hôm đó tôi vẫn đến bệnh viện làm việc bình thường. Từ đó mỗi ngày tôi không quên uống ½ viên hạ áp để giữ huyết áp luôn ở vào khoảng 110/70mmHg.

 

Câu chuyện thứ hai về cao huyết áp là câu chuyện của Ông Tư, một người ở cách nhà tôi 1 căn nhà. Ông Tư đã 80, nhưng sức khoẻ của ông rất tốt. Trước kia ông đạp xích lô làm kế sinh nhai, nuôi 4 đứa con. Hiện giờ ông đã nghỉ ngơi. Ông thường mặc chiếc quần đùi dù trời buổi sáng lạnh. Buổi sáng ông thức dậy sớm, mặc quần đùi quét sân của nhà ông và của hàng xóm, ông gom rác lại cho vào bao để cạnh cột đèn rồi tập vài động tác thể dục, sau đó vào nhà pha cà phê uống.

Ông Tư uống 1 hoặc 2 lon bia sau 2 bữa cơm trưa và chiều, ông hút thuốc lá khoảng 10 điếu mỗi ngày, uống cà phê ngày 2 cử. Chưa kể lượng bia mà thỉnh thoảng giao lưu với bạn bè. Huyết áp của ông lúc thường ngày khoảng 150/90 mmHg trong khi ông vẫn uống 1 viên amlodipine 5mg mỗi ngày. Ông Tư vẫn thường nói là huyết áp tôi 150/90mm mà vẫn thấy “khỏe như thường”. Dù có được giải thích thế nào, ông vẫn giữ nguyên quan niệm của ông.

Sáng hôm đó, khoảng 5 giờ, ông Tư gỏ cửa nhà tôi với giọng hốt hoảng. Tôi thức dậy ngay, xuống mở cửa, ông Tư cho biết hơi choáng váng và cảm giác khó chịu trong người. Tôi đo huyết áp cho ông, huyết áp 200/100mmHg. Tôi giục ông phải ra bệnh viện gần đó ngay. Khoảng 15 phút sau, con của ông đập cửa gọi tôi, tôi vội qua nhà thì ông Tư đã qua đời trong khi phin cà phê vẫn còn nóng.

 

Tôi chỉ xin đưa ra 2 trường hợp trên, một là bản thân tôi và một người hàng xóm mà tôi biết.

 

Hơn 50 năm qua, tôi có một bà cô cũng bị tai biến mạch máu não ở tuổi 60 và cũng vào buổi sáng. Bà cô tôi đã nằm gần 10 năm trên giường bệnh, sau đó bà bị thêm một hai lần tai biến nữa rồi mất.

 

Thưa các bạn, trong đời sống thường nhật, đôi khi các bạn thấy có những trường hợp đột tử như vậy, hỏi ra mới biết bệnh nhân có bị bệnh cao huyết áp hay bệnh tim mạch. Những bệnh nhân này thường không đi khám bệnh đúng hẹn, không uống thuốc thường xuyên dù biết rằng mình đang có bệnh cao huyết áp. Dù thỉnh thoảng có những triệu chứng như đau đầu, đau ngực trái, chóng mặt…Tình trạng này đúng là như người đùa với hổ. Họ thấy dù huyết áp của mình cao mà vẫn cảm giác bình thường nên vẫn ỹ y, không thèm đi khám bệnh, không thèm uống thuốc điều trị. Nhiều khi còn tự hào về sức khỏe của mình nữa “Huyết áp 160/100mmHg đối với tôi là bình thường, khỏe chớ có sao đâu”.

Nhưng họ không biết rằng, khi huyết áp cao là toàn bộ mạch máu trong não đều căng giãn ra. Khi ấy nếu có 1 mạch máu nhỏ nào ở não chịu không nỗi áp lực căng giãn này sẽ vở và máu sẽ tràn vào nhu mô não.

Có thể thí dụ như các mạch máu trong não như rất nhiều bong bóng. Khi ngày càng chứa quá nhiều nước, những bong bóng này sẽ vở ra là tất yếu…  Lúc đó sự nguy hiểm mới thật sự xảy ra. Họ đang đi với hổ mà vẫn dỡn ngươi!

Vì thế, các bạn nên cảnh giác với bệnh cao huyết áp bằng những việc sau:

 

       Thói quen ăn mặn dần dần làm hệ thống mạch máu cứng lại, lão hoá sớm, làm tích nước lại trong hệ thống mạch máu và cuối cùng là làm huyết áp cao sẽ cao hơn nữa. Và đồng nghĩa với chuyện càng dễ xảy ra tình trạng tai biến mạch máu não hơn.

 

     Các bạn đã biết rằng bệnh cao huyết áp của người lớn tuổi dù gọi là vô căn (không nguyên nhân, không gốc rễ). Thực ra là có căn nguyên: do ở người lớn tuổi, hệ thống mạch máu bị lão hoá, xơ cứng, nhiều khi trong thành mạch máu có những mảng xơ vữa. Do đó toàn bộ mạch máu có sức cản lớn hơn, nên tim có khuynh hướng phải đập mạnh hơn để đủ lực đẩy lượng máu trong hệ tuần hoàn. Vì lý do này ở người lớn tuổi huyết áp có khuynh hướng tăng lên

      Vì vậy thuốc điều trị cao huyết áp có mục đích làm giãn mạch máu, thải bớt lượng nước trong hệ tuần hoàn… nhằm làm giảm bớt lực cản đi. Từ đó huyết áp hạ xuống.

 

      Nhưng khi thuốc điều trị hết tác dụng, thì huyết áp có khuynh hướng tăng lại. Vì thế các bạn phải nhớ: thuốc điều trị bệnh cao huyết áp phải uống suốt đời.

      Trong quá trình điều trị bác sĩ có thể, tăng giảm liều lượng, hoặc phối hợp với các nhóm thuốc cao huyết áp khác mục đích giúp chỉ số huyết áp cân bằng, đồng thời để tránh tình trạng áp lực trong lòng các mạch máu nhất là máu ở não không quá căng dễ gây nên tai biến mạch máu não.

 

       Đó là những điều quan trọng cần biết với bệnh cao huyết áp. Rất mong các bạn lưu ý.

 

Exit mobile version