Xin giới thiệu với các bạn một mũi tên bắn 2 con nhạn. Đó là thủ thuật đơn giản có thể ổn định 2 bệnh thường gặp là bệnh Trĩ và Nứt kẽ hậu môn ở mức độ nhẹ. Thủ thuật này đơn giản, nhẹ nhàng và hiệu quả
Trước khi đề cập đến cách chữa bệnh tôi xin nói sơ lượt về 2 bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn
- Bệnh trĩ là tình trạng giãn các tĩnh mạch ở vùng hậu môn.
Tùy theo vị trí, có 2 loại trĩ: trĩ nội có vị trí trên đường lược và không có thần kinh cảm giác.
Trĩ ngoại có vị trí dưới đường lược và có thần kinh cảm giác
Người bị trĩ nội thường thì không có cảm giác đau trừ khi bị bội nhiễm. Tình trạng chảy máu có thể thấy được, máu đỏ tươi, máu chảy trước hoặc sau khi đại tiện. Nhưng thường là chảy máu rất ít, rỉ rả, kéo dài, không thấy được bằng mắt thường, nên người bị trĩ nội lâu ngày hay bị thiếu máu
Bệnh trĩ thường xảy ra ở những người bị táo bón kéo dài, hoặc khi áp lực vùng hậu môn tăng lên lâu ngày như người có thai, người làm việc văn phòng, và cũng không loại trừ những người làm nghề bác sĩ khám nội tổng quát !
- Còn Nứt kẽ hậu môn là một vết rách ở niêm mạc hậu môn dài từ 0,5-1cm.
- Đặc điểm của vết nứt kẽ hậu môn là rất đau, rát. Nhất là khi đi đại tiện phân đi ngang qua hậu môn sẽ làm đau tăng lên rất nhiều. Các bạn nào đã từng bị nứt kẽ hậu môn mới cảm nhận hết được
- Người bị nứt kẽ hậu môn còn bị một triệu chứng thường gặp nữa là chảy máu tại vết nứt. Nên cũng dễ lầm là mình bị trĩ nội xuất huyết. Nhưng khi rửa sạch sau đi đại tiện, các bạn có thể sờ nhẹ tại chỗ đau ( vết nứt kẽ hậu môn ) sẽ thấy ngón tay bị dính máu tươi, và cảm giác đau do nứt kẽ hậu môn thì không thể nào lầm lẫn được!
Câu nói mà các bạn thường nghe là “ ai đau khổ vì bệnh trĩ ” thì theo tôi, phải nói thêm là “ ai đau khổ vì bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn ” mới chính xác
Các bạn hỏi điều trị 2 bệnh Trĩ và Nứt kẽ hậu môn thì sao? Đầu tiên là chế độ ăn uống phải đầy đũ chất xơ ( mời các bạn xem thêm bài CÁCH ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN trong mục CÁC BỆNH KHÁC trong trang web này ). Những người làm việc phải ngồi thường xuyên như người làm văn phòng thỉnh thoảng phải đứng lên đi lại khoảng 5 phút. Đồng thời các bạn thực hiện động tác đơn giản sau:
Sau khi đai tiện, các bạn dùng dụng cụ rửa hậu xịt nước vào hậu môn với một áp lực mạnh vừa phải. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 phút ( khoảng 120 tiếng đếm chậm ).
Điều lưu ý thêm là:
- Việc xịt nước vào hậu môn để chữa bệnh có thể vào buỗi sáng sau khi đại tiện. Lúc đầu các bạn xịt nước với 1 áp lực nhẹ để rửa sạch phân dính quanh hậu môn, sau đó các bạn xịt nước áp lực mạnh hơn trong khoảng 2 phút + Và xịt nước một lần nữa vào buổi chiều hoặc lúc thuận tiện trong ngày. Nếu các bạn bận, có thể xịt nước vào hậu môn ngày 1 lần thôi thì thời gian xịt nên kéo dài hơn ( 3 phút = 180 tiếng đếm chậm )
- Ở những trường hợp nứt kẽ hậu môn các bạn lưu ý là vài hôm đầu, nên xịt với áp lực nước thật nhẹ để tránh gây đau đớn nhiều
- Ngay sau khi xịt nước các bạn có thể dùng pommade Tetracycline loại bôi mắt 1% để bôi vào vết nứt kẽ hậu môn hoặc những nơi có trầy ở vùng hậu môn
Khi các bạn bị 2 bệnh mà tôi mô tả ở trên: Bệnh trĩ và bệnh nứt kẽ hậu môn thì điều ưu tiên là các bạn nên đến khám tại các bệnh viện để được khám chẩn đoán, tư vấn và được bác sĩ ghi đơn cho các bạn. Trong khi chờ đi khám bệnh hoặc bạn đang điều trị 2 bệnh Trĩ và Nứt kẽ hậu môn các bạn có thể áp dụng thủ thuật đơn giản này đơn thuần hay phối hợp với thuốc
Chúc các bạn tự vượt qua “ đoạn khó khăn ” này
Tôi cũng đã bị trĩ một thời gian lâu rồi, nhưng tôi không mổ. Kinh nghiệm để sống chung với trĩ rất hiệu quả của tôi là chế độ ăn uống: Bỏ hẵn rượu và thuốc lá; hạn chế bia; hạn chế đồ ăn chiên xào nướng, ăn uống nhiều rau củ quả, rau luộc, thường xuyên ăn chuối, đu đủ… Và gần đây tôi uống ngày 2 cữ hạt chia (chia seed) thì kết quả lại càng tuyệt hơn. Quý vị hãy áp dụng thử nhé !
Chân thành cảm ơn bạn. Rất mong nhận được kinh nghiệm của bạn trong việc cải thiện sức khỏe. Bs Huỳnh Hải