Như các bạn biết hít thở là quá trình trao đổi khí: thải ra khí độc ( phần lớn là CO2) và hấp thu dưỡng khí ( Oxy = O2 ) vào cơ thể. Sự trao đổi này chủ yếu ở phế nang. Phế nang là đơn vị chức năng của phổi. Phổi có hàng trăm triệu phế nang. Nếu con người ngưng thở hơn 5 phút đã có vấn đề lớn rồi
Như vậy hít thở là động tác thiết yếu cho sự sống.
Nhưng tại sao trong khi tập hít thở ( tập Khí công ) lại xảy ra tình trạng “ tẩu hoả nhập ma ” ?
Tại sao tôi bị đầy bụng, tức ngực khó thở, nóng mắt, cảm giác bức rức và mệt muốn đứt hơi sau khi tập khí công một thời gian? Các bạn có gặp tình trạng “ tẩu hỏa nhập ma ” này không? Tại sao?? Tại sao??? Câu hỏi này đã theo tôi hơn ba mươi năm.
Có người nói tại tôi hít vào quá sâu, qua khỏi huyệt Đan Điền ( cách rốn một thốn rưởi tương đương với chiều ngang của ba ngón tay trỏ, giữa, áp út ) và chạm đến vùng những huyệt liên quan đến vùng sinh dục ( huyệt Trung cực ) nên mới xảy ra tình trạng trên. Tôi chỉ nghe, ghi nhận nhưng thật tình vẫn chưa “ tâm phục khẩu phục ”. Tôi nghĩ tất cả phải giải thích bằng khoa học và phải hiểu rõ ràng mới được
Ba mươi năm lẩn quẩn để tìm ra lời giải thích, ba mươi năm rất thích tập khí công mà không dám tập, sách Khí công mua rồi cũng xếp lại ở đầu giường. Sau một thời gian, tôi đã tự tìm ra câu trả lời tại sao tôi bị tẩu hỏa nhập ma, và từ đó tôi biết được cơ chế của hít thở và hiểu được tại sao tôi bị “ tẩu hoả nhập ma ” khi tập hít thở sai. Tuy nhiên câu trả lời này chưa hẳn được tất cả các bạn hài lòng. Nhưng bấy nhiêu cũng đũ làm thỏa mãn những thắc mắc về tác hại do cách hít thở sai, cho riêng tôi.
Các bạn đọc sách khí công, hoặc nghe những người tập khí công có những cách nói như: Hít sâu cho khí đi vào Đan điền, hoặc dẩn khí theo 2 kênh Nhâm Đốc. Hay dẩn khí ra bàn tay và thậm chí đến cả hai bàn chân.
Những tác giả và người tập Khí công đều đưa ra dẩn chứng: Nếu khí, không đến đan điền thì tại sao vùng đan điền ( vùng dưới rốn 1,5 thốn ) to ra khi chúng ta hít vào? Còn nếu khí không đi xuống chân thì tại sao bàn chân trở thành màu đỏ, hồng hào và có cảm giác rần rần như khí chuyển động???
Bây giờ hãy gát lại những hiện tượng và lý giải này để chúng ta quan sát quá trình hít thở một cách khoa học, khách quan.
HỆ HÔ HẤP của con người bắt đầu từ mũi, khí quản, phế quản phải và trái, rồi những tiểu phế quản rồi những phế quản cực nhỏ là phế quản tận, cuối cùng là những chùm phế nang.
Xung quanh những chùm phế nang có rất nhiều mạch máu nhỏ. Không khí khi được hít vào sẽ đi theo trình tự từ mũi, hầu, khí quản, phế quản… và cuối cùng đến các phế nang
Chúng ta hãy quan sát tiếp đến HỆ TUẦN HOÀN. Hệ tuần hoàn gồm tim và hệ thống mạch máu. Tim có hai buồng trái và phải, được ngăn cách bằng một vách. Tim trái đẩy máu đỏ có nhiều dưỡng khí và chất bổ dưỡng vào hệ động mạch đến nuôi dưỡng các cơ quan, tế bào trong cơ thể.
Tại đây sau khi làm nhiệm vụ cung cấp dưỡng khí và chất dinh dưỡng, máu đỏ sẽ nhận lấy chất cặn và thán khí ( khí CO2 ) để trở thành máu đen và theo hệ tĩnh mạch để trở về tim phải. Máu đen từ tim phải qua động mạch phổi, đến phổi rồi máu đen sẽ len lỏi trong các mạch máu thật nhỏ bao quanh các phế nang.
Lúc các bạn hít vào sẽ mang dưỡng khí vào tận các phế nang. Sự trao đổi khí và máu tại đây ( tại vô số phế nang và vô số mạch máu nhỏ bao quanh phế nang gọi là hệ mao mạch phổi ) sẽ làm cho máu đen nhiều thán khí ( khí CO2 ) trở thành máu đỏ nhiều dưỡng khí ( Oxy hay khí O2 ). Máu đỏ lại trở về tim trái và bắt đầu một chu trình mới ( các bạn xem hình minh hoạ bên dưới )
* Xin các bạn chú ý sự trao đổi khí tại các phế nang có hoàn toàn hay không? Điểm chính là ở thì thở ra. Khi các bạn thở sạch ra hết những khí cặn ở các túi phế nang thì đường dẩn khí ( từ mũi, khí quản, phế quản lớn, phế quản tận, các phế nang ) mới trống trải, thì lúc hít vào không khí sạch, mang nhiều dưỡng khí mới đi vào tận các phế nang để quá trình trao đổi khí tốt được
Còn nếu trong thì thở ra, các bạn thở ra không hết, số không khí cặn vẫn choán chỗ ở các túi phế nang thì không khí trong sạch không vào đến các phế nang, sự trao đổi khí tại phế nang sẽ không đạt yêu cầu. Lúc đó tại phế nang, cơ thể không nhận được không khí sạch, đồng thời trong cơ thể cũng không thải được chất cặn bả, chất độc, thán khí ra ngoài.
Nếu sự trao đổi khí ở phế nang không tốt, thì máu đen ( chứa nhiều thán khí= khí độc= CO2 ) đến phổi rồi khi trở lại tim trái, máu vẫn chưa thực sự đỏ. Cuối cùng là cơ thể chúng ta không được nuôi dưỡng mà còn bị ngộ độc.
Càng tập khí công kiểu này ( kiểu thở ra cạn, không đẩy hết thán khí từ các phế nang ra ) lâu ngày thì cơ thể càng bị ngộ độc nặng hơn.
* Và các bạn hãy chú ý thêm một điều quan trọng nữa. Trong khi hít vào, không những không khí đi vào phổi mà còn có một số khí đi vào trong dạ dày. Nếu chúng ta há miệng trong thì hít vào thì số không khí vào dạ dày càng nhiều hơn. Lâu ngày, không khí càng ứ ở dạ dày, gây cảm giác đầy bụng, ậm ạch. Khi dạ dày đầy hơi lại chèn ép cơ hoành lên tim gây tình trạng nặng ngực, khó thở, mệt, tim đập nhanh…
* Áp lực máu ở vùng đầu mặt tăng lên gây cảm giác nặng đầu, nóng mắt.
* Cơ thể tích lũy nhiều thán khí sẽ gây những biến đổi sinh học tạo cảm giác nóng, bức rức trong người.
* Hệ thần kinh bị kích thích khiến người tập Khí công sai sẽ có cảm giác bồn chồn, bực bội…
TÓM LẠI tất cả những triệu chứng đầy bụng, tức ngực, khó thở, nóng mắt, bức rức, mệt, tim đập nhanh do hít thở sai… theo tôi nghĩ đều do 2 cơ chế: một là sự trao đổi khí không tốt tại phế nang ( làm tăng nồng độ CO2 trong máu ), hai là sự chèn ép cơ hoành lên tim do dạ dày bị ứ đầy không khí
Vậy là Tất cả những biểu hiện gọi là “ tẩu hỏa nhập ma ” mà tôi đã bị khi tập Khí công sai đều được giải thích khoa học
* Có nhiều tác giả khuyên thở 3 thì ( hít vào, nín thở, thở ra ) hay thở 4 thì ( hít vào, nín thở, thở ra, nín thở ). Những tác giả này khuyến khích trong động tác hít thở phải có thì nín thở.
Thật tình tôi chưa có kinh nghiệm trong các cách tập hít thở có thì nín thở. Nếu nín thở, thì thời gian nín thở là bao lâu? Nín thở sau khi hít vào và nín thở sau khi thở ra có khác nhau gì không? Thì nín thở bao lâu thì tốt, tốt thì tại sao tốt? Và thời gian của thì nín thở bao lâu thì có hại? Tôi chưa nghe tác giả nào giải thích rõ ràng
Riêng tôi có thời gian tập Khí công theo tác giả Cương điền trong quyển Cái dũng của thánh nhân. Trong phương pháp hít thở này tôi có tự ý thêm vào động tác nín thở. Tôi không nhớ là lúc trước mình nín thở trong thời gian bao lâu trong 1 hơi thở. Tuy nhiên kinh nghiệm bị “ tẩu hoả nhập ma ” một lần TÔI SỢ CHO ĐẾN BÂY GIỜ
Ý kiến riêng của tôi trong việc tập Khí công ( tĩnh khí công hay động khí công): THỞ 2 THÌ ( thở ra, hít vào ) LÀ AN TOÀN NHẤT
- Một điểm không được hợp lý trong cách lý giải của người xưa: Như các bạn biết giữa ngực và bụng của chúng ta được ngăn cách bởi một cơ dày, chắc chắn gọi là cơ hoành. Cơ hoành ngăn cách ngực và bụng, chỉ chừa vài lổ kín để các mạch máu lớn và thực quản đi qua.
Như vậy, rõ ràng phổi và tim nằm trên, còn bụng nằm phía dưới cơ hoành
Không khí đi từ mũi vào khí quản, phế quản và đến tận cùng là các phế nang. Do đó dù hít vào thật sâu, không khí cũng chỉ đi vào hai phổi, chớ không thể đi xuống bụng, xuống huyệt Đan Điền ( dưới rốn 1,5 thốn ) được
* Nếu dựa vào chuyện thấy bụng phình nhẹ khi hít sâu rồi bảo đó là khí đi vào tận Đan Điền ( huyệt của Nhâm mạch, cách rốn 1,5 thốn ) là không hợp lý. Chẳng qua khi hít sâu, thể tích phổi giãn ra, nhất là 2 đáy phổi. Điều này làm đẩy cơ hoành xuống phía dưới gây cho vùng bụng phình nhẹ lên ( các bạn xem hình minh hoạ ngay phía dưới )
* Còn nói người tập khí công lâu ngày thì khí đi đến hai lòng bàn tay và hai bàn chân vì thế hai bàn chân và hai bàn tay trở nên hồng hào đồng thời có cảm giác rần rần bên trong “ thường gọi là cảm giác đắc khí ”. Đó chẳng qua là người tập khí công lâu ngày sẽ buông lỏng, thư giản được tốt hơn, mạch máu ở bàn chân và tay giãn ra. Người tập có cảm giác rần rần và da đỏ hồng là do máu tràn đến chỗ giãn. Chỉ có vậy thôi.
Như người uống rượu bia, mạch máu ở mặt, lòng bàn tay, chân cũng giãn và cũng đỏ hồng hào, cảm giác lâng lâng thoải mái không lẽ cũng nói “ đắc khí ” sao? Một số người bị tăng huyết áp mặt đỏ hoặc những cô gái hay có tính cả thẹn mặt đỏ rần cũng “ đắc khí ”?
* Còn những cách tập Khí công để có những khả năng huyền bí thì tôi chỉ nghe hoặc đọc qua sách chứ không được thấy tận mắt nên không đề cập ở đây
Khí công là phương pháp tập hít thở gồm 2 loại: động khí công ( Thái cực quyền, Bát đoạn cẩm, Dịch cân Kinh, Ngũ cầm Hí…) và tĩnh khí công ( tĩnh toạ ) đã được người xưa nghiên cứu lưu truyền. Khí công không có gì huyền bí, được hiểu đơn giản là cách tập hít thở đúng. Dịch cân Kinh, Thái cực Quyền, Bát đoạn Cẩm.. thuộc động khí công, cũng dựa trên cơ thể, không khí và những động tác, dựa trên mọi thực tiển của cuộc sống. Do đó tất cả những diển biến của cơ thể khi tập khí công đều phải được giải thích bằng khoa học .
@ Từ những nguyên tắc khoa học của động tác hít thở đã trình bày ở phần trên, chúng ta có thể áp dụng để tập hít thở, tập khí công cho có kết quả và nhất là được an toàn.
@ Hít thở trong tĩnh toạ phải thật nhẹ nhàng, toàn thân hầu như buông lỏng, hạn chế sử dụng các cơ.
Khi hít thở các bạn nên chú ý đến cảm giác cơ thể của chính mình, phải khoẻ khoắn, thanh thản. Từ tiêu chuẩn này, các bạn điều chỉnh hơi thở nhanh chậm, nhẹ mạnh cho hợp với mình . Nếu khi hít thở các bạn có cảm giác mệt thì cần phải xem lại hơi thở có êm dịu, tốc độ hơi thở có nhanh hay chậm quá không
Chúc các bạn nắm vững nguyên tắc hít thở để không bao giờ bị “ tẩu hỏa nhập ma ” khi tập khí công.