Site icon CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN

TUYỆT QUÁN LUẬN

Chân thành cảm ơn sự hoan hỉ đồng ý của chị Ngọc Bảo cho phép đăng bản dịch “ Tuyệt Quán Luận ” lên trang web chuabenhdongian.com      Bs Huỳnh Hải

(Tuyệt Quán Luận là một văn bản cổ xưa về Thiền được tìm thấy khi động Ðôn Hoàng được khám phá vào năm 1900. Bản văn này được nhiều người cho là tác phẩm của chính Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma. Nhưng cũng như tất cả những gì liên quan đến Tổ Ðạt Ma, không có một chứng cớ nào chắc chắn để khẳng định điều đó là có thật hay không. Tuy nhiên, trong văn bản này ta thấy hiển hiện tinh thần Thiền thật sâu sắc và bao la như những điều đã được Tổ Ðạt Ma truyền lại.


”Tuyệt Quán Luận” đã được ông Vũ Thế Ngọc dịch và xuất bản năm 1983. Bản dịch sau đây do tôi dịch lại từ bản Hán văn và tham chiếu phần lớn vào bản dịch của ông Vũ Thế Ngọc , cũng là để cho tự mình sáng tỏ hơn trên con đường học đạo.)

ĐOẠN MỘT

Ðại đạo vốn không lặng, bao la mà thâm diệu, không thể lấy tâm mà hỏi, không thể lấy lời mà giải được. Nay cho là có hai người đang cùng nhau luận bàn những điều chân thực. Sư chủ tên Nhập Lý, đệ tử hiệu là Duyên Môn. Lúc bấy giờ tiên sinh Nhập Lý lặng yên không nói, bỗng Duyên Môn đứng dậy hỏi rằng:

- Cái gì gọi là tâm? Thế nào là an tâm?

Ðáp: – Không cần phải lập ra tâm để mà cố cho được an, thế gọi là an vậy.

Hỏi: – Nếu không có tâm , lấy gì học Ðạo?

Ðáp: – Ðạo vượt ra ngoài sự suy nghĩ của tâm, cần gì phải lấy tâm để tìm đạo?

Hỏi: – Nếu không lấy tâm suy nghĩ, vậy lấy gì để suy nghĩ?

Ðáp: – Có suy nghĩ tức là có tâm, có tâm tức không phải Ðạo. Không suy nghĩ là không tâm, không tâm mới thực là Ðạo (chân đạo).

Hỏi: – Mọi chúng sanh thực đều có tâm chăng?

Ðáp: – Nếu chúng sanh đều có tâm thực, tất sẽ điên đảo. Bởi từ chỗ không tâm mà lập ra tâm nên mới sinh ra vọng tưởng.

Hỏi: – Vô tâm có gì chăng?

Ðáp: – Vô tâm là không rỗng, không rỗng là thiên chân (chân lý sẵn có), thiên chân tức là đại đạo.

Hỏi: – Vọng tưởng chúng sinh có gì diệt được chăng?

Ðáp: – Nếu thấy vọng tưởng lại muốn diệt vọng tưởng thì không xa vọng tưởng được.

Hỏi: – Nếu không diệt vọng tưởng thì có hợp đạo lý không?

Ðáp: – Nói hợp với không hợp đã là không xa lìa vọng tưởng được rồi.

Hỏi: – Vậy phải làm gì?

Ðáp: – Chẳng làm gì cả.


ĐOẠN HAI




Duyên Môn lại hỏi:

- Thánh nhân bỏ pháp gì, hay được pháp gì mà thành bậc thánh?

Nhập Lý đáp:

- Không bỏ pháp nào, không được pháp nào tức là thánh vậy.

Hỏi: – Nếu không bỏ cũng không được, vậy có gì khác với phàm phu?

Ðáp: – Không giống, là tại sao? Vì phàm phu thẩy đều còn mong bỏ (sở đoạn), còn mong được (sở đắc).

Hỏi: – Nếu nói rằng phàm có sở đắc, thánh không có sở đắc, vậy được và không được (đắc và bất đắc) có gì khác nhau?

Ðáp: – Phàm nhân còn có sở đắc, tức là còn hư vọng, còn hư vọng nên mới luận bàn giống hay không giống. Không còn hư vọng, tức không còn có gì khác hay không khác nữa.

Hỏi: – Nếu không có gì khác, vậy cái gì lập thành thánh nhân?

Ðáp: – Phàm phu với thánh nhân đều chỉ là cái tên gọi. Tên gọi vốn không có sự phân biệt trong đó. Cũng giống như thuyết lông rùa, sừng thỏ (những chuyện không tưởng) vậy.

