Lúc ngồi khám bệnh, tôi thấy có hai bệnh, tuy không thuộc loại bệnh nặng nhưng dai dẳng và khó chữa: Đó là chứng đau nhức trong thoái hóa khớp và chứng ngứa.
Trong bài này chỉ đề cập đến chứng ngứa. Có nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh mãn tính như cao huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, rối loạn lipid máu…nhưng lúc nào cũng không quên khai bệnh là mình bị ngứa. Lúc uống thuốc thì hết ngứa, sau vài hôm lại ngứa tiếp tục. Ngứa khắp cơ thể, có người khi ngứa kèm nổi mề đay, có người chỉ ngứa. Có người khi ăn bò, gà, tôm, cua, cá biển, nấm…. vào thì ngứa, có người không ăn những thức ăn này cũng ngứa. Có người chỉ ngứa vào buổi sáng, có người chiều tối lại ngứa. Khi đến khám bệnh thầy thuốc cho thuốc kháng histamin đôi lúc cho thêm thuốc corticoid. Và như đã nói khi có thuốc vào cơ thể thì hết ngứa, đến khi ngừng thuốc vài ngày thì chứng ngứa đâu vẫn hoàn đấy!
Khi vào khám bệnh ngứa thì bệnh nhân thường nghĩ là mình nóng gan nên cứ cương quyết xin cho xét nghiệm men gan. Nhân cơ hội đó thầy thuốc cho bệnh nhân xét nghiệm men gan SGOT, SGPT, GGT nhưng hầu hết các trường hợp men gan vẫn trong giới hạn bình thường.
Thực chất ngứa do cơ thể tiếp xúc với các kháng nguyên (kháng nguyên có thể từ ngoài như thuốc, thức ăn, phấn hoa, bụi, sơn…và kháng nguyên có thể từ bên trong cơ thể, thường là do xác ký sinh trùng như giun sán hoặc chất tiết từ các loại giun sán này). Lúc đó các kháng nguyên làm histamin đang kết hợp với protein ở dạng không hoạt động sẽ làm phóng thích histamin dạng tự do. Tại da histamin ở dạng tự do sẽ kích thích các đầu mút dây thần kinh và chứng ngứa xuất hiện.
Ở những trường hợp ngứa kéo dài (>6 tuần), nếu không tìm được các tác nhân gây ngứa trong thức ăn, phấn hoa, thời tiết… và không phải là trường hợp tắc mật trong các bệnh lý gan mật, thì chúng ta phải nghĩ đến ngứa do các loại giun sán đang ký sinh trong cơ thể gây ra. Những loại ký sinh trùng như giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun đũa chó mèo (Toxocara) đều có thể làm các bạn bị ngứa kéo dài, tái phát.
Như thế, sau khi các bạn được bác sĩ khám và loại trừ các bệnh gan mật, các bệnh dị ứng do nguyên nhân bên ngoài như thức ăn, thời tiết, phấn hoa, bụi, sơn…thì bác sĩ sẽ ghi đơn thuốc tẩy giun sán. Khi giun sán trong cơ thể không còn thì chứng ngứa kéo dài của các bạn sẽ dịu dần và chấm dứt.