CON ĐƯỜNG ĐẠO

Thưa các bạn trước vũ trụ bao la không ngằn mé, mới thấy đời người vô cùng ngắn ngủi. Trong cuộc sống lại có nhiều mất mát, lo âu, phiền muộn, chia ly, chết chóc…
     Tất cả đã khiến con người khởi tâm đi tìm sự trường tồn, tìm hạnh phúc đích thực của kiếp người.
     Con đường này vốn ít người đi, và kẻ đến nơi, chúng ta chỉ đọc được qua sách. Tình cờ thấy được một cuộc đối thoại hay về Đạo trên facebook. Tôi xin đăng bài viết sau đây, với lòng chân thành muốn các bạn hữu duyên có thêm một thiện tri thức, có thêm một chút tin tức về con đường này.

Và xin được nhắc nhở cùng các bạn: khi đức Phật Thích Ca im lặng đưa cành hoa lên. Thì không phải là bàn tay của Phật, không phải là cành hoa, mà chủ yếu là trong tâm của ngài Ca Diếp vậy.

Những kết tập sau đây từ trang facebook của huynh VIÊN DUNG (https://www.facebook.com/search/top/?q=vi%C3%AAn%20dung ). Thân mời các bạn vào facebook của huynh VIÊN DUNG để đọc và bình luận. Trân trọng.

Đêm vắng bỗng quên tay chỉ nguyệt.
Hư không thoát lộ ánh dương hồng.
Mới biết ngay đây trăng vô tướng
Nào ngờ thanh lặng sáng mênh mông

Tu học là soi rõ ngoài trong bằng trực tâm ngay thẳng, không thiên vị, không chủ quan, chỉ soi rõ và cuối cùng soi lại cái soi cho đến khi thấu tỏ “chơn và vọng cả hai đều là vọng”

TÁNH ĐẠO VỐN VIÊN DUNG

Chân tâm vốn sẵn lìa danh tướng
Danh tướng ra vào chẳng phải tâm
Vào ra sanh tử tâm vẫn rỗng
Không thêm không bớt đạo không lầm

CHẲNG TRỤ VÀO ĐÂU TỨC VƯỢT BỘC LƯU

Chẳng rẻ trái
Chẳng rẻ phải
Chẳng chìm xuống
Chẳng nổi lên
Chẳng bước tới
Chẳng thối lui
Chẳng đứng lại
Vượt bộc lưu

“KHÔNG TRƯỚC Ý KHÔNG GÌ PHI HUYỄN”

Một niệm chưa sanh
Thì ai là Phật ?
Niệm sanh liền mất
Ai là chúng sanh ?

(Rốt ráo không mà in tuồng rốt ráo có)
ĐỒNG XE LỚN
Dù vui hay khổ tâm chẳng ngã
Bản chất pháp thân vốn rỗng rang
Xưa nay không vật lau gì chứ
Ba cõi huyển như thiệt Niết Bàn

 

Mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối.
Tánh thấy tự có nầy vốn không có dính tối sáng.
Tánh dính là ngã, thuộc hữu lậu
Tánh không dính là chân tánh vô ngã, thuộc vô vi
Hữu và vô vốn không hai.

KHÁI NIỆM VỀ VÔ MINH

Vô Minh được hiểu qua hai cách
1/ Vô Minh Bổn.
2/ Thiếu hiểu biết hoặc không sáng suốt.

Vô Minh Bổn có nhiều tên gọi: Là Bổn Lai, Tự tánh Bồ Đề, Tâm Kim Cang Bất Hoại, là Niết Bàn, là Nguồn Gốc, là Giải Thoát, là Tâm Vô Sanh, là Tánh Tịch Chiếu, hoặc Phật Tánh.

Sở dĩ nó có nhiều tên như vậy là do người thực chứng nhận ra công năng của nó mà đặt tên, thực ra nó không có tên.
Tức là KHÔNG MÀ MINH, MINH MÀ KHÔNG
Tức gốc không sanh không diệt của chúng sanh.

Chữ GỐC ở đây là nói bao gồm tất cả mọi hiện tượng trùm khắp vũ trụ.
Tức bao gồm cả thể và dụng.
Vì mọi hiện tượng in tuồng có sanh có diệt nếu nhìn qua hữu hạn. Nhưng nếu nhìn qua vô hạn thì rõ ràng SANH MÀ KHÔNG TĂNG, DIỆT MÀ KHÔNG GIẢM.
Đã không tăng không giảm cho dù muôn hiện tượng như có tăng giảm, cho nên sanh tử Niết Bàn thiệt không hai, tức sanh diệt mà thiệt không sanh diệt.

Cho nên Phật nói: “Tất cả chúng sanh hiện ra trong ấy như hoa đốm hiện ra trong hư không”.
Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đều là giải thoát mà thiệt không có chúng sanh thật để giải thoát, tất cả đều ở trong tự tánh Bồ Đề bình đẳng trùm khắp, tức trong tự tánh Vô Minh, tùy theo chấp mà hiện ra như bóng trong gương, như bọt bào bóng chớp mù, vốn không thật ngã.

Bởi công năng của nó vô lượng không thể nghĩ bàn như vậy, cho nên nhỏ không gì nhỏ bằng, lớn không gì lớn bằng.
Vậy mà tất cả chúng sanh đều bình đẳng tự tánh nầy.