Hỏi: – Nếu nói thánh nhân cũng giống như lông rùa sừng thỏ, tức mọi sự chỉ là không huyễn, vậy người ta phải học gì đây?

Ðáp: – Ta nói lông rùa là không, chứ không nói rùa là không. Ngươi thấy ví dụ đó khó hiểu ư?

Hỏi: – Không lông ví cho cái gì? Rùa ví cho cái gì?

Ðáp: – Rùa ví cho Ðạo, lông ví cho cái Ngã. Bởi thánh nhân không có Ngã nên có Ðạo, ngược lại phàm phu có ngã, có danh nên cũng như chấp có lông rùa, sừng thỏ vậy.

Hỏi: – Như vậy Ðạo là có, mà Ngã là không. Nếu là Có với Không như vậy, sợ lại có cái kiến chấp là không phải Có với Không như vậy chăng?

Ðáp: – Ðạo không phải là có, Ngã không phải là không. Bởi vì sao? Là vì rùa không phải là trước không có mà nay có, nên không nói là có, lông không phải là trước có mà nay không có, nên không nói là không. Ðạo với Ngã cũng được hiểu như vậy thôi.

Hỏi: – Nói về người cầu đạo , chẳng hay chỉ có một người được đắc đạo thôi, hay mọi người đều được đắc, hay mỗi người mỗi đắc riêng biệt, hay nhiều người hợp nhau lại cùng đắc? Chẳng hay vì bản lai vốn có hay vì tu tập mà mới có được?

Ðáp: – Ðều không phải như vậy. Ðó là bởi vì, nếu chỉ một người đắc đạo, tất đạo không phổ biến; nếu mọi người đều đắc, tất đạo không thâm sâu (hữu cùng); nếu mỗi người mỗi đắc riêng biệt, tất đạo không chung nhất (có nhiều loại); nếu hợp nhau mà đắc, tất mọi phương tiện thành không . Nếu bản lai vốn có, đâu cần phải tu vạn hạnh ? Nếu nhờ tu tập mà thành, thì đó chỉ là giả tạo không thực.

Hỏi: – Như vậy, nói cho cùng (cứu cánh) là gì?

Ðáp: – Lìa bỏ mọi tính toán, chặt đứt mọi tham dục.

ĐOẠN BA

Duyên Môn hỏi: “Phàm phu có thân, nên thấy, nghe, cảm biết mọi việc; thánh nhân cũng có thân, nên cũng thấy nghe, cảm biết. Như vậy có gì khác nhau chăng?”

Nhập Lý đáp: “Phàm phu thấy bằng mắt, nghe bằng tai, cảm bằng thân, biết bằng ý; thánh nhân không nghe bằng cái nghe của tai, không thấy bằng cái thấy của mắt, cho đến cái biết cũng không bằng cái biết của ý. Tại sao vậy? Là vì đã không còn có sự tính toán nào vậy.

Hõi: – Tại sao trong kinh nói thánh nhân không có thấy nghe cảm biết?

Ðáp: – Thánh nhân không có cái thấy nghe cảm biết của phàm phu, cũng không có cái cảnh giới của thánh nhân, là bởi vì không chấp nơi cái có cái không, nên không có sự phân biệt so sánh.

Hõi: – Phàm phu có cảnh giới của phàm chăng?

Ðáp: – Nếu thực sự không có vọng tưởng mê lầm (hư vọng), thì bản lai là tịch diệt; còn nếu bị vọng tưởng chi phối, tất sinh điên đảo.

Hõi: – Con không hiểu, thế nào là thánh nhân không thấy bằng cái thấy của mắt, không biết bằng cái biết của ý?

Ðáp: – Pháp thể (pháp tánh, tự tính) khó thấy biết được. Ví như lấy ánh huyền quang mà soi chiếu vật, như cái chiếu cũng là cái bị chiếu, như mắt nhìn ra ngoài nhưng không thể tự thấy mình được; cũng như âm dương trong vạn vật, như cái biết cũng là cái bị biết, không Ý nào có thể tự biết lấy mình được.

ĐOẠN BỐN




Duyên Môn đứng lên hỏi: “Ðạo cứu cánh có thuộc về ai chăng?”

Ðáp: – Cứu cánh không thuộc về ai cả, cũng như không trung không nương tựa vào đâu ; đạo mà có lệ thuộc tức là có đóng có mở, có chủ có khách vậy.

Hỏi: – Gốc của Ðạo là gì? Dụng của Pháp là gì?

Ðáp: – Gốc của Ðạo là chân không, Dụng của Pháp là sum la vạn tượng (mọi hiện tượng trên thế gian).

Hỏi: – Ai là người tạo tác trong đó?

Ðáp: – Thực không ai tạo ra cả, mà là tính pháp giới tự nhiên thôi.

