KIẾN TÁNH

Tôi rất ngạc nhiên khi hơn 30 năm trước Từ An đã có những ý nghĩ này. Đây là những trích dẩn từ các sách của ông. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả. Mong rằng tất cả chúng ta tìm lại được viên ngọc chưa từng mất nằm trong chéo áo của mình. BS Huỳnh Hải

 

Tuy ở trong đạo mà không hay không biết lại phóng tâm đi tìm đạo tưởng rằng Đạo ở ngoài tâm. Cho nên suốt vô số kiếp chỉ là chạy theo bóng mình vô ích. Biết vậy, liền thôi, thì ngay đó là viên minh châu như ý chưa từng mất chẳng từng còn

Sự thật, đạo , pháp, tâm thì vốn tự do không trói buộc. Nó chịu chui vào khuôn mẫu hay sao? Dù bất cứ khuôn mẫu nào cũng do tâm trí hữu hạn bày đặt ra rồi tác động lại chính nó, cho nên suốt đời sửa sai, sửa đúng, làm thiện làm ác…biết bao giờ dừng? Khi thật sự khám phá thì thật sự nó ở đó rồi, nó là sự tịch lặng của bổn tâm tùy duyên vô lượng nên sai biệt muôn trùng nhưng cũng chỉ là “ không tịch”, bản lai diện mục cùng vạn pháp ! Xưa nay chỉ một tâm này. Tùy duyên khởi dụng tướng đầy hư không. Ngại gì những nắm cùng buông. Tâm không sở đắc nên không mất còn

Hết thảy duyên sinh duyên diệt không can hệ đến sự thật thanh tịnh này. Thấy được sự thật Thân Tâm thanh tịnh thì sinh diệt của vạn sự đều thanh tịnh vì chỉ là một Tâm “ không tính” tùy duyên. Nếu chẳng thấy không, mà chỉ thấy “ tùy duyên” không khác gì bỏ tâm theo vật, dụng ngược điên đảo. Mọi sự đang giải thoát vì mọi sự như “ chúng là thế” không đem cái hiểu biết giới hạn của mình để tạo lập những vọng tưởng, quan niệm…sai lầm mê muội, không thực, chỉ khổ đau triền miên.

Vậy chân tâm bản tánh là gì và làm sao để nhận ra??? Ngay câu hỏi này nếu bạn nhận ra tính hư huyễn của câu hỏi, bạn sẽ vượt qua mọi đám mây kỳ ảo của tâm trí, ý thức và bạn ngộ ra bầu trời xanh ngát của trí tuệ vô sự và đó cũng là tướng dụng của thể tánh bất khả tư, bất khả thuyết, không ngôn tướng khái niệm…nào chỉ bày được. Tất cả chỉ là tâm bạn, tâm chư phật, tâm chúng sinh. Dù bạn mê hay ngộ nó vẫn như như bất động! Và bạn hoàn hão tự tại vô ngại, vô thủy vô chung…” Như tính” mà khởi dụng trùng khắp pháp giới, một tương quan với tất cả, tất cả liên hệ đến một, một là một mà cũng là tất cả, tất cả là tất cả mà cũng là một, trùng trùng duyên khởi là thế, bất khả đắc, vô sở trụ…Vì bạn vô minh điều này, nên phân chia rồi phân biệt…, đã như thế lại hợp nhất, đồng hoá tất cả sai biệt thành đồng đẳng lại thêm lầm mới…Bạn phải chịu thọ nhận bất như ý trong mọi hữu hạn mãi mãi không có ngày ra ! Trừ khi bạn có tin tức từ cái đó, đột nhiên vạn pháp tịch diệt

Người thực sự tự do tịch diệt thì không gì chẳng phải minh châu. Tất cả chúng sinh dù có rời bỏ ngôi nhà đi lang thang khắp chốn để tìm kiếm cái gì đó lấp đầy sự thiếu thốn khổ cực, chúng sinh cũng không hề rời bỏ một sát na nào cái ngôi nhà như lai được. Thực sự trên bước đường lang thang, trực ngộ được mình đang dạo chơi trong nhà mình thì xong vậy.

Không nhận bất cứ cái gì làm “ mình” thì nói gì đến ràng buộc giải thoát. Ngay cả không nhận cũng không nhận thì mình là gì lại chẳng được

Thấy nghe hay biết như vậy…mà không thêm vào bớt ra chi cả chính là hàng phục vọng tâm

Biết thực tướng, như tánh của các pháp gọi là chánh giác cũng là sự khám phá sự thật, chân lý thì không phải làm gì nữa. Sự thật không có thể chứng, không người chứng và cái được chứng. Nó vốn như vậy vô thủy vô chung

Cái gì tu được thì tu

Cái không tu được chớ tu kẽo lầm

Cái tu được tức vô thường

Cái không tu được ắt chơn thường hiện ra

Khi nghe kinh Phật hay nghe bất cứ âm thanh gì… ông lắng lòng sâu không đáy thì ông sẽ ngộ được niết bàn tịch tỉnh. Đó là điều ông cần khám phá

Chúng ta sợ dính mắc, sợ nhiễm ô, sợ sống chết…Nhưng thật ra đó là tâm bị điều kiện hóa mà thành ra nông nỗi! Chạy thoát khỏi bản ngã khổ đau cũng chỉ là công việc của cái ý nghĩ về tôi, nó bày đặt lao lung như thế. Chi bằng vô sự như vốn là

Tất cả Đạo sư chân chánh đều xô đẩy con người quay về để khám phá sự thật như nó là. Ngoài ra không trao truyền cái chi hết. Cứu cánh cốt tủy không nằm trong bất cứ giáo lý nào. Mà chính là mỗi mỗi chúng ta vốn đầy đũ, viên mãn, không thiếu không dư không thêm vào bớt ra chi nữa

Tôi ở chỗ bản ngã mà giải thoát. Ở nơi tham sân si mạn nghi… ở tất cả các pháp sinh diệt mà giải thoát. Ở trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của chư Phật mà giải thoát. Bởi sao? Bởi vạn sự vạn vật đều tánh không hư huyễn. Tự tánh của các Pháp là Niết bàn, không gì chẳng giải thoát, không gì hết

Không gì chẳng phải là đạo, tâm, pháp, tánh Giác hiện toàn thân…Chỉ vì ông sinh tâm phải trái nên có cái này cái khác và tất cả mọi sự mọi vật trở thành đen trắng…Nhưng ông phải Biết một lần rằng, dù ông có sinh tâm gì đi nữa thì cũng là BẢN TÍNH NHƯ THỊ, BẤT TĂNG BẤT GIẢM thôi. Ngay đó ông xong việc

Mình tưởng rằng mình biết hít thở ăn uống ngủ nghỉ, làm này làm nọ, nghĩ này nghĩ kia, thấy nghe hay biết bằng các giác quan rồi nói theo giác quan dù rộng hay hẹp dù thần thông biến hóa quảng đại hay bày đặt thiên đường địa ngục, phiền não, bồ đề cùng vô số vấn đề nhưng kỳ thật là chỉ là “ tưởng tượng” , ngoài tưởng tượng ra thì chẳng có là cái gì cả. Hết thảy đều bất khả tư nghì bất khả thuyết bất khả hành nhưng không phải là “ bất khả tri”, vì “ biết “ mình “ tưởng tượng” và bất khả tri nên mình bắt gặp được vạn pháp hồn nhiên tịch diệt, thường lạc ngã tịnh tự bổn lai vô thủy vô chung. Tất cả chỉ là giải thích tùy theo “ tưởng tượng” mà thành. CÒN nếu bạn không biết sự thật là vậy thì bạn quán vô thường, vì vô thường nên thấy nó vô ngã vì vô ngã nên duyên khởi niết bàn! CÒN có một cách nữa là quán vạn pháp do TÂM, mà tâm thì bất khả đắc nên các pháp cũng vô trụ vô sinh bất diệt!

Dù có đi mưa về gió, thấu suốt quá khứ hiện tại vị lai, tha tâm thông, túc mạng thông…cùng các thứ kinh nghiệm kiến văn giác tri sở đắc được hay xa lìa được ông cũng chẳng đi đâu về đâu cả ngoài tâm thức ông biến hóa thiên đường địa ngục, ràng buộc giải thoát chơn vọng hai bờ… như người ngủ nằm mộng thấy này thấy nọ thực ra chẳng rời “ chỗ nằm “ !

Phật tâm vô trụ vạn pháp vô sanh, giải thoát ràng buộc từ đâu khởi???

Vọng tức là chơn, như sóng chẳng lìa nước, nước chẳng ngại sóng. Chỉ cần thấy thực tướng của vọng là không tính ( cũng là Phật tính ) thì tự tại vô ngại với các tướng

Làm thế nào để không giải thoát? Vì sự thật tất cả đều đang giải thoát!

Tu tức là xoay cái thấy nghe hay biết của giác quan và tri giác vào tâm mình thì tâm không còn chạy ra ngoài trần cảnh để theo hay chẳng theo mà thiết lập phải trái chơn vọng

Tất cả chúng sinh đều không nhận được cái như thị, đang là, vốn hoàn hảo. Sinh thành hoại diệt để tìm cầu hạnh phúc, chân thực, trong khi niết bàn ở đó, tức tuệ giác. Sự chuyển động này vốn không, chớ không phải nghĩ hoặc làm cho nó không chuyển động. Nhìn thấy sự thật của thiên đường địa ngục thiện ác tốt xấu thì không còn thêm bớt chi nữa. Ngay đó vượt qua mọi khái niệm danh tướng…

Không làm sao để chấp thủ, không làm sao để giải thoát. Nếu có làm gì thì chỉ như là chạy rông trong tam giới để tìm cái không thật có mà chịu đau khổ sinh tử bất toàn. Không gì có thể nắm bỏ ngoại trừ ảo tưởng về ngã và ngã sở. Lấy ngã sở làm ngã rồi lấy ngã này tạo tác lấy bỏ sở ngã khác, cứ như thế mà thay đổi hình dạng uế tịnh…Biết ảo tưởng mà không làm gì thêm nữa thì vạn pháp thanh tịnh vì tự tánh vô phân biệt khởi vậy !

Không gì chẳng phải là cảnh, như thân, như tâm như thế giới vũ trụ vạn tượng đều là cảnh. Biết cảnh thì cảnh tự yên, “ không một vật”

Con người tạo ra ràng buộc và cũng tạo ra giải thoát. Vì tư tưởng kết tập nên giá trị, tam giới cùng vô số mê lầm khác. Nếu thấy được thì xong

Hết thảy đều giải thoát, nhưng không có chi giải thoát, ngoại trừ giải thoát khỏi những vọng niệm tà chánh, có không, chơn giả…

Vì ảo tưởng vọng giác mà mê lầm tham sân khởi, hễ có khởi là có diệt chẳng dừng, chỉ biết thực là lầm thì không còn cái chẳng lầm để ôm nắm nữa vậy. Còn có ngộ thì vẫn còn có chỗ chẳng phải ngộ, nên vẫn là hóa thành !

Tâm tịnh thì cõi A di Đà ở đây tức khắc, ông khỏi sinh sang. Làm sao tâm tịnh? Tâm vốn tịnh, pháp vốn tịch diệt, vì không thấy nên làm này làm nọ để được này được kia nên tạp loạn

Thấy mà chẳng dính kẹt vào trong danh tướng . Mà nếu có dính kẹt thì cũng chỉ là ảo giác không hề có mà tưởng thật nên cố tình nắm lấy hoặc bỏ đi, mà chỉ là khái niệm, danh ngôn mà thôi

Chưa từng sanh diệt

Nếu thấy sinh diệt

Hãy cứ tìm xem

Thảy đều tịch diệt

Nếu thấy tịch diệt

Hãy cứ tìm xem

Sinh diệt tịch diệt

Không lìa tánh Biết!

Lão gia trùm mềm ngủ

Không thấy Phật Chúng sinh

Mở mắt liền nhìn thấy

Nhắm mắt cũng thấy liền

Đầu từng thấy chẳng thấy

Biết Pháp từ tâm sanh

Chỗ nào chẳng tâm pháp

Xưa nay là đạo tràng

Không tâm cũng không pháp

Như trăng tròn bát nhã

Ngay giận…( hay không giận…) là giải thoát! Vì sao? Vì hết thảy đều vô sinh vậy. Sinh mà chưa từng sinh, diệt mà chưa từng diệt. Nếu có một pháp nào như sinh tử hay niết bàn hay không có một pháp để được đều là bụi vậy! Vì còn có ngã thủ. Quét một lần cho sạch sành sanh thì liền trực ngộ vô tâm vô nhất vật. Vì còn ngã kiến nên nói buông nắm, nói giải thoát ràng buộc, chứ nếu sự thật là “ Không ” thì ai mê ai ngộ! Nói dễ hiểu, đàng sau hiện tượng ( tâm trí…) chẳng là gì cả, vì tâm trí ( hiện tượng…) vô tánh khởi vậy!

Tất cả vấn đề

Đều tùy tâm khởi

Khám phá tự tâm

Đột nhiên giải thoát

Sinh tử vốn không

Mê ngộ chẳng có

Tùy gương ảnh hiện

Biết giặc liền xong

Thõng tay vào chợ

Chẳng thấy một người

Bỉ thử đâu sanh

Tam giới nào khổ

Đạo như giấc chiêm bao

Tâm như trò huyễn thuật

Pháp như mây trời nổi

Phàm thánh như ảnh bào

Khi thân bạn đau

Bạn hãy lắng nghe

Cơn đau của bạn

Khi tâm bạn buồn

Bạn hãy lắng nghe

Nỗi buồn của bạn

Cơn đau nỗi buồn

Như đang xem cảnh

Cảnh vui hay sầu

Chưa hề là Bạn

( Kẻ lặng Lắng Nghe )

Đầu sào trăm trượng

Nhảy thêm một bước

Thấy gì nữa không

( Trăng trong đáy nước )

Khi anh còn ngu

Chơn sư liền biết

Khi anh chợt ngộ

Liền biết chơn sư

Biết vọng là ai biết ?

Cái biết đó nào chơn!

Vọng chơn đều buông hết

Cái biết đó còn không ?

Cái biết đã không còn

Nóng lạnh gặp liền biết

Rõ ràng chẳng phải không

Chỉ là không dấu vết !

Ngộ là tâm ngộ

Ngộ rồi biết không tâm

Không tâm còn chẳng có

Mê ngộ chỗ nào thành !

Cảnh duyên không xấu tốt

Xấu tốt tại nơi tâm

Xoay tìm tâm chẳng thấy

Xấu tốt thật khó tầm !

Vũ trụ là Tâm

Chỗ nào năng sở

Chỉ toàn trò đùa

Ai người nắm bỏ

Cái gì nổi lên

Cái gì lặng mất

Nơi tâm thức mình

Đều là chẳng phải !

Nổi lên lặng mất

Chẳng phải là mình

Đâu cần nắm bỏ

Tự tánh phân minh !

Tâm chạy theo cảnh

Cảnh lại sinh tâm

Đầu? Đuôi ? Trụ xứ ?

Chỉ bảo là lầm !

Tánh chẳng ở giữa

Tướng không trong ngoài

Trong ngoài giữa dứt

Tánh tướng không hai

Không hai vô sở đắc

Vô sở đắc cũng không

Tánh tướng chưa từng mất

Như hoa đốm trời không

Cái gì cũng là mình !

Mình là cái gì vậy?

Như người đang đội nón

Quên đi tìm lăng xăng

Gặp người chỉ dùm nón

Hết cuộc tìm lăng xăng

Xưa nay mình lật ngửa

Bây giờ thử lật sấp

Té ra một bàn tay

Chơi hai lần sấp ngửa

Sống như là chiêm bao

Chưa lúc nào làm chủ

Được giấc mộng của mình

Làm chủ giấc mộng mình

Bạn tha hồ chiêm bao

Tham sân vốn vô tội

Bạn cứ việc tham sân

Miễn là đừng có “ si ”

Nếu không thì lạc lối

Vô lượng lần sinh diệt

Dòng nhân quả luân lưu

Đều do mê bản tánh

Thấy có ra có vào!

Chết đây lại sanh kia

Chúng sanh nhiều hay ít

Hình dung như bọt nổi

Biển nước chưa từng lìa

 

Từ quá khứ vị lai

Chỉ toàn là Diệu Dụng

Mọi sự xảy ra rồi

Sao không nhận làm thực tướng

Lại lo sầu quẩn quanh ?

 

Khi tôi thực tự do

Một cách vô điều kiện

Thì đâu cần phải lo

Rong chơi trong ngục tù

Bao nỗi ưu phiền

Chúng ta từng biết

Nhưng cái BIẾT

Thì chúng ta quên!

Nơi vọng chớ khởi vọng

Nơi chơn chẳng thấy chơn

Vọng chơn đều tịch diệt

Sinh tử niết bàn KHÔNG

Đạo không thể hiểu

Cũng không thể hành

Những hành cùng hiểu

Tạo tác từ anh

Xem chúng sinh như Phật

Đang vui đùa huyễn pháp

Quyết định tâm người này

Cùng Bồ tát không khác

Tâm cảnh như hoa đốm

Lúc nào cũng lăng xăng

Chớ cầu tìm an ổn

Chỗ này hay chỗ kia

Ngộ rồi mới thấy

Niệm cùng không niệm

Chẳng dính dáng chi

Tới chơn tánh mi

Không thiền cũng không tịnh

Mật tu theo tâm mình

Tâm tâm chưa từng dính

Nói gì tu chẳng tu

Đạo không đường vào

Vì nó không có cửa

Cửa là do mê lập

Bỏ vọng liền được vào

Muôn pháp xưa nay vốn tự yên

Chỉ vì động niệm sinh ưu phiền

Động niệm hay không đều chẳng đoái

Ra vào uế tịnh thảy an nhiên

Rốt ráo xưa nay chẳng có gì

Thân tâm thế giới đến rồi đi

Chỉ tùy duyên khởi dường như vọng

Biết được liền thôi, mệt ngủ khì!

Hư không chẳng ngại hoa đốm

Hoa đốm chẳng nhiễm hư không

Hư không cùng hoa đốm

Như gương hiện bóng hình

Tưởng rằng có đến có đi

Ai ngờ không đến không đi chỗ nào

Trong vô hạn chẳng ra vào

Nếu vào ra được ắt lao đao hoài!

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

Vọng chơn đâu phải ngoài tâm

Biết tâm không tịch cảnh lầm liền Như

Tất cả các pháp dù thực hay không thực đều chỉ là danh từ, lời nói, khái niệm..Nó chỉ là bóng dáng của thực tại, chân như.

Nếu bảo rằng ta chứng, ta thoát. Nếu bảo người không chứng không thoát thì vẫn còn ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả

Thân được sinh ra, liền cho mình sinh ra. Thân chết đi cho là mình chết đi nên đời đời khổ vì sinh già bệnh chết chẳng biết. Biết mình là vô sinh bất diệt thì xong

BIẾT là mình. Còn bệnh, già, chết, đau đớn, mệt mỏi, nặng nề, khó chịu, bẩn thỉu…nào có can hệ. Như hư không với mây trời tuy cùng sinh mà chẳng cùng diệt

Vì khổ đau nên tìm hạnh phúc. Hạnh phúc có rồi lại tiếp tục khổ đau. Vì sao như thế, phải chăng lầm đường. Nếu biết không có hạnh phúc nào hết để cầu mong, thì…?

Bạn ở trong Đạo, bạn là Đạo, không cần phải tìm, như bạn đi tìm mình hay nhà mình đều là phóng tưởng, phóng chiếu

Khi ngộ rồi thì ông mới thấy rằng không do phương pháp nào đem đến kết quả đó. Nhưng ông phải tu hành, phải phát tâm cầu “ Pháp ” thì ông mới ngộ được . Nếu tầm thường cho qua ngày tháng thì không bao giờ có cái mà ông “ Vốn Có ”

Khi ngộ rồi thì ông mới thấy rằng không do phương pháp nào đem đến kết quả đó. Nhưng ông phải tu hành, phải phát tâm cầu “ Pháp ” thì ông mới ngộ được . Nếu tầm thường cho qua ngày tháng thì không bao giờ có cái mà ông “ Vốn Có ”

Bạn vốn Viên Mãn, Hoàn Hão vô thủy. Nhưng bạn không biết, bèn khởi tâm tìm kiếm cái Hoàn Hão Viên Mãn…nên bạn không còn Viên Mãn Hoàn Hão nữa. Rồi bạn không tìm kiếm được, bế tắc. Cuối cùng bạn từ bỏ tất cả những gì bạn tìm kiếm được. Bạn ngộ ra rằng bạn vốn Hoàn Hão, Viên Mãn… không còn phải làm gì nữa hết. Toàn thể thanh tịnh, trong suốt, đầy đũ, như ý…

Kiến Tánh không có bí quyết nào cả. Nếu cố thấy hoặc làm sao để thấy tức chẳng thể thấy, vì Kiến Tánh chẳng phải là đối tượng, sở tri, sở kiến…Khi không còn chủ khách, tâm cảnh, mê ngộ… thì đi đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, luận bàn, nói năng, làm này làm nọ…sống, chết hay không sống chết đều là Tánh Bản Nhiên của ông, của vạn pháp…Vậy đâu cần thấy !

Chư Phật ra đời để nói rằng tất cả chỉ là Nhất Chơn Pháp Giới, tất cả chúng sinh đã là Phật từ vô thủy đến vô chung. Chỉ vì khởi nghĩ có ta có người, có tâm có cảnh, có thiện ác, thánh phàm, chơn vọng…nên có ảo giác ràng buộc, giải thoát, hạnh phúc, khổ đau…

Với tôi, hết thảy phiền não của thế gian và xuất thế gian đều là Phật Pháp. Không gì chẳng chân thiện mỹ với tôi. Nên tôi nguyện ở trong tam giới. Dù thương dù ghét dù khổ dù vui, dù chơn như hay vọng tưởng… tôi đều thấy Niết Bàn. Do đó tôi xin giới thiệu cho mọi người thấy rằng: không có lấy một pháp mà cũng chẳng bỏ một pháp nào, mà chỉ là “ nhìn kỹ ” thì không gì chẳng phải Bát Nhã Giải Thoát! Cuộc sống dù bờ này bờ kia đều có vẽ đẹp không thể nói năng suy nghĩ luận bàn làm sao hay không làm sao nữa! Tất cả Viên Dung Hoàn Hão Vô Thủy Vô Tận Thanh Tịnh Bản Nhiên!

Bạn vốn là “ Cái Đó ” nên không có chuyện bờ này, bờ kia, sinh đâu chết đâu, cùng các thứ vĩ đại cao siêu hay đê hèn…Chúng đều là mạng lưới của tư duy tơ tưởng… mộng du ! Người ta chỉ chứng chỉ đắc chỉ liễu chỉ ngộ…khi người ta không phải là “ Cái Đó ”. Đã là “ Cái Đó ” thì còn thêm bớt gì nữa !

Thấy bản tánh của Tâm là không tính tức Kiến Tánh thì vạn pháp tịch diệt, tự do ngay từ đầu. Sự sự là vô sự ! Cũng là tính bản nhiên của vạn pháp cũng gọi là tự nhiên như nhiên !

Muốn hàng phục vọng tâm, an tâm chỉ là để tâm phàm thánh thiện ác cao thấp…trôi chảy và Biển Giác như bọt sóng giữa đại dương linh hóa

Mỗi niệm đều tu, mỗi cảnh đều chứng. Không phải lên núi… mới tu. Mà nơi đây bạn đầy đũ. Hãy khám phá chính mình sự thật như thế nào, không chạy trốn, không chuyển đổi, không sửa sai. Vì cái thấy đã lầm thì không thể làm này làm nọ mà chẳng lầm được. Bạn không cần dong ruổi tìm cầu chân lý vì nơi bạn là chân lý. Hãy xem kỹ, lấy tâm vô tâm mà xem kỹ bạn. Bạn không cần lấy thánh bỏ phàm hay ngược lại. Vì Phàm Thánh là Tâm bạn chớ không phải là vật bên ngoài để có thể nắm, buông… Ngay ở chỗ buồn, vui, xấu, tốt trong cuộc sống này mà quan sát tâm, bạn sẽ thấy mình luôn giải thoát. Vì khổ đau vốn là ảo tưởng thôi !

Đạo, Pháp vốn không hai. Nay thấy có hai…thì lỗi ở mình. Biết lầm thì thôi vậy. Còn tu gì thì được này được nọ nhưng chẳng phải, vì còn là nhơn duyên sinh diệt

Tu là nhìn thấy bản tánh “ Không ”. Nếu chẳng thấy “ Không ” mà tu thì vẫn sinh diệt. Nay thấy vạn pháp duyên sinh cũng là “ Không ” tức vô sinh bất diệt, sinh tử niết bàn không hai vậy.

Thực tại thì mỗi pháp như nó là thế rồi, không thêm vào bớt ra chi hết. Nhưng trên mặt tri kiến thì chính những khái niệm danh tướng đã hình thành những mâu thuẫn méo mó với thực tại

Vô số pháp môn để bạn đắc niết bàn phương tiện. Nhưng ngộ nhập Niết Bàn Tự Tánh thì không có cách nào cả. Chỉ là Thấy Biết trực tiếp rằng bạn đã “ Ở Đó ” tự bao giờ. Như đang ở trong không khí mà hỏi không khí ở đâu nên sự sinh đũ thứ !

Bạn đi tìm an lạc hạnh phúc chân thật chỉ khi nào bạn xoay lại mà xem tâm bạn nó buồn vui xấu tốt như thế nào thì bạn có thể khám phá sự giải thoát hay ràng buộc nằm ở đâu. Không phải ở bên ngoài bạn mà là sự bình an bình thường bình đẳng chính nơi bạn, là bạn !

Có 2 phương pháp mau và chậm. Phương pháp chậm là cõng Phật mà đi, tức là phải công hạnh đầy đũ trong 3 đại kiếp. Còn phương pháp nhanh là mình có đũ “ thơ dại ” để Phật cỏng mình mà đi, tức ngay tại bây giờ không có gì chẳng phải Phật

Tất cả đạo sư chân chính đều đưa bạn trở về với chính bạn. Bởi sao như thế? Vì tất cả phàm phu đều thất lạc trong đời…

Tự do chính là sự thoát khỏi vòng hệ phược của tâm trí. Sự tịch lặng của tâm trí tức khởi đầu của sự tự do, của trí tuệ và là sự chấm dứt, cuối cùng của khổ đau

Một niệm vốn là “ không ” rồi, nên không đợi vô niệm mới “ không ”. Hiện tượng tức Bản thể. Đàng sau hiện tượng không có cái gì khác. Nếu có cái khác ấy là ảo tưởng, vọng sanh

Niết bàn , cuối cùng cũng chỉ là giả danh. Vậy không có Niết bàn để nhập, không có Đạo để thành. Biết kẻ chứng Đạo là ai, đó là biết vọng vốn là chơn. Sinh tử không còn nữa nơi chơn tâm, niết bàn… Vì không còn ai, không có ai là người sinh tử. Sinh tử cũng chỉ là giả danh

Phàm phu ưa phiền não

Chư Thánh thích niết bàn

Riêng Phật không thấy biết

Phiền não cùng bồ đề!

Một vầng trăng diệu dụng

Xưa nay chưa từng mê

Tuỳ duyên mà sai biệt

Sai biệt vốn không đi

Không đến không thêm bớt

Bồ đề lại Bồ đề !

Xưa nay ở nơi “ Biết ”

Cái “ Biết ” chẳng xưa nay

Vọng khởi thành thấy biết

Cuộc sinh tử lâu dài

Tưởng chừng tu vô số

Ai ngờ một niệm xong

Một niệm vô tâm cùng vạn pháp

Vạn pháp đi về chỉ nhất tâm !

Chim bay mỏi cánh mới biết bầu trời rộng

Tâm vẽ vô cùng bỗng ngộ Tự tánh không

Mê là tâm mê

Ngộ là tâm ngộ

Ngộ rồi biết không tâm

Không tâm còn chẳng có

Mê ngộ chỗ nào thành!

Mê là tâm mê

Ngộ là tâm ngộ

Ngộ rồi biết không tâm

Không tâm còn chẳng có

Mê ngộ chỗ nào thành!

Tâm chạy theo cảnh

Cảnh lại sinh tâm

Đầu? Đuôi? Trụ xứ?

Chỉ bảo là lầm!

” Ai? ” Là chỗ sống chết!

Biết được ai, ai biết.

Người này thõng hai tay

Vào chợ không mất còn !

Liễu sanh tức thoát tử

Đạt Lý là Sự thành

Sinh tử vốn không hai

Sự lý đâu trình thử!

Vô lượng lần sinh diệt

Dòng nhân quả luân lưu

Do mê mờ bản tánh

Thấy có ra có vào!

 

Chết đây lại sanh kia

Chúng sanh nhiều hay ít

Hình dung như bọt nổi

Biển nước chưa từng lìa

Pháp không sanh chẳng diệt

Tâm chưa từng đến đi

Đất bằng luôn dậy sóng

Chỉ tại mình phân ly

Bổn lai vốn là Biết,

Lại muốn biết cái gì

Nên năng sở vọng lập

Có Phật có Chúng sinh

Không Thiền cũng chẳng Tịnh

Mật tu theo tâm mình

Tâm tâm chưa từng dính

Nói gì tu chẳng tu

 

Tự tâm bạn bị điều kiện hóa nên sản sinh ra sự sự lý lý, rồi vô số vấn đề sinh ra, bạn bị cột trói bởi nó. Rồi cũng tự tâm bạn tạo tác học tập phương pháp để giải quyết vấn đề rồi cũng tự tâm bạn chứng đắc. Bạn đi tìm đạo sư để ấn chứng cho bạn, vì bạn không biết Đạo sư chính là Tự Tâm bạn, đầy đủ không thiếu thốn dù vô minh hay bất cứ phẩm tính nào

Nói đúng chánh pháp, giúp người thoát khỏi mê lầm sống hạnh phúc vô điều kiện, khỏi qua tu tập chi, mà cũng có thể thấy được “ chân lý ” cuộc đời

Làm sao để kiến tánh? Làm hay không làm đều có tác dụng của nó nhưng với “ tánh ” thì không dính dáng. Tâm tánh ở tất cả chúng sanh chư Phật đều bình đẳng, chẳng phải tướng chẳng phải vô tướng, chẳng phải sanh tử niết bàn. “ Xem kỹ ” nó là vật gì !

  • Thấy nghe hay biết như vậy… mà không thêm vào bớt ra chi cả thì gọi là hàng phục tâm. Thấy mà chẳng dính kẹt vào trong danh tướng, duyên sinh duyên diệt…Mà nếu có dính kẹt vào cũng chỉ là ảo giác. Không hề có mà tưởng là thật nên cố tình nắm lấy hoặc bỏ đi, mà chỉ là khái niệm, ngôn từ…thôi

  • Lấy cái gì tu cái gì? Lấy cái vọng tu cái vọng thành cái vọng. Còn đã chân thì tu là gì ? Chỉ rõ biết cái vọng tức là chân thì vô số diệu dụng, niệm niệm toàn giác !

  • Một người nói: Nghe anh thành Phật phải không? Xưa nay vốn thế, chỉ tự mình đổi thay

  • Thực ra, ngã hay vô ngã cũng chỉ là chỗ chỉ bày cái thật ( Không ) và cái giả ( Duyên khởi ). Và khi thấy cái giả như là giả, thật như là thật ( vô ngã ) thì tự tại vô ngại với các pháp và vốn các pháp cũng vô ngại tự tại như thế! Đó chính là Niết bàn, không còn gì để chỉ chỏ bằng ngôn luận, khái niệm, biểu tượng… Dù ở bên này hay bên kia bờ, vẫn là Giải thoát. Vì, vốn bản tính nó là vậy.

  • Chân lý vốn không do tạo tác, không do huân tập…Chỉ biết là mê lầm và từ biệt nó, như đưa tay vào lửa liền rút tay lại. Ở trong mọi sự mọi vật nếu biết tất cả là Không tính, thì bạn giải thoát mà ngay cả sự giải thoát này không, vì bạn chưa từng ràng buộc cái gì

  • Thấy tánh chúng sanh là Không tánh, là Phật tánh là Pháp tánh tức ngộ “ Tâm này ” thì pháp pháp bình đẳng. Nếu thấy có tâm này tâm khác rồi làm này làm nọ để được tâm kia thì cũng vọng thành mà thôi.

  • Pháp giới đồng khởi vô sở trụ như hư không chẳng chứa hoa đốm cũng không chẳng chứa hoa đốm. Hoa đốm không khác hư không, chẳng ngại hư không, chẳng ô nhiễm hư không và ngược lại. Ngay đây liền dụng, siêu việt thời gian và không gian, tâm và cảnh…

  • Tu một pháp, mà không lấy thánh bỏ phàm…tức ngay đó buông xả để cho mọi sự mọi vật ở vào chỗ của chúng, thì lấy bỏ tự do, vui đùa bất tận, cư lưu vô điều kiện trong dòng duyên khởi không tính, thường lạc ngã tịnh. Vì không thể thấy vạn pháp vốn niết bàn nên phải tu học. Thật sự không có pháp để tu chứng. Tu chứng vì cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng trong dòng đời mênh mông đen tối do tâm niệm của mỗi người thiết lập, rồi chấp chặt lấy tâm niệm mình, rồi không biết vì sao, nó là cái gì, tức vô minh, đánh mất bản tâm mà sinh tri kiến lầm lạc, xa lìa Đạo, Pháp vốn chưa từng mất trong cuộc tồn lưu luôn luôn chẳng còn, chẳng trụ…

  • Chỉ là cái Biết, chơn tâm, bản giác… thôi. Vì một niệm muốn biết nên tam giới khởi lên, chủ khách chia lìa, vạn tượng sai sai biệt biệt. Đồng sanh mà chẳng đồng tử. Trực ngộ cái Biết thì tam giới là chân không diệu hữu, chủ khách bất nhị, tam thân tứ trí…chỉ là “ một cái ”.

  • Vọng tức là chơn như sóng chẳng lìa nước, nước chẳng ngại sóng. Chỉ thấy thực tướng của vọng là Không tính cũng là Phật tính thì tự tại vô ngại với tất cả các tướng.

  • Không gì chẳng phải là Đạo, Pháp, Tâm tánh giác hiện toàn thân…Chỉ vì ông sinh tâm phải trái nên có cái này cái khác, nên mọi sự mọi vật thành đen, trắng…Ông phải biết một lần rằng dù ông có sinh tâm gì cũng là Bản Tính Như Thị, Bất Tăng Bất Giảm mà thôi, ngay đó ông xong việc. Ông chẳng nghe: “ Từ bản giác nhìn thì không gì chẳng phải Phật, từ tâm mê muội nhìn thì chánh pháp cũng là ma bừng dậy ” hay sao ?

  • Các pháp chẳng sanh tùy duyên vô sở đắc, đến đi chỗ nào, lấy gì bỏ gì !Ngộ thì trong mộng cũng ngộ, mê thì trong chánh pháp cũng mê. Danh tướng, khái niệm, luân hồi sinh tử, tập khí nhiễm ô, vô minh thô tế…đều là cửa giải thoát.

  • Vì rất ít người có khả năng nhìn thấy tự tâm tịch diệt. Nên tất cả phải tọa thiền, tham vấn, tu tập vô lượng pháp môn mới có thể sáng tỏ sinh tử sự đại. Phật chỉ tạm nói mớ để khai thị người mộng. Do vậy mà có sai biệt trước sau, cao thấp.

  • Khi nghe kinh Phật hay bất cứ một âm thanh gì…ông lắng lòng sâu không đáy thì ông thì ông sẽ nhận ra tình yêu và ngộ nó nằm sâu trong tâm thức là niết bàn tịch tỉnh mà không gì phá hoại hay làm ô nhiễm được nó. Đó là điều ông cần “ khám phá ” ngoài ra không có gì để đạt hay nương tựa.

  • Thực tu thực chứng thì không có ai khai thị cho ông. Nếu có thì chưa phải là cứu cánh. Bởi chư Phật, chư Tổ đều dùng phương tiện đưa ông về lại với chính ông, để ông thực chứng toàn diện thôi.

  • Làm sao tâm tịnh ? Tâm vốn tịnh pháp vốn tịch diệt. Vì không thấy nên làm này làm nọ để được này được kia nên tạp loạn. Mà tâm tạp loạn là do mình tự tạo tác chớ không phải tâm vốn tịch lặng kia bị nhiễm ô. Ngay đây cứ để tâm tạp loạn như nó đang là, tức không thêm bớt điều chi, không sửa chửa, chuyển đổi…thì vô tác diệu lực ngay đây.

  • Vạn pháp tùy tâm ông khởi dụng

Muôn ngàn diệu dụng vốn vô tâm

  • Phải biết muôn pháp chẳng đến với nhau. Tùy duyên mà ông kết nối, tương tục, liên hệ sau trước dập dìu vô tận… mà thành pháp hay phi pháp, có nghiệp nhân quả báo hay không…tạo thành trường đại mộng, để sinh tử luân lưu. Nếu biết được thì không sinh tử còn chẳng được nói gì đến sinh tử khổ vui…Các pháp lưu xuất có vẻ chằng chịt trùng trùng như sóng ở đại dương. Nhưng ngọn sóng nào cũng có sự độc lập của nó, dù trong phút giây, mà ngọn sóng khác không thể chia sẻ được, nên nói bình đẳng ( tánh ) mà sai biệt ( tướng ).

  • Cái mê có thể chỉ ra vô số, còn cái ngộ thì không thể trao cho, vì ai cũng đầy đủ, có sẵn, viên mãn. Cho nên biết mê thì thôi vậy tức ly tức giác. Mà giác còn vô sở đắc, vô sở chứng huống hồ là mê như mây trời. Khi ta là bầu trời, là mặt nhựt thì mây bay hay không mây làm gì mà ô nhiễm được.

  • Con người tạo ràng buộc và cũng tạo ra giải thoát. Vì tư tưởng kết tập nên tạo ra vô số mê lầm. Nếu thấy được thì xong !

Chỉ khi tự tại trong tam giới, tất cả chúng sanh và chư Phật bình đẳng thì mới xong việc lớn. Còn thấy có sinh tử niết bàn thì tham sân si vẫn còn vi tế khó biết. Cảnh giới Như Lai bất nhị, chỉ có một Toàn giác tùy thuận chân như không có cái gì khác

 

  • Làm thế nào để không giải thoát vì sự thật tất cả đều đang giải thoát

TỪ AN  : 01275934607

 

 

 

Comments(4)
  1. Toàn Dương 18 June 2018
    • BS HUỲNH HẢI 18 June 2018
  2. Phap danh Nhu Tanh 3 July 2018
    • BS HUỲNH HẢI 3 July 2018

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *