BỤI VÀNG TRONG MẮT

Sau khi gửi một bức thư hỏi về Đạo cho tác giả Lửa Mới trên trang web dongten.net . Tôi đã nhận được lời chia sẻ và nhắc nhở chân tình của tác giả. Xin phép các bạn, xin phép tác giả Lửa Mới, tôi được trích một đoạn của Lời nói đầu trong loại bài đăng trên trang web dongten.net “ Giác ngộ tự tánh trong thiền Phật Giáo theo Pháp bảo đàn kinh của Lục Tổ Huệ Năng ” : “ Chắc hẳn với chút nghiên cứu quá giới hạn không thể đáp ứng hết lời giải đáp cho mọi vấn đề và cũng xin lượng thứ nếu có điều gì không đồng với quan điểm đức tin nơi mỗi người. Do vậy, ước mong bạn đọc khi tham khảo loạt bài này cần vượt qua những câu chữ, không nên chú trọng quá để lấy kiến thức hay để tranh luận. Nhưng cách nào đó là để hiểu hơn và rút tỉa những điều bổ ích liên quan đến đời sống nội tâm cá nhân mỗi người; từ đó cảm thấy vui, tôn trọng nhau hơn, khi nhận ra rằng chúng ta dù khác nhau về văn hóa và cách tiếp cận Tâm linh nhưng vẫn đi trên một Đường Đạo ” để giới thiệu với các bạn thư của tác giả Lửa Mới và bức thư hồi đáp của một người vấn đạo:

Dạ con chào Bác, 🙂

 

Cám ơn Bác đã gửi cho con đọc những điều bổ ích từ hai sư huynh Viên Dung và Không Trung.

Hai sư huynh này có đã trải qua kinh nghiệm tu tập nên mới trực diện nói được như thế! Rất đáng nể phục!

Nếu con không lầm thì “người hỏi” đó chính là Bác, vì con nghe thấy giọng văn và những trăn trở là của chính Bác..

 

Con thấy những câu hỏi thật hay và những câu trả lời cũng rất trực diện, con thích cách trả lời của Viên Dung vì trực tiếp đi vào vấn đề thực tế ngắn gọn súc tích mà hàm ý lại thâm thúy, còn Không Trung cũng hay khi dùng thơ tự do để diễn đạt, nhưng có vẻ hơi mông lung nếu không đủ kiên nhẫn để suy nghĩ về những bài thơ dài…!

Vì là kinh nghiệm riêng của mỗi người nên mỗi người có nét hay riêng!

 

Những câu trả lời ít là cũng mở ra con đường cho Bác phần nào rồi. Con chỉ xin chia sẻ một vài kinh nghiệm thực tập của con hiện tại thôi!

 

Có một mâu thuẫn thường xảy ra cho người đang khao khát đi trên đường đạo là quá khao khát nên hơi bị nôn nóng, hầu mong đạt đến một cảnh giới nào đó để gọi là chứng đắc… trong khi cảnh giới đó lại đòi hỏi sự bình tâm, bình thản, nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Nên giữa ý chí mong cầu và cái mong cầu có sự xung đột. Con tim thì khắc khoải đạt được trong khi cái đạt đến đó lại là cái bình yên của tâm hồn. Sự mong muốn “nên tốt hơn” cũng là điều tốt thôi nhưng mong muốn đó cũng sẽ là một cản trở vì nó cũng xuất phát từ lòng tham cầu.

Một thời gian con cũng sống trong khắc khoải đó nên cũng hay bị bế tắc…!

 

Cho đến bây giờ, con thấy cái kẹt của chính mình chính là “không chấp nhận mình như mình là”!

Làm người thì ai cũng không vừa ý với chính mình ở một phương diện nào đó hay khó chấp nhận thực tại của chính mình, chính điều đó là cái làm cho con người cứ luôn khắc khoải.

