Site icon CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN

PHÒNG BỆNH DO VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN VÀ DƯỚI

Một bệnh mà từ già đến trẻ ai cũng bị. Thậm chí bị bệnh nhiều lần. Thường là một bệnh rất nhẹ (nếu không lan xuống phế quản, phổi) nhưng nhiều khi gây phiền toái không ít. Đó là bệnh viêm đường hô hấp.

Khi các bạn bị viêm họng, vi khuẩn hay virus bám ở thành họng, ở amidan, niêm mạc mũi và nhiều khi mắt cũng bị liên quan. Virus hay vi khuẩn tiết ra những chất làm niêm mạc mũi, mắt, họng phản ứng lại gây ra tình trạng gọi là viêm (sưng, nóng, đỏ, đau).

Nếu viêm họng nặng có thể ảnh hưởng đến toàn thân. Lúc đó người bệnh sốt, tay chân mình mẩy đau nhức, mỏi mệt, không muốn ăn. Bệnh viêm họng là một bệnh của đường hô hấp trên. Nếu để lâu hay chữa bệnh không tích cực, vi khuẩn, virus sẽ lan đến đường hô hấp dưới (phế quản, nhu mô phổi) gây bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Lúc này bệnh nhân có thêm triệu chứng khó thở.

Bệnh viêm đường hô hấp là bệnh lây qua đường hô hấp, qua sự hít thở, do người bệnh và người lành tiếp xúc trực tiếp như đối diện, ăn uống chung, trò chuyện…

Khi người bệnh thở ra, có một số virus hay vi khuẩn phóng thích ra ngoài không khí. Những người xung quanh hít vào và cuối cùng 1 người trong nhà bị bệnh thì sau đó cả nhà hay những người tiếp xúc với bệnh nhân đều bị bệnh!

Do đó bệnh lây qua đường hô hấp là một loại bệnh rất dễ lây lan.

 

Có vài điểm quan trọng xin các bạn cần nhớ:

– Khi vi khuẩn văng ra trực tiếp từ miệng mũi người bệnh sang người lành thì số lượng virus có thể ít, có thể nhiều. Nếu lượng virus ít, thì virus cần nhiều ngày sống ở mũi, họng, miệng của người bị lây để có thời gian sinh sản, để số lượng virus nhân lên đến một mức độ nào đó. Lúc ấy người bị lây bệnh sẽ bắt đầu có triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, đau họng…Thời gian từ lúc virus vào cơ thể người lành đến khi người này có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đau họng…gọi là thời gian ủ bệnh.

–  Trong thời gian ủ bệnh thì virus còn ở mắt, mũi, họng, miệng. Chúng vừa cư trú đồng thời vừa sinh sản. Chính trong thời gian này là thời gian mà chúng ta có thể lợi dụng để trục xuất virus ra khỏi cơ thể. Nếu để vi khuẩn, virus lây lan sâu xuống đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) thì bệnh trở nên nặng và không thể dùng cách này để loại bỏ vi khuẩn, virus ra ngoài.

      Tôi xin giới thiệu các bạn vài động tác đơn giản hiệu quả trong việc phòng ngừa khi virus chưa vào cơ thể và ngăn chặn bệnh khi vừa chớm mắc bệnh. Đó là những việc cần thực hiện sau đây:

Mang khẩu trang: Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, khi trong nhà hoặc trong cơ quan có người bị sổ mũi,viêm họng, ho, sốt… Nếu trong mùa dịch, khi ra khỏi nhà cần mang khẩu trang. Việc mang khẩu trang giúp ngăn chặn khói, bụi, vi khuẩn và virus vào cơ thể qua đường miệng và mũi.

Ngừng hay bớt hút thuốc lá càng nhiều càng tốt (nếu bạn có hút thuốc lá). Tránh bụi khói từ môi trường bên ngoài (như khói xe, bụi…)

Rửa mắt: Dùng nước muối đẳng trương 0.9% (Efticol) nhỏ vào mắt nhiều lần trong ngày nhằm rửa sạch vi khuẩn, virus nếu có ở mắt.

Rửa mũi: chỉ cần dùng ngón tay sạch rửa dưới vòi nước máy cho sạch, rồi cho ngón tay vào rửa toàn bộ niêm mạc mũi. Nên thực hiện nhiều lần trong ngày. Có thể dùng vòi sen xịt vào mũi trong khi nín thở lại. Các bạn không nên chỉ thực hiện một động tác là nhỏ nước muối đẳng trương 0.9% vào mũi vì đàm nhớt dịch tiết ở mũi sẽ chảy ngược vào họng làm họng bị viêm nặng hơn.

Đánh răng: giúp răng sạch virus, vi khuẩn, thức ăn…bám ở răng. Những lưu ý về việc đánh răng: Sau khi đáng răng, phải rửa sạch bàn chải đánh răng. Trước khi đánh răng cũng phải rửa sạch bàn chải để tránh đưa vi khuẩn từ bàn chải vào miệng và họng.

