ĂN MẶN LÂU NGÀY VÀ BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Nếu các bạn có thói quen ăn mặn, thường chấm hoặc chan thêm các loại nước chấm ( nước tương, nước mắm, chao, muối…) thì máu chúng ta có độ mặn cao lắm đấy ( nồng độ NaCl trong máu cao )…
Ăn mà không chấm thì còn gì là ngon nữa phải không. Món bì cuốn không nước mắm, gỏi cuốn không tương, món rau không có nước thịt hay cá kho để chấm. Thật là chán. Người Việt chúng ta có thói quen ăn phải chấm, phải chan. Mà thức ăn cũng phải mặn mòi một chút. Lạt thì thật khó ăn.
Nhưng các bạn hãy để ý ngay chuyện làm bếp, trong việc muối dưa, cà pháo. Muốn dưa cà được ngon, giòn thì cần phải xử dụng muối hơi mặn một chút. Đến đây thì các bạn hơi ngạc nhiên phải không, đang nói chuyện sức khõe mà bác sĩ chuyển sang đề tài ăn uống bếp núc dưa cà để làm gì nhỉ ? Có thể tôi đi lạc đề rồi chăng? Xin thưa với các bạn mình vẫn đang nói chuyện về sức khoẻ đây.
Nếu chúng ta có thói quen ăn mặn, thì lượng muối NaCl trong máu chúng ta có nồng độ cao, nói đơn giản là máu chúng ta mặn hơn. Và hệ thống mạch máu gồm vô số những ống chứa máu của chúng ta, sẽ luôn luôn tiếp xúc với một môi trường mặn trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm thì các bạn thử nghĩ mạch máu của mình sẽ giống như dưa, cà trong muối mặn, cũng không còn mềm và cứng lại, kém đàn hồi phải không?
Hệ thống mạch máu xơ cứng, co lại dẩn đến đường kính của mạch máu hẹp vì độ đàn hồi kém. Từ đó tim phải đập mạnh hơn để đũ lực vượt qua trở ngại ( những chỗ xơ cứng, hẹp, xơ vữa…) để có thể đưa máu đến nuôi khắp cơ thể được
Thêm nữa, ăn mặn lâu ngày có khuynh hướng giữ nước lại trong lòng mạch máu nhiều hơn.
Từ việc hệ thống mạch máu cứng và hẹp lại + tim đập mạnh hơn + lượng dịch trong lòng mạch máu nhiều hơn LÀM huyết áp ( tâm thu và cả huyết áp tâm trương ) có khuynh hướng tăng lên ( Huyết áp = Lưu lượng tim x Sức cản ngoại vi )
Vì thế một trong những cách phòng bệnh cao huyết áp hữu hiệu là các bạn nên thay đổi thói quen ăn uống. Thức ăn nấu ( chiên, xào… ) nên nêm lạt, và khi ăn cố gắng KHÔNG chấm hoặc chan thêm nước tương, nước mắm, chao, tương hột, muối… Thức ăn kho như cá kho thịt kho nên lạt và khoảng 10 ngày ăn 1 lần.
Nhiều bệnh nhân cao huyết áp khi được bác sĩ khuyên không nên ăn mặn thì lại hiểu lầm và nói: tôi đã ăn chay nhiều năm rồi! Xin các bạn nhớ “ không ăn mặn ” không phải là ăn chay ( chỉ ăn thực phẩm thực vật như rau, đậu, trái cây… ). “ Không ăn mặn ” là các bạn có thể ăn thịt, cá, tôm, tép, sò, mực nhưng nhớ hạn chế lượng muối NaCl ( muối, nước mắm, nước tương, chao, tương hột…)
Khi nấu ăn các bạn có thể nêm bằng nước mắm, muối, nước tương, chao… nhưng nêm lạt hơn bình thường và khi ăn thì không được chấm thêm hoặc chan nước mắm, muối, nước tương, chao…nữa
Chế độ ăn lạt ( ít muối ) sẽ giúp hệ thống mạch máu của các bạn chậm lão hóa, mềm dẽo, co giãn tốt trong thời gian dài hơn, và huyết áp của bạn ít nguy cơ bị cao.