Hỏi: – Không phải là do nghiệp lực chúng sanh mà ra sao?

Ðáp: – Phàm đã thọ nghiệp thì bị nghiệp ràng buộc, tự nơi mình mà ra chứ chẳng phải do đâu khác. Làm sao có thể thong thả mà kết thành biển, chất thành núi, an thiên lập địa được.

Hỏi: – Con nghe Bồ tát do ý mà sinh thân, không phải là do lực thần thông sao?

Ðáp: – Phàm phu có nghiệp chướng hữu lậu, thánh nhân không có nghiệp chướng (vô lậu). Cái đó tuy có hơn có khác , nhưng cũng chưa phải là cái đạo tự nhiên. Cho nên kinh nói: từ biết bao nhiêu ý sinh thân, chung quy cũng là ở nơi tâm mà ra.

Hỏi: – Như đã nói Không là gốc của Ðạo, vậy Không có phải là Phật chăng?

Ðáp: – Như thị (đúng vậy)

Hỏi: – Nếu Không là Phật, sao thánh nhân không khiến mọi chúng sinh niệm Không, mà lại bảo chúng sinh niệm Phật?

Ðáp: – Vì chúng sinh ngu si, nên mới bảo niệm Phật. Nhưng nếu đối với người có đạo tâm, tất bảo quán thực tướng của thân, cũng như là quán Phật vậy. Nói thực tướng có nghĩa là nói Không, là vô tướng vậy.

ĐOẠN NĂM




Duyên Môn đứng lên hỏi: ” Con nghe nói ngoại đạo đắc được ngũ thông, Bồ tát cũng vậy, như thế hai bên có gì khác nhau chăng?”

Nhập Lý đáp: “Không giống. Bởi vì sao? Là vì ngoại đạo cho là họ đã đắc được điều gì đó, Bồ tát thì không như vậy, vì đã đạt tới mức vô ngã rồi vậy. “

Hỏi: – Lúc mới đầu, người phàm học đạo chưa hiểu thấu được lý đạo, chân như còn mơ hồ, diệu lý cũng chỉ biết thoáng qua; trong khi đó ngoại đạo đầy đủ ngũ thông, thì có gì hơn được?

Ðáp: – Trước hết hãy lo giữ lấy phần hiểu biết nhỏ bé mình có được, đắc thần thông đó để làm gì?

Hỏi: – Nếu đắc được ngũ thông thì sẽ được đời tôn kính, sẽ được đời nể trọng, trước biết được việc sắp đến, cũng như việc đã qua, tự mình phòng ngừa không phạm điều quấy, há chẳng hơn sao?

Ðáp: – Không phải vậy, là vì sao? Con người ta thường hay dính mắc nơi hình tướng, tham luyến sự nghiệp, theo tà ngụy mà làm loạn điều chân chính. Những kẻ ấy dù có được thần thông như Thắng Ý, có biện tài như Thiện Tinh (nhân vật trong kinh), mà không hiểu được cái lý của thực tướng, thì cũng đều không khỏi thoát chết nơi nạn đất lở vậy (không ra khỏi luân hồi sinh tử).







ĐOẠN SÁU




Duyên Môn hỏi: “Ðạo chỉ có ở trong linh hình chăng, hay cũng có trong thảo mộc nữa?”

Nhập Lý nói: “Ðạo có khắp cùng mọi nơi.”

Hỏi: – Ðạo có khắp cùng như vậy, tại sao hại người là có tội, mà hại thảo mộc là vô tội?

Ðáp: – Nói tội hay không tội, đều là lấy tình mà xét sự việc, không phải là chính đạo. Bởi người đời không đạt được đạo lý, lầm tưởng cái thân ngã là thật, bị hại nên lập tâm, tâm kết thành nghiệp, nên nói là có tội. Còn thảo mộc vốn vô tình, bản lai hợp với Ðạo, lý là vô ngã, có bị hại cũng không kể đến, nên không luận là có tội hay vô tội. Cho nên vô ngã là hợp với Ðạo, thấy thân hình như cây cỏ, có bị chém cũng như cây rừng bị đốn mà thôi. Cho nên ngài Văn Thù cầm kiếm chém Cồ Ðàm, Ương Quật cầm đao đâm Thích Ca, tất cả đều hợp với Ðạo, đều chứng được vô sanh, hiểu thấu được lý huyễn hóa hư vô của mọi sự, cho nên không còn luận bàn có tội hay không có tội.

Hỏi: – Nếu thảo mộc từ lâu nay vốn hợp Ðạo, sao trong kinh không thấy ghi chép cỏ cây thành phật, mà chỉ thiên về con người thành phật?

Ðáp: – Không phải chỉ có ghi người, mà cũng có nói đến thảo mộc nữa. Trong kinh có nói: Trong một hạt bụi nhỏ đã có chứa hết mọi pháp. Kinh lại nói rằng: Tất cả mọi pháp đều như vậy, tất cả chúng sinh cũng đều như vậy, không có khác nhau, không có hai.






ĐOẠN BẨY




Duyên Môn hỏi: – Như vậy nếu đến tận cùng tất cả đều theo lý không, lấy gì để chứng đạo?

Nhập Lý đáp: – Cầu trong tất cả mọi sắc tướng, chứng trong lời nói của chính mình.

Hỏi: – Thế nào là cầu trong tất cả mọi sắc tướng? thế nào là chứng trong lời nói của chính mình?

Ðáp: – Không và sắc đều là một với nhau, lời nói và chứng đạo cũng chẳng phải là hai cái khác nhau.

Hỏi: – Nếu tất cả pháp là không, tại sao thánh thì thông suốt, phàm lại u mê chướng ngại?

Ðáp: – Vì vọng động nên u mê, còn thực tĩnh lặng thì thông suốt.

Hỏi: – Nếu thật mọi pháp là không, vậy cái gì là vô minh? Và nếu đã vô minh, cớ sao lại thành không được?

Ðáp: – Nói đến vọng là chợt khởi, chợt động bất cứ lúc nào. Còn như trong thể không thì không có một pháp nào, cũng không có vô minh.

Hỏi: – Nếu thực pháp giới là không, thì mọi chúng sanh đâu cần phải tu đạo? Là bởi vì tánh tự nhiên đã như vậy rồi còn gì?

Ðáp: – Mọi chúng sanh nếu thực hiểu được lý không thì đúng là chẳng cần tu đạo. Nhưng bởi vì trong cái không mà làm ra cái có, cho nên mới sinh mê hoặc.

Hỏi: – Nếu như vậy, ra khỏi mê hoặc là Ðạo chăng? Vậy tại sao nói tất cả không có gì là Ðạo?

Ðáp: – Không phải thế. Không phải mê hoặc là Ðạo, mà cũng không phải rời mê hoặc là Ðạo. Tại sao vậy? Vì cũng như người say thì không tỉnh, lúc tỉnh thì không say. Cho nên không phải không say mới là tỉnh, cũng như không phải say tức là tỉnh.

Hỏi: – Nếu khi người ta tỉnh, thì cái say đó ở đâu?

Ðáp: – Thì cũng như bàn tay lật lại vậy. Lúc lật bàn tay rồi, cần gì phải hỏi bàn tay ở đâu nữa?

 



ĐOẠN TÁM

Duyên Môn hỏi: – Nếu người chưa đạt được lý đạo như vậy , có thể nào thuyết pháp giáo hóa chúng sanh được chăng?

Nhập Lý đáp: – Không được. Cớ sao? Là bởi vì mắt mình còn chưa tỏ, làm sao đòi chữa mắt cho người được.

Hỏi: – Nhưng nếu tùy theo trí lực của mình, dùng phương tiện mà hóa độ, cũng không được sao?

Ðáp: – Nếu là người đạt được đạo lý mới gọi là trí lực. Còn không đạt được đạo lý thì đó là vô minh lực. Vì sao vậy? Vì cái khí lực đó chỉ làm tự mình tăng phiền não thôi.

Hỏi: – Tuy không thể đem chân lý hóa độ cho người, nhưng cũng dậy chúng sinh hành thập thiện, trì ngũ giới, được sự an lành nơi cõi trời người, há chẳng ích lợi sao?

Ðáp: – Lý lẽ như vậy là vô ích, lại còn chiêu thêm sự tổn hại gấp đôi. Vì sao? Là bởi vì tự mình đã hãm rồi lại còn làm người khác hãm theo. Tự mình hãm, tức là tự mình chướng ngại đối với Ðạo, hãm người tức là khiến người ta không thể thoát được luân hồi lục đạo vậy.

Hỏi: – Thánh nhân ( phật) há chằng nói rằng có năm thừa sai biệt với nhau đó sao?

Ðáp: – Thánh nhân khi nói pháp sai biệt không có tâm ý gì, chỉ vì tự tâm chúng sinh có hi vọng (nơi sự sai biệt ấy) mà thôi . Cho nên kinh nói: “Nếu như tâm không còn, thì không còn có xe (thừa) cũng không còn người đi xe (thừa giả), không có lập nên thừa nào nữa, cho nên ta (Như Lai) mới nói là nhất thừa vậy.”

ĐOẠN CHÍN

Duyên Môn hỏi: – Tại sao người học đạo chân chính không được người ta biết đến, không được người ta nhận ra?

Ðáp: – Ðồ trân quý kẻ bần cùng không thể nhận biết được, bậc chân nhân kẻ tà ngụy không thể nhận ra được.

Hỏi: – Thế gian có những kẻ giả dối, không theo chính lý, bên ngoài thì ra vẻ uy nghi, mà chỉ chuyên lo toan tính sự nghiệp, nhưng lại có được nhiều người thân cận cả nam lẫn nữ, là tại sao?

Ðáp: – Thì cũng như dâm nữ dụ được nhiều người nam, thịt thối thì ruồi bu lại. Thế nên , mới nói là “danh như thế nào thì chiêu được sự như thế nấy” vậy.


ĐOẠN MƯỜI




Duyên Môn hỏi: – Thế nào là Bồ Tát hành đạo-không-phải-đạo (hành phi đạo), mà lại thông đạt được Phật đạo?

Ðáp: – Không phân biệt thiện ác !

Hỏi: – Thế nào gọi là không phân biệt?

Ðáp: – Ðối với mọi pháp đều không sinh tâm.

Hỏi: – Vậy không có người hành động hay sao?

Ðáp: – Chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không có người hành động.

Hỏi: – Vậy không có tri giác hay sao?

Ðáp: Có tri giác nhưng không có cái ngã.

Hỏi: – Không có ngã, làm sao biết được?

Ðáp: Cái biết bản chất nó là vô tánh rồi.

Hỏi: – Cái ngã có làm chướng ngại gì cho Ðạo?

Ðáp: – Nếu chỉ biết đến cái tên thôi thì không có gì trở ngại, chỉ sợ trong tâm sinh ra chuyện thôi.

Hỏi: – Sinh chuyện thì có trở ngại gì?

Ðáp: – Không có trở ngại là không có chuyện (vô sự). Ðã vô sự rồi, còn hỏi trở ngại gì nữa?

Hỏi: – Nếu giảm thiểu mọi sự để thành người vô sự, thế nào gọi là hành đạo-không-phải-đạo (hành phi đạo) ?

Ðáp: – Kỳ thực đã vô sự, đâu cần phải cố khiến cho sự sinh ra làm gì?

Hỏi: – Trong trường hợp nào thì sát sanh được?

Ðáp: – Lửa rừng đốt núi, cuồng phong làm đổ cây, sườn núi sập đè thú, nước ngập cuốn trôi côn trùng, nếu tâm đồng như vậy, nếu người hợp được như vậy có sát cũng không sao. Còn nếu tâm do dự, thấy có sống có sát hại, trong tâm cứ như vậy bất tận, dù cho giết con kiến cũng buộc người ta vào một cái mạng vậy.

Hỏi: – Trong trường hợp nào thì trộm đạo được?

Ðáp: – Ong chích mật hoa bên hồ, chim sẻ ngậm hạt ngoài sân, bò gặm nhấm hạt đậu bên lạch, ngựa nhai lúa ngoài đồng, hết thẩy đều không thấy có phạm đến vật của người, nếu hợp được vậy có bứng cả ngọn núi cao đi cũng không sao, còn nếu không thế dù có lấy một lá nhỏ như kim châm cũng buộc người ta vào nô lệ vậy.

Hỏi: – Trong trường hợp nào thì hành dâm được?

Ðáp: – Trời phủ lấy Ðất, dương hợp với âm, nước tràn lên từ khe thuyền, suối tuôn chẩy theo lạch nước; tâm được như vậy, có làm gì cũng không chướng ngại. Còn nếu nẩy tình phân biệt, dù cho đối với vợ ở nhà cũng bị ô nhiễm vậy.

Hỏi: – Trong trường hợp nào thì vọng ngữ được?

Ðáp: – Lời mà không có chủ ý, nói mà không có dụng tâm, tiếng như tiếng vang của chuông, hơi như âm gió (lời nói phát xuất tự nhiên, vô tâm, vô tình, do cần thiết mà nói); nếu tâm giống được như vậy, có nói gì đến Phật cũng không sao, còn nếu không thế, dù có xưng tán Phật cũng chỉ là vọng ngữ.





 

ĐOẠN MƯỜI MỘT




Duyên Môn đứng lên hỏi: – Nếu không còn thấy cái thân ngã, vậy ai đi đứng ngồi nằm?

Ðáp: – Cứ đi đứng ngồi nằm, cần gì phải thắc mắc là có thấy thân ngã hay không.

Hỏi: – Nhưng nếu không có ai tồn tại ở đó, làm sao suy nghẫm về nghĩa lý được?

Ðáp: – Nếu còn chấp nơi tâm, dù cho không suy nghĩ cũng vẫn là có. Còn nếu hiểu được vô tâm, dù có suy tư cũng vẫn là không. Vì sao? Vì cũng như thiền sư ngồi tĩnh tọa thấy biết những khởi niệm trong tâm, dù cho có cuồng phong loạn động thì cũng vẫn vô tâm như thường.

ĐOẠN MƯỜI HAI




Duyên Môn hỏi: – Nếu như có người mới học đạo, bỗng gập nhân duyên có người khác muốn hại, phải làm sao đối trị cho hợp đạo lý?

Ðáp: – Không cần phải mỗi cái mỗi đối trị. Tại sao vậy? Nếu tránh được thì tránh, không tránh được thì chịu; nếu nhẫn nhịn được thì nhẫn nhịn, không nhẫn nhịn được thì cứ khóc.

Hỏi: – Nếu khóc, có gì khác hơn với kẻ có ngã kiến thường tình?

Ðáp: – Như dùi đánh chuông, tiếng vang tự phát ra. Hà tất phải có ngã nào đâu? Còn như bị bức bách phải chết mà chưa đang tâm, có cắn răng nhẫn nhục thì thật ra cũng chỉ là nuôi lấy cái ngã to tướng mà thôi.

Hỏi: – Con người ta khóc lóc bi ai là có tình cảm khởi động trong đó, há lại giống như tiếng chuông được sao?

Ðáp: – Nói giống hay không giống là do người ta đa sự, vì vọng tưởng tính toán nghĩ suy cho nên mới đặt câu hỏi. Còn nếu tâm không phân biệt thì mọi sự là thể đạo tự nhiên thôi.

Hỏi: – Con nghe nói thánh nhân gập binh cũng không bị thương tổn, gập khổ cũng không uốn cong người, gập sắc cũng không thụ hưởng, tâm an nhiên bất động, như vậy tức là sao?

Ðáp: – Nếu hiểu tất cả mọi pháp là vô ngã, thì tiếng hay không tiếng, động hay không động đều là hợp đạo lý, không thấy có chướng ngại.

ĐOẠN MƯỜI BA




Duyên Môn hỏi: – Con thấy có người học đạo mà không chịu tinh chuyên giới hạnh, không lo giữ gìn uy nghi, chẳng hóa độ chúng sinh, cứ tà tà buông trôi theo vận mệnh, vậy là thế nào?

Ðáp: – Chỉ cầu sao bỏ hết mọi tâm phân biệt, giảm hết mọi kiến chấp. Tuy bề ngoài trông có vẻ buông trôi như vậy, nhưng thật ra bên trong vẫn luôn luôn chuyên cần đó vậy.

Hỏi: – Nếu như vị hành giả đó lại sinh cái kiến chấp như con trẻ, làm sao nói là đã giảm mọi kiến chấp được?

Ðáp: – Chỉ cầu tự mình bỏ được kiến chấp, cần gì phải lo đến người khác có sinh kiến chấp hay không. Cũng như con cá ra khỏi vực sâu, nào có nghĩ gì đến người bắt có ghét nó hay không.

Hỏi: – Nếu như vậy thì chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà có hại cho người, làm sao gọi là đại sĩ được?

Ðáp: – Nếu chính mình không sinh kiến chấp, thì sẽ không thấy người sinh. Còn nếu cứ lo thắc mắc chuyện người sinh kiến chấp, thì đó là chính mình đã tự sinh ra rồi, chứ chẳng phải người.

Hỏi: -Trong thông đạt lý Ðại thừa, nhưng ngoài lại hành xử như Tiểu thừa, điều đó có hại gì không?

Ðáp: – Nay ngươi lại muốn bắt người già chơi trò con trẻ sao? Có ích lợi gì cho nghĩa lý không?

Hỏi: – Nếu như bậc đại sĩ đã giảm bỏ được kiến chấp, thì ai là người nhận biết được điều đó?

Ðáp: – Người chứng ngộ sẽ nhận ra được, người hành trì sẽ hiểu ra được.

Hỏi: – Bậc đại sĩ như vậy có hóa độ chúng sinh được không?

Ðáp: – Có trăng sao nào mà lại không tỏa chiếu , có ngọn đèn nào mà không có ánh sáng?

Hỏi: – Vậy dùng phương tiện gì?

Ðáp: – Ði thẳng không cần phương tiện gì cả.

Hỏi: – Nếu không dùng phương tiện, làm sao có lợi ích cho chúng sinh?

Ðáp: -Vật đến thì lấy tên gọi, sự việc qua thì phản ứng lại. Tất cả chỉ tùy duyên, không dự đoán, tính toán gì cả.

Hỏi: – Con nghe nói Như Lai tư duy bẩy ngày mới tìm được phương tiện, nay sao lại nói là không có tâm suy nghĩ tính toán gì cả?

Ðáp: – Cảnh giới của chư Phật đâu thể nào lấy tư duy lý luận hay quán sát mà biết được.

Hỏi: – Vậy Phật có nói dối không?

Ðáp: – Chỉ nói chân thật, không có dối.

Hỏi: -Vậy sao kinh nói (Phật có) tư duy, bây giờ lại bảo là không có tư duy?

Ðáp: -Ðó là vì phương tiện để hóa độ thôi.

Hỏi: -Phương tiện của chư Phật theo gì mà sinh ra?

Ðáp: -Chư Phật không sinh ra (phương tiện), chỉ tùy nơi tâm (chúng sanh) mà hóa. Theo nhân duyên mà biến hóa phương tiện, nhưng pháp bản lai vốn là không có tên.






ĐOẠN MƯỜI BỐN




Duyên Môn hỏi: Con không biết, thế nào gọi là Phật, thế nào gọi là Ðạo, thế nào gọi là biến hóa, thế nào gọi là thường trú?

Nhâp Lý trả lời: Giác ngộ hoàn toàn được lý không của vạn vật thì bảo là Phật, thông suốt mọi sự thì gọi là Ðạo, từ pháp giới xuất sinh gọi là biến hóa, đến chỗ tột cùng tịch diệt thì đó là thường trú.

Hỏi: – Thế nào gọi là tất cả pháp đều là phật pháp?

Ðáp:- Cái không phải pháp cũng không phải không pháp, tất cả đều là phật pháp vậy.

Hỏi: – Cái gì là pháp, cái gì là không pháp, cái gì là ” không phải pháp cũng không phải không pháp”?

Ðáp: – Cái gì pháp thì gọi là pháp, không pháp thì gọi là không pháp, còn cái gì không thể định lượng được thì gọi là “không phải pháp cũng không phải không pháp”.

Hỏi: – Ai chứng thuyết đó vậy?

Ðáp: – Ðã không có ai trong thuyết đó, làm sao nói chứng được.

Hỏi: – Không có ai làm sao có thuyết được?

Ðáp: – Không có ai cũng không có thuyết, thế mới gọi là chính thuyết.

Hỏi: – Thế nào là tà thuyết?

Ðáp: – Ðó là thuyết mà có sự tính toán trong đó.

Hỏi: – Nếu vậy, thế nào là không có tính toán?

Ðáp: Mưu tính là ở lời nói, nếu trong lời nói không có lời, thì mưu tính chẳng có.

Hỏi: – Nếu nói như vậy thì mọi chúng sinh bản lai vốn là giải thoát chăng?

Ðáp: – Vốn đã không có ràng buộc, làm gì còn có người được giải thoát?

Hỏi: – Pháp đó gọi là gì?

Ðáp: – Ðã không có pháp nào, làm sao có tên gọi được?

Hỏi: – Nếu nói như vậy, con càng khó hiểu.

Ðáp: – Thực ra không có pháp nào để giải, ngươi chẳng cần cầu giải làm gì.

Hỏi: – Vậy cứu cánh là gì?

Ðáp: – Không có bắt đầu, không có chấm dứt.

Hỏi: – Có thể nào không có nhân quả chăng?

Ðáp: – Không có gốc tức không có ngọn.

Hỏi: – Lấy gi chứng cho thuyết đó?

Ðáp: – Chân thực thì không chứng thuyết nào cả.

Hỏi: – Vậy thấy biết cái gì?

Ðáp: – Biết tất cả pháp đều là như thế , thấy tất cả pháp đều bình đẳng.

Hỏi: – Tâm nào biết được, mắt nào thấy được như thế?

Ðáp: – Biết trong cái không biết, thấy trong cái không thấy.

Hỏi: – Ai nói lời ấy?

Ðáp: – Thì cũng như ta-tự-hỏi đó.

Hỏi: – Thế nào là “như ta-tự-hỏi” ?

Ðáp: – Ngươi tự quán lấy câu hỏi, sẽ biết được câu trả lời.




Lúc ấy Duyên Môn suy đi nghĩ lại, lặng yên không nói một lời. Nhập lý tiên sinh bèn hỏi:

- Sao ngươi không nói vậy?


Duyên Môn đáp:

- Con không thấy một pháp nào, dù nhỏ như hạt bụi, có thể nói tới được.


Nhập Lý tiên sinh ngay lúc đó bèn nói với Duyên Môn rằng:

- Nay ngươi có vẻ như đã thấy được cái lý chân thật rồi vậy.






ĐOẠN MƯỜI LĂM




Duyên Môn hỏi: – Sao thầy nói con có vẻ như thấy mà không phải là thấy được đúng thực (chánh kiến) vậy?

Nhập Lý đáp: – Bởi vì cái thấy của ngươi bây giờ là không có một pháp nào trong đó. Cũng như ngoại đạo, chỉ học ẩn hình mà không thể làm mất được bóng, tiêu được dấu.

Duyên Môn hỏi: – Làm sao để diệt được cả hình lẫn bóng?

Nhập Lý trả lời: – Bản lai tâm cảnh vốn là không, ngươi chớ nên khởi quan niệm sinh diệt.

Hỏi: – Phàm phu thì hay hỏi, còn thánh nhân thì hay thuyết giảng chăng?

Ðáp: – Có nghi mới hỏi, có giải được nghi mới thuyết.

Hỏi: – Con nghe thánh nhân không hỏi mà tự thuyết, như vậy để giải điều gì? Có phải vì có pháp để mà thuyết chăng, hay vì thấy được cái nghi hoặc của người mà thuyết.

Ðáp: – Ðều là tùy theo bệnh mà cho thuốc. Cũng như tiếng động sấm sét tất có vang dội lại vậy.

Hỏi: – Phật vốn không có tâm sinh, sao lại hiện thân nơi cõi thế?

Ðáp: – Thì cũng như thời thái bình là duyên cho cỏ Thụy sinh ra.

Hỏi: – Như Lai vốn đã không có mệnh, sao lại phải tiêu vong đi?

Ðáp: – Thế gian khi có nạn đói là duyên từ ngũ cốc bị tiêu diệt vậy.

Hỏi: – Con nghe Thánh nhân (Phật) do thương xót mà khởi định, do từ bi mà hóa độ quần sinh, bao la thông suốt vô ngại, làm sao ví như cỏ Thụy được?

Ðáp: – Ðịnh là nói đến Pháp thân, còn Báo thân là thân tứ đại giả hợp. Tùy sự việc khác nhau mà ứng khởi thì gọi là Hóa thân. Pháp không có nhân ràng buộc, hóa không có lưu lại duyên, đến hay đi đều thông suốt, nên mới gọi là vô ngại.

Hỏi: – Thế nào gọi là Bi?

Ðáp: – Bởi vì Hóa thân không có tính toán suy tư, hợp với chân không, có lòng nhân từ mà vô tâm, thế nên gọi là Bi.

Hỏi: – Chúng sanh tu đạo đến lúc nào thì được giống như Như Lai?

Ðáp: – Nếu không hiểu, có tu đến Hằng hà sa số kiếp cũng chẳng đạt đến được. Còn nếu hiểu rồi thì chính thân hiện tại của chúng sinh là Như Lai, không cần phải luận bàn được giống hay không giống.

Hỏi: – Nếu nói như vậy thì dễ đắc được Như Lai quá, sao nói là phải tu đến ba đại kiếp mới được?

Ðáp: – Khó lắm!

Hỏi: – Nếu không chuyển động tức thân là Như lai, sao còn nói là khó?

Ðáp: – Khởi tâm là dễ, bỏ tâm là khó. Thấy thân là dễ, không thấy thân là khó. Hành động hữu ý (hữu tác) là dễ, không hữu ý (vô tác) là khó. Cho nên mới biết công phu huyền nhiệm khó hội được, chân lý kỳ diệu khó hợp được. Bất động tức là Chân thực, mấy người đến được tam thánh.



Lúc ấy Duyên Môn thét lên một tiếng dài, âm thanh tràn ngập mười phương. Rồi đột nhiên bặt tiếng, bỗng dưng đại ngộ. Huyền quang soi sáng trí tuệ tĩnh lặng, phản chiếu rõ ràng không nghi ngại. Thoạt tiên đã biết học đạo khó vô cùng, nay không còn suy tư huyễn mộng nữa. Bèn cất cao giọng nói: “Lành thay, lành thay! Như thầy không nói mà nói, con thực không nghe mà nghe. Nghe và nói hợp nhất, tức không nói mà tịch lặng. Không biết những câu vấn đáp từ đó tới nay, thầy có đặt tên cho là pháp gì không?”



Nhập Lý tiên sinh lúc ấy an thân bất động, dương mắt không nói, nhìn quanh khắp bốn phương, rồi cất tiếng cười ha hả, nói với Duyên Môn: “Khi đã đến cái lý vi diệu rồi, không còn lời nói văn tự. Những điều ngươi đã hỏi trước nay, đều khởi từ cái tâm suy tính phân biệt mà ra. Mộng thời sao lắm đa đoan, tỉnh rồi không còn thấy một vật. Ngươi muốn lưu truyền lại cho đời, nên đòi đặt tên, để dấu lại. Nên hãy gọi là Tuyệt Quán luận vậy.”

Duyên Môn luận nhất quyển


Ngọc Bảo  dịch

( nguồn từ trang www.ngocbao.org )

 

 

Exit mobile version