6) Cạo lưỡi: để lấy tất cả chất dơ, vi khuẩn, virus nếu có trên niêm mạc lưỡi.

7) Khò họng: Đây là động tác rất quan trọng:

Càng khò họng nhiều, thì vi khuẩn, virus đang bám ở họng, càng ra ngoài nhiều. Vi khuẩn,virus ở họng càng ít đi, nguy cơ mắc bệnh càng giảm.

Các bạn có thể hỏi tại sao để đề phòng những bệnh nhiễm vi khuẩn, virus ở đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng lại phải khò họng, rửa mũi…? Và cách khò họng như thế nào ?…

 

–  Ở câu hỏi thứ nhất là tại sao phải khò họng, tôi có thể nói với các bạn: không có vi khuẩn hay virus ở họng sẽ không có viêm họng.

Nhưng muốn không có virus hay vi khuẩn ở họng thì phải làm sạch thức ăn ( nhất là thức ăn ngọt,bánh,kẹo ) ở họng. Vì thức ăn, nhất là thức ăn ngọt thường lôi kéo vi khuẩn đến, mà khi vi khuẩn hay virus hiện diện ở họng thì bệnh viêm họng xuất hiện

Đó là lý do tôi đề nghị với các bạn khò họng, rửa mũi…

Khò họng và rửa mũi là biện pháp cơ học để tiển tất cả bụi, vi khuẩn và virus đang bám tại thành họng ra ngoài.

Khò họng, rửa mũi để đề phòng bệnh viêm họng tái phát.

Một khi vi khuẩn hay virus không có hoặc còn rất ít ở họng thì chúng không thể sinh ra những triệu chứng và gây tác hại cho cơ thể của các bạn được.

Nhiều khi chớm đau họng, sổ mũi thì các bạn chỉ cần động tác khò họng, rửa mũi liên tục đã giải quyết ngay tình trạng viêm họng mà chẳng cần 1 viên thuốc nào.

Câu hỏi thứ hai: Nên khò họng lúc nào? Khò họng được thực hiện những lúc sau đây: Sau khi ăn bất cứ thức ăn gì, hay sau khi uống nước ngọt có gaz + Khò họng khi vướng cổ, ngứa cổ, Khò họng ngay lúc ho (để ngừng cơn ho lại) + Khò họng khi nửa đêm các bạn thức dậy để đi tiểu (vì ban đêm vi khuẩn ở họng cũng đang cư trú, sinh sản, khò họng ban đêm để đẩy vi khuẩn ra ngoài,chúng không còn có hội có mặt ở họng để phát triển). Nói chung các bạn có thể khò họng ở mọi lúc, càng nhiều lần càng tốt. 

Câu hỏi thứ ba là cách khò họng như thế nào? Các bạn uống 1 ngụm nước đã đun sôi và để nguội, không cần cho muối vào (vì mục đích không phải để diệt vi khuẩn hay virus bằng hóa chất mà để đẩy chúng ra khỏi mũi họng…bằng lực cơ học. Khi khò họng với nước muối do khó chịu nên không khò được nhiều) rồi các bạn ngửa mặt lên, dùng lực đẩy mạnh nước làm nước chuyển động tại vùng họng (khò toàn bộ vùng họng: họng thanh quản, họng miệng, họng mũi) thành tiếng khò…khò…khò… rồi nhổ nước ra ngoài. Sau đó uống 1 ngụm nước khác và khò mạnh tiếp tục.

*** Còn một cách đơn giản nữa giúp họng sạch đàm nhớt vi khuẩn, virus nhiều hơn, là các bạn dùng vòi sen xịt nước vào trong khi miệng há to để nước xoáy vào niêm mạc họng. Đồng thời các bạn khò nhẹ nhàng liên tục. Chỉ chưa đến 30 giây họng của các bạn rất sạch.

*   Như vậy tôi xin được tóm tắt 3 câu trong việc phòng và điều trị viêm đường hô hấp do vi khuẩn hoặc virus như sau:

 

– Không thức ăn ở họng sẽ không có hoặc có rất ít vi khuẩn, virus ở họng

– Không có vi khuẩn, virus ở họng sẽ không bị viêm họng

– Muốn không có vi khuẩn, virus ở họng phải KHÒ HỌNG…

 

Thưa các bạn, lúc trước tôi thường bị viêm họng. Nhưng hơn 7 năm nay, dù mỗi ngày ngồi khám bệnh, tiếp xúc với nhiều  bệnh nhân viêm đường hô hấp (cảm, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi) nhưng tôi chưa lần nào bị viêm họng cũng nhờ các việc tôi đã trình bày ở trên. Xin được chia sẻ cùng các bạn.

Exit mobile version