Nhưng càng không chấp nhận những yếu đuối của mình thì lại càng không thoát ra được những khắc khoải nội tâm… luôn hỏi tại sao, tại sao?.. và luôn có sự so sánh mình với người khác… Trong đường đạo cũng có cái tâm lý đó, người khác đạt được thì tôi cũng phải đạt được… trên đường thiêng liêng cũng có sự cạnh tranh lành mạnh đó… !

Nhưng cũng chính điều này là một cản trở lớn…!

 

Có những ngày đối diện với những yếu đuối của mình con càng nghĩ không ra, đôi lúc lại rơi vào khủng hoảng…Càng muốn thoát ra thì lại càng mắc kẹt không lối thoát. Sau đó con tự nhắn nhủ chính mình là thôi “buông ra thôi” không nghĩ nữa…, buông tha cho chính mình đi, tại sao tôi phải trở nên điều này điều kia, tại sao tôi không là chính tôi với những giới hạn vẫn còn đó ! Và bước đầu con nhận ra rằng, để thay đổi chính mình bước đầu tiên là chấp nhận mình như mình là ! Thật ra, không chấp nhận chính mình cũng là cách gián tiếp nói lên cái tôi muốn khẳng định mình mà thôi!

 

Bây giờ thực tập của con hàng ngày là “tập sống với hiện tại” chấp nhận chính mình và những hoàn cảnh xảy tới…!

Tập quan sát những biến chuyển nội tâm cho dù vui hay buồn, những bồn chồn lo lắng hay tự hào quá đáng… đó chính là thực tại, là chân lý về chính mình. Điều con cần biết là xu hướng phản ứng hay tâm thái của mình như thế nào trước mọi tình huống cuộc sống.. chấp nhận hay không chấp nhận? Có vui với thực tại đó không cho dù nó như hay không như ý mình mong muốn!

 

Con thích cách trả lời của Viên Dung khi muốn nhấn mạnh đến cách phải trở nên như trẻ thơ, vì con người từ nhỏ đến lớn đã tích tụ nhiều kiến thức và thành kiến nên cũng sẽ phản ứng bên trong dựa trên những tri thức mình có về thực tại… Tuy vậy, dù mình có biết được gì thì cũng nên nhẹ nhàng đặt xuống. Trở nên như tinh thần trẻ thơ là như đối diện với mọi sự như là lần đầu, vui đó, buồn đó rồi cũng quên đi nhanh chóng để vui với những niềm vui đơn sơ trước mắt hàng ngày.

Tinh thần trẻ thơ cũng không phải là ngây ngô hay không biết gì nhưng chính là bớt đi cái mong cầu những điều xa xôi. Thực tế cho thấy, chỉ khi bắt đầu lớn lên người lớn mới gieo vào lòng trẻ nhỏ “con phải làm được cái này, đạt được điều này điều kia”… từ đó sự hồn nhiên và niềm vui hiện tại cũng biến mất khỏi cuộc đời nó! … Vì thế, sai lầm của con người là đi tìm hạnh phúc bằng cách bỏ đi cái hạnh phúc mình đang có!

 

Bây giờ, con thấy thực tập của mình, chính là làm sao để vui và sống trong tâm tình biết ơn với những gì mình đang có và không có. Có cũng được mà không có cũng không sao. Kinh nghiệm cho thấy nhiều lúc cái mình mong muốn khi đạt được rồi lại thấy vô vị, nếu như mình không biết dùng thì lại trở nên vật gây hại hơn là giúp ích, nên thôi có sao thì cứ vui vậy đi. Đây là cái chấp nhận tích cực với lòng biết ơn chứ không phải chấp nhận số phận tiêu cực!

 

Trên đường đạo cũng vậy, mình không đủ nghị lực và ý chí để làm những việc lớn lao hay đạt đến cảnh giới thông tuệ thì thôi mình cứ sống vui với cố gắng nhỏ bé của mình hằng ngày vậy, “cái gì đến thì đến cái chi đi thì nó đi!” 🙂

 

Từ đó con khám phá ra rằng, cảnh giới mà chúng ta đang tìm kiếm lại nằm ngay trong hiện tại “ở đây và bây giờ”. Con được nghe nhiều về điều này, nhưng lại không tin. Cái tìm kiếm lại nằm ngay trước mắt. Thôi! Mở mắt ra và vui với những gì mình đang có đi, nhẹ nhàng với hoàn cảnh đưa tới đi!

 

Làm sao để biết được mình có thanh thản hay chưa thì cứ nhìn thâm tâm, mình có vui với những khiếm khuyết của mình và với thực tại mà mình không mong muốn không hay than vãn, trách cứ trời gần trời xa!

Thấy nhẹ nhàng cũng là một nổ lực lớn lắm rồi! Tu là vậy thôi…nhưng cũng không dễ vì chúng ta thường muốn tu những điều phi thường hơn!     Sự đi ra khỏi nơi mình ở cũng là cách để đi ra cách nghĩ thông thường cố hữu của mình thôi! Không đi đâu xa được thì thôi, tôi tập để đưa cách nhìn nội tâm mình ra xa để quan sát sự hiện diện của mình cũng là cách hay vậy!

 

Cảm nghiệm sự hiện diện của mình ngay hiện tại đòi hỏi phải tập luyện hàng ngày, quan sát hàng giờ. Cho dù thâm tâm có bị những bộn bề cuộc sống làm cho xáo động, nhưng dù có xáo động thì phản ứng của thâm tâm tôi như thế nào thì tôi phải biết. Dù tôi có chưa hoàn hảo như tôi mong muốn thì cũng phải vui và nhẹ nhàng với nó thôi, vì càng bấn gắt và trách móc chính mình thì lại càng mất bình an nội tâm, lại càng tỏ ra mình không chấp nhận mình!

 

Như vậy, cái trở ngại là mình có dám chấp nhận chính mình hay không mà thôi, khi chấp nhận rồi thì cảm thấy nhẹ nhàng và còn đi đâu để tìm nữa! Có câu nói mà con luôn tâm đắc là “Khi bạn dừng lại, chính là lúc bạn đã tới nơi”! Cái dừng lại là cái dừng mong cầu trong tâm!

 

Cuộc đời là một trường học nên dù ai có đạt đến cảnh giới nào cũng phải có những bài học tương xứng với cảnh giới đó, mà con người chỉ học được qua đau khổ thôi, như vậy con người mới tiến bộ được. Nói vậy để biết rằng cuộc sống rồi ai cũng có khó khăn riêng phải đối diện, với những thử thách, những tình cảnh cười ra nước mắt, băn khoăn trong lòng không biết chia sẻ cùng ai…! Nhưng chính lúc đó mới là lúc để mình đối diện với mình, mới là “ta gặp lại Ta” trong sâu thẳm tâm hồn, để xem ta có được tự do thật sự hay không, đang tìm gì đó bên ngoài chứ không phải tìm “Ta”!

 

“Dù có ai đi với mình  trên đường đạo hay không” thì cuối cùng đến một lúc nào đó rồi phải có được cảm nghiệm đơn độc là để “một mình ta với Ta” thôi, tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2 🙂 ! Hơi khó hiểu vì đó là kinh nghiệm riêng của mỗi người về “sự hiện hữu cá vị” (Being) mà Bác hay gọi là “Cái đó”! … Đó chính là như cảm giác như nước trên đỉnh thác rơi xuống “không bám víu vào đâu nữa”… Như Trịnh Công Sơn có lần nhắc đến trong bài hát “Nửa đêm thấy ta là thác đổ”. Một cảm giác tự do, nhưng không kém phần sợ hãi khi bị gột bỏ đi những điều mình vẫn bám víu mà mình luôn cho đó là chỗ bám víu vững chắc và không thể không có.

 

Những bám víu đó có thể là bất cứ điều gì mà mình yêu thích, những con người mà mình ngưỡng mộ, ngay cả những tư tưởng cố hữu của mình về chân lý hay Đạo…! Những điều này nói trước thì không hay, vì đó là kinh nghiệm riêng của mỗi người…!

 

Ài zà, con nói lui nói tới cũng hơi dài rồi, nhưng con chia sẻ như thế để Bác cháu ta cùng thực tập về cái mà người ta gọi là “quán tâm, quán tưởng”, làm cho tâm trí thanh sạch khỏi những mong cầu và giằng co nội tâm… Đó là một bài thực tập có thể thực hành trong đời sống mỗi phút mỗi giây, từ đó hóa giải được và làm cho mình nhẹ nhàng vui vẻ là “vui” lắm rồi, không cần phải đạt đến cảnh giới hay điều triết lý gì cả.

 

Điều mà người ta hay gọi là “Bình thường tâm, cảm thấy vui và biết ơn với cuộc sống bình thường của tôi, chu toàn bổn phận công việc của tôi là tôi mãn nguyện lắm rồi!… “Tu mà không tu gì hết” là thế, “cứ làm điều phải làm thôi”, nhẹ nhàng đi!

 

Một chút chia sẻ, có gì không như thế mong Bác bỏ qua nhé! Bác cháu ta cùng cố gắng! 🙂

 

Chúc Bác và gia đình sức khỏe và nhiều niềm vui bên trong bên ngoài! 🙂

                                                                                                                                                             Lửa Mới

( http://dongten.net/2015/01/16/giac-ngo-tu-tanh-trong-thien-phat-giao-theo-phap-bao-dan-kinh-cua-luc-to-hue-nang/ )

Người hỏi đạo:

Cảm ơn tác giả Lửa Mới,

 

Chân thành cảm ơn bạn. Sự luân hồi có hay không? Tôi không trực tiếp để biết. Nhưng tôi cảm nhận và tin tưởng rằng có. Có vô số kiếp. Nếu không thì làm sao có những người như Viên Dung, Không Trung và Lửa Mới được. Tại sao có những người trẻ tuổi lại có thể có hơn tôi, thật tình như vậy, hơn một người gần cả cuộc đời đã quan tâm đến chuyện Sinh Tử, đến chuyện Đạo.

 

Qua thư của bạn, tôi đã nhận ngay rằng mình có một khuyết điểm quá lớn trên đường Đạo. Quá nôn nóng. Tất cả lý thuyết tôi đều biết, nhưng chỉ biết qua kinh sách thôi. Tôi biết trên con đường Đạo, điểm đến là ngay tại đây, tại thời điểm này, khi trong tâm dừng lại mọi ý nghĩ, mọi mong cầu, mọi sự đặt tên. Ở chỗ này không cần gọi tên là gì, là kiến tánh là bản lai diện mục, là…Cũng không cần phải có một lý thuyết, một tôn giáo một sự đóng khung nào hết. Bởi ai cũng có sẵn. Chỉ cần không nhìn lầm. Chỉ cần dừng lại tất cả những khởi nghĩ trong tâm. Thì chỗ Đó chính là chỗ Này.

 

Tất cả Thân, Tâm, Cảnh, Chúng sanh… đều như dòng chảy luôn biến đổi. Biến đổi trong từng tế bào, từng nguyên tử. Cái biến đổi mà ngày xưa đức Khổng tử đứng bên dòng sông Hoàng Hà phải thốt lên: “ Trôi chảy mãi, ngày đêm không dứt như thế này ư ?! ” Trong sự trôi chảy không ngừng như vậy, tôi nghĩ có cái tịch tỉnh đang nhìn dòng chảy đó. Mà ai cũng có.

 

Do tư kiến của mỗi loài, mỗi chúng sanh, mỗi người làm che mờ cái tịch tỉnh vốn có mà thôi. Sở dĩ mình là con người vì khi nhìn sự vật mình còn biết đây là cái bàn, đây là rừng cây, đây là núi , là sông là biển, là trái đất là vũ trụ, là bác sĩ, là linh mục…

 

Một ngẩu nhiên nào đó đặt để cho chúng ta có một thân này, một kết cấu cơ thể, não bộ, một khả năng của các giác quan này ở cùng một mức độ. Để cho chúng ta cùng ở vào thế giới loài người, để chúng ta nhìn vũ trụ dưới một nhãn quan của loài người, để tất cả chúng ta ở vào một nghiệp chung của loài người. Các chúng sanh khác ở những cõi giới khác ( trời, ngạ quỹ, atula…) hay những sinh vật như ( trâu,bò, sư tử, côn trùng, vi khuẩn…) cũng bị đặt để trong một điều kiện thân thể, óc não, giác quan của chủng loài để những chúng sanh này bị đặt vào một cái khung sẵn.

 

NHƯNG tôi nghĩ tất cả những loài chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, có khả năng rơi vào cái VÔ CÙNG, VỐN CÓ. Chỉ cần dừng lại toàn bộ các ý nghĩ ( ưa, ghét, mong cầu, chối bỏ, phân biệt, nhận xét, biện luận, nghĩ thiện nghĩ ác, nhớ về quá khứ, tưởng đến tương lai, bỏ qua việc nghĩ đến nhân thân, gát lại chuyện đặt tên vật này vật nọ…). Tất cả, như một lần bạn đã nói với tôi, chỉ cần dừng lại, dừng lại những vọng tâm, dừng lại những ý nghĩ trong đầu. Tự nhiên rớt vào điểm đến. Mà điểu lạ kỳ là ai ai ( người giác ngộ lẫn kẻ vô minh ) đã vốn đến đây tự lúc nào !

 

NHƯNG LÀM SAO ĐỂ DỪNG LẠI??? Đó là vấn đề. Thật ra cũng chẳng cần phải dừng vọng tâm lại, chẳng cần như trong kinh Kim Cang, ngài Tu bồ Đề hỏi đức Phật về cách hàng phục vọng tâm. Tôi nghĩ chỉ cần biết, dù tâm định hay tâm loạn đều cùng đang ở Niết bàn, giống như trong giấc mộng, thấy mình đi nơi này, nơi khác cũng đang nằm trên giường thôi! Trong mơ thấy mình đi lạc đường, cố tìm cách này cách nọ để về nhà, mà chỉ cần thức dậy là xong. Trong Đạo cũng tương tự như thế, chỉ cần không nhìn lầm là đủ.

 

Tôi biết rằng nếu có kiếp này, kiếp khác thì ĐIỀU GÌ đã khiến chúng ta phải luân hồi các nẽo rồi. Ý nghĩ ( ưa, ghét, mong cầu, chối bỏ, phân biệt, nhận xét, biện luận, nghĩ thiện, nghĩ ác, nhớ về quá khứ, tưởng đến tương lai, đặt tên vật này vật nọ…) chính là tên giặc đã làm chúng ta phải trôi lăn. Nhưng éo le là ai cũng ưa thích, và tuân phục tên giặc này, đó là điều vô cùng kỳ lạ !…

 

Tôi chân thành cảm ơn tác giả Lửa Mới đã chia sẻ kinh nghiệm tu tập của mình đồng thời nhắc nhở tôi một điều rất quan trọng là lòng thiết tha mong cầu giác ngộ. Dù đây là sự mong cầu chân chánh nhưng cũng là vật cản trở không cho hành giả thấy được sự thật, dù sự thật vẫn đang hiện diện!

Đồng thời cảm ơn huynh Viên Dung, huynh Không Trung đã giúp tôi sáng tỏ hơn trên đường Đạo. Trân Trọng

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *