TIỂU KHÔNG TỰ CHỦ

Trước hết mời các bạn lướt qua hệ tiết niệu và biết tại sao bị chứng tiểu không tự chủ. Hệ tiết niệu gồm 2 thận, 2 ống dẩn nước tiểu (niệu quản), bàng quang, niệu đạo (mời các bạn xem hình minh họa bên dưới)

Hai thận tạo ra nước tiểu. Nước tiểu theo 2 niệu quản xuống bàng quang.

Khi bàng quang có đủ một lượng nước tiểu khoảng 300 ml sẽ tác động vào thành bàng quang gây nên cảm giác mót tiểu.

Khi đi tiểu, cơ bàng quang co thắt lại để đẩy nước tiểu ra ngoài và lúc đó các cơ sàn chậu, cơ thắt niệu đạo trong và ngoài giãn để cho nước tiểu dễ dàng chảy ra.

Tiểu không tự chủ là nước tiểu tự chảy ra ngoài mà bệnh nhân không thể kềm lại được. Nhất là khi có một áp lực từ phía trên xuống như ho, hắt hơi, hoặc chạy nhảy, nâng vật nặng. Lúc đó cơ thắt đường tiểu và cơ sàn chậu suy yếu khiến nước tiểu chảy ra ngoài dù người bệnh không muốn.

Ở người già, nhiều khi chứng tiểu không tự chủ còn xảy ra khi đang ngủ, gọi là đái dầm. Những rối loạn đường tiểu ở người già như tiểu són ( đi tiểu xong, sau đó nước tiểu còn rỉ ra một ít ), tiểu không tự chủ ( chưa muốn tiểu mà nước tiểu cứ chảy ra ), đái dầm ( đang ngủ nước tiểu tự động chảy ra ), tiểu gấp ( khi mắc tiểu phải đi tiểu ngay, nếu không kịp nước tiểu són ra quần ), tiểu lắt nhắt thường do cơ sàn chậu, cơ thắt ngoài niệu đạo bị suy yếu.

Những bệnh lý trên làm người bệnh mất tự tin, nghĩ rằng mình đã già, thận đã suy yếu. Hơn nữa khi tiểu ra quần sẽ ướt quần và hôi. Bệnh lý này tương đối tế nhị, có nhiều người ngại khai bệnh cho bác sĩ!

Đây là một trong những chuyện phiền toái ở người già. Cũng là một tình trạng trên bảo dưới không nghe. Ở những bệnh nhân có bệnh lý tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ.

Một động tác thể dục sau đây giúp các bạn vượt qua chứng tiểu không tự chủ (đái dầm, tiểu són, tiểu láo…) ở người lớn tuổi do cơ sàn chậu và cơ thắt niệu đạo suy yếu, không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước khi tôi trình bày động tác này, xin kể cho các bạn nghe một trường hợp gần đây nhất thu được kết quả tốt. Đây là một bệnh nhân nữ 69 tuổi bị chứng đái dầm.

Bác bệnh nhân này đang điều trị cao huyết áp và thiếu máu cục bộ cơ tim. Bác vẫn khám bệnh định kỳ mỗi tháng. Lần này bác rụt rè khai thêm một bệnh nữa: Bác sĩ ơi tháng này cứ vài hôm tôi lại đái dầm. Tôi hỏi: bác có thể cho biết rõ hơn bệnh của bác không. Buổi tối khi ngủ được khoảng vài tiếng thì tôi có cảm giác buồn đi tiểu không chịu được, nhưng chưa kịp thức dậy vào toilet thì đi tiểu ra quần ngay, cố kềm lại cũng không thể được, không biết có nguy hiểm gì không. Tôi trấn an và hướng dẩn cho bác tập 1 động tác, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 70 lượt.

Tháng sau bác trở lại tái khám và nét mặt vui thấy rõ. Bác nói, tôi về tập như lời bác sĩ dặn, sau 2 tuần đã có kết quả tốt. Hơn nửa tháng nay bác không còn bị đái dầm nữa. Tôi đề nghị bác vẫn tiếp tục tập thêm vài tháng nữa.

     Sau đây là động tác tập làm vững chắc cơ sàn chậu và các cơ thắt của niệu đạo:

   Các bạn ngồi trên sàn, nệm hoặc ngồi trên ghế, lưng thẳng. Bàn tay trái đặt trên xương mu, phía dưới rốn khoảng cách chiều ngang của 4 ngón tay, rồi úp bàn tay phải lên bàn tay trái.  Sau đó gập người ra trước khoảng 45 độ rồi trở lại vị trí ngồi như ban đầu. Mỗi ngày các bạn tập 2 lần, mỗi lần 100 lượt, chỉ một động tác như trên. Sau một tháng đã có kết quả.

Những bệnh như tiểu són, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, tiểu không tự chủ sẽ giảm rất nhiều (khoảng 80%). Sau khi ổn, các bạn nên tiếp tục tập nhưng số lượt giảm đi.

Leave a Comment