ĐỘNG TÁC CẢI THIỆN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Thỉnh thoảng ngồi khám bệnh tôi gặp những bệnh nhân có các triệu chứng sau:

+ Đau bụng âm ỉ. Tình trạng đau bụng, nặng bụng này sẽ giảm đi ngay sau khi đi đại tiện.

+ Thường phân nát, lỏng, không thành khuôn, không có máu ( do không có tổn thương thực thể ở đại tràng )

+ Số lần đại tiện từ 3 lần trong một ngày đến nhiều hơn, nhất là vào buổi sáng. Khi muốn đại tiện bệnh nhân phải đi ngay vì có cảm giác phân sắp ra nếu bệnh nhân cố cầm lại. Ở dạng bón, bệnh nhân không bị tiêu chảy.

+ Bụng chướng hơi, cảm giác nặng nề và ậm ạch.

+ Bệnh nhân thường có tâm trạng lo lắng, căng thẳng, chóng mặt nhẹ, đau đầu, hồi hộp, ngủ không ngon giấc…

+ Nếu bệnh nặng, rất bất tiện trong sinh hoạt thường ngày vì bệnh nhân đi đại tiện lỏng nhiều lần làm trở ngại trong công việc. Đang đi đâu, làm việc gì hoặc đang sử dụng xe mô tô, ô tô…cũng rất phiền toái

Những triệu chứng này kéo dài có thể liên tiếp từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm. Thường các triệu chứng của HCRKT lúc giảm rồi lại tái phát. Những bệnh nhân này đã đi khám nhiều lần được chẩn đoán là Hội Chứng Ruột Kích Thích (HCRKT)

Trên thực tế tôi thường gặp bệnh Hội chứng ruột kích thích ở nam giới uống bia trong thời gian dài. Tuy nhiên cũng gặp ở nam giới và cả phụ nữ chưa từng uống bia.

Người có bệnh HCRKT dù đã được khám nhiều nơi, đã được bác sĩ tư vấn rõ, đã siêu âm bụng nhiều lần nhưng họ vẫn thường có tâm trạng lo lắng, không biết bệnh có nguy hiễm không, có u bướu gì trong bụng không…

Thật tế HCRKT không phải là một bệnh nặng, gây nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh HCRKT do thay đổi nhu động đường tiêu hoá, do đại tràng dễ bị kích thích. Yếu tố tâm lý lo lắng, căng thẳng của bệnh nhân càng làm bệnh có khuynh hướng nặng thêm.

Những lời khuyên của bác sĩ mà bạn thường nghe là không nên lo lắng, không nên uống sữa ăn ya ua, phô mai, dầu, mỡ, bơ, xúc xích, rượu, bia, nước ngọt có gaz. Nên ăn nhiều thức ăn dễ tiêu hoá, nhai thức ăn kỹ.

Đơn thuốc bác sĩ ghi cho bệnh nhân bị bệnh HCRKT thường có men tiêu hóa, vi khuẩn có lợi cho ruột, thuốc chống co thắt cơ trơn, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận trường, thuốc điều chỉnh tình trạng rối loạn lo âu, thuốc điều hòa nhu động ruột qua cơ chế thần kinh, có đơn thuốc còn cho cả kháng sinh. Tuy nhiên bệnh HCRKT không có nguyên nhân rõ ràng nên bệnh nhân HCRKT uống thuốc thì những triệu chứng khó chịu có giảm nhưng sau đó bệnh lại tái phát! HCRKT là một bệnh làm nản lòng cho thầy thuốc và mệt mỏi cho bệnh nhân!

Xin được giới thiệu với các bạn động tác tập thể dục đơn giản có kết quả tốt, để chữa bệnh Hội Chứng ruột Kích Thích:

Bệnh nhân ngồi trên ghế. Úp lòng bàn tay trái vào rốn. Sau đó úp lòng bàn tay phải lên lưng bàn tay trái. Gập người ra trước 45 độ, cổ thẳng (1 lượt). Bệnh nhân chỉ cần thực hiện động tác này mỗi ngày 2 lần, mỗi lần tối thiểu 100 lượt. Thường thì kết quả sau 1 tháng, số lần đi đại tiện từ 4 lần/ngày còn 2 thậm chí 1 lần, giảm hoặc không còn đầy bụng, ậm ạch, đau âm ỉ nữa. Sau đó người bệnh nên tập động tác này tiếp tục vài tháng. Quả thật đây cũng là một “dũng sĩ diệt ruồi”. Hy vọng dũng sĩ này hổ trợ cho các bạn trong việc điều trị bệnh Hội Chứng Ruột Kích Thích

 

Leave a Comment