THÊM MỘT ĐỘNG TÁC CHỮA ĐAU THẦN KINH TỌA

  Trước hết mời các bạn biết sơ về dây thần kinh toạ:

Thần kinh tọa (còn gọi là thần kinh ngổi hay thần kinh hông to):

Đây là dây thần kinh lớn nhất, dài nhất so với các dây thần kinh khác trong cơ thể, tập hợp các rễ của dây thần kinh L4, L5, S1, S2, S3. Thần kinh toạ bắt nguồn từ mông đi xuống tận ngón chân.

 

Thần kinh toạ gồm các sợi của 2 dây thần kinh chày và thần kinh mác chung, được bọc bởi một bao xơ chung. Dây thần kinh này đi xuống đến 2/3 mặt sau xương đùi (ngay phía trên khoeo chân) rồi tách làm 2 nhánh:

 

  • Nhánh trước là dây thần kinh hông khoeo ngoài, còn gọi là thần kinh mác chung. Thần kinh hông khoeo ngoài có các sợi thuộc rễ thần kinh L5, đi ra mặt trước ngoài cẳng chân, xuống mu chân, kết thúc ở ngón cái

 

  • Nhánh sau còn gọi là thần kinh hông khoeo trong hay thần kinh chày có các sợi thần kinh thuộc rễ S1 đi xuống mặt sau cẳng chân rồi đến mắt cá trong xuống lòng bàn chân và kết thúc ở ngón út

Thông thường nguyên nhân chèn ép thần kinh toạ là do thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1. Những nguyên nhân khác gây chèn ép thần kinh toạ là trượt thân đốt sống thắt lưng hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng, hay do cơ hình lê chèn ép. Và sự chèn ép thần kinh tọa cũng có thể do nhiều nguyên nhân nói trên kết hợp lại

 

Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng thắt lưng, lan dọc xuống mông, chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cũng có thể bệnh nhân đau chỉ một đoạn trên đường đi của thần kinh toạ.

Cơn đau có thể xuất hiện không do nguyên nhân nào rõ rệt hoặc có nguyên nhân như khi kéo, đẩy một vật nặng… Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ. Khi đã đau, thì cơn đau càng tăng lên khi khiêng một vật gì hay đẩy, nhấc một chiếc xe mô tô hoặc khi ho, khi hắt hơi, khi di chuyển…

Thường thì trước đó bệnh nhân đã có những đợt đau và đã được bác sĩ chẩn đoán và điều trị rồi. Nên khi đau và đến khám bệnh lần này thì người bệnh đã biết mình bệnh gì rồi và tự nói: bác sĩ ơi tôi đau thần kinh toạ. Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh ngồi xe lăn và gương mặt nhăn nhó do cường độ đau dữ dội dù là có sử dụng thuốc hơn 1 tuần

Các loại thuốc bs hay sử dụng là paracetamol, kháng viêm nonsteroid, thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh, các vitamin nhóm B, thuốc giãn cơ…

Tôi có một bệnh nhân nữ 66 tuổi người Hoa họ Lý. Bà Lý là bệnh nhân cao huyết áp của tôi. Lần khám bệnh này, bà bước vào với vẽ mặt nhăn nhó, chân đi khập khểng. Khi tôi đã ghi đơn thuốc rồi, bà Lý mới khai bác sĩ ơi tôi bị bệnh đau thần kinh toạ phải đã lâu chữa nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Tôi hỏi: bà Lý đau ở đâu. Bà dùng tay chỉ dọc theo đường đi của thần kinh toạ bên phải vừa nhăn mặt. Lúc nảy tôi có hướng dẩn bà tập động tác do bà có bị suy giãn tĩnh mạch chân và bà còn vài ngày thuốc đau thần kinh toạ bà đang khám bác sĩ tư nên lần sau tôi sẽ chỉ tiếp cho bà 2 động tác để cải thiện đau do viêm thần kinh toạ.

Một tháng sau, bà đến tái khám. Bà ngạc nhiên và vui mừng cho biết: Tôi tập động tác của bác sĩ hướng dẩn, bây giờ không còn đau thần kinh toạ nữa rồi. Tôi cũng ngạc nhiên không kém: Tôi vẫn chưa chỉ cho chị mà. Thì lần rồi bác chưa hướng dẩn tôi tập thần kinh toạ nhưng bác có chỉ cho tôi động tác giãn tĩnh mạch chân thôi. Tôi về tập và càng tập chân tôi càng dễ chịu, bây giờ thì hết đau rồi. Nhờ bệnh nhân tôi biết thêm một động tác hữu ích khi bị đau thần kinh tọa. Tôi xin ghi lại ở đây:

  Nằm ngữa, gối kê đầu mỏng hay không nằm gối, 2 tay xuôi 2 bên thân mình. Đưa 2 chân lên làm động tác đạp xe đạp, 50 vòng tròn xuôi rồi đạp ngược lại 50 vòng. Mỗi ngày tập 2 hoặc 3 lần. Khoảng 2 tuần sau khi tập, cơn đau thần kinh tọa bắt đầu giảm rồi dần dần biến mất.

Leave a Comment