Cho nên mê thì sanh tử Niết Bàn là hai ! 
Ngộ thì sanh tử Niết Bàn không hai

Chư Phật thị hiện mục đích là chỉ thẳng Tự Tánh vốn sẵn nầy.

DÒNG SÔNG A LẠI DA

Với “sông” chẳng thể vô tình
Đục
Trong
Bồi
Lở
Bóng mình đó thôi.

“Thuyền kia ”…mục nát lâu rồi
Vẫn còn trăng bến soi bồi hồi sông…

“Người đã về tới nguồn chơn thì mười phương hư không đều tiêu mất” (kinh Thủ Lăng Nghiêm )

VÔ NGÔN THUYẾT

Có hưng tất có mạt
Có Phật thì có Ma 
Bổn lai không dấu vết
Ma Phật từ đâu ra …

Ví dụ: Tai nghe rõ động tịnh nhưng tánh nghe không có trụ tịnh cũng không có trụ động. Vì nếu có trụ tịnh thì khi động đến làm sao biết có động. Nếu trụ động thì khi tịnh đến làm sao biết có tịnh.
Kết luận: Tánh nghe hoàn toàn tự vô trụ, chẳng phải do tu pháp vô trụ.
Các căn khác cũng vậy

TIẾNG MÕ SỎI

Phía bên nào là núi …
Phía bên nào là sông …

Dưới chân tiếng mõ sỏi
Gõ tiếng chiều hư không

CỦI TA

Nước viết vào trăng một chữ đồng
Hòa thành bóng nguyệt thả mênh mông
Tao nhân mặc khách an nhiên thưởng
Lụy tục phàm phu khổ đắng lòng
Thánh Ngã thời xưa “không dấu vết”
Anh hùng đời mới “củi đầy sông”
Giả-Chơn rõ mặt như như khắp
Thì chấp làm gì chuyện có không

Có người hỏi ở đâu ?

 
Ở tất cả mọi nơi mà chẳng thấy dấu vết.

Ở tất cả mọi nơi
Mà chẳng thấy dấu vết
Nếu còn hỏi ở đâu
Vốn không mệt thành mệt

NHƯ

Như trăng trong nước
Như ảnh trong gương
Huyễn động huyễn Tịnh
Như phi như thường

NHƯ HOA ĐỐM GIỮA HƯ KHÔNG

Dẫu nơi nghiệp chướng
Không nghiệp không chướng
Như bóng trong gương
Thấy mà không tướng

Chỉ có kiến tánh thì nghiệp mới chấm hết
Chưa kiến tánh dẫu có tu thiện cũng chỉ được phước quả, hưởng hết phước rồi cũng phải trả nghiệp xưa.
Vua cha của Phật bị giặc tấn công đến mất ngôi mất mạng mà Phật cũng không cứu được, vì nhân quả đời trước của Vua !
Trước đó Phật có về giảng đạo cho Vua cha nghe nhưng Vua không hiểu !
Người nào kiến tánh thì nghiệp xưa không cần phải trả, tự tiêu dung.
Nhưng kiến tánh là gì…bạn phải rõ…

Nó nhưng bóng trong gương
Thấy mà không có thật
Cấm gương chiếu là sai

Ở đây không phải có, cũng không phải không.
Tuy tánh thấy của bạn không có tướng mạo, nhưng nó luôn hằng thấy. Nhắm mắt thấy tối, mở mắt thấy sáng, người mù vẫn thấy tối thui. Tự tánh thấy nầy chính là chân tâm của bạn, là hoa vô khuyết của bạn luôn sờ sờ đó

Như thuyền không đáy

Chở không hề đầy

Chấp thuyền không đáy

Ngay đó chìm ngay

Có tốt tất có xấu
Xấu tốt đều an nhiên

Lá rơi không có ý
Hoa khai không có tình
Ý tình do tâm tạo
Huyển sanh giống trọng khinh !

Thấy cũng không ngã thấy
Nếu chấp có ngã thấy
Tức kẹt sở tri chướng
Nếu chấp không ngã thấy
Tức kẹt vô minh bổn

NGƯỜI BẠN KHÔNG TÊN

Hỡi thời gian
Bạn là ai…đang cùng tôi nghe suối hát ?
làm cho những tiếng chim rừng khép nép
Bài hát diệu kỳ trong vắt ngợi khen…
Trong âm giai vô ngã lá vàng vui nhảy múa tung tăng
nhẹ nhàng tung xuống
cảnh chiều thu rực rỡ đại ngàn

Bạn đang cùng tôi chiêm ngưỡng…
Bạn là ai…mênh mang…

VÔ NGÃ

Chân trời vừa rạng ánh dương
Ngàn cây khoác áo kim cương đứng chào
Mây dừng nghiêm tiễn muôn sao
Ồ… trăng lặng lẽ tan vào hư không …

NỢ TRĂNG CHI !

Một chấm người xa lắc
Leo sườn dốc trơ xương
Nghe hồn xô đá núi
Móc trăng treo đỉnh đường…

Lời cỏ

Rừng ơi !
tôi sẽ ra đi khi cây đủ lớn ?
Cây sẽ thay tôi ngăn lẽ xói mòn !
tôi chỉ là cỏ ngoan
vô thủy-vô chung-vô định

Tôi nào dám chê chua phèn hay đất trắng
tôi phải xanh .
Xanh cho đến khi thành đất xốp
cho cây
Rồi phải lên đường tìm đất chết
Tạo…
Xây…
tôi là cỏ rừng ơi ! là cỏ…

Nếu có một ngày cây khô vì mọi lẽ
tôi lại về…
tiếp tục cuộc trường chinh !

Dù vui hay khổ cũng chẳng màng
Bản tánh tự nhiên hằng rỗng rang
Gương đài tự sáng đâu cần phủi
Ba cõi huyển như chính niết bàn.

ĐÂY RỒI
Ngày đi trong sa mạc mơ tâm hồn bóng mát !
Ngày đi trong bóng mát ca tâm hồn sa mạc ?!
Ai đã qua rừng xuân không mang tâm mừng rỡ ?
Ai đã qua rừng thu không mang tâm than thở ?
Thử lắng nghe lòng mình…nào có tiếng gì đâu.

CHỔI CÙN VÀ RÁC
Một hôm chổi mắng rác càn
Cùn ta cũng bởi họ hàng nhà ngươi
Ngờ đâu rác lại trả lời
Không tôi, anh có trên đời này không ?

CHÀO BẠN

Cây vô công dụng hồn tôi đó
Chim về yên tổ hót trong veo
Bão tố nên duyên xanh vì bởi…
Dù bạn là ai lá vẫn reo.

THÁI ĐỘ

Xưa tôi đối xử với thiên nhiên theo cách của tôi
Thiên nhiên trả lời tôi bằng tai nạn…
Nay tôi đối xử với thiên nhiên bằng cách của thiên nhiên
Thiên nhiên đáp lời tôi bằng tình yêu vô hạn

THƯỞNG TRÀ

Thánh là gì chẳng biết
Phàm phu có chi buồn
Tử sanh chẳng việc gấp
Thong thả từng hớp chuông

NGOÀI MỌI ĐỊNH NGHĨA

“Tìm khắp chân trời không bóng dáng !
Đâu ngờ chẳng tốn chút công phu”.

Khi quan sát sự việc
Đứng bên ngoài tất cả
Đó chính là công đức

Ví như một trọng tài
Không thiên vị bên nào
Đó chính là công đức

Chẳng mắc kẹt vào đâu
Lý sự đều sáng suốt
Thắng hai tướng hư thực

Tùy duyên hiện đối trị
Phá chấp cả trong ngoài
Mà tâm chẳng phiền trược

ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU

Tình là tự chuốc khổ !
Bởi không kìm chế được mình 
Nếu ai kìm chế được
Người ấy thành tựu minh

Nguy hiểm nhất trần gian
Chính hai chữ ái tình !
Nếu qua cửa ải nầy 
Tuệ giác tự viên minh

Khi đã biết rõ ràng ta có tánh thấy nghe, khi quán kỹ về tự tánh nầy ta thấy rõ ràng nó không có dính cảnh trần.
Ví dụ tánh nghe
Nghe rõ động tịnh bên ngoài nhưng tánh nghe luôn thường trụ không có động tịnh, vì nếu nó dính động thì nó là động rồi làm sao nó nghe được tịnh, nếu nó dính tịnh thì nó là tịnh rồi làm sao nó nghe được động.

Đạo cao tất Ma khảo
Duy vô lậu vượt qua
Nếu không duy vô lậu
Thì đừng hòng thắng Ma

Pháp vốn không có ngã
Chấp pháp vọng sanh ngã
Nay nếu hiểu vô ngã
Ngã ngã đều như lai

Tất cả CĂN TRẦN THỨC hiện ra trong tự tánh Bồ Đề, (tức bổn lai của Phật chúng sanh), như hoa đốm hiện ra trong chân không mà thôi.
Hoa đốm thì không thật có, cho nên hoa đốm chẳng có giải thoát.
Bổn lai thì xưa nay không vật, cho nên cũng chẳng có gì để giải thoát.
Rõ như vậy thì gọi là sống đời giải thoát.

AI CŨNG SẴN PHÁP HOA

Năng sở không bặt mất
Nhưng rõ ràng bặt mất 
Tuy hòa mà không đồng
Thể dụng luôn viên dung

Khi dùng thì pháp khởi
Không dùng thì bặt tăm
Pháp hoa diệu như thế
Chấp bỏ đều là lầm !

Bởi không nên vọng có

Bởi khổ nên vọng không

Vô ưu những sự khổ

Vũ trụ đầu sợi lông

LƯU CHUYỂN VẪN NGUYÊN VẸN

Chân tánh chẳng động tịnh
Chân ấy là Kim Cang 
Chân ấy luôn trùm khắp
Động tịnh đều rõ ràng

Nhờ không có tướng mạo
Nên vô ngại sáu đường
Ở đâu cũng không nhiễm
Chẳng thường chẳng vô thường

Chẳng đắc, chẳng vô đắc
Thiệt là pháp không hai
Đừng định nghĩa về đạo
Chân như luôn an bài

ĐẠO VỐN KHÔNG CÓ NGHIỆP

Thể không có dấu vết
Dụng không thiếu pháp chi
Những gì có dư thiếu
Đều là nghiệp tưởng tri

Như chuyện khổ qua rồi
Do tưởng mà đeo khổ
Như cầu đạo nơi ái
Đó là sai đạo lộ

Tâm tự nó không tưởng
Nếu chấp tâm không tưởng
Không tưởng hóa thành tưởng
Không mê lại hóa mê !!!

