Trước hết mời các bạn biết sơ về dây thần kinh tọa
Thần kinh tọa ( còn gọi là thần kinh ngổi hay thần kinh hông to ):
Đây là dây thần kinh lớn nhất, dài nhất so với các dây thần kinh khác trong cơ thể, tập hợp các rễ của dây thần kinh L4, L5, S1, S2, S3. Thần kinh tọa bắt nguồn từ mông đi xuống tận ngón chân.
Thần kinh tọa gồm các sợi của 2 dây thần kinh chày và thần kinh mác chung, được bọc bởi một bao xơ chung. Dây thần kinh này đi xuống đến 2/3 mặt sau xương đùi ( ngay phía trên khoeo chân ) rồi tách làm 2 nhánh:
- Nhánh trước là dây thần kinh hông khoeo ngoài, còn gọi là thần kinh mác chung. Thần kinh hông khoeo ngoài có các sợi thuộc rễ thần kinh L5, đi ra mặt trước ngoài cẳng chân, xuống mu chân, kết thúc ở ngón cái
- Nhánh sau còn gọi là thần kinh hông khoeo trong hay thần kinh chày có các sợi thần kinh thuộc rể S1 đi xuống mặt sau cẳng chân rồi đến mắt cá trong xuống lòng bàn chân và kết thúc ở ngón út
Thông thường nguyên nhân chèn ép thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1. Những nguyên nhân khác gây chèn ép thần kinh tọa là trượt thân đốt sống thắt lưng hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng, hay do cơ hình lê chèn ép. Và sự chèn ép thần kinh tọa cũng có thể do nhiều nguyên nhân nói trên kết hợp lại
Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng thắt lưng, lan dọc xuống mông, chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cũng có thể bệnh nhân đau chỉ một đoạn trên đường đi của thần kinh tọa.
Cơn đau có thể xuất hiện không do nguyên nhân nào rõ rệt hoặc có nguyên nhân như khi kéo, đẩy một vật nặng… Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ. Khi đã đau, thì cơn đau càng tăng lên khi khiêng một vật gì hay đẩy, nhấc một chiếc xe mô tô hoặc khi ho, khi hắt hơi, khi di chuyển…
Thường thì trước đó bệnh nhân đã có những đợt đau và đã được bác sĩ chẩn đoán và điều trị rồi. Nên khi đau và đến khám bệnh lần này thì người bệnh đã biết mình bệnh gì rồi và tự nói: bác sĩ ơi tôi đau thần kinh tọa. Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh ngồi xe lăn và gương mặt nhăn nhó do cường độ đau dữ dội dù là có sử dụng thuốc hơn 1 tuần
Các loại thuốc trong đơn thường là paracetamol, kháng viêm nonsteroid, thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh, các vitamin nhóm B, thuốc giãn cơ…
Sau đây tôi xin giới thiệu với các bạn “ 2 dũng sĩ ” trong việc góp phần “chiến đấu ” với chứng đau thần kinh tọa . Đó là 2 động tác tập thể dục đơn giản và có hiệu quả tốt. Các bạn nên thực hiện 2 động tác này cùng lúc với toa thuốc mà bác sĩ ghi cho bạn để có kết quả tốt hơn:
– Động tác 1:
Bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân co lại, 2 tay nắm ở sát phía dưới đầu gối, 2 tay thẳng. Sau đó co 2 tay lại kéo 2 chân càng sát bụng càng tốt ( 1 lượt ) . Mỗi ngày tập 2 lần, mỗi lần 20 đến 30 lượt
– Động tác 2:
Bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân co lại, chống trên giường, 2 tay duỗi 2 bên thân mình. Sau đó, chống chân xuống giường ( hay sàn…) nâng mông lên ( 1 lượt ). Mỗi ngày tập 2 lần, mỗi lần 20 đến 30 lượt
Nếu được, các bạn nên tập 2 động tác trên đồng thời kết hợp với toa thuốc mà bác sĩ ghi cho bạn. Thường thì cơn đau thần kinh tọa sẽ giảm trong vòng 1 tuần và dần dần khỏi. Chúc các bạn vượt qua đau thần kinh tọa đợt này!