TRÚNG NẮNG!
Từ Sài Gòn, đi xe đò đến cây số 45 thì trời đã gần đứng bóng. Rồi từ đó đến bệnh viện phong, nơi tôi làm việc, hơn 3 km. Nhưng nắng ở vùng này thật chói chang, theo từng bước chân đi là bụi đỏ bay lên. Tôi mang ba lô, cùng anh bạn, đầu đội nón đi bộ vào bệnh viện, chỉ vài cây số thôi cũng đủ để cho mồ hôi nhễ nhại, chân tay tôi mỏi nhừ. Đến bệnh viện phong, cởi bộ đồ đang mặc ra rồi đi ra một cái giếng gần đó tắm. Và mỗi lần đi nắng rồi tắm ngay như vậy là mỗi lần người tôi sốt hầm hầm, hơi nóng như không thể thoát ra ngoài được. Vài hôm sau tôi mới khỏi.
Đó là câu chuyện hơn 40 năm về trước. Sau đó thì tình trạng trên không còn xảy ra nữa.
Tôi xin được nói lướt qua về tình trạng bệnh của tôi mà từ ngữ dân gian thường gọi là “trúng nắng”. Đây là tình trạng cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (là một nguồn nhiệt cao) trong thời gian lâu. Lúc đó trên cơ thể sẽ có 2 hiện tượng xảy ra:
– Một là cơ thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt (hơi nóng vào cơ thể mà không thể thoát ra ngoài ngay được).
– Hai là hầu hết bề mặt da (chủ yếu ở phần đầu, mặt, cổ, tay) bị ảnh hưởng bởi sức nóng gây nên giãn mạch máu bên ngoài.
Có thể chia Trúng nắng làm 2 mức độ: là Trúng nắng nhẹ (heat exhaustion) và Trúng nắng nặng (heat-stroke).
Trúng nắng nhẹ (heat exhaustion) có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Rất hiếm, cũng có vài trường hợp Trúng nắng nặng (heat-stroke) cần phải nhập viện.
Khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng gắt của mặt trời trong thời gian lâu, hoặc kết hợp với sự hoạt động (đi bộ nhanh, chạy bộ, làm việc…) hay quần áo quá dày quá chật… đều có thể gây nên tình trạng: đổ mồ hôi, mất nước, mất các chất khoáng (Na, Cl, K…), mạch nhanh, cơ thể suy kiệt, hoa mắt, có thể buồn ói, đau nhức các cơ bắp …
Bây giờ, khi đi nắng về (dù khi đi ngoài nắng tôi luôn luôn đội nón), tôi đã có cách xử lý nhẹ nhàng hiệu quả để tránh tình trạng trúng nắng nhẹ:
Khi đi nắng về tôi không tắm nước lạnh ngay, dù lúc đó cơ thể rất dơ do bụi và mồ hôi. Vì khi tắm nước lạnh thì toàn bộ hệ thống mạch máu dưới da sẽ co lại đột ngột, máu (đồng thời cùng với nhiệt đột cao) sẽ dồn vào các tạng bên trong (gan, tim, thận, não…) gây nên tình trạng bức rứt khó chịu, 2 mắt và toàn bộ cơ thể đều có cảm giác nóng (bốc hỏa).
Nên việc đầu tiên và quan trọng nhất là tôi rửa mặt, tay bằng nước ấm rồi ngâm 2 chân vào nước nóng khoảng 10 phút, giúp máu từ phần đầu, mặt, mắt, cổ trở xuống 2 chân để điều hòa lại nhiệt độ phần đầu và chân.
Kế tiếp uống 1 ly nước chanh muối và đường (Nếu có điều kiện, các bạn có thể uống 1 gói Hydrite hòa với 1 ly nước sôi đã để nguội, khoảng 200 ml) để bổ sung thêm nước, đường, muối khoáng (Sodium bicarbonate, Sodium chlorure, Dextrose, Kali…). Khoảng 1 giờ sau các bạn có thể uống lặp lại.
Sau đó tôi lên giường nằm nghỉ hay ngủ một giấc.
Buổi chiều ăn cháo hay ăn ít cơm và các thực phẩm dễ tiêu, ít dầu, mỡ.
Ngày hôm sau tôi có thể sinh hoạt và tắm nước lạnh bình thường. Chỉ đơn giản như vậy mà tôi không còn bị “trúng nắng” như trước nữa.
Hy vọng các bạn có một cách hữu hiệu để tránh tình trạng “trúng nắng” xảy ra khi đi nắng về.