Dùng pháp chẳng kẹt pháp
Tức chẳng chấp chẳng bỏ
Đó chính là đạo lộ
Pháp nào cũng phật pháp

 

PHÁP BỔN PHÁP VÔ PHÁP

Tất cả pháp trong tâm
Thiệt chẳng phải của ta
Nếu thấu rõ cái ta
Như Lai thiệt không pháp
Viên dung cả thảy pháp

HUYỀN VI 
Bởi có rốt ráo không
Cho nên rốt ráo có
Bởi vậy rốt ráo có
Tức là rốt ráo không

Chân tánh chẳng động tịnh
Chân ấy là Kim Cang
Chân ấy luôn trùm khắp
Động tịnh đều rõ ràng
Nhờ không có tướng mạo
Nên vô ngại sáu đường
Ở đâu cũng không nhiễm
Chẳng thường chẳng vô thường

LIÊN HOA PHÁP

Tất cả pháp không trụ
Xuất nhập đều như lai
An tâm không một vật
Ba cõi pháp liên khai.

KHI ĐÃ NHẬN RA RỒI THÌ KHÔNG THỂ CÓ NGÔN NGỮ NÀO NÓI VỀ NÓ ĐƯỢC.

(Ví như tự chặt đầu mình)

Ta không có gì cả
Không đúng cũng không sai
Không chúng sanh, không Phật
Là như tự chặt đầu.

Người nào được như thế
Tâm giàu có vô cùng

Đến đi tùy viên giác
Pháp pháp đều ung dung

(ý nghĩa câu Bồ Tát tự chặt đầu mình)

KHÔNG TA MỚI LÀ TA LỚN
Ai mất cái đầu
Đại dương giàu có
Ai giữ cái đầu
Chỉ là bọt nhỏ

Chiếu nhưng tịch.
Cho nên phải cần có ngã mới biết bổn lai, nếu biết ngã là vô thường không thật trụ thì sông đời giải thoát bất mụội

DUY NGÃ BẤT KHẢ THUYẾT

Rốt ráo như bình thường 
Vạn pháp đồng chân như
Có không thảy đều diệu
Đại đạo chẳng thiếu dư

An lạc hay đau khổ
Đồng hoa đốm hư không
Tâm pháp ai cũng sẵn
Tìm kiếm chẳng sợi lông.

THƠ THIỀN CỦA Viên Dung

Một hôm ta đang đi
Bỗng nhiên đầu biến mất
Từ đó ta nói trật
Vậy mà trúng tùm lum

VÔ SƯ TRÍ

Ngắm ngoài…muôn sự rỗng
Ngắm trong Pháp vốn không
Chẳng ngắm vào đâu cả
Tâm nhiên pháp viên thông

TỔ ĐẠT MA THUYẾT PHÁP

Đạt Ma chẳng có lời nào
Giải bài là vất kinh vào hư không
Đó là chánh chỉ chân tông
Thiền vô sư trí giải thông nghĩa huyền

NIẾT BÀN

Về đâu…Ừ nhỉ đâu về ?
Xưa nay tuế nguyệt chưa hề rời tâm
Cho dù an trụ uyên thâm
Cũng còn năng sở ! Còn lầm chánh quê

Nâng ly mời chén bồ đề
Quê là khái niệm. Về là vô ưu

VÔ SANH PHÁP NHẪN

Nhất tâm vô sở trụ
Dưới chân là tòa sen
Bất thuyết ngã vô ngã 
La Hán có tên chăng ?

Sở dĩ có bổn lai hiện hữu, là nhờ có phiền phức, nếu chán phiền phức thì dính an vui, hết phước an vui lại vào địa ngục, hết nghiệp địa ngục lại tái sanh trả nghiệp xưa, cứ thế, cứ thế cho đến khi nào ngộ chứ !!!

Nếu ai vô sở trụ
Người ấy giàu vô cùng
Nhập thế hay xuất thế
Ở đâu cũng ung dung

VẤN ĐẠO VỚI HUYNH VIÊN DUNG I :

 

HỎI:

Tôi là ai? Tôi không phải là thân này vì mỗi giây đều có nhiều tế bào sinh ra rồi chết đi.

Tôi không phải là tâm vì tâm luôn thay đổi.

Vũ trụ vạn vật bên ngoài cũng cùng quy luật sinh diệt.

Do đó không có gì làm kẹt và chẳng kẹt chỗ nào hết. Nhưng tôi là ai, anh là ai. Nếu bảo là không thì cũng chưa ổn. Rồi vài mươi năm chết đi có còn cá nhân tôi hay anh không.

Nếu tất cả là mộng thì ta là ai? Khổ đau thì vốn chẳng có, vì bản chất của chúng là không. Biết, biết hết nhưng không lẽ đạt Đạo chỉ giản đơn như vậy sao anh?

Chỗ tâm không có vọng tưởng, chổ đầu không có một ý nghĩ nào. Chỉ còn duy nhất cái Biết. Chẳng lẽ là ĐÓ sao?

Gạt bỏ tất cả kiến thức khoa học, kinh sách, tôn giáo, gạt bỏ mọi tên gọi phân tích biện luận khen chê, chối bỏ mong cầu. Thì còn lại gì. Tự động đã đứng giữa dòng rồi. Có phải không ? Tuy nhiên tôi chưa hài lòng vì chưa giải quyết được sinh tử cho mình cho người. Và chỗ này có giải quyết gì cho thân phận mong manh của con người giữa vũ trụ vô cùng bao la này không?

Và ta là ai giữa vũ trụ này? Ta là ai? là ai? là ai? Thân cũng không, tâm cũng không? Vậy ta là ai?

VIÊN DUNG:

Tâm tuy không có tướng và không có ngã nhưng tâm không phải không.

 

HỎI:

Nhưng quan trọng nó là gì? Ở đâu?

VIÊN DUNG:

Nó là gốc của bạn

 

HỎI:

Tôi tìm hoài chẳng thấy!

VIÊN DUNG:

Nó luôn sờ sờ

nó không pháp không tướng, bạn tìm sao được

Khi bạn không tìm gì thì ngay đó

Nó chiếu ra mắt thì thấy, chiếu ra tai thì nghe, các căn khác cũng vậy

 

HỎI:

Trong đầu không ý nghĩ có phải là nó không anh?

VIÊN DUNG:

Đã nói là nó không pháp, không tướng, sao bạn còn bảo trong đầu

Nó rời danh tướng

Chẳng chốn chẳng nơi

 

HỎI:

Thử không có não có nó không?

VIÊN DUNG:

Bạn đừng như vậy

 

HỎI:

Tôi nói thật. Như người đang ngủ, người bệnhh tâm thần có nó không?

VIÊN DUNG:

Thiên chúa giáo gọi nó là nguồn sống. Phật gọi nó là tự tánh bổn nhiên bồ đề

Nó không bao giờ mất

Bạn muốn biết nó thì bạn phải ngược dòng từ một căn của bạn

 

HỎI:

Anh nói tiếp tôi nghe

VIÊN DUNG:

Bạn chọn một căn đi

 

HỎI:

Dạ căn tai

VIÊN DUNG:

Tánh nghe. Bạn hãy xem tánh nghe của bạn khởi từ đâu ?

 

HỎI:

từ tai + từ não

VIÊN DUNG:

Nếu từ tai thì không đúng, vì tai là tứ đại vô tri. Nếu từ não cũng không đúng, vì não cũng chỉ là công cụ phương tiện thuộc tứ đại

 

HỎI:

Vậy nó từ đâu ?

Nếu không não thì không thể nghe được

Một người chết một người bệnh tâm thần, não đã hư,không thể nghe được

Và nếu không có não làm sao nghe được?

VIÊN DUNG:

Cho đến mất cái thân nầy, nó vẫn không hư hoại.

 

HỎI:

Đó là kinh nghiệm của riêng anh?

VIÊN DUNG:

Đúng. Nhưng tất cả ai cũng sẵn đó, chỉ cần đừng suy tưởng, hãy ngược dòng để nhận ra, và nhận ra công năng của nó

 

HỎI:

Tôi có một kinh nghiệm để biết tánh biết vẫn còn sau khi chết. Nhưng chỉ riêng cho mình và không thể chứng minh cho người khác được. Nên theo tôi, Đạo là duyên cho người chí thành.

Tôi chỉ hỏi anh để biết ý kiến của anh thôi.

Trên đường này hiếm người đi quá. Và kẻ đến nơi không biết có hay không?

Tôi có vài trãi nghiệm, nhưng thật sự chưa làm tôi hài lòng

VIÊN DUNG:

Tớ biết bạn chưa thật nhận ra

Bạn hãy tiếp tục, vì bạn gần đích rồi

 

HỎI:

Cảm ơn anh

Tôi đã tốn nhiều thời gian trong kiếp này

Lý thuyết cũng đầy ắp.

Mà vẫn đứng ngoài rào.

Anh đã nhận ra chưa? Nói cho tôi biết để sách tấn tôi

VIÊN DUNG:

Bạn chỉ cần bạn nhận ra sự thật về nó bằng trực diện. Sau đó bạn nhận ra công năng vi diệu của nó

 

HỎI:

Chưa rõ lắm

Tôi chưa hiểu

VIÊN DUNG:

Nghĩa là nó sao thì nhận vậy, không được đem phân biệt can thiệp, và nhất là không được dùng tưởng

 

HỎI:

Nếu không lấy thân này tâm hiện có này thì không biết lấy gì để tu học

Đức phật Thích Ca khi xưa cũng lấy thân tâm để tu mà

VIÊN DUNG:

Đúng vậy Thân tâm nầy là phương tiện duy nhất

Là chiếc bè duy nhất để qua sông

 

HỎI:

Tôi thấy mọi sự vật vốn rỗng lặng

Chẳng cần phải sửa đổi tu tập gì

Mọi thứ vốn đều hoàn hão, yên ổn

Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng!

VIÊN DUNG:

Chữ yên ổn nầy… rất khó nói

 

HỎI:

Tự an

Không điều kiện

VIÊN DUNG: 

Chỉ khi nào bạn nhận ra công năng của bồ đề thì mới xong việc

 

HỎI:

Nhưng làm sao để nhận ra?

VIÊN DUNG:

Tớ đã nói ở trên rồi đó

Nghĩa là nó sao thì nhận vậy, không được đem phân biệt can thiệp, và nhất là không được dùng tưởng

 

HỎI:

Tôi chưa thật hiểu

Xin anh giải thích dùm

VIÊN DUNG:

Mọi hiện tượng đều không có tự ngã. Chỉ có chân ngã mới rõ biết mọi hiện tượng. Nhưng chân ngã thì không có ngã. Tức trung đạo.

 

HỎI:

Tôi chỉ có thân, trí óc này. Phải làm sao để nhận được?

Chỉ biết không nhận xét?

Chân ngã là gì?…Từ ngữ Phật giáo mỗi người hiểu một cách

Nhìn mọi sự mọi vật mà không xen vào tư kiến?

VIÊN DUNG:

Đúng vậy Tư kiến chỉ là như, vốn không thật có, bởi chấp cho là có cho nên mới bị tự trói

 

HỎI:

Dạ đường này tôi vẫn đi

VIÊN DUNG:

Ok. Nếu như vậy thì có gì ngại

Phật tánh chiếu ra sáu căn của bạn luôn vô ngại sáu trần, luôn vô nhiễm sáu trần, bạn xem lại có đúng như hay không

 

HỎI:

Dạ tôi có biết

Không ai bị trói buộc. Trói buộc những gì? Ai bị trói buộc? Tất cả vốn không

VIÊN DUNG:

Nếu bạn đã biết sao bạn còn nghi ?

 

HỎI:

Tuy nhiên vũ trụ, tôi vẫn còn chưa biết . Người khác khổ không thể giúp được! Sau mấy mươi năm rồi ra sao?

Thành quả tu tập, nếu được, chỉ là trong tâm của một cá nhân. Có thay đổi gì đâu!

Giữa vũ trụ bao la một cá nhân có là gì? những tư tưởng trong một cá nhân có là gì ?

VIÊN DUNG:

Nếu bạn muốn biết vũ trụ thì trước tiên bạn phải không còn duyên pháp thế gian, sau đó sáu căn không duyên về đâu cho đến khi bỗng nhiên tâm trùm khắp

 

HỎI:

Điều này anh đã trãi nghiệm chưa?

Riêng tôi, nếu qua sách vở thì tôi có đọc

Còn trãi nghiệm, thực chứng thì không !

VIÊN DUNG:

Chấp làm chi hình tướng cá nhân ! Tâm không một vật cho nên nhỏ không gì nhỏ bằng, lớn không gì lớn bằng

Nếu tâm bạn không còn phân biệt gì cả thì tâm lớn vô cùng

 

HỎI:

Đó là mình tự cảm thấy thôi

VIÊN DUNG:

Tâm lớn nầy không phải do công phu

Tại bạn không chịu dừng

Bạn càng cố tìm thì càng bị đóng cửa !

 

HỎI:

Anh nói có thể đúng. Vì tôi thật tình chưa gặp người nào đã đến nơi

VIÊN DUNG:

Bạn phải cần trở về chính mình, sống bình thường như một kẻ ngu

 

HỎI:

Nên còn tìm kiếm để thực chứng rằng con đường này đã có người đến

VIÊN DUNG:

Càng tìm càng sai !

 

HỎI:

Bạn phải cần trở về chính mình, sống bình thường như một kẻ ngu? tôi chưa hiểu

VIÊN DUNG:

Vì tìm là tạo tác ! Mọi tạo tác đều vô thường !

 

HỎI:

Tôi biết khi khởi tâm dù là khởi gì đi nữa, cũng giống như đeo thêm kiếng màu lên mắt để tìm sự thật!

VIÊN DUNG:

Bạn cần có một thời gian sống như một em bé sơ sinh chưa biết gì

 

HỎI:

Thật tôi chưa hiểu anh muốn nói gì

VIÊN DUNG:

Tức là gột rữa tất cả mọi kiến chấp

 

HỎI:

Tôi biết, nhưng như vậy làm sao giao tiếp với đời thường được

VIÊN DUNG:

Phật tánh của bạn đang bị kiến chấp của bạn che mờ

Phải có một thời gian đóng cửa bế môn

 

HỎI:

Xin anh nói tiếp

VIÊN DUNG:

Gột rữa tất cả những gì tâm ta đang có, cho đến khi tâm không còn gì, ngay đó là TÂM MÌNH, Bỗng nhiên tâm trùm khắp

 

HỎI:

Tâm trùm khắp?

VIÊN DUNG:

Nghĩa là khi tâm bạn không có gì cả

Thì phật tánh hiển lộ

 

HỎI:

Phật tánh hiển lộ cụ thể là gì anh?

VIÊN DUNG:

Nếu bạn có gì trong tâm thì cái có ấy chỉ là hòn bọt nổi trong đại dương mà thôi ! Trên thực tế thì tâm bạn rất lớn, chỉ cần rời cả thảy chấp tức thì trực nhận được.

Đây không phải nằm trong câu hỏi “là gì” của bạn. Chỉ cần bạn chân không thì tự thành tựu

 

HỎI:

Tức là trong tâm không còn bất cứ ý nghĩ…gì?

VIÊN DUNG:

Bạn muốn cầu đạo thì phải hiểu đạo. Đạo không do cầu.

Chẳng duyên với ý nghĩ

Ý nghĩ là do phân biệt mà có, chính chính nghĩ làm mờ tâm đó

Tâm thật ví như chân không trùm khắp

Tất cả hiện tượng hình tướng trong chân không đều là pháp hữu vi, tâm vẫn không lay động

Bạn phải tự trực nhận, không thể kẹt ngôn ngữ

 

HỎI:

Dạ tôi biết đã làm nhưng thật sự chưa đến đâu. Cứ lúc nhớ lúc quên!

Xin anh cho biết làm sau để miên mật?

VIÊN DUNG:

Tại bạn đi chưa trọn vẹn con đường

 

HỎI:

Anh nói rất đúng

VIÊN DUNG:

Phải bất thối chuyển

 

HỎI:

Dạ đúng vì không còn đường nào khác! Và không thể lùi!

VIÊN DUNG:

Nhưng con đường này là không có con đường, bạn phải hiểu câu này

 

HỎI:

Dạ đúng, tôi hiểu. Chỉ tạm để nói

Ai cũng đã trên đường này rồi

Chỉ không biết. Không nhận thôi

Thật cảm ơn anh

VIÊN DUNG:

Thời nầy không ai thành chánh đẳng chánh giác như Phật đâu. Chúng ta chỉ cần nhập lưu. “không nhập vào đâu tức là nhập lưu” Nếu nhập lưu được thì khỏi lo… Hãy nhớ KHÔNG NHẬP VÀO ĐÂU TỨC LÀ NHẬP LƯU

Nghĩa là đừng lo gì cả, cũng không cầu thành Phật, cũng không sợ hãi gì cả

 

HỎI:

Tôi xin ghi nhớ

VIÊN DUNG:

Kể cả hành thiện cũng đừng chấp ta có làm

 

HỎI:

Điều này tôi biết

VIÊN DUNG:

Bạn thực hiện được như vậy thì nghiệp quá khứ tự tiêu, không cần phải trả. Bạn là ai sau nầy sẽ tự hiển lộ

 

HỎI:

Phải có một thời gian đóng cửa bế môn. Tôi chưa hiểu câu này. Xin anh giảng lại

VIÊN DUNG:

Bạn phải rời tất cả pháp trần một thời gian

 

HỎI:

Tức là bỏ nghề nghiệp, không giao tiếp, ẩn cư một nơi như ở yên một nời nào đó, hoặc là một hình thức cấm túc tại nhà, tại phòng. Ăn thanh đạm, vừa đủ, không sách, báo, tivi, internet, điện thoại…Trong khi đó, cụ thể anh cho biết phải tu hành ( tạm gọi ) ra sao?. Anh đã trãi qua giai đoạn này chưa. Có thể kể cho tôi nghe trãi nghiệm của anh ở giai đoạn này không? Cảm ơn anh nhiều

VIÊN DUNG:

Năm 1999 tớ lên núi (Núi Phú Sơn, thuộc H Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) 7 tháng. Trong thời gian 7 tháng ấy tớ chỉ dẹp tất cả pháp thế gian.

Rồi trở về, tâm rỗng rang chẳng có gì, nhưng những phiền muộn và cám dỗ thế gian không tấn công tớ được nữa

 

HỎI:

Rồi trãi nghiệm của anh ra sao?

VIÊN DUNG:

Cho đến năm 2000 chuyện lạ xảy ra

Không tu gì cả, chỉ buông thế gian mà thôi

 

HỎI:

Buông thế gian là quên hết chuyện thế gian?

VIÊN DUNG:

Tất cả những gì khởi lên tớ đều không duyên, nó tự biến

 

HỎI:

Dạ theo luật sinh diệt nó phải tự biến.

VIÊN DUNG:

Đó là pháp trong tâm

 

HỎI:

Rồi sau đó, năm 2000 thì sao anh?

VIÊN DUNG:

Tớ đang đi từ nhà ra quán cà phê, nữa đường bỗng nhiên tất cả đều vắng lặng

Sau đó rất nhiều chuyện lạ xảy ra nữa nhưng tớ không muốn kể

 

HỎI:

Anh nên kể vì để sách tấn cho một hành giả như tôi

VIÊN DUNG:

Nếu bạn hoặc đi đứng nằm ngồi mà bỗng nhiên vắng lặng không biên giới thì sau đó bạn sẽ biết. Kể cho bạn nghe là trước ý có hại cho bạn !

Chỉ cần bạn dẹp bỏ tất cả pháp một thời gian cho thuần thục, sau đó bạn sống bình thường

Bạn sẽ thấy ngay cái hay hiện tiền là tâm vô ngại thế gian, vì thế gian không tấn công bạn được nữa

Và sau đó là tự nhiên xảy ra, bạn không biết trước đâu

 

HỎI

Cảm ơn anh rất nhiều

VIÊN DUNG:

Nếu bạn cứ giữ tâm muốn biết trước thì bạn sẽ bị ngăn ngại do trước ý

 

HỎI:

Một bí quyết quá hay

Không theo tất cả khởi tâm, không trước ý, như lục bình trôi!

VIÊN DUNG:

Bạn ví dụ khá đúng

 

HỎI

Anh phải chia sẻ đường tu, cách tu của anh bằng sách mới được

VIÊN DUNG:

Mỗi người có cách hợp riêng

Tớ nghĩ như vậy

Cách của tớ là không cách gì cả

Tớ đã nói nhiều như vậy trên fb rồi

 

HỎI:

Đừng thêm bớt gì trong tâm là được

VIÊN DUNG:

Đúng vậy

 

HỎI:

Tôi biết tất cả mà vào không được ?

VIÊN DUNG:

Quan trọng là nhiếp phục tập khí ( thói quen ) trong tâm

 

HỎI:

Chỉ cần không ưa ghét mọi sự là tất cả tập khí sẽ tự tiêu

VIÊN DUNG:

Ok

Nhưng thói quen tập khí rất khó trị

Diệu pháp vô vi rất nhỏ nhiệm, đòi hỏi tâm trong sạch mới nhận ra.

 

HỎI:

Khi xưa đức phật trước thành đạo cũng phải qua cửa ải này

Ải này quá khó!

Như tình dục chẳng hạn

VIÊN DUNG:

Tập khí do dính khằng với thế gian quá mạnh mẽ ! Có công năng che mờ tâm tánh

 

HỎI:

Tôi ở tại nơi mình đang ở, vẫn giao tiếp bình thường có thể tu theo kiểu này được không anh? Hiện tôi vẫn tu như vậy.

VIÊN DUNG:

Nếu bạn có điều kiện tại gia thì cũng như ở núi thôi

Khi nào bạn đối với bất cứ gì của thế gian mà tâm bình thường không bị thế gian chuyển thì tuyệt vời

 

HỎI:

Biết tất cả là bóng ảnh, là sinh diệt ngay đến thân tâm này cũng thế phải ko anh?

Chỗ nào cũng viên dung?

Hoàn cảnh tình huống nào cũng viên dung?

VIÊN DUNG:

Đúng vậy, nhưng cái biết ấy vẫn còn ngăn che đó

 

HỎI:

Tôi biết nhưng phải làm sao đây?

VIÊN DUNG:

Cho nên bạn phải cần có một thời gian điều phục

 

HỎI:

Tôi sẽ kiên trì

Với tôi, anh có lời khuyên gì không?

VIÊN DUNG:

Chân không mà diệu hữu. Diệu hữu mà chân không. Kỳ tâm rất nhỏ nhiệm Rỗng rang mới viên thông

 

HỎI:

Đồng ý. Nhưng đó là thành quả tu tập của anh. Điều cốt lõi là làm sao để rỗng rang?

VIÊN DUNG:

Thế gian không quấy rầy.

Ba độc chẳng lung lay.

Phật giác luôn cùng khắp.

Không trước ý là đây

 

HỎI:

Tâm vật ở yên vị trí là giải thoát?

VIÊN DUNG:

Bạn đừng trước ý Như bé sơ sinh

 

HỎI:

Bé sơ sinh cũng đâu phải kiến tánh?

VIÊN DUNG:

Bé sơ sinh đâu có khái niệm kiến tánh hay không kiến tánh. Đó là không trước ý

 

HỎI:

Nếu vậy làm bé sơ sanh ư? tôi không thích đâu

VIÊN DUNG:

Bạn chưa hiểu ý tớ !

 

HỎI:

Dạ tôi chưa hiểu

VIÊN DUNG:

Ý tớ muốn nói là TÂM BẠN ĐỪNG NÊN CHẤP VÀO BẤT CỨ KHÁI NIỆM NÀO

 

HỎI:

Chỗ này tôi rõ

Cảm ơn anh

VIÊN DUNG:

Cho đến khái nệm giải thoát bạn cũng chẳng duyên

 

HỎI:

Tôi đã rõ

VIÊN DUNG:

Như vậy thì tâm tự rỗng rang

Sao đó chuện gì đến thì tự đến

Ngoài mọi mong cầu

 

HỎI:

Tôi hay bị trước tâm

VIÊN DUNG:

Đúng vậy Cách hỏi của bạn, tớ biết chỗ kẹt của bạn. Nay đã biết lỗi rồi thì lỗi sẽ tiêu

Đó là tự độ

Bạn chỉ cần hội ý kinh Pháp Bửu Đàn và kinh Kim Cang rồi áp dụng là đủ, đâu cần nói thêm

 

HỎI:

Nhưng hội ý 2 kinh đó là gì ?

Đâu có ai biết

VIÊN DUNG:

Chỉ cần đoạn kinh nầy: Không nên trụ sắc tướng sanh tâm. Không nên trụ âm thanh và không âm thanh sanh tâm. Không nên trụ mùi hương và không mùi sanh tâm. Không nên trụ vị và không vị sanh tâm. Không nên trụ cảm giác và không cảm giác sanh tâm. Không nên trụ phân biệt và không phân biệt sanh tâm. Không trụ vào đâu cả thì…KỲ DIỆU TÂM

 

HỎI:

Cảm ơn anh, trân trọng chào anh

VIÊN DUNG:

Chào bạn

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments(12)
  1. caoy 8 December 2017
    • BS HUỲNH HẢI 8 December 2017
  2. caoy 8 December 2017
    • BS HUỲNH HẢI 8 December 2017
  3. caoy 8 December 2017
    • BS HUỲNH HẢI 8 December 2017
  4. caoy 8 December 2017
    • BS HUỲNH HẢI 8 December 2017
    • BS HUỲNH HẢI 9 December 2017
  5. caoy 9 December 2017
  6. caoy 9 December 2017
  7. caoy 9 December 2017

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *