CHỨNG NGHIỆM LÀ GIẢI THOÁT

Kính thưa quý bạn, như chúng ta biết Kinh Lăng Nghiêm là một quyển kinh Đại thừa mục đích giúp người tu “ Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật ”. Tôi xin phép được trích một đoạn trong Kinh Lăng Nghiêm:

Ngài A Nan hỏi Phật: trói cột ở chỗ nào và làm sao mở được ?

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy về cái nghĩa thứ hai là phải biết rõ gốc rễ của phiền não ở chỗ nào, mới có thể trừ được. Cũng như người mở gút, nếu không biết mối gút ở đâu thì không bao giờ mở được.

Bạch Thế Tôn ! Chính thế, chúng con đây cũng vậy, từ vô thỉ đến nay, cùng với các vô minh cùng sanh và cùng diệt; tuy mang danh xuất gia, học rộng nghe nhiều, thật ra cũng như người bệnh rét cách ngày

Cúi xin đức Như Lai thương xót những kẻ trầm luân hiện tại cũng như vị lai chỉ dạy cho nơi thân tâm này, chỗ nào phiền trược, và làm sao mở được ?

Phật chỉ chỗ trói cột:

Khi đó Phật cùng với mười phương chư Phật, đều thương xót A Nan và đại chúng cùng các chúng sanh đời sau, nên trên đảnh của các Ngài đồng phóng hào quang quý báu chiếu khắp mười phương, đồng gọi A Nan cùng đại chúng mà dạy rằng:

  • Nay các ông muốn biết cái “ câu sanh vô minh ” để trừ, và “ quả vô thượng bồ đề ” để tu chứng, vậy nay ta sẽ chỉ rõ cho các ông.
  • Này A Nan, khiến cho các ông nhiều kiếp sanh tử luân hồi, chỉ vì sáu căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn ) mà làm cho các ông chứng được đạo quả Bồ đề an vui giải thoát, cũng chỉ ở sáu căn của các ông mà thôi

Nay tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn cách tháo mở mối gút phiền não của một lão tăng 86 tuổi ( Hoà thượng Thích Liên Phương với bút danh Người Mây Trắng ), cũng dựa trên các căn, trong một quyển sách nhỏ với tựa đề “ CHỨNG NGHIỆM là GIẢI THOÁT ”. Đây, ví như một bản đồ đi tìm kho báu. Kho báu của những hành giả đi tìm đích đến của đời người. Mời các bạn nối bước tác giả để như lời mong muốn chân thành của tác giả, cùng ông “ làm một cú nhảy vào vùng trãi nghiệm cái VÔ HẠN mà người đã đến gọi là GIÁC NGỘ ”

 

CHỨNG NGHIỆM LÀ GIẢI THOÁT

( Người Mây Trắng )

 

LI CÁO LI

Những ngôn ngữ cùng dữ kiện lý tính được ghi trên sách này gần với tự nhiên trong đời sống hàng ngày của tôi

Tôi không dự định trước để viết một tập sách, không có chuẩn bị và khi cầm bút tôi không nghĩ là mình phải viết gì, viết như thế nào. Không có sự sắp đặt các chương, mục, không phân đoạn, để báo hiệu cho người đọc một trước ý về chủ đề

Sự kiện viết lách và diễn đạt như thế với thông lệ là không đúng. Đó là điều kiện thứ nhất tôi cần được các bạn đọc thứ cho

Trong khi viết, tôi có sử dụng những danh từ, cùng những cụm từ mà có lẽ ít ai sử dụng. Cách sang hàng cùng chấm câu các đoạn cũng không được hoàn chỉnh theo tu từ pháp. Đó là điều thứ hai, xin các bạn đọc thứ cho

Khi ngồi vào bàn viết, trước đó một vài phút, tôi cũng không biết mình sẽ viết gì, tôi viết lách giống như làm thơ. Tôi tự để dòng chảy tư kiến đi ngang qua, điều gì nổi bật lên tôi ghi lại. Điều này đối với tôi thì tự nhiên, nhưng với bạn đọc đôi khi là lạc hướng

Với tôi giống như người hạ một nước cờ, có khi người ngoài thấy được mà có khi không biết nước cờ đó đi về đâu. Từ nước cờ đặt xuống cho đến nước kết, vận tốc xô đẩy trong đầu của kỳ thủ thì rất nhanh, mà người ngoài cuộc thì phải chờ rất chậm

Dù sao thì những điểm bị lạc hướng, không giáp mối liền lạc trong mạch văn đó, xin các bạn đọc tha thứ cho, là điều thứ ba vậy

Điều thứ tư đọc lại sách này, tôi có thể biết được là “ có-lẽ ” người viết muốn giới thiệu về những cảm nhận hạnh phúc. Người viết muốn trình bày những chứng nghiệm của mình về TỈNH THỨC và muốn cùng bạn đọc làm một cú nhảy vào vùng trãi nghiệm cái VÔ HẠN mà người đã đến gọi là GIÁC NGỘ

Muốn viết những điều mà không thể viết, muốn giới thiệu những điều mà người ta không thể hiểu, đó là điều đi quá xa. Với bạn đọc, tôi có điều chưa đủ, xin các bạn với tâm từ, và rộng lượng không cố chấp, cho người viết được nhận những điều không tới nơi đó vậy

Viết là ghi lại những điều đã NGHĨ. Nghĩ là hiện về kinh nghiệm đã qua. Kinh nghiệm đã qua, nhưng không qua trong cái mập mờ của hiện tại

Hiện tại một vô hạn rỗng suốt, có thể điều động, vận chuyển cái đã qua và cái chưa đến

Hạnh phúc là thị kiến thênh thang, vượt được thời gian và hạn lượng, cùng với không gian trực thức tạo hình qua cuộc sống. Hoàn toàn độc lập mà không cô độc, tuyệt đối tự do mà không gợn lên những bóng mờ kiêu hãnh ( tự ngã ). Đó là con đường một lần giải quyết được tất cả, là con đường thơ mộng mà khả năng kiếp làm người có thể bước vào trong kỳ quan tuyệt hảo. Một kỳ quan mênh mông chưa từng có và không còn nữa những lẫn lấp ưu phiền của mù sương và… hối hận

NGƯỜI MÂY TRẮNG

TƯ DUY

( Từ nguồn cội )

Rọi tìm gốc ngọn suy tư

Lối về trực cảm khởi từ nơi đâu?

Vô thanh sâu lắng một màu

Vầng vầng cảm thụ hiện mau sóng tầm

Kết tinh từng chập từng âm

Hiện thành sắc thể hình danh tự bày

Khung trời ấn tượng liền ngày

Tạo thành quy định hướng ngoài hướng trong

Suy tư uốn ngọn lòng vòng

Biến thành sóng thức hệ trong hệ ngoài

Sở năng chia cách liền ngay

Chủ thể khách thể hiện bày giá biên

Tự làm tiêu cực liên miên

Thời gian tâm lý đường viền đóng khung

Không gian tù đọng vô cùng

Chiến trường xung đột mịt mùng ai hay

 

CHỨNG NGHIỆM LÀ GIẢI THOÁT

 

Giây phút nào mà con người đã đánh mất TÍN TÂM, là giây phút mà đê bờ hạnh phúc bị vỡ tung, dòng chảy của hồn nhiên thanh bình không còn nữa

Con người sẽ bất hạnh và đã bất hạnh vì liên hệ và bám víu vào những điều hư giả. Người ta không thể nhìn thấy được sự thật, vì trong lòng không có cái THẬT. Trong một thời đại mà người ta không còn tin được chính mình, thì làm sao tin được kẻ khác ? Người ta không thấy được cái trước mắt, thì cái trước mắt “ đã chạy ra phía sau ” rồi. Cái trước mắt không còn trước mắt thì cái trước mắt đã trở thành sai lầm. Cái sai lầm không do bên ngoài, không do bên trong mà do từ “ KHÔNG THẤY ”. Không thấy không phải là ta không có “ CÁI THẤY ” mà vì chúng ta CHƯA BIẾT CÁI THẤY LÀ GÌ

Chưa từng biết “ CÁI THẤY ” là gì, thì cũng chưa từng biết “ CÁI NGHE ” là gì. Chúng ta thấy và nghe trong tiến trình sai trái. Toàn bộ quang năng của chúng ta khiêu vũ và lộn nhào trong một bản nhạc từ một giấc mơ dài lâu bất tận

Những người nhảy múa thường ảnh hưởng làm bước đi nhún nhảy. Cái chuyển động trong rung động tạo ra cái ĐANG-LÀ thấp kém. Câu nói điệu chào trở thành hạn lưu mờ đục. Chúng ta gửi gắm cho nhau những tín hiệu màu sơn, và kèm theo một bình thuốc chuột

Không có một tôn giáo nào lớn hơn dòng đời ! Không một triết lý nào cao hơn cuộc sống. Chưa có một giáo chủ, một hiền giả, triết gia nào không từ dòng đời mà GIÁC NGỘ. ( Hiện tượng dòng đời là bí mật, thoát ngoài sanh tử Niết Bàn – dòng đời không đối tượng )

Từ quá khứ, tất cả những tinh ba của nhân loại nói tiếng người, không một ai không từng bị nhốt trong bóng đêm, từ cái bầu người mẹ hiền thân thiết, và cũng không ai chối từ sự trợ thủ của sấm sét bằng lửa của người cha mai hậu. Tiếng “ cha ” chỉ hình thành sau hiện tượng, một âm tự vị lai nên gọi là mai hậu.

Dòng đời trắng tinh và đỏ thắm đã pha trộn, chuyển giao cho ta niềm vui màu hồng trên bước đường đi lên, đi ngang và đi xuống. Nòng cốt của sự sống không phải từ xã hội. Xã hội là ngọn lửa bập bùng trong đêm, lan dần, biến dịch như đường bay của đàn sếu qua khung trời xa, vì sự sinh tồn và huỷ diệt

Bản năng của sự sống không phải từ những triết gia hay triết lý – triết gia và triết lý là sự mỏng manh của những màn sương phủ dày trên sa mạc, vì khi đêm tàn, ngày mới sẽ lên, mặt trời chói chang và sa mạc vẫn phơi bày trong nắng

Thực chất của sự sống và cuộc đời cũng không phải phát nguyên từ tôn giáo, vì tôn giáo luôn ở phía sau cuộc đời và sự sống. Tôn giáo là đòn bẩy làm bật lên và tách lìa những cây sau hô mọc ngầm trong lòng biển.

Tôn giáo là lời ru trong đêm trăng giữa một dòng sông đang chảy xiết. Tôn giáo là cặp mắt kính bất đồng màu, để người ta thấy những hiện tượng phân ly đa màu sắc. Tôn giáo cũng có thể là những bao bì đa dạng, và không biết đã gói gì bên trong- không ai biết. Như những danh từ xã hội, triết lý, tôn giáo chỉ là những ngôn từ rất cô đơn từ ý niệm

Ý niệm là điểm khởi đầu của âm thanh và màu sắc. Ý niệm rung lên làm cho những âm thanh tụ lại. Ý niệm chất chồng những phân tử của thanh âm – kéo dài thành thời gian. Thời gian được chiếu soi qua một vùng ánh sáng diệu kỳ đen, trắng làm thành không gian và hình lượng. Tất cả rủi may, sinh diệt và vinh nhục của kiếp người đều dẩn xuất từ Tư duy. Rủi ro thay, khi ta biết rằng Tư duy là những cái chấm (…) lần lượt thành ra đường thẳng hay đường cong, có giá trị gì khi ta dùng cái que vẽ một đường thẳng hay một đường tròn trong một bầu không gian vô tận. Trí tuệ là KHÔNG, là sáng không có tự thân và đối tượng. Tư duy là qua kẽ hở rỗng bị thu rút vì bụi vẩn. Kinh xưa gọi là tiền trần !

Như những món ăn không tiêu làm ta đầy bụng. Những KINH NGHIỆM ĐẦY ẤP TRONG ĐẦU – làm đầu ta tăm tối. Kinh nghiệm là sự tích luỹ một cái gì đã qua. Kinh nghiệm luôn tạo ra sự bất an. Kinh nghiệm luôn tạo ra mô hình chết. Từ bóng đen âm u mà trở thành sức nặng. Chúng cọ xát lẫn nhau, tự thiêu đốt làm thành nhiều trục xoáy, làm che mất vẽ khinh thanh rỗng suốt và thanh thản của dòng đời

CÁI THỰC TẠI LUÔN KHÔNG HỀ KINH NGHIỆM. CÁI THỰC TẠI KHÔNG CÓ TRIẾT GIA VÀ TÔN GIÁO, CHỈ THỰC TẠI LUÔN HIỆN TIỀN, SÁNG TRONG VÀ HIỂU BIẾT

Như không gian chưa hề vấy bẩn, sự vật trong không gian cũng không hề vấy bẩn. Những gì mắt thấy tai nghe va động và đổi thay, đều lặng thinh và trong sáng. Tất cả cái có sinh sẽ hình thành chuyển giao và biến mất tất cả, như thế đều an nhiên, không dính dấp gì đến suy tư và quán niệm

Cái THẬT là như thế. Hãy nghe tiếng THẬT. Thấy THẬT là thấy BẢN LAI. Ở đây không có chuẩn bị, sự Thiền định và suy nghiệm theo ngôn ngữ, mà phải từ những điều nói trên và thoát ly ngôn ngữ. Nếu thật sự cẩn trọng và chính xác sau chuyển động xúc tác ở trong thì sẽ thấy !

Một em bé còn nằm trong nôi, nó chưa có sự xác định điều gì không bản ngã, nó không có trí phân tích, không giao động. Lòng nó như một mặt gương. Ảnh tiếng đi ngang qua nó không giữ lại dấu đậm, hay đường mòn. Từ 3 tuổi đến năm bảy tuổi tâm nó như tờ giấy trắng. Những niềm vui trong sáng của tuổi thơ, chúng ta ai cũng đã từng trãi qua, nhưng chúng giờ đây không còn nữa

Giờ đây đầu chúng ta “ TRÀN ĐẦY SỰ NHỚ LẠI ”, đầu chúng ta ngập đầy những quá khứ và tương lai, đầu chúng ta như một máy điện toán đã nối mạng toàn cầu. Bây giờ trong đầu chúng ta không còn h2nh bóng của con chim bồ câu trắng nữa. Đất đai đã cằn cổi, hoa huệ ngoài đồng không trổ, tên của hoa hồng là chỉ cho một lùm gai đáng sợ ! Nhưng những quả tim thì nóng lên, nhịp đập bất thường. Khí quyển của tim đã trở thành áp suất nặng nề lo sợ, dòng sông nước đã màu đen. Áng mây trời không còn rọi bóng như ngày xưa giờ những con cá lăn tăn vui đùa giờ phải chui sâu trong bờ rêu rác.

Quả tim và khối óc của chúng ta đang hiện hình trên một dòng sông ảo, những lo âu từ bộ đầu và mệt nhọc của quả tim là những nét hoạ của khói mây trong bầu trời không ánh sáng

Khoảng không gian tâm thức kia cứ vần xoay trong mờ tối, ngưng đọng và hiện hình. Hình bóng lại chập chùng, tương tác, giao thoa. Vật từ quá khứ đem về trong hiện tại. Vật từ hiện tại phóng ảnh đến tương lai. “ Cái quá khứ, cái tương lai ”. Một bộ mặt ĐANG LÀ trong hiện tại. Không gian teo lại như một chấm đen. Chấm đen dằn co lôi kéo chạy dài như đường hầm bất tận.

   Dòng sông đen như một dòng sông đang chảy

   Qua ống tròn mây khói âm u

   Tiếng gào thét cuộc tàn phai chinh chiến

Con chim trời cõng nắng xế chiều xa…

Qua câu thơ trên ta có thể thấy “ CHẤM ĐEN ” một không gian tạo hình đang chảy xiết. Chấm đen kéo dài như một ống khói chuyển động làm thông tin. Dù cuộc chiến đã tàn phai, mà bãi chiến trường xa xưa, mãi thét gào lên lời bi hoang uất hận. Những âm vang hãi hùng giẫy chết, cùng tiếng nhạc quân hành dồn nén lẫn nhau tạo thành bức xạ của những tia lửa chiều nắng quay thúc giục những cánh chim trời vội vã cõng nốt những tia nắng xế chiều ngày vào nơi lặn tắt

Rồi những giọt thời gian xói mòn chấm đen, cho hình hài lổ đổ, cho cây cảnh đơm hoa. Thời gian tí tách cho mây khói xa dần, để lột ra một mảnh trời chói nắng. Ngôn ngữ là mật ngữ, xin hãy đọc nhiều lần như một lời thơ không thể giải thích theo kinh nghiệm được. Cái biến đổi mà đồng nhất chỉ có thể trực diện. Sau cái hiểu là hợp nhất, bất nhị

Đến đây, để khỏi những bậc cao minh rầy mắng (…), tôi sẽ lần lượt xin nói rõ hơn: CHẤM ĐEN là cái ta chưa từng biết, cái không biết, không thấy. Cái không thể biết, không thể thấy. CÁI KHÔNG SÁNG “ cái tối ” . Cái tối không có nghĩa là không thấy gì cả, mà nó luôn thấy, có điều là nó thấy sai. CHÍNH CÁI THẤY của nó TẠO ra SAI

 

Vì nó thấy, có cái “ NÓ ”, có chủ thể, nên có cái đúng và cái không đúng. Đúng và không đúng đều là cái sai. Chúng ta có nhãn quan là đôi mắt. Đôi mắt là vật thể có Quang năng. Tuy nó có linh năng hơn đối tượng khác, nhưng nó không khác gì với cái nó đang nhìn

Đôi mắt chết và con chuột chết không có gì khác nhau. Đôi mắt sống và con chuột sống không có gì khác nhau. Khác nhau ở cái nhìn, cái nhìn không phải là con chuột. Cái nhìn của con người không phải là con người

Nhưng vì sao, từ cái nhìn của con người, mà con người thay đổi ? Từ cái nghe của con người mà con người thay đổi… đó chính là MỘT CHẤM ĐEN ! Người có trí đều có thể biết rằng CÁI NHÌN – CÁI NGHE không phải là con người. Cái nhìn cái nghe làm đổi thay đời sống, chính là vì đối tượng. Nhưng đối tượng không phải là nguyên nhân mà nguyên nhân từ sự đánh giá. Đánh giá là tính xác định thu nhập. Trong bữa ăn người ta có thể đánh giá sai về món gia vị, khi ăn vào bị cay xé miệng, mới biết là có nhiều ớt. Thực ra “ ỚT KHÔNG CAY ” nhưng vì cái miệng ta bị cay. Vì ta không chịu nổi xúc giác này nên nó cay

Tôi có ông cậu người Tàu có thể ăn ớt sim như ăn hột dưa ! Con nhồng cũng có khả năng ăn ớt mà không cay ! Cay, đắng, mặn, ngọt là những cảm xúc sai biệt từ cách thưởng thức riêng của mỗi người. Thấy và nghe cũng như vậy. Cái thấy giao đổi tinh vi hơn. Cái nghe lại càng huyền thoại hơn. Cái thấy tạo hình, cái nghe tạo âm

Khi ta thấy một vật, vật đó hiện hình trong lòng ta. Khi ta nghe một âm, âm đó rung động trong lòng ta. Âm thanh đó phát ra từ câu nói của một người mà ta quan tâm. Hay như tiếng hát của một nghệ sĩ có tài, thì âm thanh của tiếng nói đó đều có thể tạo hình trong lòng ta cả. Trước đây khi tôi phát minh ra điều này. Tôi có biết câu thơ:

“ Tai nghe nhẹ nhõm màu hồng

Mắt xem miệng mĩm một âm thanh cười ”

Vì khi nghe âm thanh, ta có thể thấy ra màu sắc, và khi thấy một màu sắc ta có thể biết được sự chuyển động của thô hay tế. Việc phát minh ra cái thấy cái nghe không phải là điều khó. Có người nói “ rất khó ”, tất lòng họ sanh nghi. Họ không nói “ có thể được ”; nội tâm của người này hoang mang mờ mịt: MỘT CHẤM ĐEN

NGHE-THẤY-THẬT chỉ đến với người nào muốn biết thật. Người muốn biết tất phải dè dặt lắng đọng tâm tư. Xoay ngược chiều cái CHỐT của tâm tư. Có những Thiền giả và Vô danh Tăng của đạo Phật đạt được chân lý này. Ngược lại, những thiền sư có tiếng tăm danh vọng thì không đạt được. Vì sao ? Do các thiền sư này rất “ BÀI BẢN ”. Họ coi trọng những pháp thức, kinh điển, những công án chết lỗi thời. Họ thích dẫn chứng về hạnh động và mẫu người quá khứ. Họ luôn tôn trọng những tiền liệt Tổ Sư. Họ rất sợ những sai lầm và phạm trọng. Tất cả những động thái và hành trang đó chứng tỏ họ là người chưa ĐẠT ĐẠO

Tôi sẽ nói rõ hơn về những dấu hiệu, những thông tin và bản lãnh của người Giác Ngộ, Tỉnh thức

Như chúng ta thường biết về những điều ĐÃ BIẾT. Vì chúng ta đã biết nên chúng ta tự cho mình ĐÃ BIẾT. BIẾT là BIẾT về…một cái gì, “ CÁI GÌ ” đó ta đã biết đâu ! Tỷ dụ như nhìn một đoá hoa hồng. Ta không thấy được đoá hồng đó đang xê dịch và nội dung nó đang ở vị trí khác xa cái thấy của ta. Ta thấy một bông hồng trước mắt, mà không thấy một cái gai trước mắt ! Ta yêu bông hồng, ta không yêu cái gai của nó. Ta đã sai. Thật sự thì CÁI TÊN của bông hồng còn không có, làm gì có một bông hồng trong ý tưởng của người ta đâu !!

Một người con trai đang ngắm nhìn một người con gái. Một lãng tử phiêu du qua cánh đồng đầy ngô xanh tươi mát, với bụng đói meo hắn nhìn một cây ngô bụ bẩm. Hắn có thể nhìn vào trái ngô non dài xanh mượt mà nghĩ rằng: “ Đây là một tác phẩm thiên nhiên, một nghệ thuật của tạo hoá hay từ một kỹ thuật gieo trồng tiên tiến ”. Hắn có thể nghĩ lung tung. Nhưng thực sự hắn MUỐN gì ?

Người con trai sau một tia nhìn có thể vê tròn hay làm dị dạng người con gái trước mắt mình. Người con gái có thể biến hình người con trai thành một luật sư, một lang băm, một tên cận vệ, một sát thủ hay một chiếc gối ôm không chừng !

Chủ thể như thế nào thì khách thể như thế nấy. Trong sự sai lầm và lẫn lộn giữa chủ và khách, người ta có thể dễ chịu hơn sau một lớp bao bì như Tình yên, Hôn nhân, Hợp tác. Ta không bao giờ thích, hay chịu cho người khác dối mình, nhưng ta lại bằng lòng dối gạt ta một cách trớ trêu, sổ sàng và tăm tối

Nói cho cùng ta cũng không thật biết: sự dối trá đến với ta từ lúc nào ? Nếu nói rằng ta tự dối gạt ta thì có 2 thằng: “ TA ” song sanh ra một lúc ? Nếu nói rằng cái sai lầm nó dối gạt ta thì sai lầm là cái gì vậy ? Đây chính là MỘT ĐIỂM ĐEN ! Điểm đen là CÁI KHÔNG BIẾT. Ai không biết ? Không biết cái gì ?

Nếu có người thông minh thì gở đi tiếng “ AI ” và quăng xuống dòng nước. Người thông minh hơn người trước thì bớt được đi Âm thanh “ Cái gì ” !. Lại có một người siêu thông minh thì bỏ đi được cái “ KHÔNG ” cho đến bực thành tựu thì KHÔNG CÒN CÁI “ BIẾT ”.

Trong tập sách hạt bụi đây mà nói ra điều này thật là quá lớn, quá sớm và quá Lực-Chuyển-Giao. Giống như người ta muốn làm một phi thuyền để chở quả địa cầu này ra ngoài khí quyển và qua khỏi mặt trời. Nhưng không sao, có lần tôi nằm mơ thấy mình bay lên hư không thật cao, nói chuyện với một người to lớn bằng mây. Vừa ý thức, tôi cũng thấy thân thể mình bằng mây, cuộc giao tiếp thật sống động, đậm đà. Khi thức giấc, người mây không còn, nhưng ấn tượng và câu chuyện còn sống mãi đến khi tôi viết lên những dòng này

Xin quý Ngài và các bạn hãy đọc tập sách này giống như tôi nói chuyện với người bằng “ mây ”. Vậy nếu thân tôi không là mây thì cũng khó gặp và nói chuyện với người bằng mây được. Tôi đã vượt qua cái “ Thực tại ” để biến thành một giấc mơ. Tôi đã đổi cái không gian tầm nhìn để biến thành một không gian tâm thức. Tôi đã đổi tâm thức thành một nghệ nhân tạo hình. Tôi đã đổi huyễn-hình-tạo-tác thành một bức hoạ không tên. Và tôi đã đổi cái không tên thành ra ngữ-âm đây để cùng được tương giao cùng các Ngài và các bạn.

Khi các Ngài và các bạn đọc những dòng chữ trong sách này, xin đừng bảo là không thứ tự, không thể loại, không cú pháp và tu từ. Tôi không biết gì cả ! Tôi đã ở trên đỉnh núi này đã 20 năm. Chỗ tôi ngồi đang viết đây, phía trước nhìn xa xa là biển và không gian vô hạn. Tôi không biết từ không gian vô hạn, từ đôi mắt và cuối tầm nhìn xa xôi của mình, trong khoảng giữa có những gì ? Nhưng tôi biết tôi đã đi xa hơn đôi mắt và đến cõi giới vô cùng.

Có bạn lịch sự sẽ hỏi tôi rằng: “ Ngài nói rằng Ngài nhìn vào cõi giới vô cùng, như thế thì tôi đang đứng đây, ở khoảng giữa của Ngài và cái vô cùng, vậy Ngài có thấy không ? ”. Vâng tôi có thấy, tôi đã từng nói chuyện với bạn ở trong mơ, chúng ta đều là bằng mây cả ! Thân chúng ta là phù vân, sương khói, vi vút ngàn tầm. Tiếng lời của chúng ta tràn lấn trong nhau, dàn trải mông mênh vô tận ! Nếu không thế ta làm sao hiểu ra nhau và nhận ra nhau được !

Một bạn khác lại hỏi: “ Ngài viết sách mà không có dàn dựng, cấu trúc khung sườn chi cả, thì người ta biết đâu mà đáng giá xếp loại được ? ”

Bạn nói thế thì tôi sẽ xin lỗi ! Tôi nói rằng tôi không biết gì những cách viết nhà nghề đó cả !

Tôi ở trên đỉnh núi cao, tôi có thể đi dạo rừng trên tầng cao này một chuyến ! Bạn thấy rõ ràng rằng trong khu rừng thượng đỉnh này có cây hàng ôm, có cây nhỏ bé, có cây rất cao, có cây thật lủn mũn, có cây gỗ quý và có cây thuốc quý, xen vào đó những cây bình thường… và có cả những cây độc tính, lại có dây leo đá tảng trên cây. Trong rừng còn có nhiều loại chim và thú, có hoa đưa hương từ thung lũng và mây bay trên trời. Tôi và bạn cùng đi dạo trong khu rừng thiên nhiên thượng đỉnh này, nãy giờ chúng ta thấy như người say sưa, lòng ta nhẹ nhàng như xa thoát cõi đời. Tôi và bạn đều có thể lắng nghe tiếng gọi của rừng sâu và tiếng của loài chim lạ. Trong cái sâu lắng thanh tĩnh này ta nghe rõ cả hơi thở hoà tan, tiếng tim đập nhẹ nhàng trong lòng ngực và hồn ta dường như chơi vơi thoát tục !

À, mà tôi chưa nghe bạn hỏi: Sao cây rừng lại to nhỏ lộn xộn thế này ? Sao không phân loại loài chim đựa vào lồng sống cho có thứ tự ? Bạn cũng không hỏi tại sao không bứng những cây gỗ quý và cây thuốc đi nơi khác ? Và bạn cũng không phiền trách những loại chim lạ, hoa xinh lại ở khuất trong rừng ?

Nếu không thế thì không gọi là thiên nhiên ?

Chúng ta đang sống trên mặt đất của địa cầu là một khu rừng thiên nhiên giữa lòng vũ trụ vô vàn mênh mông biến dịch ! Mỗi người chúng ta như một cây rừng sinh lên và tàn tạ. Tư tưởng chúng ta như những con chim líu lo, hót ca và réo gọi. Những thành kiến cố thủ của chúng ta như những tảng đá lẫn lộn trong rừng. Phát minh của chúng ta như những bông hoa, và sự tàn hại trong lòng chúng ta như loài cây độc.

Gốc rễ của cây rừng đang bám vào một bề mặt của quả đất đang quay. Tư duy và cảm thụ của chúng ta cũng đang tự quay và quay cuồng trong trục lớn của nhân loại. Ngoài không gian mười tỷ năm ánh sáng thì quả đất này như hạt bụi mà thôi !

Cháng ta gặp nhau tuỳ cảm hứng và nhu cầu tâm trạng, đồng thời phát ra những tín hiệu âm thanh. Đó là sự cọ xát trong sâu thẳm làm toé tung ra làn hơi, tiếng gió…đung đưa réo dụ lẫn nhau vào cõi miền viễn mộng. Một cuộc phiêu lưu vô tính dị thường không biết đâu là bờ là bến…

Trong doanh thương và chuyển vận người ta có thể thay đổi mặt hàng, thay đổi ga tàu và cửa khẩu. Người ta không ai có thể tính trước được sự chính xác cái thay đổi vuột qua trong cuộc đời. Ta cũng không thể tính trước lát nữa ta sẽ gặp người thân, người lạ, kẻ ghét, kẻ ưa chúng ta là bao nhiêu ? Vị trí và sự chung thuỷ của người yêu, là quả trứng gà để trên đầu nón lá.

Hãy vứt bỏ cảm giác lâu bền về cái “ CÓ ”. Hãy bỏ những quy định thành kiến ở trong lòng – và hãy để lại bên ngoài chiếc nón bài thơ và quả trứng trong khi ta thả bước vào khu rừng thiên nhiên dã ngoại.

Bất cứ giờ phút nào trong ngày, chúng ta đều có thể nhận được những tin tức bất an từ thế giới, nếu ta biết lắng nghe ta cũng có thể nhận được những thông tin bất an của chúng ta

Những tín hiệu cấp báo liên tục trong ngũ tạng, lục phủ của ta. Những co giật không ngừng của thần kinh, những hơi thở ngắn dần và tiếng tim loạn nhịp . Tất cả dấu hiệu bất toàn, khốn đốn như thế luôn thôi thúc, nhưng ta luôn tránh né, chạy trốn và trùm chụp lên trên nó những chiếc mềm kín bưng, lại cố vẽ lên những đồ hình hoang tưởng bạo hành và đấy dục tính ! Có những lúc ta la ré khẩn cầu như tiếng heo gần kề dao thớt…

Nếu may được qua đi, ta lại quên bẵng, chẳng còn nhớ gì cả ! Rõ ràng là ta không biết đang hiện có một con đường. Một con đường của thoát ly – là sự tỉnh thức.

Tỉnh thức là sao ?

Ví như trong giấc ngủ miên man, ta giật mình tỉnh dậy, giây phút đầu tiên ta có cái biết thoáng chớp ! Ta biết những gì vừa trải qua và những gì trước mắt. Cái trải qua là cảnh của mộng, lòng ta còn bàng hoàng xao xuyến, nhưng mắt tai ta “ trực diện trong cái nghe nhìn ” ( chưa phân biệt ). Nhưng ý thức lại khởi lên làm ta nhớ lại ( theo thói quen ), ta bắt đầu định vị rồi phân chia từng món một. Thế rồi ta tiếp tục làm một giấc mộng mở mắt, hằng hằng mọi sự. Tỉnh thức sau cái nhắm mắt chiêm bao thì rất dễ, mà tỉnh thức sau cái MỞ – mắt – mộng – đời thường rất khó !

Không phải ta không làm được mà gọi là khó. Khó vì ta thiếu ba điều để vô hiệu hoá cái khó kia:

  • Điều thứ nhất ta không biết sự tha thiết muốn tỉnh thức kiếp người khổ đau trầm thống
  • Điều thứ hai vì ta không có một kỹ thuật tốt, yếu quyết tinh tường. Hoặc ta đang bị trói buộc bởi những pháp tu mà không bao giờ được giác ngộ
  • Điều thứ ba là ta không có Thầy hướng dẫn. Không phải vị thầy nào cũng có thể làm cho ta tỉnh thức được. Vị Thầy đã giác ngộ thì mới làm ta tỉnh thức được. Nhưng nếu ta không hết lòng tận tuỵ với thầy, thì thầy sẽ không nói thật cho ta nghe được. Vì ta chưa tận cùng kính trọng và hiến dâng cho thầy, thì lớp vỏ bản ngã của ta không cho ta thâm nhập được lời nói của thầy. Đức tin là chất lưu dẫn, lòng kính trọng là lực hợp nhất, và niềm thân yêu cùng thầy là đồng hoá cùng chân lý, mà Thầy có thể trút vào ta.

Một người đến giai đoạn muốn giác ngộ cũng có khả năng biết được vị Thầy nào mình cần đến. Một người sắp tỉnh thức có linh tính biết được vị Thầy đã tỉnh thức. Cũng như một người có một phần chân lý trong tâm thì mới phát tâm hướng tìm chân lý, và người đó cũng biết cái đích mà mình tìm đến. Vì thế phần vi tế đó chỉ có giữa vị Thầy và người học trò mới biết được. Ngoài ra, người tha thiết, kính thành và có chút sáng suốt mà không gặp đúng thầy thì cũng có thể hiểu được- không hề gì – người đó lại cố công tìm kiếm một vị Thầy khác, cuối cùng cũng gặp thôi.

Bây giờ ta hãy biết rõ ràng hơn về sự tỉnh thức. Tỉnh thức là tiền nghiệm tâm lý trước khi đạt đến giác ngộ. Muốn tỉnh thức ta phải có chánh niệm. Chánh niệm là ý thức không dụng tâm trong tất cả hành động hàng ngày của chúng ta. Khi đi đứng, lúc ăn, ngủ, vệ sinh, giao tiếp và làm việc lao động về tay chân hay trí não. Sáng ngày vừa thức giấc ta ý thức được sự yên lặng tỉnh táo biết rõ giấc mơ vừa qua, kiểm soát được hơi thở và ngồi dậy bước xuống một cách tỉnh táo nhẹ nhàng. Khi bước chân xuống, chân xỏ vô dép trái hay phải ta đều ý thức.

Những giây phút đầu ngày, cho đến khi lên giường ngủ, tất cả động tác thân, khẩu, ý, đều không thoát khỏi sự lưu tâm tỉnh lặng và trực thức của ta. Con đường này tôi đã đi qua như thế. Tỉnh thức không phải một lần mà sẽ trải qua nhiều lần, nhìn từ nhiều góc độ và nhiều sự kiện được phát minh trong thời gian không nhất định

Tôi xin kể những điều phát minh đã xảy ra trong nhiều lần, trong những thời gian sai khác. Hồi còn trẻ tôi đã đi xa, ba năm mới trở lại thăm gia đình. Lâu ngày má tôi rất thương nhớ, nên khi ra đi bà không đành lòng. Bà nắm tay tôi và khóc. Cuối cùng tôi cũng rứt áo ra đi. Má tôi đứng tựa cửa trong theo với vẻ mặt buồn bã, lặng yên. Đường quê miền Trung lúc đó không có xe, tôi và một người bạn phải đi bộ. Đi bộ năm sáu cây số tôi mới nhớ lại mình bỏ quên giấy tờ ở nhà. Thế là phải trở lại con đường cũ, trên đường về tôi thấy rõ hình ảnh của má tôi khi ra đi, nét mặt cảm thương của mẹ già làm tôi cảm thương áy náy ! Nhưng khi tới nơi vừa bước đến cửa, nhưng tôi bỗng giật mình vì má tôi đang ăn cơm với gia đình thật vui vẻ. Hình ảnh buồn thương và cảm xúc về má trước đây không lâu, còn đang trìu mến trong lòng và giờ đây một hình ảnh bỗng nhiên hoàn toàn đối nghịch ! Một ý nghĩ, hai bóng hình tương phản kỳ lạ nhập vào nhau trong tôi làm tôi “ VUỘT THOÁT ” ! Còn rất trẻ, lần đầu tiên tôi có một trực nhận về tình cảm phi tính này. Một loại hiểu không nhân. Cũng nhờ cái kinh nghiệm vô giá này mà về sau tôi phát minh ra được nguồn gốc của sự cảm xúc, tình yêu và dục tính.

Câu chuyện thứ hai thì đơn giản hơn nhiều nhưng chiều sâu thẳm của nó thì cực kỳ quý hiếm. Tôi thường đeo một cái đồng hồ trên tay cả ngày lẫn đêm. Một hôm có việc gấp tôi phải vội vàng xuống núi. Trong tâm tôi nghĩ: không biết mấy giờ rồi ? Ý nghĩ và hành động thật nhanh, tôi đưa tay lên nhìn…Tay không có đồng hồ ! Một kỳ diệu như ánh chớp. Tôi bắt gặp TÂM TÔI – cái “ tâm của thời gian và không tưởng ”. Tôi lặng yên đứng lại, cõi lòng như trút sạch, lắng sâu và hiểu.

Câu chuyện thứ ba, là một tai biến, nhưng có khả năng lớn là như tiếp cận với con đường. Ngày xưa tôi rất thích tụng kinh Kim Cang, Bát Nhã. Tôi thường nói về TÁNH KHÔNG. Tôi có một ngôi nhà để làm nhang, có đũ nguyên liệu và dụng cụ, vốn liếng ít ỏi của tôi đều ở trong đó. Một hôm bỗng nhà bốc cháy, cơn cháy thật nhanh và dữ dội…Có vài người xung quanh múc nước đến tạt vào đám cháy ! Thoạt đầu ý thức cháy và chữa khiến tôi lật đật chạy ra. Nhưng khi nhìn thấy ngọn lửa đã bốc cao, tôi khựng lại. Một tâm trạng lạ lùng bỗng chốc ngập tràn mênh mông khó tả. Thì ra cái sở hữu này ( nhà nhang ), ngọn lửa đỏ rực kia và Ý THỨC VỀ TÁNH KHÔNG của tôi đồng một lượt không trước không sau đều bốc cháy. Không phải ngọn lửa hoàn toàn do ngọn lửa cháy nhà này đốt – mà chính có một ngọn lửa không màu sắc. Năng lượng vô hình đó tự chuyển giao và tiêu tan chính nó. Ý thức về tính không của tôi, đều thành KHÔNG – TÍNH RỖNG SUỐT hân hoan ( chính kinh nghiệm này làm một tiền nghiệm về sự giác ngộ về sau cho tôi )

Để đúc kết trọn kinh nghiệm này, tôi nói thêm Câu chuyện thứ tư

Một hôm trời đã xế chiều, vì hơi mệt mỏi trong người, tôi lên giường nằm, đi vào giấc ngủ bao giờ không hay. Trong mơ tôi thấy mình đang đi dạo bên bờ sông vào buổi sáng thật đẹp trời, ánh nắng ban mai chiếu xuống dòng sông tươi mát, mặt nước lấp lánh màu bạc, sóng lăn tăn trong làn gió nhẹ. Tôi thấy cả bên kia sông những đọt dừa đung đưa, rọi bóng xuống dòng nước. Dòng sông êm đềm trôi chảy trong buổi sáng thật tươi vui. Chợt tôi giật mình thức dậy, ánh nắng chiều đã gần tàn…Vừa mở mắt, cảnh ban mai vẫn còn sinh động tươi tắn trong lòng, lại chạm vào một hiện tượng không gian ngược lại ! Trong cái thực và mộng thu rút lẫn nhau, chạm vào một cái gì như là nguồn cội… bỗng nhiên tôi vụt thoát ra ngoài cả thời gian và không gian – trong cái vô phân biệt nguyên sơ đó, không gian hình lượng và không gian tâm thức, thời gian hiện tượng và thời gian vận tốc của tâm tư, đều vuột thoát từ kinh nghiệm của giấc mơ chiều nay. Tôi đã chứng nghiệm được một thật tính của thời gian. Thời gian và không gian là đồng nhất.

Thời gian là sự giãn nở của không gian. Không gian co duỗi thành thời gian và cả hai đều từ tâm sanh cả

Qua 4 mẫu chuyện ngắn này có thể nói lên được bốn góc độ của sự tỉnh thức đời người

  • Câu chuyện thứ nhất là: Sự thức tỉnh về cảm giác ( thụ )
  • Câu chuyện thứ hai là: Thức tỉnh được cái giả tưởng ( Tưởng- tưởng hình )
  • Câu chuyện thứ ba là: Tỉnh thức được cái “ không ” ( rõ được hữu và phi hữu )
  • Câu chuyện thứ tư là: Tỉnh thức về sự vận hành của tâm thức biến ( Tính nhị nguyên, sinh ra Thời và Không )

Như trên ta có nhiều cách để tỉnh thức. Tâm ta luôn bám víu vào hiện tượng và tình cảm

Hiện tượng và tình cảm là những ấn tượng, cảm xúc ở trong tâm ta như chùm gửi đeo bám vào chùm cây thích hợp. Như cái răng sâu, gai góc không dính gì cái ta và của ta, nhưng vì không rõ nên ta rất sợ mất nó. NÓ đã đồng hoá trở thành cái TA. Cho đến một móng chân thôi, một cọng tóc rơi ta cũng nghĩ “ CỦA TA”

TỈNH THỨC là nhập vào lẽ thật. Tỉnh thức là thấy rõ được cái nguyên sơ. Tỉnh thức làm mới lại tất cả tư duy. Tỉnh thức là tươi mới lại dòng nước Tâm. Tỉnh thức tạo năng lượng vững bền cho cuộc sống. Tỉnh thức đạt được cái nhìn sâu-ổn định và đã cận kề con đường giác ngộ ( kiến tánh )

Ngược lại với tỉnh thức là tâm đam mê, say đắm, thủ giữ cái vô thường, chấp tự ngã và lý luận nhị nguyên

Trong khoảng giữa thì, người ta tạo ra những trò chơi tương đối, như nghệ thuật, văn chương, triết lý, ẩn dật, hưởng thụ, khổ hạnh, thăng hoa và tu tập nhiều pháp môn sai khác. Pháp môn là một pháp thức hướng dẩn hành trì, để mong được một thành tựu hay một kết quả nào đó.

Từ lòng mong muốn nên có sự gia công. Từ quán tưởng, thiền định cùng những thực tập khó khăn đều đem lại kết quả như người ta mong muốn. Nhưng để được giác ngộ và được tính BẢN LAI thì những phương tiện tu tập không đáp ứng được

Tôi sẽ tuần tự trình bày về Giác Ngộ và con đường. Các bạn tin hay không tin đều không sao cả ! Mong các bạn lắng nghe ! Hãy cẩn thận trong sự bình tâm. Nếu các bạn nghĩ tôi nói sai hay nói đúng đều được cả ! Chỉ cần bạn theo dõi chính mình và thấy được những gì xảy ra trong tận cùng sâu kín nhất. Thấy được cái bên ngoài hay cái bên trong đúng lúc đều là một cái thấy. Nghe cái bên ngoài hay cái bên trong đúng lúc đều là cái nghe. Thấy nghe đều là TÍNH BẢN LAI rỗng lặng sáng suốt. Trong sự khởi sanh tư tưởng các bạn đừng nghĩ khó hay dễ. Bạn hãy tin rằng mình CÓ KHẢ NĂNG GIÁC NGỘ.

Nếu bạn nghĩ mình là Phật, nghĩ đó không sai ! Bạn nghĩ mình là phàm phu tục tử, bạn sẽ sai lầm. Bạn nghĩ mình là Phật, bạn sẽ là Phật. Bạn nghĩ mình là phàm phu, bạn sẽ sẵn sàng tạo nhiều bất hạnh.

Đứng trước bờ biển mênh mông, bầu trời trong sáng lặng yên, bạn cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn, bạn sẽ trở thành cô độc và cô đơn thật. Bạn nhìn thấy cái mênh mông vĩ đại kia, bạn cảm thấy khái hùng tâm, ý chí tự sinh, bỗng thấy mình là một đại trượng phu, đầu đội trời, chân đạp đất nào thua kém một ai ! Cùng với cái mênh mông, rỗng lặng, mất hút tầm nhìn, tâm hồn hoát nhiên trong suốt ! Bỗng chốc bạn mất mình hợp nhất hư vô.

Cái thấy được nhất như là tâm nhãn tràn đầy cõi vật. Cái ta trong khoảnh khắc đã biến mất vào biển trời vô hạn, một trạng thái lặng thinh và chuyển động, tạo nên một khoái lạc khôn lường. Chỉ có một cảnh giới mà khiến ta có nhiều trạng thái tâm. Tâm bạn cô đơn hay hào khí, tiêu cực hay tích cực, nhỏ bé hay mở tung đều từ chỗ ta quyết định. Trước hết, ta phải hiểu Giác Ngộ có nghĩa là: Tỉnh thức khỏi cơn mê, thấy được cái sai lầm, chọn được chỗ vượt qua. Biết được cái sai lầm không còn dính dấp. Thấy được chỗ thoát ra khỏi phiền trược, hiểu được cái không tên …

Ta thấy được những sự tỉnh ngộ trong cuộc sống về tình cảm, qua vấn đề giới tính. Một cậu trai yêu một cô gái thật lòng, luôn dành tất cả ưu tiên cho cô gái, luôn săn sóc và thương yêu. Thê nhưng một ngày nọ khi bắt gặp cô gái trong vòng tay một người con trai khác, anh chàng bị một cú sốc thật sau xa. Vốn là người có tri thức cao, anh không phát tác một cách thô bạo tầm thường. Nhưng lòng anh đã vở, khác nào quả bong bóng đang căng tròn trịa, bỗng bị cây gai đâm một lổ to. Trái bóng trở thành xẹp lép không một tí hơi nào. Về tâm lý nếu một người tầm thường sẽ bị điên giận hoặc bạo hành hay trả thù. Nhưng người con trai này bản chất thanh cao, tâm tình tế nhị, lại thường biết lắng nghe sự dao động ở trong lòng… nên nhân sự việc này làm anh tỉnh ngộ ! Tỉnh ngộ ở đây có nghĩa là anh thấy được: “ Cái tình cảm kia chỉ là một ảo tưởng và hy vọng khổ đau ”

. Anh dửng dưng và trồi lên những lượn sóng, không thể bị nhận chìm. Sự tỉnh thức này tức là những Giác ngộ về tình yêu.

Trước đây có một nhóm người rất hung bạo và bất lương, một hôm rủ nhau đi đánh cướp một nhà giàu. Chúng lấy được rất nhiều châu báu, củng đưa lên một ngọn đồi để phân chia, nên không đồng ý về phần mình nên khởi lên tranh giành và chém giết lẫn nhau. Cuối cùng chỉ còn 2 người và họ bằng lòng chia đôi. Trước lúc bỏ của báu vào bọc lên đường, một người đề nghị: “ Anh hãy lấy một ít tiền đi mua rượu thịt về đây ta ăn mừng chiến thắng về sự phát tài này, rồi sẽ chia tay ”. Người kia thấy phải bèn đi xuống quán để mua. Khi cầm rượu thịt trên tay anh này suy nghĩ: “ Tội gì mình để cho nó chia ! Hãy bỏ vào rượu một ít độc dược, thì mình sẽ lấy hết ! ”. Nghĩ sao làm vậy. Anh chàng ở trên đồi cũng thâm hiễm không kém, anh ta tính: “ Ta hãy chờ ở chỗ bụi rậm kia, thằng cha về sẽ cho một dao, thì mình sẽ trọn gói !” . Khi anh kia về gần tới, liền bị một dao hồn lìa khỏi xác. Anh này xách túm rượu thịt tới rương châu báu, cười to ha hả, thoả thuê một mình ăn nhậu,vừa được hai chén, liền ngã nhào trợn mắt rồi đứt hơi !

Một người đàn ông du ngoạn ngang qua ngọn đồi, thấy cảnh tượng máu đổ đầu rơi và hòm châu ngọc, thì đoán biết được việc gì đã xảy ra…! Anh ta đem các xác chết chôn vào một nơi kín đáo và đặt luôn hòm châu báu vào đó lấp đất rồi ông khấn rằng: Lòng tham vọng không đem về những gì của các anh, làm các anh vong mạng. Của báu này là nhân bất hạnh, các anh không oán thù mà có thể tàn hại lẫn nhau là vì những thứ này. Bởi các anh dù chém giết nhau, thì còn phải gần nhau. Nếu các anh biết chút ít về tình thương và hiểu được điều này, thì các anh khỏi phải làm kẻ sát phạt trong loài quỷ đói và được tự do. Nói lời chú nguyện xong rồi người khách bỏ đi

Ông khách nhàn du này là người đã Giác ngộ về lòng tham. Tham là một loại virus của tâm. Tâm có loại tham trùng này sẽ làm tâm mất tự do, bất an và hạ đẳng. Người ta biết thế nhưng không loại trừ được tham vọng vì người chưa Giác Ngộ. Giác ngộ về lòng tham sẽ trở nên vô thượng, cao nhã vô cùng. Giác ngộ được về cảm xúc và tình yêu, người ta sẽ trở nên trong suốt và sâu xa.

Tham và ái là hai mặt của một cặp song sinh, từ bóng đen tự ngã. Giác ngộ được tự ngã là rút được cái chốt, để dòng chảy bất sinh lưu thoát. Nhưng Giác ngộ là cái gì ? Và làm thế nào để được giác ngộ ? Đó mới là trọng tâm mà ta cần phải biết !

Lòng tham nóng giận, yêu ái đều có tướng riêng của nó. Khi ta thích một cái gì thì cái đó trở thành hình ảnh sống trong ta. Sự ưa thích nồng cháy, hình ảnh đó tràn ngập cả tâm ta. Tâm ta là vật hoá. Ta mất tự do và tự chủ. Kết quả ngược lại với cái thật và hạnh phúc của ta. Như một cái nhà vô chủ, khách đến và đi, tự do, vô ơn và vô trật tự. Những người có đạo đức và nhân cách là những người có tự trọng làm cho mình có đặc tánh tự chủ và khôn ngoan. Nhưng những điều đó rất tương đối. Trong bản chất có sự dồn nén, ức chế, phỉnh lừa và sợ hải. Người Tỉnh thức, Giác ngộ thấy được tính bản lai của mình, người đó đi rất xa, biết được con đường, đi trên con đường và vượt qua con đường.

Trước hết các bạn nên nghe và ý thức những điều như thế ! Các bạn phải có lòng tin về sự thật ( chân lý ), các bạn cố gắng biết được vì sao ? do đâu lại có người nói ra suôn sẻ ? Tại sao họ lại có khả năng diển dịch về chân lý ? Tại sao mình phải đắn đo suy nghĩ rồi cân nhắc từng chữ, từng câu mà nói ra vẫn sai ? Bằng chứng là sau đó mình hối hận, mình vẫn không tin được điều mình đã nói !

Người có khả năng thấu suốt là người có SỰ KHỞI ĐẦU TRONG LẮNG NGHE, biết được sự lắng nghe và bằng lòng trong sự chỉ dẩn của một vị Thầy, là điều rất may mắn, là đại nhân duyên, là điều ta có thể mất mình với một vị thầy để được sự chứng nghiệm. Một người tầm đạo phải biết rằng giá trị và tầm quan trọng đó có thể đánh đổi tất cả những gì trên mặt đất. Đó là giá trị của sự chứng nghiệm tỉnh thức và Giác ngộ. Có ý thức rõ ràng về con đường, ta mới bước lên con đường vững chải có ý thức, và mong được hạnh phúc ta mới có hạnh phúc ! Biết quan trọng duy nhất, chỉ có tỉnh thức mới làm ta thoát ly sự ngờ nghệch, vô minh lầm lạc. Biết rằng chỉ có giác ngộ mới thoát khỏi mê tín. Giác ngộ là trí tuệ nguyên sơ của thức tâm ta. Sự lấn tràn của tuệ giác đưa đến thoát ly mọi sự đóng khung quy định của cuộc đời và tôn giáo.

Khi giải thoát, phục hồi được bản tâm, thấy được cái bất sinh bất diệt, thì tất cả danh từ ĐẠO và hình tướng cũng đồng như tất cả hiện tượng trôi chảy, trong suốt, thảnh thơi. Người ta có thể giải quyết mọi vấn đề một cách ổn thoả không có sự nghi ngờ hay lẫn tránh. Chúng ta cũng cần biết không phải ai cũng giác ngộ như nhau, giống nhau và bằng nhau trong một sự kiện xảy ra, cũng không phải trong một thời gian hay không gian nào nhất định.

Xin phép các bạn cho tôi được trình bày sự giác ngộ ở đây qua ba phương diện:

 

  • Giác ngộ trong nghe và thấy
  • Giác ngộ trong hành động ( gồm đối xử và không hận thù )
  • Giác ngộ sâu sắc qua thân khẩu ý

1) Giác ngộ trong Nghe và Thấy:

  1. Giác ngộ trong NGHE:

Hàng ngày chúng ta nghe biết bao nhiêu là âm thanh, những điều chúng ta cần nghe và không cần vẫn nghe. Nhưng chúng ta chưa từng biết tính nghe ở chỗ nào ? Ta nghe hay là ai nghe ? Luôn luôn ta bảo là mình nghe, nhưng có nhiều lần ta “ không có ý ” nghe. Ta “ không lắng ” nghe nhưng ta vẫn nghe ! Một tiếng động, một giọng ca, tiếng chim hót, một làn gió, một giọt nước rơi, ta đều biết được ! Đó là cái nghe BẢN LAI của ta. Ta “ cố ý ” nghe, ta nghe về ý nghĩa. Ta muốn nghe âm nhạc. Ta nghe cả cảm xúc, nhưng ta không có ý nghe trong lúc ta vô tư – thì lúc đó là cái nghe BẢN LAI của ta. Chúng ta muống giác ngộ tính bản lai của ta trong cái NGHE, thì chúng ta không được mê âm thanh, dù âm thanh có ý nghĩa hay không ý nghĩa. Nếu ở gần đường phố ta có thể nghe âm thanh vút qua khi một chiếc xe chạy nhanh trong đêm khuyu. Âm thanh chạy qua rồi để lại trong ta “ MỘT KHÔNG GIAN YÊN LẶNG ”. Ta phải thực tập rất nhiều và lâu qua những loại tiếng động nhanh, cho đến khi CÁI KHÔNG ÂM THANH tụ lại như một hiểu biết rõ ràng về cái không

Khi nào ta nghe rõ ràng được mọi âm thanh đều mất hút trong cái không vắng lặng này, đó là sự tiến bộ. Rồi đến lúc, giữa những tiếng động ồn ào mà ta vẫn nghe được cái vắng lặng hư vô trùm khắp. Thì ta đã thành tựu trong cái “ KHÔNG ” có giá trị. Thông minh hơn ta vượt qua “ Ý THỨC ” về cái KHÔNG này. Thì lúc đó là lúc ta đạt vào tâm điểm của không tính bản lai. Từ đây, khó tìm được vị Thầy chỉ thêm cho ta mà chúng ta phải tự siêu trong hội nhập tinh vi vào BẢN LAI của ta. Trong THỰC TÍNH không có cái nghe hay không nghe. Thì các thể nghe của ý thức và không ý thức bằng nhau. Như thế NGHE VÀ KHÔNG NGHE BẰNG NHAU, vượt ra ngoài khái niệm suy nghĩ và ngôn từ. Đó là cái GIÁC NGỘ LỚN VẾ TÍNH BẢN LAI qua NGHE.

  1. B) Giác ngộ trong THẤY:

Thấy là tính trống không, sắc màu hiện trong cái trống không này có ý thức nên gọi là THẤY. Ta hãy thấy một đối tượng hay một vật thể ngang qua mắt. Đừng đánh giá phân biệt đó. Rồi – hãy yên lặng thấy trong tâm. Hãy thấy hình ảnh đó nổi lên trong tâm. Biết nó đến trong khi tiếp xúc. Thấy hình ảnh hay vật thể trôi qua rồi biến mất. Trả về chỗ chưa thấy. Cái chưa thấy không mong chờ, là cái KHÔNG – không phải không trơn – mà có hiểu biết lặng yên.

Giác ngộ về TÍNH THẤY , là chộp được “ KHOẢNG GIỮA ” CHỦ VÀ KHÁCH. Thị kiến khi nhìn cảnh mà không tâm, thì cảnh tượng như mơ như thật đều dung thông rỗng lặng. Thấy được cảnh, trong cái tịch lặng không tên. Cảnh trí lặng thinh sống động không chán không ưa – là đạt vào cõi miền GIÁC NGỘ VỀ CÁI THẤY rồi vậy

2) Giác Ngộ trong Hành Động ( gồm đối xử và không hận thù )

Hành động là điều bí mật nhất mà rất ít ai ngờ tới, như ta đưa lên một cánh tay, hay giơ chân để bước tới.

Có khi nào bạn tự hỏi: Từ đâu ta bước chân tới ? Do gì ta đưa tay lên ? Bạn sẽ sai nếu bạn tự bảo là: Tự mình muốn thì mình giơ chân lên, bước đi. Mình có nghĩ đưa tay thì sẽ đưa tay ra.

Nếu được an ủi, bạn chỉ trúng được một con số chót ở tận cùng mà thôi. Một số, để so với tất cả số được độc đắc thì không biết đến bao giờ bạn mới đạt được

Bao bì dù có kê khai được món hàng, cũng không bao giờ dính dấp đến cái ruột, nội dung của nó.

Tư tưởng, ý thức không đũ liên hệ trong tư thế của hành động đâu ! Nếu ta muốn hiểu thêm thì tư tưởng, ý thức cũng là một hành động rồi. Nhưng bạn không thể ngưng tụ mãi trong một tư tưởng hay một ý nghĩ. Ngay cả một xúc động, một cảm giác cũng không bao giờ yên. Chúng không đứng một chỗ, không dừng lại để cho bạn điều động.

Nếu bạn thấy được tư tưởng, những cảm xúc, hay tri thức thìkhông bao giờ bạn cho những thứ ấy là Bạn ( TA ) hay của bạn ( CỦA TA ). Muốn Giác ngộ bạn hãy tỉnh táo lắng nghe, nhìn ngắm chúng. Nếu bạn chưa thực sự lắng nghe và nhìn ngắm chính bạn, thì những điều tôi nói ở đây chỉ là lý thuyết suông mà thôi.

Giác ngộ trong hành động, suối nguồn của nó từ việc thấy biết được các pháp. Hành là lực chuyển vận ra mọi đường hướng ứng xử với dòng đời hiện đại.

Khi nhìn ngắm các vật thể, sự sống và đối tượng trong đồng loại, ta bị kẹt dính dồn nén, hay trôi chảy thênh thang. Dấu ấn của giác ngộ là ở đây, là cái không ranh giới, không hạn lượng, là trí vô phân biệt, không hận thù, bất mãn. Nếu ta có sự chống trái hay bất đồng – là dấu hiệu thấp kém tầm thường của trí tuệ.

Từ khi biết được điều bí mật này, tôi biết mình không còn kẻ thù nữa. Ngay cả khi nghe bất cứ ai nói bất cứ điều gì, tôi đều thấy được tính lặng yên trong những tiếng lời của họ, rất ít khi có sự phản bác.

Tuệ giác không bao giờ bị lu mờ, hoang mang, hay xu hướng theo bất kỳ một lý thuyết nào ! Nếu thấy cần để dẩn đến chính xác cho đối phương, thì tự nó biết cách phân tích theo loại ngôn ngữ nào để dẩn vào chân lý.

Đối xử an toàn linh hoạt, không làm ai tức bực, có hiệu quả cao. Đó là sự biểu hiện giác ngộ trong hành động, là tối thắng của người đi tìm chân lý.

 

  • Giác Ngộ sâu sắc qua Thân Khẩu Ý:

Có lúc bạn thấy mình như một CÁI BÓNG. Bạn bâng khuâng mà không hiểu từ đâu. Quả thật bạn chỉ là một cái BÓNG ! Nhưng cái bóng thật nhẹ nhàng thanh thoát ! Giây phút đó bạn hoàn toàn sáng suốt, không một hoài nghi hay ám muội gì. Bạn hãy xác định thật rõ ràng, lúc đó bạn sẽ tỉnh thức và giác ngộ. Hoặc đôi khi bạn thấy mình “ Trống Rỗng ”, cái giây phút trống rỗng đó được bạn thấy thật vô tư, không sợ hãi. Bạn không tránh, không chạy trốn nó vào những công việc. Không biết đổi bằng ý thức thật tế.

Chính đó là “ KHOẢNG HỞ ” của luồn tâm dày đặc. Bạn luôn lấp đầy cảm thụ, tư tưởng hay hiểu biết thì không bao giờ bạn có cái “ RỖNG KHÔNG TRONG SUỐT ” đó !

Hiểu biết là thứ yếu, hiểu biết là áng mây che lấp bầu trời trong xanh vô tận.

Những xúc động, những tư duy, cảm giác…đều là những màn sương mờ đục của tâm bản lai. Có những lúc bạn tự MẤT MÌNH, hoặc bạn không có ý thức mình đang ở đâu. Giữa 2 đám mây dày u ám, một khoảng trời trong xanh hiện ra. Khoảng không gian tâm thức ta nhiều lần hiện ra rỗng không trong suốt như thế mà ta có hay đâu ! Ở đây bạn không cần tham vấn hay thiền dịnh chi cả. Bạn chỉ nên theo dõi và lắng nghe “ Sự lắng nghe như thế – không nên có người, cũng không có đối tượng chủ chốt nào ” nghĩa là : Chỉ có chú tâm lắng nghe chứ không có chủ hay khách gì cả. Bạn hãy bình thản mà chú tâm liên tục như vậy tức là đã vượt qua tất cả những Thiền định và những pháp thức cạn cợt mà bạn đã nghe từ trước.

Không ai có thể dạy cho ta những điều mà họ không biết gì cả. Vì bạn không biết thực hư chính mình là thế nào, nên bạn dễ tin những điều của người khác nói. Khi ai nói một điều gì tốt, mạnh mẽ về ta, thì ta có cảm giác là họ nói đúng, giống như cách những Thầy bói nói về việc vị lai cho những thân chủ của họ.

Bạn hãy dứt khoát quay trở lại chính mình. Bạn có thể thấy con đường được che đậy và bưng bít từ lâu. Nếu bạn không vay mượn bất cứ thế lực nào ở bên ngoài, và cũng không cần nương tựa những gì mà tư tưởng bạn vừa mới sản xuất ra, trong sự thầm lặng không tên đó, nhất định bạn sẽ đạt được Giác Ngộ hiện tiền.

 

Tính Cố Chấp:

Chấp là chất keo bám. Chấp là sợi dây vô hình nhưng có thể cột trói ta vào dòng sống liên tục. Ta chấp mình là một con người, một nhân vật quan trọng. Ta tự cho ta hơn người khác. Ta là người Nam, là Nữ, là giàu, là nghèo…là thế này hay thế khác. Ta luôn thấy cái gì cũng thật ( hay cái gì cũng giả )

Ta chưa bao giờ thấy được cái không tên. Ta chưa biết cái tên gọi, không phải là sự vật. Ta chưa thấy sự vật như chính nó. Ta chưa biết tiếng nói chỉ là một âm thanh. Ta chưa biết âm thanh là sự giao động từ hiện tượng cọ xát nhau. Ta chưa biết những lượng gió bên trong, từ tâm động mà sanh khởi. Vì chưa biết những điều đó nên ta tưởng những gì cũng có thật, cho đó thật nên gọi là “ CHẤP ”. Chấp thế giới là thật, dù ta có thấy sự tương tác, tương sinh của hiện tượng vũ trụ cũng không phải là thật. Dù ta có thấy được cái không thì cái không đó cũng không phải là thật.

Chỉ có một sự thật là : không thấy, không nghe, không hay, không biết. Mà cái gì cũng thấy, cũng nghe, cũng hay, cũng biết. Đây là sự thật. Một sự thật đúng nghĩa, thì không có cải gì gọi là thật hay là giả cả. Cũng như một người thật “ LÀNH ” thì không có sự cố chấp thiện hay chấp ác trong người đó.

Chấp có hay chấp không – làm thành tự ngã. Nếu một người nào đó không còn tâm bám víu vào những gì xung quanh họ, thì người đó cũng không cần phải hành đạo hay tu tập cái chi đi nữa. Như nói, người nào tỉnh thức thì không cần tu, người nào Giác ngộ thì không cần ĐẠO. Người giải thoát thì không cần am và hình tướng. Người thông minh nghe nói “ Không cần ” thì ắt tự có thể vượt qua, vươn lên cả hai chứ không có nghĩa là đi ngược lại cái trước. Tâm mình thấy rõ không lấy, không bỏ một điều gì đó mới gọi là hiểu đúng.

Hiểu đúng tức là không chấp. Không chấp và hiểu đúng như thật tức là VÔ NGÃ. Vô ngã là GIẢI THOÁT

 

         Một ngàn năm làm một bài thơ

     Khói mây hương sắc mãi trông chờ

     Bước chân theo bóng tình non nước

     Sao để trung nhân mãi hững hờ

GIÁC NGỘ BẢN TÂM

 

Một người tâm đang điên loạn, khó mà biết được mình đang muốn gì, người đó còn không biết mình là ai ! Người điên không biết về mình, không biết về người khác. Cũng không thể xác định được sự việc xung quanh một cách rõ ràng được. Trạng thái tâm vô minh còn đắm sâu, vi tê và mê muội hơn cả người điên loạn. Người điên loạn có thể gặp thầy thuốc giỏi dùng y thuật mà trị liệu được. Người tâm vô minh thì y thuật vật lý không thể trị liệu được. Người điên loạn mất mát có giới hạn và trong giới hạn thời gian. Người tâm vô minh mất tất cả và thời gian khổ đau vô cùng tận cho đến khi nào tỉnh thức và Giác ngộ bản tâm thì mới dừng lại. Người tâm vô minh là người không thấy được sự thật. Người tâm vô minh chỉ thấy được danh và sắc.

Người tâm vô minh bị xúc, thụ, tư duy và tự ngã lường gạt ! Tự ngã đánh lừa qua danh và sắc. Người tâm vô minh, tâm luôn bị đóng thành khung, như con chim đẻ ra từ lồng, như con vật rừng già sinh ra từ sở thú. Người vô minh luôn bị quy định như con chim ở trong cái lồng bịt kín. Người tâm vô minh nói hay làm bất cứ điều gì, ý thường quy về ngã. Nói đến đâu, tự thấy mình hiện hữu ( có thật ) đến đó.

Người tâm vô minh nói hay làm bất cứ điều gì, thì đều ở trong danh, lợi và tình. Như thế, lực khống chế của tâm vô minh là tính phân biệt, nhị nguyên như hai bờ mương nhỏ dẫn con nước đi theo hướng đã định của người dẩn nước. Người tâm vô minh – tâm hướng ra ngoài, chạy theo sự biến đổi của vật, tâm xu hướng, thích sức mạnh, đám đông, sự đổi mới. Hăng say, nồng nhiệt gần như khích động, nhất là chấp chặc về môn phái, lý luận và tri thức độc tôn. Tất cả loại tâm trạng như thế là dấu hiệu “ MUỐN CÓ ” là dâm khí của Tâm, sức mạnh đẩy tới của luồng sống chính là “ Dục ”

Người tướng trạng, một bên luôn muốn có, muốn rõ ràng, phóng đi và lập lại. Điều đó nói lên sự lôi kéo, sự chao đảo, sự gập ghềnh, tựa như cái đu không có lực cân xứng, không thể thăng bằng, và nó phải quay nhanh, đối lực luôn ở dưới hay ở trên. Kẻ chơi và người ngắm tâm chẳng đặng dừng. Trạng thái tâm vô minh như thế không còn mọc rễ trong tâm người giác ngộ, tâm đó bị bốc hơi và tan biến vào không nơi xứ

 

NGƯỜI GIÁC NGỘ LÀ NGƯỜI KHÔNG TÂM

Người giác ngộ thấy như không thấy, nghe như không nghe. Nói như không nói. Đang nói có thể dừng như không có việc gì. Đang dừng có thể nói, nói không dụng tâm. Người giác ngộ biết cách nói mà không cần phát âm. Thấy rõ những âm thanh trống rỗng. Người Giác Ngộ thấy biết được những mạch ngầm từ chiều sâu trỗi dậy. Những rung động xô đẩy, làm thành âm thanh kết thành, liên hệ qua kinh nghiệm của từ, phát làm tiếng, theo giọng lời quen thuộc. Trong mặc ước chỉ định – xác nhận từng phần hay tổng quát về tâm, sinh, vật lý.

Càng không hiểu chừng nào những vi tế và kết nối theo thói quen, con người càng mờ mịt tăm tối sai lầm về thực tại, chúng ta đã đánh mất sự trong sáng tự do và tự tại. Người Giác Ngộ lần hồi thấy ra được những cấu trúc chằng chịt của mạng lưới ảo lưu vận hành đa dạng. Thị kiến như thế, làm cho tâm trống không, hiển bày cái KHÔNG TÂM RỖNG SUỐT. Những cái không thường tại ( vô thường ) khốn quẩn, khổ đau của kiếp người đều là những ảo hình, ảo tưởng. Thật vô cùng khó khăn cho đương sự tách rời và nhận diện.

Người thấy được cái giả, cũng là người thấy được cái chơn. Cái chơn không tách rời cái giả. Cái giả, xấu ác, bất toàn, vọng động sẽ trốn đi và biến mất. Vì khi nhìn ra được lãnh địa nào sinh ra chúng thì cũng chính từ nơi mãnh đất đó chúng bị diệt tiêu.

Ai nhìn ngắm được những màn sương hơi nước, thì người đó thấy được những đám mây không còn mê hoặc ! Ai thấy được những xúc đoạt trong cảm giác và tư duy, thấy được cái vay mượn dựa vào bản ngã, thì người đó sẽ vô ngã không lâu ! Người mà thấy được cái vô chủ thể, và không căn gốc, cội nguồn, thì người đó biết được tất cả sự phát sanh như giấc mộng ! Người mở mắt thấy luồng tâm vào trong mộng. Thấy được mộng, mộng sẽ không thành mơ ! Giống như người chặn mắt để thấy hai mặt trăng cùng lúc. Người có thể thấy rõ những không còn mê hoặc. Mê từ cái chấp thấy và cái thấy sai. Không còn tin nơi tướng thật – cái chấp thấy phải tiêu. Thấy chỗ sản sinh – cái sai cùng biến mất.

 

THỊ KIẾN RỌI RA ĐẾN ĐÂU, THÌ THỊ HIỆN CÁI VÔ TÂM RA ĐẾN ĐẤY, CÁI CÓ TÂM không còn chỗ trụ thì cái BẢN LAI tức khắc hiện lên

Người ta cố không tin trong cái thật, cái tận cùng, cái rốt ráo không tên, đều chỉ ba lý do này:

 

  • Một là không ai quyết định cho ( không nói cho nghe, không chỉ cho thấy )
  • Hai là tâm đang có pháp ( tâm vận chuyển theo một chiều có vấn đề )
  • Ba là không có tâm vô thượng, không có tâm tìm sự rốt ráo chân lý. Tâm hạ liệt chưa bao giờ lắng lòng, lặng yên trong nghe, nhìn vào thực tại

Người giác ngộ là người không pháp. Pháp là giới hạn của tâm, mà người giác ngộ không tâm, nên Pháp không còn giới hạn. Pháp không có điểm dừng nên tâm không có chỗ trụ. Pháp là tướng trôi chảy của hiện tượng mà thật tính Phật là lặng tĩnh hư vô. Tâm người Giác ngộ nhìn tới đâu thì pháp đó an nhiên tịch lặng.

 

Các pháp không tên không tướng, vì tâm vọng nên các pháp thành ra các tướng, vì tâm có dụng, các pháp thành tên.

Tâm người Giác ngộ không phân biệt mà hiểu pháp đồng như danh tự ở đời, biết sử dụng trực phân như thời đương đại. Dù có giao tiếp trong cuộc sống, sử dụng ngôn ngữ trực phân mà trong lòng vẫn rảnh rang rỗng suốt. Với các pháp thấy đều không – mà ứng xử hợp thời.

Các pháp đều bằng nhau, nên tự tâm không phân biệt. Pháp không hơn kém tốt xấu nên không phân chia. Khi tâm tham muốn ở nơi nào thì nơi đó thành ra hạn cuộc đúng sai.

Thời gian và không gian lấn đoạt nhau thành thế giới. Thế giới bừng sáng rỗng thông và trôi chảy thành ra pháp giới giãn co.

Người Giác Ngộ là người không tính. Nỗi phiên muộn ưu tư và tập hợp ( người thói quen ) thành ra tính. Người tỉnh thức đôi khi cũng có những thói quen, những đặc tính của thói quen còn sót lại. Đôi khi có những hư tật của Khẩu và Thân lưu lộ ra bên ngoài, đôi khi sự hành xử người đời cảm thấy bất cẩn ; duy có điều: người Giác Ngộ biết rất rõ điều mà thân, khẩu mình đang ứng dụng. Vì ánh sáng vô tâm vô trụ cùng cái hiểu biết rất vững chãi và sự rõ ràng trong sự vận hành sâu kín, nên hành động không bị kết tinh. Hành động không còn tà tâm và tà kiến.

Tà tâm là làm trong so sánh và không thấy rõ việc làm ( có dụng ý ). Tà kiến là mình tự cho hành động đó là đúng, phải xử sự như thế. Chấp chặt, dính đeo, nghi ngờ và sợ hãi.

Người giác ngộ tiếp thu mà không tiếp kiến. Tiếp cận mà không lưu trữ, tiếp xúc mà không dính mắc. Bởi người giác ngộ có điều kiện tiếp xúc mà không điều kiện để dính mắc. Có điều kiện tiếp cận mà cạn kiết điều kiện tồn trữ lưu nghiệm về sau.

 

Người Giác Ngộ có điều kiện tiếp thu mà không đũ chất mê để cắm sâu tà kiến. Như thế người giác ngộ luôn thoát qua những ảo lưu làm thành đặc tánh, nên mới gọi là người Giác Ngộ không tánh. Tính là những tập kết ngoại lai nó có thể thay đổi khi không gian và thời gian thay đổi, và nó bị xoá tiêu khi mặt trời của Tuệ Giác Ngộ lên cao !

Tính là chất cặn chưa kịp thải đi của thời gian và không gian

Người ở vùng nhiệt đới tính thường nóng nảy. Người gần sa mạc tính ngưỡng mộ, thường khoét sâu bạo hành và cực đoan. Dân tộc ở hải đảo, tính thích động, nhiều thuật và phát minh.

Người dân ở miền cao tính trầm tư, hướng nội, tình cảm và hy sinh. Cá nhân thì có người tính nhiều tham vọng, nóng giận, si mê. Có người tính đa sầu, đa cảm. Có người tính tình phóng khoáng. Có người tính nhỏ nhen ích kỷ. Có người tính ưa giúp đỡ. Tính thiện, tính ác…Tất cả tính của người đời như vậy là do từ cuộc sống, địa lý, khí hậu, thức ăn, chính trị, chiến tranh, học thức, tập tành, phát kiến, đam mê…

Người giác ngộ được tính bản lai thì tất cả đặc tính trên đều lần hồi rơi rụng. Như đã nói trên tính là cặn bã của cuộc sống, là chất meo ngoài vỏ cây, là chất thải không tiêu hoá. Nó bị tập tành kết tinh và ám thị trong vận hành của cái biết. Tính – không có thật. Người nào thấy được cái không thật, Tính đó tự động tan rã.

Người Giác Ngộ là người không Tính ( không Tính là tuệ giác thăng bằng rỗng suốt, không cố chấp về cái không ). Không Tính cũng gọi là TÍNH KHÔNG. Tính không là không còn một đặc tính gì nhưng luôn có một hiện hữu thấy, biết, nghe nhìn không ngã chấp, không si mê, đồng trong tất cả.

THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN

Giấc mơ hình thành cuộc sống

Ngày trước tôi thường có những giấc mơ lạ. Lạ là rất ít có trong giấc mộng. Cơn mơ của tôi có thể nói là giấc mơ lớn. Lớn cả ba mặt:

  • Bối cảnh không gian vĩ đại
  • Hoành tráng dị thường làm tạo dựng và biến đổi dòng tâm thức
  • Làm cho chuyển hoán những hạn chế về nghĩ tưởng hiện tại

Sau đây là giấc mơ vượt biển: Tôi và nhiều người khác đang vượt qua biển. Cảnh biển thì sóng gió mênh mông. Tôi và nhiều người khác, mỗi người đều ngồi trên một con vật to lớn dị thường như rồng, cá ngao…mỗi người cũng không phải bình thường, thân hình ai cũng to lớn kỳ dị, có vẽ các thần nhân kỳ hình dị tướng.

Tất cả đều hồ hỡi vượt lên, tiếng va động ầm ầm như đoàn quân thần xông trận. Sóng gió hãi hùng cùng khói mây trong cảnh mênh mông trời nước. Tôi cùng ngàn muôn ngừi đầu to mình lớn, như nhất đồng loạt xông lên. Khí thế hùng uy xúc động lên những cảm giác khích lệ dị thường uy dũng.

Cảnh giới của giấc mơ thật hãi hùng uy tráng mênh mông như thế cho đến bây giờ để lại trong lòng tôi một không gian tràn ngập. Những hiện tượng đời sống dù rất thật tế như hiện tại vẫn không xoá được viễn ảnh của cơn mộng trên. Cảnh mộng thì không còn, nhưng dấu ấn của một sự tràn ngập làm loãng tiêu dòng thời gian biến dịch.

Thời gian bị không gian lấn đoạt, thời gian tự loãng trống, lúc một không gian rỗng làm cho dòng chảy không thể kết tinh.

Hiện tại là không gian của tư duy, kéo dài theo ức tưởng làm thành khoảnh khắc của ký ức hai chiều. Kinh nghiệm đó bị giấc mộng huyễn hoặc va động rồi vỡ tan. Như thế ta đã thấy rõ ràng những kinh nghiệm đó là cái ứ đọng những ảo tưởng. Chính ảo tưởng là trung tâm phồng nở ra không gian. Không gian không lặng yên mà tự chao động chảy dài như thể có thật một dòng thời gian chuyển tiếp.

Và đây là giấc mơ thứ hai của tôi:

Vào một buổi chiều, bầu trời tĩnh lặng, tôi đi đến một bờ sông , lội xuống nước và từ từ đi ra sâu. Khi nước đến bụng tôi dừng lại, nhìn thấy từng đoàn thuyền như những chiếc thuyền đua, thân dài mình nhỏ. Ngồi hai bên be thuyền là những tay chèo khoẻ mạnh đẩy dòng nước lướt nhanh về phía trước. Mấy đợt thuyền đã đi qua tôi vẫn đứng yên, đến thuyền cuối cùng như thế vừa lướt tới. Tôi nghĩ: đây là thuyền cuối và tôi vội vã chụp nhanh đằng sau lái; tôi đeo thật chặt, một nửa thân trên ở trên và một nửa ngâm mình dưới nước, cứ thế mà bám theo. Khi ra quá cửa sông thấy sóng nước mênh mông, lòng tôi kinh hoàng sợ hãi. Người lái thuyền bỗng quay lại và bảo: “ Đây là NGHỊCH LƯU ”. Vừa nghe chữ NGHỊCH LƯU, lòng tôi cảm thấy bình an trở lại. Từ đó đến nay đã lâu, nhưng tôi không còn nghi ngờ nữa ( không còn hoài nghi, thân kiến, chấp thủ )

Nếu vi tế mà xét ra thì đây là một cơn mơ thuộc thời gian như: trên đường ra bờ sông – lội dần ra sâu – những đoàn thuyền lướt nhanh – bám vào chiếc thuyền sau cùng – thuyền ra giữa sông…

Những di động của hiện tượng, sự nối tiếp của từng giai đoạn, từng hành động, sự sợ hãi tiềm ẩn và An tâm. Thời gian đi từ đâu lại ? Những vận hành nào thầm kín tâm tôi – những xô đẩy từ nơi tăm tối nào mà ta không ý thức được. Ta không thể biết được sự cấu trúc khi giấc mộng đã hiện lên. Không thấy được Nhân dẫu ta nhìn thấy, mục diện được cái đang xảy ra. Cái đang xảy ra xoay động rất nhanh đẩy chân tri ta bừng sáng. Cái ban đầu ẩn mình trong thực kiến, như dòng thác từ dốc cao đổ nhanh, mặt nước lóng lánh linh động vô cùng. Tốc độ nước càng nhanh, mặt nước càng lung linh ảo diệu. Từ xa ta có thể thấy dòng nước chảy xiết của thác như một giải lụa màu trắng sáng kỳ lạ vô cùng. Chính vận tốc đã tạo ra sắc hình kia. Cái động dồn dập là thời gian. Thời gian cọ xác thành ra sắc trạng. Sắc trạng là không gian hình tượng, xoáy lốc không ngừng lại tạo ra sự chảy trôi là THỜI TÍNH. Thời tính hay thời gian. Những bóng bọt muộn phiền âu lo là sự sống…

Sự sống, sự chết vùn vụt không ngừng. Ký ức thời gian xoáy mau về phía trước, làm tụt hậu về lối sau tạo ra sự lưỡng phân dòng tâm thức. Tư tưởng là kinh nghiệm – những xác ướp chập chùng, phóng ra cái nhìn, giọng nói tự hoạ, tự khai, rồi tự giảm teo trong lối mòn kéo lôi và sợ hãi !

Như tôi đã nói ở trên : THỜI GIAN, KHÔNG GIAN – GIẤC MƠ HÌNH THÀNH SỰ SỐNG

Sự sống, cái hiện thực mà ai cũng có thể thấy được. Nhưng không phải thấy, đó là cái THÓI QUEN, không phải thấy qua lớp vỏ bề ngoài, không phải thấy từ bao bì quảng cáo. Những kiểu thấy như thế quá xưa rồi. Thấy như một âm thường ( tên gọi ). Thấy như một hình thể dù đánh giá thế nào đều sai cả, phải thấy mà không có thói quen, phải thấy cái không tên và phải thấy như cái không hình.

Sau đây tôi sẽ cố gắng đưa “ CÁI THẤY KHÔNG THẤY ” để chúng ta cùng hội nhập. Cái thấy không thấy cũng còn gọi là cái thấy không phân hạn ranh giới. Thấy rỗng không mà không mình thấy hay vật thấy.

Thường thì ta thấy là thấy một cái gì – Một cái gì gợi lên thường âm từ bóng tối. Thường âm đó đồng nghĩa với cái “ Hữu ”, cái Mặc ngôn đó phóng thể ra bên ngoài dán nhãn vào một cái gì đó làm thành dấu hiệu của sự thật. Cái có tên thì có thật. Trước đó chưa từng có cái thật, vì chính tự hiện tượng không từng lừa dối

Sự vật vốn không tên: Từ tâm ta chuyển động thành âm, ký hiệu của âm thường là tiếng. Những tiếng gọi bên trong, những tên lộ bày ra hình sắc. Nếu ta thấy được tiếng gọi không âm thường, trong lòng ta thì ta có thể pháp minh ra một điều diệu kỳ. Cái gì sinh lên từ trong ta mà ta không thấy, thì cái đó dễ dàng gạt gẩm ta. Ta sẽ sinh lòng tức giận với cái gì lừa dối ta bên ngoài, nhưng ta lại thích che đậy và bảo thủ sự lừa dối của ta từ bên trong ! Tại sao ta chỉ thấy ở bên ngoài, tại sao ta không thấy bên trong ? Thấy bên ngoài là thấy theo thói quen. Cách thấy mà người lớn đã dạy ta khi mới biết nói. Ví dụ dạy một người dạy tiếng “ Cha ” hay “ Thầy ”, hay dạy một người khác đọc tiếng: “ Bu ” hay Mẹ hay Mợ hay Dì. Em bé phát âm lần đầu như tiếng sáo qua lỗ trống.

Âm phóng, mắt nhìn, ý tứ, cảnh tướng phát sanh. Cái thấy thành ra Đối – Vật . Cái thấy trở thành chủ thể. Cái thấy xác định nơi nó một trạng huống có thật. Cái thấy trở thành sự thu gom. Em bé khi còn nằm trong nôi, cái thấy như gương rọi cảnh. Em bé khi tập nói, cái thấy thành hình. Em bé bắt đầu phân biệt cái thấy đóng khung. Từ cấp tiểu học trở lên, cái thấy của các em có đường viền chi tiết, có thể thành quy định hẵn hoi: THẤY LÀ THẤY MỘT VẬT GÌ. Từ đó ta không còn thực tính nữa. Mắt tuổi thơ soi, sánh như gương trong, vạn vật sắc màu cũng phản quan như hình rọi cảnh. Ta càng bé bỏng, cái thấy càng hồn nhiên, cái thấy của tuổi thơ rất gần như cái thấy thật. Cái thấy qua tuổi tên, cái thấy đó đã khác xa sự thật, càng trở thành vong ngoại, là cái thấy đã xa rời cái thấy thật ( sự thật ).

Thấy ra bên ngoài càng lâu cái thấy càng mất đi mầu nhiệm. Con mắt trở thành giới hạn. Ranh giới hạn chế của tầm nhìn. Nhìn trong tầm gần, tầm xa, góc độ, mắt như một “ mảnh trời ” khép lại, mắt như vì sao lẻ loi, hiu hắt, giữa không gian đầy bụi đen và bụi cát giữa sa mạc đêm dài. Đó là cái thấy bên ngoài, cái thấy hướng ngoại, cái thấy điên cuồng và dục vọng.

Tại sao ta không muốn thấy bên trong ? Bên trong là chỗ nào ? Muốn định vị được bên trong, thì từ mỗi quang năng ở chỗ nào ta phải tự dừng ngay ở chỗ đó ! Tỷ dụ ngay ở mắt ta phải tỉnh sáng và ý nơi đó lặng yên. Mắt là trục giữa phóng ra phía trước. Hồn quán lại là bên trong, những lần đầu nhìn ngược lại thì chẳng có gì để thấy. Thần ngưng tịnh, ý buông khoang. Lần lần mắt ta tự tịnh. Khi mắt ta tịnh, trong tâm ta khởi điều gì, ta sẽ thấy biết. Tâm luôn móc nối và liên hệ các tư tưởng ta đều biết rõ, đó gọi là thấy bên trong. Khi ta thấy được sự liên hệ và sinh khởi của tưởng, tức là thấy được sự sinh diệt từ lâu.

Bạn sẽ mục kích chỗ tâm sinh ( tâm này tức tư tưởng, thì bạn sẽ mục kích chỗ “ vật sinh ” ). Tâm sinh thì thế giới hiện hữu, tâm diệt thì thế giới lặng yên

Ta chỉ một lần thấy được thế giới lặng yên thì tâm ta lần lần tịch diệt. Tâm tịch diệt thì thế giới sẽ rỗng thông nhất tướng. Thấy được nhất tướng là thấy được Vô tướng tâm. Thấy được tâm vô tướng thì biết tâm không chỗ trụ. Tâm vốn vô trụ, Ta sinh tâm, tâm liền trụ bám.

Một người kém thông minh, không thể dò la quan sát được vùng của tâm. Đó là nội cung vô cùng bí mật, nhưng nó không thể che dấu được một ông chủ đang lặng lẽ an lành ngồi trong đó. Ông chủ là đôi mắt thần kỳ diệu, ông ta nhìn đến đâu nơi đó liền thanh lương tỏ sáng. Người ta thường nói “ chủ vắng nhà thì gà bươi bếp ”. Gà có bản năng bươi tìm ( óc soi bói, nhị phân ) và báo sáng ( cảnh giác, tự ngã ). Tâm ta thường có loại bản năng tương tự là: Kiếm tìm, so sánh và cảnh báo tự kiêu ( những phát minh và ảo vọng ). Những cọ xát lưỡng biên và thủ chấp tự căn, có lâu đời trong tâm ta, chúng chỉ tồn tại đến khi chủ nhân tỉnh giấc mộng vàng và mở đôi mắt thần làm ngọn lửa sáng soi và đốt sạch những gì đam mê, ám muội ngàn đời muôn thuở để trở lại rực rỡ sáng trong.

Tôi sẽ nói thêm vì sao ta luôn luôn bị nô lệ? Từ đâu sự trói cột chồng chất mãi…và những gì tạo ra lực hấp dẩn kéo lôi. Người ta có thể hành động một việc gì đó trong vòng một hai giờ đồng hồ cho đến cả ngày đêm đều được, nhưng ít ai có thể ngồi im một vài giờ. Nếu bắt buộc phải ngồi im lặng hay đứng, thì người đó phải chịu sự phiền hà rất nặng, đó là về thân. Còn trong tâm ý thì không có một người nào là không giao động, tự tạo ra những cảm nghĩ, bức xúc, hay ảo tưởng

Những tưởng, vui, khổ; những xúc giác hạnh phút hay bất an đều là những hành trạng dằn co lôi kéo. Như mặt biển luôn có những lượn sóng lớn, nhỏ lăn tăn không ngừng nghĩ.

Nội tâm ta cũng thế, nó luôn hiện hành những áp suất. Chính những áp suất này khiến ta luôn cảm thấy “ Có một cái gì đó ”. Trạng thái áp suất hiện hữu khơi dậy trong tâm một trang thái tri thức mơ hồ. Lực ngầm của nó khiến ta phải xác nhập một cái gì đó và sự bám víu làm tăng một thực tại, một thực tại có một cái gì.

Khi ta thấy một đối tượng, “ CÁI VÔ TÌNH ” làm cho ta phóng hiện và xác nhập tức thì. Xác nhập một đối tượng có nghĩa là đem đối tượng đó vào trong ta. Đem đối tượng vào trong ta đối tượng đó trở thành ta. Nhất là khi đối tượng là khác giới tính. Đột nhiên mà ta chỉ còn “ một nửa ” ta cần một nửa kia đến độ không có thì không được ! Trước đây vài phút tâm ta là một đứa bé hồn nhiên vô tư lự. Một tiếng sét bất ngờ ta tràn đầy ngoại nhập. Ta đã tha hoá vật hoá đi rồi. Ta tiếp cận bằng mắt mắt ta mờ đục. Ta tiếp cận bằng thân thân ta run rẩy. Ta tiếp âm bằng tai, tai ta lùng bùng. Sắc, thanh, xúc và khứu giác của ta đều bị xỏ mũi dắt đi đến những phương trời viễn mộng. Nếu ảnh tướng bên ngoài xâm nhập vào trong ta một phần thì lực cảm xúc của ta phóng thể ra bằng hai. Cứ thế ta tạo ra một lực ma quái và tăng mãi không cùng, giống như ta tự ám thị và thôi miên chính ta !

Không những hình ảnh nam, nữ mà những xúc, cảm giác, âm thanh, hương vị và cả những cách nghĩ, nói, nhìn, điệu bộ, dáng dấp, tác phong, tư thái ung dung nhàn hạ. Những động thái có khởi sinh, có tác khởi hiện lên, những thứ như vậy trở thành nền tảng rồi tự co nhúm phóng ra bất tận.

Nếu có ai chú tâm tự nhiên và quan sát trong lặng thinh vô tư một thời gian dài, thì sẽ phát minh ra rất nhiều đầu mối và biết được các gốc rễ chùm gửi của những gút mắt chồng chéo chằng chịt trong tâm.

Ta sẽ thấy một hình ảnh, một cảm xúc, một âm thanh…lôi kéo ta rất rõ ràng mãnh liệt. Ta luôn “ muốn làm lại ” những gì ta đã làm. Ta “sẽ” làm lại những gì ta đã làm. Ta trở lại để hợp nhất cái “ TA ĐÃ ” càng dày dặc trùm kín, nó phóng hiện ra muôn ngàn cái “ TA SẼ ”.

Ta đãta sẽ móc dính nhau như hai toa tàu mãi phăng phăng về phía trước. Nếu có ai muốn nhìn vào khoảng giữa để tìm một kẻ trống thì rất khó. Ta đang ở trên một toa tàu với vận tốc khó phân, nhìn ra bên ngoài ta thấy mọi vật đều lướt nhanh. Cái nhanh thụt lùi , thật ra nó ( sự vật ) chẳng lui tới gì. Nếu toa tàu của ta chạy trong khoảng không gian vô tận không đối vật, không vượt qua sự thăng bằng và cân bằng chính nó. “ Thì nó chạy đi đâu ? ). Toa tàu nó đang chạy trong đêm tối, khi tàu sắp khởi hành, thì mặt trời bị mực tàu bôi đen kín cả.

Người ta nói : “ Tàu sắp khởi hành. Tàu chuyển bánh ”. Tàu chạy nhanh vì vận tốc quá nhanh nên không thể nào đo lường sự chuyển động được. Hay vì tàu chỉ đứng yên một chỗ đấy thôi. Dù có ánh sáng mà tàu chạy với vận tốc bằng mười ngàn triệu lần vận tốc ánh sáng thì ta làm sao thấy được ? Không ánh sáng ta ngủ quên trong mơ, chỉ biết tàu đang chạy, chạy nhanh đến nỗi ta không biết tàu đang chạy hay đang đứng.

Tàu đứng mà ta tưởng là tàu đang chạy. Tàu chạy mà ta tưởng là tàu đứng. Ta hãy biết tận cùng chỉ còn cái ĐỘNG TỪ ý nghĩ TA mà thôi. Có lúc tôi thấy bản thân mình là toa tàu. Những hành khách trên tàu là các tưởng. Một anh TƯỞNG có tay nghề cao cầm lái. Những cô XÚC trẻ làm tiếp viên. Những chị GIÁC CẢM thì giữ phần ẩm thực, chú Ý-TRÍ bán vé, còn ông già THỨC TÁNH thì làm Giám đốc kiêm Thanh tra.

Bản thân tàu may mắn nhìn ngắm rõ ràng được kẻ đến người đi. Thấy những cô XÚC trẻ trung tiếp diện những thân sơ, gần xa, lên xuống. Biết mấy chị CẢM GIÁC tận tâm chiều khách bằng cách làm những món ẩm thực rất hợp thời khẩu vị mà khách phải luôn luôn ràng buộc ở nơi toa. Ông chú     Ý-TRÍ thì luôn phân biệt kẻ gian, người ngay; mời người có vé, đuổi kẻ quá giang và ông già THỨC TÁNH lúc nào cũng: “ Tôi thấy rõ ” ra “ ta đây ” là biết tất cả. Có khi bọn họ cũng lộn xộn hoặc say sưa rồi ngủ thiếp. Thân tàu tôi ngừng lại chình ình.

Tôi thấy rõ ràng những vớ vẩn, xuẩn phí cho một tập đoàn ảo tưởng mãi mê vùi, chìm đắm trong cái rập rình tương tác của giấc mộng đêm dài. Sự kiện như trên dù ta có cho rằng không thật, nhưng quả nhiên là không giả. Chỉ cần chúng ta, tôi và bạn phải thấy được và hiểu rõ thật chính xác, dù chỉ một lần, thì không bao giờ nghi ngờ gì được nữa

  • BẤT SANH BẤT DIỆT LÀ TÍNH BẢN LAI
  • THẤY BẢN LAI LÀ THẤY PHÁP GIỚI. THẤY PHÁP GIỚI LÀ THẤY VŨ TRỤ NGUYÊN SƠ
  • THẤY NGUYÊN SƠ LÀ THẤY VÔ CHUNG VÔ THỈ, BIẾT ĐƯỢC CÁI KHÔNG KHỞI, KHÔNG TÀN LÀ THOÁT LY VÒNG LẨN QUẨN
  • THẤY CÁI VÔ SANH ĐẠT THÀNH CÁI BẤT TỬ

Không phải ta không già không chết, mà tất cả không già chết từ xưa nay. Nếu xác thân này không già chết thì không còn giá trị gì. Vì “ không già chết ” chỉ là một bản sao thứ yếu, một nhân bản nguỵ sinh: TỪ CÁI VÔ SINH VÔ DIỆT, cùng với giá trị lớn ở chỗ KHÔNG HAI, cùng với tất cả tâm đều nhất như không giới hạn )

Bạn nên đọc và thấu hiểu câu thơ dưới đây:

 

Sinh lên trong cái ĐÃ sinh

Hiện hình là tự chính mình đang đi

Vận hành trong đổi thay này

Thấy còn rỗng lặng huống gì vật kia

Sinh lên trong cái đang lìa

Cái mà đang trụ tức là đang đi

Lặng dừng trong cái chuyển di

Tan đi trong cái tức thì trôi qua

 

Cái gì sinh lên là cái đã có rồi. Cái có hình tướng là cái có di động

Vận hành thô luôn đi sau cái vi tế

Cái thấy thì luôn rỗng lặng mà vật thấy thì rỗng lặng đã lâu rồi

Phải biết cái vừa sinh là đã biến mất ngay chính nó

Trụ với chuyển cũng như động và tĩnh – đều đồng một tướng

Tịnh lặng đồng trôi chảy trong suốt

Tan biến trong sự trôi mau của Tướng trạng có thể thấy ở muôn loài vạn vật

BẤT SINH BẤT DIỆT LÀ NIẾT BÀN

 

Thật thể là cái bất sinh

Bất sinh là cái không già không chết

Nhân danh cái ta thì có khổ đau

Có một điểm dựa thì tự có danh

Có danh thì phải xưng danh

Chỗ dựa để đặt tên, không có thật, thì việc xưng danh là điều giả dối

Sự vật luôn biến đổi không dừng, người kém trí thì không tin

Bất cứ một việc gì xảy ra, thì như đường bay của chim trong khoảng không. Đường bay của không, không dấu vết. Chim bay còn không nhất định, thì dựa vào đường chim mà đánh dấu trong hư không là làm một chuyện điên rồ

Nếu hiểu được hiện tượng thế giới như đốm lửa quay tròn, vì đóm lửa không thật có điểm dừng. Tự thân lửa cũng không có thật.

Thế giới không thể đo lường, không thể đánh dấu, không thể đặt niềm tin, lại càng không thể nương tựa. Tồn tại của thế giới như gốc tự mù loà. Gốc thì ở TÂM mà đại diện của tâm là tai, mắt. Tai mắt bệnh thì đưa giả trá vào tâm. Tai mắt lành thì khám phá ra đồ giả trá. Muốn thấy nghe được sự thật thì “ Đừng qua trung chuyển ”. Hiện tượng trước mắt ta lúc nào cũng rõ ràng, tướng trạng của nó không có ngôn ngữ văn tự. Khi ta ngắm nhìn nó mà trong lòng không có thanh âm, ngôn ngữ thì ta và vạn vật an ổn thanh bình

Hãy thấy rõ ta chưa từng sanh, vạn vật chưa từng diệt. Không sinh diệt, thật sự là ta thấy được cái không sinh, tức là ta không có chỗ dựa

Không ở trong, không ở ngoài – lộ diện ra cái bất sinh. Nếu cần có một cái TA thì TA KHÔNG TA là bất diệt. Khi thật cảm giác rằng chính cái BẤT SINH này là bản diện ta thì ngay nơi đó ta là tính bản lai rồi vậy

 

 

THẤY BẢN LAI LÀ THẤY PHÁP GIỚI-THẤY PHÁP GIỚI LÀ THẤY VŨ TRỤ NGUYÊN SƠ

 

Thế giới có hạn lượng

Pháp giới không hạn lượng

Thế giới là chỉ sự sinh hoạt rộng lớn của đời thường

Pháp giới là chỉ cái yên tỉnh mà luôn vận hành từ nguyên lý

Thấy bản lai-trí được viên mãn

Thấy pháp giới-tuệ được viên thành

 

Pháp giới là một mà đa dạng đa hình – rộng dài bất tận

Vũ trụ nguyên sơ là cái vô chung vô thỉ – trước lúc phân hai

Thấy được vũ trụ nguyên sơ là khi thấy được tâm pháp chưa hình thành ra ý niệm. Pháp giới, vũ trụ là tâm mà tâm cũng là pháp giới vũ trụ, không có trong, ngoài, sau, trước – cũng chính là chỗ vô thỉ vô chung vậy.

Biết được chỗ KHÔNG KHỞI, KHÔNG TÀN là thoát ly mọi chi phối của huyễn tướng vô thường và cuộc sống. Là ổn thoả mọi tiến trình, là giải quyết một lần xong tất cả. Dù ở trong sắc thân vô thường suy não mà hiểu được cái “ KHÔNG GIÀ, CHẾT, KHỔ ĐAU ”. Ở trong cái sinh thấy bất sinh. Ở trong cái tử thấy bất tử, cùng với sanh tử sắc tâm không tách lìa, không thấy khác; đây là bản lĩnh tối hậu của sự phục hồi trực tánh.

Có thể đặt câu hỏi rằng: “ Làm sao có thể tin đó là sự thật ”.

SỰ THẬT đến với ta một cách ổn định, an toàn và siêu việt. Trước hết chúng ta sẽ hoàn toàn tin, còn vượt cả đức tin thông thường. Sự thật đến không có thời gian, tồn tại cũng không có thời gian. Giả sử ta hiểu được sự thật cách đây mười năm hay hai mươi năm thì cũng như vừa mới hiểu mà thôi. Ta sẽ không giao động trước những lý luận phản bác. Ta cũng sẽ không tranh cãi và bất mãn với bất cứ một ai. Ta không nghi về mình, hay nghi về điều sai trái của một kẻ khác. Sự thật đã sáng tỏ rồi thì ta luôn có một sự vững chãi, bằng lòng vô điều kiện, kể cả bằng lòng với sự lìa bỏ thân xác này. Sự thật đã đến thì ta tự biết rất rõ rằng điều này ta không học hay bắt chước người khác được. Điều này không ai có thể áp đặt hay chỉ bày cho ta được.

Ta cũng biết có vô số bậc cao minh và sự chứng nghiệm còn hơn thế nữa. Ta biết rằng những siêu nhân vĩ đại có thể gieo hạt cho ta một cách kỳ diệu. Hoặc tạo ra những duyên sự đến với ta bằng phương tiện trí mầu nhiệm sâu xa nào đó. Nhưng cái xảy ra và rực sáng lên thì không phải từ đâu mà đến. Và những giây phút không gian tâm thức bừng lên và tan biến đến độ vô tâm, siêu lực chuyển đưa đến cái “ Thị kiến tự kiến ” chưa từng có kia, thì không phải bất cứ một ai ngoài ta có thể xác định cho ta được.

Thấy, nghe, dụng ngữ, hành động, ngược, xuôi, trái, thuận, cứng, mềm, siêu, tục. Tất cả mọi ứng dụng của Thân, Miệng, Ý trong thời gian, không gian và tạo, huỷ, của người nào đã đạt vào cõi THẬT; đều có thể bình thường, bất thường hay dị thường hoàn toàn không nhất định.

DỤNG HAY VÔ DỤNG ĐỒNG NHAU KHÔNG KHÁC

Người có thể sống đồng NHƯ THẾ GIAN, NHƯ PHÀM TỤC, NHƯ DÒNG ĐỜI ĐƯƠNG ĐẠI. Nhưng sự thật trong tỉnh thức và Giác ngộ vẫn không bao giờ bị xói mòn, đổi thay và xu hướng.

Xu hướng hay khuynh hướng dù bất cứ hình thức nào, đều nói lên cái phát xuất bị chuyển lay từ tâm điểm. Khi tâm điểm đã bùng vỡ cái “ dựa ” rồi thì cái “ không thời điểm ” hiện lên tức khắc. Không-thời-điểm không từ chỗ “ Thai-mang ” không có nhân và bắt chước theo một cái gì.

Cũng từ chỗ nguyên sơ không tạo nhân nên nó không là hậu quả. Dụng hay Vô dụng là cái xô động bị một thế lực bất thường lôi cuốn. Dụng hay Vô dụng đều nằm trong tự biến và bị biến, hoặc đóng băng, hoặc tan vỡ. Cái KHÔNG TÂM ĐIỂM không cùng trong thời gian hay không gian, nên không bao giờ bị kết tinh hay vặn ốc được. Chính cái LỰC VÔ VẬN TỐC đó mà tự thân nó hoàn toàn là độc lập. Độc lập là cái toàn tại của tự do. Tự do là không hệ luỵ vào bất cứ một lẽ gì. Tự do là NỘI DUNG không còn ranh giới hay hạn lượng từ ý thức so lường. Nên cái vô tính thực hữu của nó quả nhiên là một sự độc lập tuyệt đối.

Hoạt lực trong đa dạng của cuộc phóng điển dị thường thâm nhập vào mọi tư thế hành động, ngôn ngữ song song, hay nhập nội vào đời thường cuộc sống đã nói lên cái mật hành, mật ngữ không xa khác với giây phút hiện tiền.

Thực tính là giây phúc hiện tiền đó, chưa bao giờ khác với cái đối lập nó. Hiện tượng và hành động không phân chia, không tương đối, tương giao và ngoại lai. Tất cả đã là NÓ. NÓ là sự vận hành qua tất cả, cùng tất cả và trong tất cả.

Tha nhân cùng khổ, nó cùng khổ. Nó cùng khổ đồng thời với tha nhân. NÓ SUNG SƯỚNG vì đối tượng SUNG SƯỚNG. NÓ SUNG SƯỚNG từ giới hạn SUNG SƯỚNG. Nó đường hoàng trong cần thiết vì sự đường hoàng.

Nó bê bối cùng cái cấp thiết của bê bối. Nó vênh vang vì có sự nhất trí từ vênh vang. Nó ô nhục vì không ngoài ô nhục. Khi ô nhục nó không cần ra khỏi sự ô nhục. Nó hiểu biết thế nào là ô nhục, thật sự ô nhục là gì ? Không quá một tích tắc nó biết điêu đó, nó không mong và không tránh.

Cái dụng hay vô dụng bề mặt và bề trái đều đồng nhau trong vô điểm.

 

Nó hành động như phàm tục hay như siêu nhân. Nhưng nó không cố ý như phàm tục hay siêu nhân. Nó không tạo ra khuôn mẫu, khuôn mặt để được là phàm tục hay siêu nhân.

Có người nói rằng: Người Tỉnh thức là người THỨC GIẢ. Người Giác ngộ là người TRÍ GIẢ. Bực thức giả hay trí giả thì luôn đứng đắn, tác phong siêu thoát, ngôn hành luôn là gương mẫu cho mọi người. Không thể có người Tỉnh thức, Giác ngộ mà vẫn sống như phàm tục u mê, hay không giữ được oai nghi phong độ. Được điều đó dĩ nhiên như một thông lệ. Cách hành xử đức độ, vuông tròn vẫn là một mẫu mực ngàn đời cho thế sự.

Điều trước hết ta nên biết phong cách đạo đức, đàng hoàng gương mẫu. Bề mặt của thời nào người ta cũng đều ngưỡng mộ, nhưng thật sự mặt trái của nó có “ CÁI-THẬT-MUỐN ” hay không thì chính tâm trạng cá nhân mới tự biết mà thôi. Cũng vì ham chuộng những hình thức đạo đức gương mẫu mà người ta mới giả dối lẫn nhau. Bất cứ việc làm đạo đức gương mẫu nào người ta đều có thể nhái theo nhân bản ra được cả. Duy chỉ có sự tỉnh thức và giác ngộ thì người chưa từng chứng nghiệm không ai có thể giả được.

Giả dụ có hai người có phong cách cao thượng, hay một người có tư cách và không tư cách. Hai người đang đàm đạo cùng nhau, hay đang hành động một việc gì đó. Hai vị này đều tự cho mình là người giác ngộ trí giả. Người thứ ba và người ở ngoài cuộc làm sao biết người nào là thật ( Giác ngộ ) khó mà đánh giá người này hơn người kia được ! Vì người nào nói ra cũng có lý. Có thể có một người lặng lẽ vừa mới đến, nghe qua cách lập ngôn, đối ngữ, người này biết một trong hai người có chỗ siêu diệu phi thường. Nhưng cũng không xác chứng một cách tuyệt đối được.

Nếu người siêu diệu ngôn hành kia quay lại đối diện với người lặng lẽ. Người lặng lẽ có thể khởi lên một ngữ nguyên đơn giản để hỏi đáp với người kia. Người tự cao cho là bậc giác ngộ kia không ngờ trong ngôn ngữ đơn giản lại có Mật ngữ vì không từng biết trong thanh âm có Mật ngữ, không ngờ trong cái bình dị có Tuệ giới sắc bén dị thường đũ rạnh đứt những dạng thức đa nguyên hỗn tạp.

Dù là một nhà thần học, một triết gia đa nguyên, một Thiền sư đương đại, một bậc khổ hạnh thâm trầm hay một bác học tăng thời thượng cũng đều không thoát được một lằn chớp của người Giác ngộ bất sanh.

Người bình thường, tín ngưỡng, đạo đức, trí thức có thể tôn trọng, ngưỡng mộ và học hỏi với nhau, nhưng đem sự ngưỡng mộ, tôn trọng, thần tượng đến với người Giác ngộ, thì điều đó có thể LẦM TO. Vì sao vậy ? Vì giác ngộ không có tướng. Ta có thể thật lòng ao ước muốn giác ngộ. Ta có thể thật lòng tôn vinh đạo đức hình tượng. Ta đặt danh dự lên trên trí thức và kiến thức.

Thật không thể nói đây là người Giác ngộ hay đây là người chưa Giác ngộ. Vì cái đến hay chưa, cái có hay không tuyệt đối chỉ người đó mới biết mà thôi ! Sở dỉ biết được cái siêu ý thức đó, là do người đó đã đốt sạch những bản sao, không một phiên bản nào khác. Thợ khéo nay đã lấp bằng khuôn đúc – người .

Nghệ nhân thiên tài độc diệu đã nhai trọn tất cả đồ nghề nuốt vào bụng, chất sa thải dụng làm những hành tinh mới. Chất tinh hoa thành chất khí nhiều màu phun vải vào hư vô. Pháp giới hoá tất cả hiện tượng từ vật thể nhỏ nhất không còn so sánh đến cái lớn nhất, đều không thể nhìn ra đều tan hoà vào vô hạn.

Đến đây chúng ta có thể giải trí một chút, bằng cách tự hồi ký theo tiến trình cuộc sống. Đó là con đường mòn tiệm tiến mà có vô số người đã bước qua lần lượt cùng tiến đến, từ…vô thỉ, xa xăm…mơ hồ…tiếng khóc…trẻ khờ…thơ dại…hồn nhiên…đòi hỏi…bắt chước, tập tành, học đòi, học tập, vươn lên, so sánh, hiểu biết, ý thức, làm khôn, dại, nghi ngờ, tự đắc, hoài nghi, tìm kiếm, phấn đấu – sai lầm – nhìn lại, hiểu ra, phân tích, gật gù – tự cho…sợ, quan sát, sáng lên, sâu lắng, chạm, máy động..tỉnh ra, thức tỉnh, cận kề…Bùng – Giác ngộ..hợp nhất – rỗng sáng, an nhiên, toàn diện.

Một người chưa rỗng sáng thì không thể có một hiểu biết giá trị được. Người đầy ấp trong tâm thì không hiểu rỗng sáng là gì. Người mơ hồ thì thấy không là không. Người vật hoá thì mọi lý lẽ nghĩ ra đều là vật chất. Người mê tín tâm hồn thì xu hướng duy tâm. Người nhiều chứa đựng mà không tiêu hoá thì sinh dao động. Người chấp cứng thì nặng nề. Người cố chấp bị đối nghịch thì sinh ra nóng – lửa . Người luyến bám mà mất đối tượng thì sinh hoảng hốt, xọp xuống tan đi thì sinh ra nước. Hai vật cọ xát nhau thì tạo ra áp suất nhiệt, trong nhiệt quyện rút vào nhau có bóng mây trung chuyển thành hơi và nước. Từ dao động làm thành dao động. Sức nặng, tự đè nhau, không chỗ tháo, đỡ thì thành ra lực đẩy. Sức đẩy không dừng khi chưa đũ hai lực bằng nhau. Tâm cưỡi lên lý, lý làm động khí, khí sanh vật, vật cưỡi trên vật và bị vật làm mờ. Vật tạo ảo giác vào tâm. Ảo tượng từ tâm biến dịch, sanh ước muốn, ước muốn cần xác nhập cái bên trong với cái bên ngoài.

Dục là sức đẩy của ước muốn. Mượn hình ảnh động tác giữa hai cực hình thành dâm tính. Dâm tính thường tạo ra mội động thái để tăng cường cho lực. Lực thu hút ngoại hình và nội xúc tác sanh và huỷ diệt cho đến cùng kiệt và tan rã một chu kỳ.

 

Tâm là một thực thể chưa từng sanh. Bất sinh là TÂM nên cũng gọi là TÂM BẤT SINH. Mắt thấy cái thường và vô thường thì không thể thấy tâm, vì không thể thấy tâm nên người trí có thể thấy được màng nổi như TƯỞNG – THỤ – và XÚC, những bóng dáng của hiện tượng trôi nỗi trên tâm, nên gọi là tâm vọng. Tâm vô hình vô sắc, nhưng có khả năng tràn ngập vào tất cả hình tướng, tâm không dính không nhiễm, tâm không có khối lượng, không có chiều dài, chiều ngang và chiều đứng.

Tỷ dụ như một mặt phẳng không đáy, mặt phẳng trong suốt đến nỗi không có vật mà cũng không có cái gì không ( dù là tưởng tượng ). Tuy trong suốt và vô hình như thế, nhưng nó có lực đa năng tuyệt đối. Như lấy một điểm mạnh về bất khả xâm của nó: Nếu có một ảnh tượng nào rơi vào mặt phẳng của nó đều không thể dính đến nó, ngược lại vật đó bị run rẩy, co cụm hoặc kéo dài tự hoang mang, sợ hãi, hoặc vui mừng và huỷ diệt. Ta ví như nhiệt cực lớn trong một nồi nước tuy không sôi sục hay có sóng. Nhưng bất cứ một vật gì đó như một cọng rau, một miếng thịt bỏ vào thì cọng rau hay miếng thịt đó bị sức nhiệt phi thường của nó đẩy tung lên dập dồn liên tục và có khi đánh bật cả ra ngoài.

Tâm vô hình vô tướng, không rung động hay cảm giác nên không thể thấy mà tin được. Không hiểu nó ở đâu mà làm sao an trụ được. Chưa biết cái vô trú thì không an trú. Không an trụ trong vô trụ thì cảm thấy hoang vắng, cô đơn, bất an. Trong cái hoang vu hiu hắt đó cần như phải có một cái gì. Từ cái không biết như là cái thiếu, nó tự tìm chỗ dựa. Dù cho có chỗ dựa, mà thực ra nó cũng chỉ dựa được vào ảo tưởng của chính nó mà thôi. Cái gì nó tưởng thật ở ngoài nó, cái đó không thật. Như trẻ con lấy ống thổi xà phòng thành bong bóng. Bong bóng quay nhanh liên tục biến đổi từng phần tử tiêu tán. Nương tựa vào cái đang biến đổi mất mát thì sẽ thất vọng mà thôi.

Tâm là kho báu vô tận cho ta được tất cả an ổn và lạc thú. Nhưng ta chối từ nó. Ta đang chịu cái giả dạng có nhiều khích động cảm giác. Như trẻ con thích mang mặt nạ giả hơn là cái mặt nạ thật của nó, vì cái mặt thật không làm cho nó khích động được. Cái mặt nạ dầu có xấu và nặng nó vẫn thích.

Với con người dục tính và bạo hành là để có cảm giác mạnh và sâu, luôn cọ xát vào trong như luồng nước mạnh và sâu, luôn cọ xát vào trong như luồng nước mạnh chảy theo lối mòn. Càng chảy càng xói mòn, càng xói mòn càng chảy mạnh.

Có người nào đó muốn thay đổi hay chận đứng dòng chảy, một ý nghĩ loé lên rồi tắt ngấm. Lần thứ hai người đó khởi lên ý nghĩ muốn như trên, ý nghĩ đó chỉ trì hoãn một thời gian ngắn rồi chìm xuống. Lần thứ ba người đó lại sinh lên ý tưởng muốn chận dừng những thói quen hư xấu trên dòng chảy. Người đó có thể duy trì trong một thời gian, người đó cố gắng có sự chống chọi…với chính mình nhưng rồi thất bại. Ý nghĩ lần đầu của người đó giống như một tia chớp, lần thứ hai như một kẻ hở, lần thứ ba như một khoảng trống mà còn hẹp..

Ở đây, ta có thể thấy được hai lực chiếm lẫn nhau. Lực thói quen của vọng động dục tính giống như cơn sốt, trạng thái thì bất cần tốt xấu phải trái gì cả. Nó là sự vận hành nguyên thuỷ của bóng đêm.

Lực tác động thứ hai có chủ trương ý thức giống như từng viên thuốc cố làm giảm dần thế lực của đối phương. Lực này có định hướng từ Ngã. Sự biến đổi của bệnh lần lần giống như kẻ hở, khoảng trống rời khoảng cách càng lúc càng nới rộng cho đến khi không giới hạn.

Sự chữa lành, thoát ly…vọng động chính là khoảng trống của hai lực chánh tà, tịnh và uế, tốt và xấu. Cái khoảng cách giữa hai bên kia mới thật là cần thiết, nó là một không gian rỗng, sáng và tuyệt đối. Nếu ta tinh tế quan sát sẽ thấy rằng từ một lằn trống vắng của kẻ hở, khoảng cách cái không gian rỗng sáng đó lớn dần, sự lớn dần nó cũng mạnh dần.

Lớn và mạnh của KHÔNG đó cứ lấn tràn ra, nó bù đắp khuyến khích cho ý nghĩ thiện. Nó giúp cho cái vận hành nào ổn định hạnh phúc hơn của cuộc sống. Nhưng chính bản thân nó mới là đích thật ( tức là sự rỗng sáng không nhị nguyên ). Nó xa thoát, vượt ra và viên thành, tràn ngập trong tất cả và qua tất cả , để trở nên cái hằng hữu viên thông.

Cái rỗng sáng tịnh hoá trong lặng tuyệt vời kia mới đích thị là bản thân ta vậy. Nó ở tận cùng của pháp giới hư không, nhưng chưa từng trụ ở một nơi nào cả.

 

Viết xong lúc 11g, ngày 02-06-2003

( 03-05. Quý Mùi )

NM MÙI BT DIT

Nếu bạn chưa biết mình là ai, là giống gì, là cái gì ? Thì trước hết xin bạn đừng tin bất cứ điều gì. Dù điều đó là của một bậc Thầy nói ra, dù điều đó là của một vĩ nhân nói ra, dù điều đó do các bậc bề trên, hay Thần Thánh lưu truyền để lại. Bạn không tin nhưng bạn không nên bài bác, hoặc phê phán những điều đó và những người đã nói ra điều đó. Bạn không để trong tâm mình hoài nghi và ngờ vực kẻ khác. Dĩ nhiên bạn không nên khinh ghét một ai.

Khi đọc những dòng này, lý trí bạn có thể nghĩ đây là điều tốt ! Nếu bạn biết đó là điều tốt thì không nhất thiết bạn phải làm theo. Bạn đừng nghĩ tưởng rằng ta sẽ nhất định làm thế này hay thế khác. Vì dù bạn có quyết định chắc chắn như thế nào đó cũng trôi tuột đi mất, nó không ở đó. Rồi bạn sẽ nghĩ rằng những điều này khó khăn, mình không thể làm được. Bạn không thể làm được, vì bạn không tin tưởng nó. Bạn không biết thực chất nó như thế nào ? trở lại mất tự tin. Rồi bạn không còn tin một ai ?

Có những vị thầy bệ vệ, đạo đức, trí thức, vừa mới thấy, bạn đã sanh lòng cung kính tôn trọng, muốn học theo làm theo. Bạn muốn được nghe lời chỉ dạy của các vị thầy mà bạn kính mến thần tượng. Nhưng rồi một thời gian, bạn thấy cái bệ vệ kia không có gì quan trọng, đạo đức có chỗ nghi ngờ và trí thức kia không cho bạn cái bình an. Không làm bạn hạnh phúc. Quả nhiên đó là sự thật. Bạn không thể hạnh phúc vì sự “ Ám thị ” bạn làm sao tự do từ sự đồng hoá.

Cái gì bệ vệ dềnh dàng đều từ đường nét bị qui định đóng khung mà có !

Cái đạo thật thì không có tướng, người làm ra tướng thì không có đạo. Người nào đạo thật thì không có đức gì cả ! Vì đức là đặc tánh từ kết tinh mà có. Đạo không bị kết tinh. Đức thật là tình thương mà không có chủ thể, không có người thương, tạm thời có thể thấy có sự tương giao với mọi khách thể, không xung đột. Vị thầy ở đây không có sở hữu chủ. Điều khó khăn là làm sao biết thật, giả; phải trở lại biết chính mình

Khi thấy được mình, tất thấy được người, cái thấy được này không phải là phân biệt.

Trí thức thì không ngại, nhưng một vị thầy có nhiều trí thức mà lại dùng trí thức đê giao dịch, đối đãi và nương tựa thì nhất định ông thầy này không hy vọng gì giác ngộ và giải thoát cả; trí thức cũng là kiến thức nó được xâu kết từ âm thanh, màu sắc mà có. Nó từ chỗ không hiểu biết mà tồn tại. Lại từ tâm cô đơn mà hành xử. Ở đó nó bị chìm. Tại sao lại quá nể trọng một vị thầy ? Tại sao bạn lại mất mình, lệ thuộc ? Tại sao bạn không làm Thầy cho mình ?

Từ khoảng mênh mang kia con chim trời cứ tự do mà bay liệng .Nếu con chim đó mến thích một cây rườm rà, tôi thấy rõ là nhất định nó sẽ quanh quẩn mãi ở những nhánh của cây. Nó tự hạn cuộc chốn vui đùa, một không gian khung lồng và phải trở thành lệ thuộc. Bạn là con chim vô tận, bạn ăn quả ngọt khắp muôn phương, đường bạn đi là đường chim bay không bản đồ chi cả

Đất trời là chính bạn

Tỉnh say là niềm vui

Con chim trời đang bay

Trong sương chiều lắc lay

Đám mây buồn ngủ lắm

Trong đất trời đang say

 

Con chim đang bay không lưu giữ cái ban đầu, như vịt trời, như thiên nga, như hạc, chúng tuy khác nhau nhưng chúng đồng cái tự do của không gian, chúng không có tôn giáo. Chúng không cần Thầy. Từ cái kinh nghiệm như là không, chúng trở nên thành đạt. Bạn cũng thế, hay là thầy của chính bạn, hãy thắp sáng con tim và khối óc. Một vị thầy là tu sĩ, linh mục, mục sư…có thể tô phết cho bạn những kiến thức, họ có thể uốn nắn chây tay, , hình hài của bạn trong một rập khuôn nào đó, họ sẽ hoàn toàn bất lực, sai lệch, họ không thể nào cho bạn tấm gương của con tim, họ không thể đốt lên ngọn đèn trong óc bạn, họ không biết bạn ngứa ở đâu ? họ không biết bạn đau bụng hay đau đầu. Họ cố gắng truyền cho bạn những giáo lý phi thường đũ thứ. Trong khi đó hay lát nữa đây bạn đi vào toilet. Rồi họ cũng phải đi theo con đường của bạn mà thôi. Vì đó là con đường của thời gian cùng các linh mục, mục sư, sư phụ của bạn đều nằm trong con đường rầy của thời gian ở trong toa tàu phải đi qua. Giáo lý là tư tưởng, nó còn nhanh hơn vận tốc của toa tàu. Nó cũng không cần nằm mãi trong các trạm ga của chính nó.

 

Vậy sao bạn không đốt lên ngọn đèn, bây giờ là thời đại của năng lượng, ngọn đèn có khi chúc xuống, công tắc cần phải bật lên…vật thực mới đã ăn gì ? hay vật thực cũ còn tồn đọng lâu đời trong bao tử cần phải rọi lên cho rõ ! phải cho sạch sẽ !

 

C tích giác ng

Bạn cần sự giác ngộ hay bạn cần những mẫu chuyện cổ tích về sự giác ngộ?

Giác ngộ không có trong chuyện cổ tích, giác ngộ không có trong giây phút nào mà nhảy múa trong bạn , nó giống như tiếng đập liên tục trong tim, bạn có nghe không ? bạn có nghe tiếng tim đang đập của bạn không ? Nó đã về nhà ròi nên nó vui mừng vũ múa tự do đấy !

Bạn có giác ngộ chưa ? Hãy nghe hơi thở của bạn tuôn trào mà như dòng suối lặng lẽ trôi qua, nó mang đầy đũ cái tính không mà không ngại vì vật thể. Nó không cần giác ngộ vì nó không tên. Bạn đừng gợi lên cho nó âm thanh, bạn cũng đừng thì thào tâm sự chi cùng nó; vì khi nó phải phân hai thì nó chết.

 

                V THY HAY QU TIM ?

Nếu quả tim bị rối loạn thì vị Thầy cũng rối loạn thôi. Quả tim bạn đang đập, tiếng và nhịp đập đều cũng có lý do của nó. Nếu bạn đem cái rối loạn của tim bạn nhập một vào cái rối loạn của vị Thầy, cả hai cái rối loạn đó trở thành bản hoà tấu khổ đau vĩ đại, bạn sẽ tự tìm đau khổ. Vị thầy sẽ thức tỉnh trong buồng tim của họ. Khi bạn đến vị thầy sẽ ném trả bạn trở về thực tại trong buồng tim thực tại của bạn. Có gì thực tại hơn chính quả tim của mình. Bạn hãy lắng nghe tiếng nói của nó. Nó nói bằng hơi thở, bằng gió. Tuyệt đối không có lý luận không có giáo điều

Hơi thở là sứ giả

Hơi thở là sứ giả của chân lý

Bạn hãy lắng nghe nó. Đừng làm khuôn tập luyện nó, nó sẽ làm vị Thầy gương mẫu, méo mó như tất cả những vị thầy mà bạn thấy. Những bậc thầy đều dùng nó làm nạng chống, nó có khả năng ém nhẹm đi những cái rắc rối từ buồng tim của họ.

Bạn đã tẩy chay cái bên ngoài thì bạn đừng cầu cạnh cái bên trong

Bạn hãy vui vẻ như con chim hồng tung cánh vào không gian

Nó có cơ hội sâu lắng vào mạch thở của chiều trời, nó nghe được cái thật của không thời gian. Nó trở thành vũ trụ. Nó không tư duy. Không niềm tin tôn giáo.

Chiều trôi mây chảy trên ngàn

Tư duy bỗng hoá hàng ngàn chim bay

 

Bạn có thấy một con chim cút không ? Con cút cụt đuôi, ai nuôi mày lớn ? Nó vừa đi vừa lắc nhắc vửa gục gặt cái đầu, nó rất bằng lòng với những vật thể li ti dưới chân nó, nó không bao giờ bay xa, bay cao khỏi những tầm cây lớn. Nó không thoải mái như nó nghĩ, vì nó sống bởi sư lệ thuộc của thời gian, nó sợ hải.

Nó nghe nói loài Thiên nga, Bạch hạc như người đời nghe nói Chư thiên ở cõi trời ba mươi ba

Chúng ta cũng thế thôi, như ngày nào chúng ta còn bám víu vào mảnh đất ở bên ngoài, bám víu vào các mục sư, linh mục, sư phụ, tôn sư, thiền sư, tổ sư thì ngày đó chúng ta đánh mất Thầy từ quả tim và khối óc của chúng ta

 

Nếu chúng ta khát khao, thì có thể dò theo những tín hiệu từ quả tim và hơi thở. Nó là thông tin độc đáo nhất. Nếu bạn có tâm sự như thế nào thì hơi thở thông tin cho bạn biết !

Nếu bạn có niệm vui, nổi buồn chi thì tiếng đập tim liền báo hiệu cho bạn hay. Bạn hãy làm một cố gắng tương giao với gió ( hơi thở ) tuy vô tình mà có thật . Bạn hãy cố gắng tương giao với âm thanh thầm kín ( tiếng đập của tim ). Chúng không giàu có lắm nhưng chúng đãi bạn tử tế, chúng thật thà và nguyên thuỷ. Chúng trội hẳn hơn các bậc Thầy ngoại lai. Vì họ cũng đang có một buồng tim và hơi thở rối rắm vô cùng.

Bạn cũng có những phụ tá rất ưu tú, chúng cực kỳ đắc lực nếu bạn muốn, chúng có thể gọi đến cho bạn vị thầy tối thượng

Nếu bạn bằng lòng, từ nơi chúng bạn sẽ trở thành vô hạn, bạn sẽ tuyệt đại thênh thang, giải thoát. Đó là mắt và tai của bạn

Nếu bạn không có đôi tai bạn không thể nghe nhưng bạn còn phải biết nghe như thế nào đó để được cái vô hạn.

Bạn phải nghe thế nào đó để thênh thang vô lượng, bạn không cần nghệ thuật nghe nào cả.

Giữa đêm khuyu yên lặng một tiếng động vút qua rồi mất hút. Tiếng động trôi qua như tia chớp. Cái lặng lẽ vô cùng. Cả hai bạn đều nghe rõ

NGHE LÀ VÔ HẠN

Bên bờ biển vắng, âm thanh từ những cây thông phát ra vi vu mơ hồ như hoà tan vào cái không vô tận. Tiếng sóng vổ vào bờ đá, tiếng nước đuổi nhau lên triền cát. Nếu từ cái đặc cứng thì ta không làm sao nghe được

Trong giây phút tỉnh táo bạn vẫn nghe

 

NGHE KHÔNG LÀ Ý THC

Trong những khoảng rừng im lặng, trên đỉnh núi cao chúng ta có thể phát hiện ra những điều kỳ diệu

Người ta có thể rập khuôn theo một tôn giáo nào đó trên 20 năm. Kết quả không chắc chắn hơn 1 tuần dã ngoại trên núi cao. Bạn có thể nghe tiếng lá…rơi của hư vô, tiếng động của rừng sâu. Tiếng lùa của gió trong rừng cao và tiếng mây không âm thanh:

Nằm im trong rặng núi

Mây bay phủ ngang đầu

Gió lùa cây lá hát

Chẳng biết mình nơi đâu.

Cái mất mình là dấu hiệu đầu tiên, là hợp nhất muôn loài vạn vật

Mất là cuộc phủ nhận vô tiền khoáng hậu.

Thời gian được chết đi, không gian bôi xoá và vạn vật được hình thành

Giữa tôn giáo hình tượng và một sự thật, bạn muốn cái nào hơn ?

Giữa một vị thầy mà quang năng không hoàn chỉnh và cái chân lý muôn đời bạn chọn cái nào ?

Chân lý không là của ai, không ở trong tôn giáo nào. Nhưng nếu bạn khám phá ra nó rồi, nó trở thành của bạn. Không ai có thể cướp đoạt được

Nhưng lạ thay từ đôi mắt này bạn thấy nó cùng khắp và có trong tất cả mọi người

Bạn không thể sở hữu chân lý, làm sao bạn sở hữu một tôn giáo ?

Bạn không thể sở hữu từ cái tự ngã dao động và vật chất này thì làm sao mà bạn sở hữu một vị thầy

Bạn chưa từng thấy một chiếc lá lìa cành, bạn không thấy chiếc lá đang rơi, bạn không ngắm nhìn chiếc lá nằm im trong cội nguồn của nó, làm sao bạn tách bạch được giáo lý từ kinh văn. Tất cả các đấng giáo chủ đều đã chết, sao bạn không chết theo. Bạn không chết một lần với họ, làm sao bạn được hồi sinh cái vô cùng của chân lý.

Bạn có thể mơ hồ cái gọi là chân lý, nhưng bạn không thể mơ hồ cái bất hạnh xảy ra trong hiện tại, đó là trạng thái cô đơn. Bạn luôn có một cái gì đó che lấp như một tư tưởng, một công việc, càng lớn bạn càng yên tâm. Tâm hồn bạn nghỉ ngơi, nhà trống vắng, ánh mặt trời từ phương đông luôn chiếu thẳng tất cả cửa ra vào của bạn. Vì bạn có sự ám ảnh nào, nên bạn không có được ánh sáng êm đềm ? vì điều đó bạn phải đóng cửa lại, hay bạn phải chắn bằng những bức bình phong ?

Bạn thích nhân danh một cái gì đó ? Tôi thấy rõ ràng: những lý tưởng lớn dù có tốn nhiều thời gian công sức và tiền bạc bạn vẫn chấp nhận nó. Bạn biết việc làm của bạn, người khác không làm được, trong đó có công ước của danh dự, có sự đồng tình và kính trọng từ cá nhân đến xã hội.

Thật ra lý tưởng không hoàn toàn ổn định nếu nó không có sự tán thành chung của đa số. Bạn làm một ngôi chùa với truyền thống để kính thờ đức Phật hay tạo phúc và hướng dẩn con đường giác ngộ cho người sau. Nhưng trên thực tế của dòng lịch sử Đức Phật cũng không ngồi trong chùa, không khuyến khích kẻ khác chiêm bái ngài như một vị thần.

Dù bất cứ ở một hình thức nào Đức Phật cũng chỉ là Tuệ Giác và Tình thương.

Có những vị thầy bỏ ra hàng triệu USD để làm việc như xây chùa, dịch kinh…nhưng khi đối diện với kẻ nghèo, hay em bé ăn xin ông ta không dám cho lấy một đồng. Một bậc thầy vĩ đại có thể đọc cả một đại tạng kinh nhưng chưa bao giờ mời một kẻ rách rưới nghèo khổ ngồi trước mình để uống một ly nước

Như vậy tình thương ở đâu, nó còn quá xa, hoặc còn bị niêm phong ở những ngân hàng lớn.

Một người có bằng tiến sĩ hoặc một giáo sư đại học ở nhiều quốc gia có thể đọc hết một ngàn bộ kinh luận của Phật, nhưng khi nhìn một đồng loại không thấy cảm thương, y đang thấy mình vĩ đại, thấy tự đóng khung – một vỏ ốc dày cố thủ không ai làm được.

Một đồng loại mà không tương giao, làm sao cảm thương dị loại ? có thể nào ta thấy được một cánh chuồn mong manh, những cánh bướm nhiệm mầu trên đám cỏ hoang đồng nội.

Người ta không thực sự có hạnh phúc, cũng không thực sự có bất hạnh.

Bất hạnh hay hạnh phúc chỉ là sự nhầm lẩn mà thôi.

Hành trình của cuộc sống và biến thiên cũng từ cái nhìn mở ra hay khép lại; cái vui hay cái khổ cũng ở lại trong lòng, nó không từ đâu đến cũng không về đâu.

Đời sống là sự đeo bám, tâm trí luôn luôn phải có cái gì, nếu trống trơn người ta cảm thấy buồn. Buồn và cô đơn vẫn còn là sự bám víu..Nếu không có sự mong chờ thất vọng trông ra thì không có buồn !

Hạnh phúc là sao ? Phải chăng đó là những âm thanh nối dài, những tiếng nổ dòn liên tục, có những bản nhạc nào mà không có rung động, những phát âm của cây đàn.

Chúng ta không ngừng bám chặc vào cây đàn cuộc đời và tôn giáo. Chúng ta không ngừng kích thích mình trong mọi chiều hướng, để được khoái lạc, dù đó là hình thức đời hay đạo.

Nương vào cuộc đời thì có năm phần may, năm phần rủi. Nương vào đạo ( hình thức tôn giáo ) thì có chín phần rủi và một phần may. Vì sao thế ? Chúng ta hãy thấy những bạn ở chợ hay ở bến xe, họ ăn tục, nói phét, chửi nhau nhưng chỉ là một hai hôm ( có khi sáng, chiều ) là họ có thể ngồi cùng nhau cười hả hê và ăn nhậu.

Trong khi những vị Thầy lớn, những vị lãnh đạo tôn giáo khi đã bất đồng chánh kiến, thì họ khó ngồi cùng nhau trong giây lát, cũng có lúc cần thanh toán lẫn nhau. Vì sao thể ? Vì lớp áo tôn giáo quá dầy ! Rách thì khó vá.

Người tu ít khi có đạo ! Người xưa nói người có đạo thì ít khi giận cách đêm. Nói như vậy người đời mớt có đạo sao ? Người đời không hoàn toàn là đạo nhưng họ gần với đạo hơn ! Vì sao ? Bởi người đời chỉ thường mặc một lớp áo mà thôi ! ( có khi họ còn ở trần nữa ! ) trong khi đó người tu mặc đến ba lần lớp áo ( áo bên trong còn khó thấy ), như vậy làm sao mà có đạo được ? ( ám chỉ những người trí thức mâu thuẫn, đa dạng )

Đạo thì giản đơn bình thường không bị che lấp, hình thức càng bình thường càng dễ thấy cái bình thường của đạo. Đời sống càng giản đơn càng dễ thấy cái giản đơn của đạo. Vì vậy mới gọi là gần với đạo

Chúng ta không được mơ hồ về những hình thức của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Những phương tiện để chuyển tiếp và sự thật thì khác xa, những hình thức và pháp môn là dụng cụ và thuốc để trị liệu những bệnh trầm kha và nặng nghiệp. Nhưng ngày nay hình thức và phương pháp lại trở thành hấp lực, rất nhiều người đã biến hình thức thành tôn giáo, những pháp môn trở thành cứu cánh. Đó chẳng khác nào lấy ngón tay làm mặt trăng để được tiện dụng. Người giác ngộ thì phương tiện là cứu cánh, như nói, thật pháp chính là các pháp. Nhưng những vị thầy giỏi khi hướng dẩn kẻ khác thì không đặt nặng những phương tiện hay pháp môn. Vì những sơ tâm của người tầm đạo rất trong lành và quý hiếm như tờ giấy được viết chữ lần đầu , nếu ta hướng dẩn sai thì khó lòng mà sửa lại

Người đi tu thì phức tạp hơn nhiều ( không giống người tầm đạo ). Đa phần vì hoàn cảnh. Một số do cảnh lành, nghiệp duyên, một số truyền thống từ gia đình họ.

Tôn giáo ngày nay dù có hình tướng cũng chỉ là bản sao. Nội dung thì không thay đổi. Nhưng có được con mắt phát minh thì quá khó khăn không ít. Tuy nhiên những dữ kiện tồi tệ đó, chúng chỉ là những hình thức đóng băng trên bề mặt chân lý mà thôi. Nếu có người trực tính không tin lớp đóng băng kia là có thật. Hắn chỉ nhìn thẳng vào tất cả vấn đề dù nghiệp chướng có bao nhiêu cũng chỉ là trong giấc mộng mà thôi. Hắn tự dùng tay dụi vào đôi mắt, mắt tức thì phải mờ ra. Giây phút đầu hắn thấy cái không tên, mọi hiện tượng đều an nhiên tịch lặng !

Với cái không tên là cái VÔ – TÂM . VÔ – TÂM là cái vô tướng trong tất cả sự vật – từ đó gọi là trí tuệ hay TUỆ GIÁC.

Khi ngày đã đến, bóng đêm dần dần tan biến. Giác ngộ là khả năng mà ai cũng có được, bởi vì Giác Ngộ là năng lực mạnh nhất của đời sống. Nó thường hằng hơn bất cứ sự có mặt và chuyển động của chúng ta.

 

Giác Ngộ là đường viền bằng ánh sáng từ tâm bất sinh. NÓ tự chớp lên báo hiệu cái “ HIỆN TIỀN LÀ TÂM BẤT SANH BẤT DIỆT CỦA CHÚNG TA ”

Tất cả bối cảnh, hiện tượng từ tâm sinh và thân vật lý đều là mũi tên đang bay. Nó nương vào không gian mà đi qua, nhưng hư không chưa từng biến đổi. Khi mở mắt bạn thấy tất cả, bạn thấy tất cả dù có thử ngàn lần bạn vẫn thấy, cái thấy không có ý thức – Đó là TÂM – TÂM BẤT SINH nhắm mắt hay mở mắt bạn đều thấy. Cả trong mộng bạn vẫn thấy như thường. Bạn hãy tự nghiệm mà xem ! Bạn có thể vừa thấy vừa nghe, không phải nghe cái gì ! Cái nghe không có cái gì cả. Vô ý hay cố ý, bạn đều có CÁI NGHE. Nghe là tâm bất sinh, không phải làm nên, không phải dựng nên, bạn sinh tâm nghe mới được nghe. Nên nghe là tâm bất sinh – vì nó không phải bị diệt nên nó chưa từng sinh nên gọi là “ TÂM BẤT SINH ” TÂM BẤT SINH là thân thật của chúng ta, là thân pháp của chúng ta.

Mắt chúng ta nhìn sự vật, ý dao động, âm thanh của tên thì hành theo cảnh. Gọi là tâm sanh, kỳ thật tâm không có sanh. Chỉ có ý sanh mà thôi, vì ý là chỗ chứa nhóm giả danh – tự cho là có thật nên dao động

Nếu thấy được chỗ tâm bất sanh ý liền mất. Cái nghe cũng là tâm bất sanh, khi nghe chúng ta thường biết tiếng động gì, động ở đâu ? Ý khởi lên kiếm tìm, phân biệt ngay đó, tâm phải bị che – chỉ biết đối tượng – mà không biết có cái nghe – cái nghe là tự tánh nó không lẫn lộn, tự tồn mà bất sanh bất diệt. Đó chính là VĂN TỰ TÁNH

Nghe là tự tánh – Thấy tự tánh – Nghe – Thấy thường là bất diệt vì tâm bất sanh. Nhận được chân thật này vượt ngoài vòng sanh diệt. Đó là Phật tâm sanh, thoát ly già, bệnh chết.

Sau đây chân thành tặng các bạn một bài thơ tên là LẶNG DỪNG. Lặng dừng là những yếu quyết ! Nếu muốn bạn có thể tự mình xem xét.

Lặng dừng qua cái lặng yên

Hư vô sau cái nỗi niềm tan mau

Chìm sâu tận cái muôn màu

Nghe ra ảo mộng bên cầu tư duy

Lắng nghe những cái thầm thì

Cái đang là đã có gì nữa đâu

Không ta không cái tâm đầu

Không hình khái niệm không màu thời gian

Không đi, không đến, không tàn

Không tình, không ý, không hoang mang gì

Trời vô vi, đất cũng vô vi

Trên cầu, dưới nước, người đi rực hồng

 

Trong kinh nói: “ Các hành vô thường, là pháp sanh diệt. Sanh diệt dứt rồi, tịch diệt là vui ”

Các hành không có thật nên gọi là vô thường

Ở đây chúng ta muốn thấy sự thật, phải có cái nhìn sâu sắc, cái nhìn tận cùng ở đằng sau cái im lặng. Người ta có thể lặng im, nhưng khó lặng dừng được.

Và lặng im có thể nín nhịn một cái gì đó. Như ta có thể ngậm miệng im lặng, nhưng ý vẫn còn sôi sục bên trong. Nhưng nếu bên trong ta đã dứt ý – đoạn lìa thì im hay không, không thành vấn đề nữa.

Cũng như người ta có thể thấy hư vô bên ngoài nhưng khó thấy hư vô bên trong. Có thể thấy hư không hình lượng, nhưng không thể thấy được hư không nguyên lý. Vì thế, sau những nỗi niềm tâm sự bốc khói tan đi, thì không tính sẽ hiện ra

Những sắc pháp trong lòng ta có muôn màu ngàn sắc, nếu ta không rọi thấu tận tường, chúng sẽ kết thành cái đại chủng vật lý

Mọi tư duy đều là ảo mộng, những nổ lực kín đáo từ dục vọng luôn thầm thì ở bên trong, chúng có âm hưởng rất sâu xa, bên ngoài không bao giờ nghe được âm thanh đó !

Trong văn chương triết lý thường nói cái ĐANG LÀ…tức thấy được cái vận hành của tâm thức. Thấy cái ĐANG LÀ thì không người thấy, không có tướng thấy – CÁI ĐANG LÀ – là năng lượng vật lý tinh vi nhất. Và cái thấy đó là trung tính, là không tính – là Phật tánh của tất cả mọi loài.

Đến đây chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, không có một chủ thể mà có thể tồn tại. Tất cả những mảnh vụn kết tinh đều bị tan rã. Cái ta rỗng tuếch, nên gọi: “ không ta không cái tâm đầu. Không hình khái niệm không màu thời gian ”. Thời gian là lực co giãn của tư tưởng, thời gian là sự kéo dài ảo tưởng về tướng trạng vật lý. Thời gian cũng là những lượn sóng đẩy đưa của không gian tâm thức. Một tâm thức đã Giác Ngộ thì không thấy có thời gian – Vì không đến không đi, không sinh thành, không tận diệt.

Tình cũng không mà ý cũng không. Tình nơi cảm xúc ý là chỗ tượng hình. Có ý thì có dục, dục là do tưởng mà thành. Như kinh có dạy:

Muốn sanh do ý người

Ý do tưởng mà sanh

Hai tâm đều vắng lặng

Không sắc cũng không hành

Khi viết những điều này là đang viết những điều này. Khi bạn đọc những điều này là bạn đang đọc những điều này. Chỗ có thể xảy ra là bạn thấy gì trong tâm bạn. Khi đọc những dòng này – như tôi đang viết đây là tôi đang thấy gì khi đang viết ?

Bạn không nên xác định là tôi nói đúng hay nói sai. Bạn đừng tin tưởng tôi hay tin tưởng vào dòng văn đúng, sai hay dở. Dù rằng bạn có chấp nhận hay phủ nhận, bạn cũng không thêm gì cho sự thật. Cho đến bạn phê phán câu văn và tu từ pháp rằng đúng hay sai, hay hay dở cũng chỉ là cái nhai lại mà thôi. Ta hay tự nghiêm chỉnh lấy mình ở bên trong – yên lặng mà thấy.

 

Có phải khi đọc những dòng chữ này trong tâm bạn liền nổi âm thanh ? Những âm thanh nổi lên và rung động rồi tan mất đi. Bạn đừng cho rằng những âm thanh rung lên rồi mất biệt, nó sẽ để lại cho bạn những ký hiệu. Cái gọi là đời sống của chúng ta tất cả từ những ký hiệu này – dù một cá nhân, một xã hội, hay toàn thể nhân loại đồng bởi từ những âm thanh này mà phát hiện. Nó có tầm quan trọng như vậy tại sao bạn không thấy nó ?

Khi bạn nghe một âm thanh bên ngoài, bên trong liền phát ra một hình tướng. Khi thấy một hình tướng bên ngoài, bên trong liền có những âm thanh

Khởi sắc đó là không gian. Âm thanh đó là thời gian. Từ khởi sắc và âm thanh đã tạo ra vô vàn khổ, vui, nhân, quả.

Cái mà nhân loại không chịu nổi gọi là bất hạnh, là khổ đau, là sinh tử, là huỷ diệt. Chúng ta ai cũng muốn hạnh phúc tại sao không hiểu được điều này, cái vui thì qua mau, cái khổ thì trì trệ, cái vui như ly nước, cái khổ như sa mạc mùa hè. Ánh sáng buổi chiều vàng loài người chỉ là một thoáng chớp phù du. Đêm dài của mộng mị tử sinh thì miên trường bất tận, đúng như người bạn lòng chúng ta đã nói. Rồi ta sẽ chìm trong tăm tối bất hạnh. Bóng huy hoàng mùa hạ quá phù du !

Chúng ta cầm trong tay một lá cờ có cán, khi nắm được cán rồi chúng ta có thể tuỳ ý phất lên hay cuốn lại.

Tôi tin các bạn đều có thể là những nhà khoa học tâm linh. Tại sao ? Vì chỉ có các bạn mới tự khám phá ra những giao động trong chính mình. Xin các bạn đừng bao giờ mê tín về các từ ngữ như đạo đức, tôn giáo, công đức, phúc đức, thoại đầu giác ngộ, minh tâm, kiến tánh…Khi các bạn nói lên những ngôn ngữ danh từ này các bạn sẽ có những xu hướng dữ dội ( nếu không có xu hướng thì tâm phớt tỉnh, lầm lạc, lỳ lợm…) hoặc phát ra trong lòng tham ảo vọng. Đây là điều tối kỵ của sự thật, nó chỉ có thể cho người rất mơ hồ, sơ tâm, nó vẫn là một màng mỏng manh trong mặt hồ tâm, khi muốn nhìn vào mặt trăng chân lý.

Khi bạn muốn quan sát một vật thể trước mắt, nếu bạn muốn biết thật sự về vật thể đó, thì bạn không có quyền đặt tên, so sánh, phê phán, khẳng định hay phủ định ! Mà bạn phải nhất tâm hợp nhất cùng vật thể đó, bạn đừng nghĩ rằng mình phải chủ quan hay khách quan. Bạn không thể chụp mũ nó bằng bất cứ một ý kiến nào, bạn không thể lấy những lể giáo quen thuộc mổ xẻ nó, bạn không thể dùng những đường búa cứng ngắt để đập tan nó, nghĩa là bạn không cần dùng bất cứ cái gì ngoài nó để ngắm nhìn nó, như thế bạn có thể thấy được nó.

Nhìn một vật thể bên ngoài, hay nhìn một chuyển giao bên trong cũng đồng như vậy. Chỉ có khác là khi nhìn vật thể bên ngoài, bạn không thể nhắm mắt lại, nhưng nhìn những vận hành bên trong thì bạn có thể mở mắt hay nhắm mắt bạn đều có thể trông thấy được.

Bạn cứ mãi lảm nhảm, làm nhàm những dnh từ tu – tập , giác ngộ, đạo đức…mãi, thì chân lý sẽ chia tay cùng các bạn ! Chính không thể gọi tên là chân lý khi một ai đã nhìn thấy nó.

Nếu bạn không chủ trương một điều gì, bạn không ước vọng, không có muốn trở thành, không bị những danh từ, ngữ vựng cám dỗ, đồng hoá thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể Giác Ngộ được

Bạn có khả năng biết được Giác ngộ không từ bất cứ một phương tiện nào. Nó lớn rộng, sát nhập và hợp nhất vào tất cả hình sắc mà ban có thể thấy nghe được – nó ngược ngoài cả ý niệm về không gian nhưng nó không là to lớn, và nó có thể vào được bất cứ vị thể nào mà bạn goi5 là nhỏ nhất, nhưng không được gọi nó là nhỏ. Nó không lớn vì nó không có không gian. Nó không nhỏ vì nó không có thời gian

Nếu bạn hay ai đó có sự thật, thì không thể khen hay chê người đó được, vì chính họ cũng không sở hữu nó ! Thông thường những người giàu kiến thức và những triết gia đều cho lý tưởng Giác ngộ chân lý là con đường rất vĩ đai cao thượng và một số người của tôn giáo đều tán dương nó một cách thần thánh.

Điều đó giống như những sinh thể nhỏ bé sống trong lòng biển, nó tự phân ranh bằng những ý nghĩ của nó biển là bao la, biển là vĩ đại, là cao thượng. Như mỗi lượn sóng, mỗi hòn bọt, khi gặp nhau chúng đều khởi lên những ý niệm tán dương biển cả. Nếu lượn sóng và hòn bọt chiêm ngưỡng biển cả chính lúc ấy chúng chìm trong biến dịch, chúng thấy quả thật đại dương là bao la…Chúng tự diệt sanh trong đêm trường tăm tối.

 

 

Con người từ khi chào đời bằng tiếng khóc tu oa…và cho đến lúc chết đi bằng tiếng nấc nghẹn, hay ré dài của người thân thuộc. Trong quãng dài của con đường sinh mệnh đó, nếu nhìn theo mắt thường thì sẽ thấy có hằng trăm ngàn giai đoạn của tiến trình giữa sanh ra và chết đi, có vô số cái vui buồn, thịnh suy, vinh nhục. Người ta có thể viết hằng triệu cuốn sách để diển tả kiếp người. Thi sĩ có thể làm hàng vạn bài thơ để hân hoan và bi cảm !

Nếu có một kỹ thuật nhìn khác thì có thể thấy cái hiện hình của khởi đấu ( Sinh ) và lặng tắt dừng đi ( Chết ), như một lằn âm thanh rung dài, như một lượng sóng đa tần, như một luồng điện chớp giông, giữa bầu không gian vô tận. Đây không phải hoàn toàn là một tỷ dụ mà là một thực tế hằng thường trong hiện trường sinh tử. Vì con người là một chuyển động không dừng từ tâm, sinh, vật lý. Trong cái vận chuyển liên tục với một tốc độ không lường được như thế, quả thật chỉ là một âm thanh réo rắt bềnh bồng – quả nhiên như một sáng tạo từ cái vô cùng và vô hạn. Một ví dụ khác để dễ hiểu hơn. Như một em bé ham vui lấy một cái ống hút nhún vào bọt xà phòng và thổi lên giữa khoảng không. Ta sẽ thấy một biến chuyển liên tục trên chiếc bóng qua sự vận hành liên tục của khí. Khi bóng đũ rơi ra khỏi ống thổi, nhưng tự thân nó vẫn vận chuyển không ngừng cho đến lúc tan vở ! Ta không thấy có một khoảnh khắc nào dừng lại cả.

Nếu ta có cách nghe thật thính, ta sẽ nghe được một âm thanh liên tục của khí từ khi bắt đầu cho đến chấm dứt. Như vậy tất cả những hình thể của con người và vật thể trong vũ trụ chỉ là một làn khí, một quả bóng xà phòng nhanh chóng vỡ tan, là tiếng thét dài rung động, đu đưa rồi tan biến…Trước đây nhiều năm khi phát hiện ra điều này tôi có viết bốn câu như sau:

Thân như bọ bóng, tình như mộng

Gió dạt tâm giông tợ bóng câu

Trí tối lòng mê đồng vọng nội

Thức thuyền vướng mãi lệ thương trôi…

Thân người chỉ là bóng bọt, tình chỉ là mộng mị. Tâm thì như khỉ vượn, tập khí thì không ngừng trôi dạt, nổi đùng lên như giông tố, đẩy hình hài như bóng câu qua cửa sổ.

 

 

Trí ( kiến thức ) là bóng tối cùng với sương mù khói chướng của tình trường, đều mê man, vần vũ buông trôi, rồi quay về lại với gốc. Thức là con thuyền đẩy đưa lấn dồn dòng lệ buồn, thành những con sông xuôi dòng trong đêm trường sanh tử…

Chúng ta có thể nào lắng nghe được những tiếng động từ bên trong, những âm thanh thầm lặng, trước khi chúng xô ùa ra làn môi chót lưỡi, trở thành vần điệu, những tiếng nói, nụ cười, rồi đồng hoá và tròng cổ chúng ta như một đại diện phát âm nhân loại

Các bạn cùng tôi hãy lắng nghe, lắng nghe cho thật rõ từng giao động âm thầm này khi chúng chưa hình thành trong kết tụ. Cũng như chúng ta hãy tĩnh lặng mà thấy những hình ảnh, những hình ảnh tự thâm cung, chúng ta có thể thấy nó như thấy bóng dáng của người yêu.

Người yêu lãng vãng tợ mờ sương

Tâm ý “ mơ mang ” cõi mộng trùng

Dáng dấp lững lơ tràn lấp lặng

Hình hài như chạm ngập tư vương

Tiếng nói nụ cười theo âm hưởng

Đứng ngồi đi lại hoá tư lường

Có hình không chất nhìn cho rõ

Mở mắt chiêm bao hoá mộng trường

 

Xin các bạn làm ơn lưu ý và nhơ rằng những điều viết trên đây không hoàn toàn là một lý thuyết. Nếu các bạn hứng thú thì có thể lấy nó làm những mũi tên, nó sẽ đưa chúng ta vào sự thám hiểm dị thường từ ngỏ hẹp cô đơn nơi tự ngã. Chúng ta có thể thấy những hoang mạc cô liêu, những dòng sông réo rắc, rồi những đỉnh núi chập chùng.

Chúng ta thấy những áng mây trắng xoá, giữa bầu trời xanh bất tận, không riêng những loài chim từ chân trời xa sẽ đến mà đứng lặng yên như những mãnh thú từ rừng sâu hiện diện, cho đến những loài bò sát rất đa hình dạng…

Tất cả những thượng cầm, hạ thú, cho đến quỷ ma, muôn loài vạn vật vũ trụ, sơn hà cũng từ một gốc. Gốc đó vô căn, nhưng chúng ta cần phải thấy, bạn sẽ không tin, không tin thì tình nghi không đoạn. Thực ra tất cả chúng ta đều có luôn cơ may, lúc nào tai của chúng ta cũng sẵn sàng, mắt chúng ta cũng hiện diện cho đến mũi, lưỡi, thân, ý đều luôn đợi chờ. Nếu bạn bằng lòng chúng sẽ khởi hành không cần giờ giấc, tùy lệnh của bạn muốn, chúng đi vào hay đi ra !

Bạn cũng muốn chúng là những người thám hiểm, chúng sẽ có khả năng. Từ lâu bạn buôn trôi những trọng trách này và chúng đã biến thành u mê lười biếng !

Tất cả mọi loài cho đến các sinh vật không ai bằng lòng với khổ đau, riêng con người cũng không bằng lòng với ngu dốt đần độn. Ai cũng cần đến nguồn vui và hiểu biết, nhưng chúng ta không được toại nguyện. Chúng ta không biết cái biến dịch từ đâu. Chúng ta không hiểu động lực nào của duyên khởi, như chúng ta muốn thức ăn ngon nhưng lại không biết nghệ thuật của ẩm thực

Dù chúng ta có biết được phần nào nhưng hiểu biết đó cũng không thể dẩn đường cho chúng ta vào hạnh phúc; bởi lẽ ta luôn háo hức và đẩy “ cái muốn ” lên hàng đầu.

Một con người dù cao thượng trí thức, hay đạo đức đến mức nào đi nữa, nếu hắn thấy thiếu, tất nhiên trong lòng phải giao động và nếu hắn thấy “ muốn ” tâm liền sinh ra gió, niềm vui trong sự phóng tới luôn là một làn tên đảo ngược, đó là sự nguy khốn khôn cùng; nên Bậc Chánh Biến Tri có dạy:

“ Hỷ lạc là căn bản của đau khổ “

Từ hữu mà sinh khởi lên

Và già chết đến loài hữu tình ”

Tại sao chúng ta lại sợ đau khổ ? Bây giờ các bạn phải tự đặt cho mình một câu hỏi: “ Tại sao mình lại sợ đau khổ ? Các bạn có thể tự trả lời…Chúng ta không sợ đau khổ mà kỳ thật sợ mất mát. Mất mát là cái gì? Bạn hãy thấy đi: mất mát có phải là sự nương tựa không ? Chúng ta rất sợ mình bị xoá sổ ! Ai cũng tưởng mọi người bị mất mát những cái có: tài sản, danh dự, tình yêu, thân quyến làm cho người ta sợ hãi, thì có những người có thể họ không có cái gì cả. Họ không có tình yêu, thân quyến, vật chất, của cải như các thầy tu, những kẻ lang thang bụi đời…Họ vẫn sợ, họ sợ một cái gì đó ! Như sợ không có tương lai, sợ không ai biết đến mình, sợ ngày mai và sợ chết. Rồi cho đến những người biết rằng mình phải bỏ xác thân này, mình phải chết ! Nhưng họ vẫn sợ . Họ sợ mình đã làm việc ác, sợ địa ngục, sợ đời sau..Thế thì thật sự họ sợ cái gì ? Bạn hãy tự trả lời đi !

 

( Tôi xin tạm dừng chúng ta cùng giải lao một chút )

Thưa các bạn, tôi đang ngồi viết những dòng chữ này trong một tịnh thất ở vùng đỉnh 505 của Núi Dinh, động Phong La. Khi tôi viết đến câu: Bạn hãy tự trả lời đi ! Thì trời đổ cơn mưa lớn, câu trả lời liền phân tán thành những giọt nước từ mái lá đổ xuống trên đầu tôi. Trước đây mấy tuần, nhiều khoảng không đổ xuống, tôi đã trả lời ngay trên đầu mình bằng chiếc áo mưa rách ! Thế nhưng những câu hỏi mát lạnh ấy cứ từ trời mà đổ xuống mỗi khi có mưa, cứ khoảng cách dài ba bốn thước thì có một câu hỏi từ mái nhà vọt xuống ! Khi nảy chúng ta giải trí bằng cách lấy vài cái đồ để hứng bớt, đó là những câu trả lời ( theo lý luận của các triết gia hiện thực nhất )

Bây giờ ngồi lại viết tiếp cùng các bạn, tôi cũng tự hỏi: Có sợ không ? Rồi sao nữa !… Giờ đây tôi cùng các bạn, chúng ta sợ cái gì ? Tôi xin tạm trả lời bằng lý thuyết rằng: Chúng ta sợ mất bản ngã đấy ! Bản ngã là cái – nó mường tượng như những câu hỏi và câu trả lời của chúng ta tù nãy giờ đó !

Những câu hỏi và câu trả lời nằm yên trên tờ giấy thì không phải là bản ngã. Khi chúng ta nhìn nó như nhìn những cổ tự cách đây 10 ngàn năm thì cũng chưa có bản ngã, ta đọc lên được nó, đây là không đúng, nó tượng hình…Nhất định là phải thế, đây là chân lý, không thể khác hơn, mặt mũi nó đây rồi !

Như các bạn đã biết, con người không phải sợ đau khổ mà là sợ mất mát, mất mát bản ngã thì con người không còn lạc thú. Nhưng lạc thú là gì ? Phải chăng là những rung động của tiếng kèn không bao giờ liên tục. Tự mình muốn nghe thấy tiếng giao động của chính mình, nó luôn luôn cần cái vay mượn ở bên ngoài. Chính vì mãi vay mượn những dụng cụ không phải là chính nó, nên nó không thể có sự an toàn như người vừa thổi kèn vừa tự kéo dài làn hơi của mình để san bằng cái trống không của dụng cụ – chính nó còn không phải là cái thực thì có cái thực nào ở bên ngoài để nó được an toàn.

Khi khởi đầu ( tìm cầu ) nó đã là bất hạnh, thì hậu quả làm sao có hạnh phúc được ! Nó không hiểu được chính nó nên nó “ Cô đơn ”! Nếu chúng ta có được dũng khí dẫm đạp lên chính mình, thì chúng ta sẽ lật ngược trở lại con đường phiêu lưu vô định. Nếu chúng ta không đứng yên lại trên chính bước chân của mình thì chúng ta không khỏi hoài nghi theo những dấu chân của chính chúng ta đã đi qua, lòng vòng phía trước. Xin các bạn hãy lắng nghe tự ngọn nguồn sâu thẳm trong yên lặng, từ sự lắng nghe tất cả những giọt sương vừa hình thành sẽ tự vở tan chính nó. Chúng ta có bệnh muốn được đổi thay, muốn một cái gì mới, nghĩa là chúng ta luôn luôn “ muốn trở thành ”. Sự thật thì thừa khả năng có những điều như thế ! Nhưng nếu dùng cái đã biết, sự phân tích từ kiến thức và chọn lựa, thì không thể vượt ra khỏi cái lòng vòng, tráo trở từ sự biến hoà không lường như một trận pháp mê hồn ảo vọng.

Tôi còn nhớ hồi mới lên núi Dinh này, vì thích dạo chơi trong rừng, nên một mình dạo sâu vào những nơi có nhiều cây lớn. Không biết có phải nơi này là “ sùng sình ba sọ ” mà tôi cứ đi lòng vòng suốt cả nửa ngày một đêm, mà không ra được, đêm đó không trăng, trong rừng thì rất tối, trời lại cứ đưa từng chập một, tôi cứ bươn chạy mãi cho đến khi lã người, gần như muốn xĩu, quần áo đều rách bươm, rừng âm u, rùng rợn; những giọt nước từ trên lá cây rơi xuống mặt tôi, nhưng tôi mât mình, rồi thiếp đi một lúc lâu. Khi tỉnh lại, tôi ngồi xếp bằng, tự điều hoà hơi thở, và tôi nghĩ lại: vòng núi này không phải quá lớn, bởi vì mình cố tìm kiếm con đường thành ra cứ đi vòng vo mãi. Bây giờ hãy nhắm mắt một đường thẳng mà đi, cho dù có chướng ngại vật thì cứ dẫm đạp lên mà đi tới ! Khi đã quyết định vậy rồi, tôi liền nhắm ngay phia trước mà đi, gặp hố thì xuống, gặp đỉnh thì trèo, gặp cỏ gai thì dẫm lên, hoặc luồn lách mà đi, không bao giờ rẽ qua một lối khác

Đúng như tôi nghĩ, sau một giờ tôi liền ra khỏi chướng ngại của vùng núi. Sự quyết định nhìn thẳng để ra khỏi những quanh co của rừng cũng đồng như thế.

 

Trong sự tu hành tôi quyết định nhìn thẳng vào tất cả những dao động, vận hành trong tôi, cùng sự lắng nghe mà không bao giờ chọn lựa, phân chia là chính xác.Tôi đã đốt được giai đoạn, vất bỏ tất cả những con đường ngay nơi mảnh đất những phát sinh này, tôi ra khỏi ! Khi đêm tối tự mỏng dần, ánh sáng của ngày đã đến, nó không còn nghi ngờ, hay hoang mang những gì trong nội tại. Trước kia tôi tìm tòi đọc hàng ngàn những cuốn sách hay của các triết gia, đạo sư, thiền sư trên thế giới. Những cuốn sách thật là mãnh liệt, chói sáng như những ngọn đèn rọi to của những người đi thám hiểm; có khi nó như nhữn ngọn hải đăng cho những tào ở giữa biển trong đêm. Nhưng nếu đem so được với cái ĐANG LÀ bùng vỡ, thấy được dáng những con cá nhỏ thì thầm trong vòng chảy trôi của vận hành tâm thức, thì những chiếc đèn kia không cần gì phải phí phạm. Như thế “ ngày đã lên ”, không riêng của ai, mọi người đều có thể khởi hành trong ánh sáng.

Có những người tầm sư học đạo, họ có nhiều hoan hỉ, họ thấy mình hiểu biết thật sâu và thật rộng từ những bộ kinh sách cổ xưa và kiến thức vĩ đại của vị thầy. Họ rất thần tượng các bậc giảng sư, các bậc thầy, họ đạt được chất lượng và hình tích của giáo lý – họ hình thành những trung tâm bên ngoài và bên trong, họ bắt đầu đo đạc chu vi và diện tích. Họ nắm chắc lần hồi dự trữ và phơi khô chân lý.

Những diều thu hoạch được, họ có thể phân loại và đóng khung một cách huy hoàng đẹp đẽ, những pho kinh được in ấn có kỹ thuật và thẩm mỹ cao; tất cả đều được quy định để có thể so sánh đối chiếu và khảo tra.

Bất hạnh cho những con cá được nuôi cẩn thận trong hồ kiểng, lâu quá rồi, nó không còn biết được những dòng sông xưa và nước tại trùng dương bể cả, ra sao nữa ?. Chúng khó hình dung được cái quê hương thật của chúng là những rừng thiêng núi cả xanh thẳm mênh mông như thế nào !

Trong thời gian đã qua, cuộc tiếp diển hiện tại và những hy vọng cho ngày mai, tất cả đều tập trung vào mỗi ý nghĩ đó chính là sinh tồn. Sinh tồn là sự tồn tại cho cuộc sống. Ta hãy từ tâm sinh, vật lý, có thật không một góc độ tồn tại nào ?. Chính tâm của chúng ta thì sớm vui chiều khổ. Hoan lạc chưa bao lâu, thì ưu phiền đã kéo đến, giống như trong câu thơ của Bạch Vân diển tả:

. “ Ngày người nói đêm nằm im

Nói im đều mộng vì tim vẫn buồn ”

Cái tâm lý thông thường của chúng ta mà không biết động tĩnh thì làm sao mà tác chủ cho sự việc ở bên ngoài ?

Khi các bạn đọc sách, khi ngang qua những dòng đầy lý thú, một câu một chữ cũng đều làm cho ta Giác ngộ, thế cái gì không dùng được ? Nó cứ đôn đốc cho ta đọc tiếp và giở qua trang khác. Tất cả tâm trạng đều có linh tính, nó biết được chỗ hay, dở giống như vào một vườn hoa, chúng ta thấy toàn là hoa đẹp, ta biết rõ màu này trắng, màu kia hồng…nhưng không hề dừng lại trên một bông hoa nào, để đi sâu vào cái vô cùng của nó. Tâm ta đối với vật có những dao động chớp nhoáng, những dao động làm thành chuyển động, những chuyển động quá nhanh như sự vận hành của một dòng nước chảy !

 

Như thế tồn tại ở chỗ nào ? Cái mà ta gọi là sự sinh tồn, vị trí đó ta muốn chỉ thị cho cái gì ? Có sự thật về sự sinh tồn hay không ?

Phần tâm lý này phức tạp và đa dạng vô cùng, muốn thấy cho tường tận cũng khó, huống gì làm chủ lấy nó. Phần sinh tồn mà các bạn có thể cảm nhận được ít nhiều đó là sinh lý.

Sinh lý là những xúc động và cảm giác rất hằng thường trong cuộc sống. Xúc động, cảm giác là mặt nổi. Từ vận hành nội chất, sinh lý như nước, tâm lý như sóng. Hai mặt cùng xô động trong một thực thể. Như những người con gái hay con trai từ tuổi dậy thì trở đi, thì hay có nhiều ý nghĩ vẫn vơ. Chúng luôn mơ mộng tưởng tượng về những hình bóng, chúng tự độc xưng những ảo tưởng để xúc động và cảm giác những xúc động này là phần sinh lý nội thủ tự tri, phần ai nấy bám và chỉ mình hiểu mà thôi ! Nhưng nếu ta đặt câu hỏi những xúc động cảm giác của những người con trai, con gái này có phải chúng tự điều động, chúng làm chủ hay không ?

Những xúc giác tự sinh lên, hay người con gái bảo “ Mày sinh lên để ta được sống !? Có người con trai nào bảo những bộ phận hãy vươn lên, tràn lên để ta được sống ? Ngay những giao biến, những cái tự tồn nội thủ này của ai…chính hắn còn không hiểu được ? Thế mà hắn bảo ôi sinh lý của ta !

Đây là một điều tế nhị, nếu không thật sự nhìn ngắm, không thật sự lắng nghe thì không bao giờ hiểu được. Nếu ta có là một triết gia thượng thặng, một nhà phân tâm học cũng chỉ lầm lẫn mà thôi !

Phân tâm lý thông thường của đời sống như: ăn, ngủ, giải trí… những chi tiết này bạn có thể chứng nghiệm. Chúng ta có thể làm chủ trong giấc ngủ không ? Ta có thể thấy khi đang ngủ không ? Nếu khi mình ngủ mà mình không biết mình ngủ, hay ai ngủ ? Như vậy trong khoảng thời gian này ai sinh tồn ? Nếu mọi người cùng ngủ một giấc dài vô tận thì tiếng nói sinh tồn đó ở đâu ? Nếu trên hành tinh này chỉ có một người, người đó phải là Phạm Thiên thì người đó có thấy mình sinh tồn không ? Nếu người đó không có một kẻ thứ hai để cạnh tranh, người đó chưa có tình trạng lưỡng phân tâm thức, thì ai đứng bên ngoài chỉ cho, người đó biết là thấy đang sinh tồn thì thấy sẽ chết ngay ! Thấy biết là phân huỷ từ ngưng đọng ( chết ). Sinh tồn là một lực tồn tại để sinh lên cái “ Còn lại là cuộc sống ”. Nếu tôi có ngày giờ thì tôi sẽ làm một quyển tự điển về sinh tồn, sinh tồn không hẳn là sự sống còn mà chữ sinh tồn còn có vô số nghĩa: Như có thể gọi sinh tồn là hiện hữu, sinh tồn hiện diện, hiện tiền, là trôi chảy, là lửa, là cái nhìn, là phi hiện thực, là chết, là sa mạc…Chữ sinh tồn có thể liên hệ trong chuyển dịch thành một ngàn từ biến nghĩa, cho đến mười lăm ngàn từ vẫn còn có thể được.

Như nói sinh tồn mà dịch là chết thì thật là vô lý: vì nếu có một hiện tượng nào không biến đổi thì hiện tượng đó không thể thấy tồn tại. Kỳ thật, nó không có ở đó, nó phải chết và sống lại không ngừng. Giữa tốc độ sống và chết bằng nhau, nên ta mới thấy được. Nhưng cái thấy của ta nằm trong cái chết vì sự vật hay sinh tồn đều đã qua lâu rồi, thì ta mới thấy, như một vận tốc nhanh, luôn đi trước âm thanh.

Một dịch từ tượng nghĩa nữa, như nói: sinh tồn là sa mạc thì danh từ sa mạc này thật là kỳ cục lãng nhách đó mới là nghĩa chính, vì sao ? Chúng ta thấy vô vàn hạt cát không dính dáng gì với nhau, chúng có sự hiện diện, chúng tồn tại. Các bạn có thể nhìn móng chân út của mình ở tận phía dưới và một sợi tóc rối ở trên đỉnh đầu.

 

 

TÂM PHÁP VÔ NHÃN

Vô nhân là cái bất sinh

Vô duyên là cái tự hình tượng kia

Mắt nhìn thấy cái phân chia

Tai nghe thành cái đoạn lìa nhị phân

Có không thế giới trong ngần

Hữu vô rỗng suốt không thân không lời

Vô luân – hồi mộng chơi vơi

Vô sinh tử huyễn đổi đời thị phi

Lặng yên là cảnh vô nghi

Không tâm không pháp còn gì nữa đâu

 

TÂM CA

Lặng ơi, nghe tiếng tâm này

Tâm là rỗng suốt toả đầy không gian

Tâm không ý nghĩ thời gian

Tâm không ấn tượng hàng hàng nhỏ to

Tâm không nào tướng thăm dò

Vô sinh vô diệt còn lo sợ gì

Thấy tâm là thể vô vi

Thấy tâm tâm thấy như như hiện tiền

Thấy tâm như tự thành gương

Soi ra pháp giới vô thường vô tri

Vô thường thường lại phi ly

Tục chân bất nhị là khi rõ ràng

Tâm là độc nhất minh quang

Là tâm không cảnh không tàn không che

Vô thanh vô động mà nghe

Nhất nguyên vô một không che choáng gì

Lặng thinh mà chẳng vô vi

Tùng tuỳ mộng sự thiết thi bản hoài

Bão giông mà chẳng thường lay

Đến đi to nhỏ ở ngay vô hình

Vui buồn tâm sự thường minh

Minh là tỏ thấy tướng hình chẳng lay

Chẳng lay chẳng động chẳng ngoài

Vì chung huyễn tướng ở ngay hiện tiền

Thấy duyên là thấy “ không ” duyên

Duyên là ảo mộng cõi miền giả hư

Tâm đồng từ cảnh vô tư

Từ không tư sở không người không ta

Vô chung vô thỉ như là

Núi sông vũ trụ cũng là tâm kia

Sắc không tâm cảnh chia lìa

Từ vô minh tướng mà chia phân kỳ

Thấy nghe là pháp vô vi

Hinh lay tướng động u nghi Phật tiền

Còn gì khởi pháp sanh duyên.

 

 

LỜI HẬU CHỨNG

Khi viết tập sách này tôi cũng có lần thoáng nghĩ: Sách này mình có thể đọc lại mà không chán, hay có thể đọc nhiều lần. Quả đúng như vậy ! Vì lý do xem lại sửa lỗi, và có những lầm lẫn khi in, tôi phải đọc đi đọc lại đến bốn năm lần; lạ thay, mỗi lần đọc tôi đếu thấy mới. Có những đoạn những câu, càng đọc tôi thấy tâm mình hiển lộ. Như viên đá thạch anh tốt, càng soi ra nắng với độ nghiêng rọi khác nhau, càng thấy chói sáng được nhiều màu, càng nhìn càng rạng rỡ !

Càng đọc tập CHỨNG NGHIỆM này càng thấy ra được nhiều dạng sâu sắc của nó ! Ta có thói quen đọc sách như ngựa chạy qua đèn; đọc thật nhanh, thật gấp, rồi xếp sách lại; ta cho là cuốn sách đó đã được đọc rồi ! sau đó lại tìm đọc cuốn khác, cứ tiếp tục đọc sách mới, mà thật ra không có gì mới cả !

Khi viết xong tập CHỨNG NGHIỆM này, tôi không có tự hào rằng: “ Đây là sách của mình ” giống như thưởng thức một món ăn, tôi luôn thầm “ cảm ơn ” và tri ân sâu xa những liên hệ gì qua món ăn đó; dù là món ăn của chính tôi làm ra, hay tôi bỏ tiền túi ra mua.

Khi đọc sách tôi thường có tâm trạng tri ân, văn cú trong sách soi sáng cho tôi chừng nào thì lòng tri ân sâu xa của tôi đến chừng đấy, cho đến không ranh giới, thì sự tri ân chín đỏ biến thành từ tâm. Điều này không có gì khó hiểu “ Hiểu thấu thì thương tới ”, “ Tuệ sáng thì Bi sâu ”. Tử kinh nghiệm rõ ràng như thế nên tôi mới viết ra những dòng này

Nếu có một cái TA viết sách, thì cũng có một cái TA đọc sách. Nếu có hai cái TA thì ta trước và ta sau sẽ không là nhất thống. Nếu ta trước như làn nước trôi mau thì ta sau như dòng sông cuộn tới. Tuy vậy mà con nước trước sau không hề biết nhau. Một đầu bếp giỏi cũng có thể ăn và khen những món do tự tay mình nấu. Người nghệ sĩ có tài, ngắm lại tác phẩm của mình mà khen hay chê.

Tư tưởng là loại có sự lan xa, rộng. Sáng tạo chân chính thì trung thực mà có phần khách quan, nên tác giả không tự kiêu mà cũng không khiêm nhượng. Trực tâm viết, trực tâm nhìn và trực tâm phê phán, thì không lỗi ! Như một thày thuốc, chế được một loại thuốc để trị liệu cho người, cho mình, khi hết bệnh mình có quyền nói: Đây là thuốc tốt các bạn hãy uống đi.

Như thang thuốc trị liệu, sách CHỨNG NGHIỆM này cũng như thế. Bút giả mong rằng các bạn có duyên cầm sách trong tay hãy đọc nhiều lần, chứng nghiệm nhiều mặt ! Các bạn nên đọc đi đọc lại tập chứng nghiệm này nhiều lần, các bạn sẽ rõ ràng hơn, vì sao mà bút giả phải đề nghị như vậy ? Trong sự im lặng tỉnh táo, các bạn duyệt qua tập chứng nghiệm nhiều lần, các bạn sẽ không còn hoài nghi sự phát sinh cái biết của chính mình.

Nếu tập sách bé nhỏ này có cơ may đến được tay của các bậc cao minh, thì xin thứ cho những điều khiếm khuyết ! Có điều chi cần dạy bảo xin các Ngài bổ khuyết cho, hầu khi in lần sau được đầy đũ hơn, làm cho Tuệ giác và Bi tâm rộng sâu cùng khắp.

 

Xin chân thành cảm tạ

 

NGƯỜI MÂY TRẮNG

 

Thầy Bạch Vân

Núi Dinh, xã Tân H, huyện Tân Thành Bà Rịa – Vũng Tàu

Số điện thoại: 0918113593

XÀ ẤN LINH THIÊNG

“ … Tôi ở trong chòi lá thật tự nhiên, không ràng buộc bất cứ điều gì. Cho đến những ý thức về xung quanh cũng không có. Giấc ngủ êm đềm như em bé trong nôi. Ngôi chòi vuông vức bốn bên kín đáo, chỉ có một cửa nhỏ ra vào mà không có cánh cửa để đóng mở gì cả. Trong chòi không có nhiều đồ đạc, chỉ có một cái y để đắp, một cái đèn dầu nhỏ và một cái mõ mà thôi! Tôi nằm ngủ trên sàng, không có mùng, mền, gối…chỉ có một cái y trùm luôn cả đầu
Đêm đó khoảng 12 giờ, đang ngủ, tôi bổn rùng mình, cảm thấy xung quanh có một cái gì rờn rợn, trong không khí lành lạnh, hình như có một sự đe doạ nào đó. Tôi đưa tay kéo tấm y đắp, xuống khỏi đầu, mặt, liền thấy cách vai tôi chừng hai gang tay có một đống dây thừng khoanh tròn chồng lên nhau. Trong tranh tối, tranh sáng, của cái đèn dầu nhỏ, tôi biết đó là một con rắn mái gầm to lớn. Từng vòng khoanh đen trắng lấp lánh, rung rinh dưới ánh đèn mờ làm tôi nổi ốc. Dù trong tâm có sợ, nhưng tôi vẫn tỉnh táo không loạn. Tôi nhè nhẹ ngồi dậy vói tay lấy cái mõ nhỏ gần đó, tôi vừa gỏ nhẹ vừa tụng chú Đại Bi. Con rắn bổng ngóc đầu cao lên như nhìn tôi rồi hạ xuống. Nó bò lướt vào kẻ góc của hai vách giáp vào nhau, chui qua kẻ ra ngoài. Lúc đó tôi nghe bên ngoài như có những tiếng động, cùng loại bò sát bò đi. Tôi biết bên ngoài còn một con nữa, có thể là một cặp rắn, con ở bên trong và con ở bên ngoài.
Tôi không hiểu vì sao con rắn lớn đó lại nằm gần bên tôi. Nếu tôi bị con rắn đó cắn chết thì những gì xảy ra suốt 30 năm dài từ đó đến nay cũng sẽ tan biến thành cát bụi hư không. Tôi không bị con rắn đó cắn chết thì có nghĩa con rắn đó đến trong chòi tôi có một nguyên do nào đó. Đã có nguyên do thì không phải tự nhiên mà đến, tự nhiên mà đi. Rõ ràng tôi không có quyền lực gì để gọi nó đến, rồi bảo nó đi. Tôi cũng không có khả năng cấm nó đừng đến và giữ nó đừng đi. Như thế thì con rắn mái gầm to lớn kia đến nằm bên tôi không phải là tội của tôi, khi nó đi chẳng phải là phúc của tôi. Sự kiện con rắn là một sự kiện thật trăm phần trăm cũng là biểu trưng cho những gì xảy ra, hay khởi sanh ở nơi này và suốt quá trình tu học trong đời tôi. Từ đó về sau tôi gọi đó là “ Xà ấn linh thiêng ” hay “ Ấn Xà kỳ diệu ”..

Trên đây là một đoạn trong quyển “ Tiến trình chứng nghiệm trong thực tại ” mà Người Mây Trắng tự thuật trong cuộc đời tu học của ông. Và còn những quyển sách khác nữa của thầy Bạch Vân như: Cái Tuyệt Đối là suối nguồn chân lý, Cánh hạc trong đêm, Người Kiến tính… vì lý do quá dài không thể đăng trên trang web này vì toàn bằng sách giấy! Có dịp đi qua Núi Dinh, các bạn lên chùa, diện kiến và hỏi đạo. Nếu các bạn thích thì thầy cũng không ngại gì tặng các bạn. Lâu rồi không có dịp lên Núi Dinh.. Khi nào  các bạn có lên chùa Văn Thù Phật Đảnh, gặp thầy Bạch Vân tôi xin các bạn cho tôi cung kính gửi lời thăm và cảm ơn thầy. BS Huỳnh Hải

 

 

VÀI HÌNH ẢNH VỀ CHÙA VĂN THÙ PHẬT ĐẢNH:

Hòa Thượng Thích Liên Phương

( thầy Bạch Vân) năm 21 tuổi tại chùa Xá Lợi

 

 

Trên dốc lên chùa Văn Thù Phật Đảnh

 

Sư cô gánh gạo lên chùa Văn Thù Phật Đảnh

 

 

Hồ nước trong mát, cạnh chùa, nước từ suối cao chảy xuống

 

 

 

Thầy Bạch Vân và một phần thư viện chùa Văn Thù

 

Thầy BẠCH VÂN và một Phật tử người nước ngoài

 

Nhà nghỉ cho Phật tử ở lại chùa qua đêm

 

Bên trong nhà nghỉ cho Phật tử khi ở lại chùa qua đêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *