Tê tay là bệnh hay gặp. Các bạn có lần nào bị tê tay chưa. Đang ngủ bị tê tay, đang đi xe gắn máy bị tê tay, thời tiết lạnh tê tay…
Có người tê một hoặc vài ngón tay, người khác lại tê cả bàn tay, hoặc vừa tê bàn tay vừa tê cẳng tay hoặc tê hết cánh tay.
Tê tay là một loại bệnh do nhiều nguyên nhân, có thể do một nguyên nhân đơn độc hoặc do kết hợp thêm nhiều nguyên nhân khác.
Có 2 loại cơ chế gây tê tay:
- Do thần kinh: Hẹp lổ liên hợp cột sống cổ (lổ tiếp hợp, lổ ghép…), Hội chứng lối thoát ngực, Hội chứng ống cổ tay
- Do mạch máu: Xơ vữa động mạch, Hội chứng Raynauld (co động mạch, thường xuất hiện ở đầu chi như ngón tay, ngón chân), hội chứng lối thoát ngực (do chèn ép mạch máu ở giữa xương đòn và xương sườn I)
Chúng ta cùng nhắc lại 5 bệnh có thể gây tê tay:
1 * HẸP LỔ LIÊN HỢP CỘT SỐNG CỔ:
Cột sống cổ gồm 7 đốt sống (từ C1 đến C7). Hai đốt sống liên tiếp hình thành một khe trống. Từ đây rễ thần kinh từ tủy sống đi ra. Ở trường hợp hẹp lổ liên hợp (do thoái hóa cột sống cổ hình thành gai xương chèn vào lổ liên hợp, do trượt 2 đốt sống, do chấn thương…). Từ đó rễ thần kinh bị chèn ép gây ra đau gáy, mỏi gáy, tê tay…dọc theo thần kinh cổ cánh tay
2* HỘI CHỨNG LỐI THOÁT NGỰC:
Lối Thoát Ngực là khoảng không gian từ đáy cổ đi vào ngực, được khu trú giữa xương đòn và xương sườn I. Tại đây có động mạch tĩnh
mạch và thần kinh đi từ cổ xuống ngực rồi đến cánh tay. Lối thoát ngực được bao quanh bởi cơ, xương, dây chằng.
Nếu vùng lối thoát ngực có sự chèn ép thần kinh, mạch máu
( do chấn thương, do xương sườn cổ, do béo phì, do tư thế làm việc
sai kéo dài, chơi thể thao hoặc tư thế ngủ không đúng…) sẽ gây ra một bệnh lý có tên là Hội Chứng Lối Thoát Ngực.
Trong đó tê 10 ngón tay và mỏi gáy là hai trong nhiều triệu chứng.
3* HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY:
Từ chỗ xuất phát là cổ, thần kinh giữa đi qua cánh tay, cẳng tay và đi vào ống cổ tay ở vùng cổ tay. Thần kinh giữa là dây thần kinh vừa dẩn cảm giác từ ngoại biên về trung tâm và đây cũng là thần kinh truyền mệnh lệnh vận động từ não đến các cơ của các ngón tay. Thần kinh giữa chi phối các ngón cái, trỏ, giữa và phân nửa ngón áp út.
Ống cổ tay là một khoảng trống, được bao quanh bởi các xương cổ tay và các dây chằng. Ở giữa ống cổ tay là các gân gấp các ngón tay và thần kinh giữa là một bộ phận có cấu trúc mềm và nhạy cảm.
Do đó khi các gân gấp bị viêm, các xương bị thoái hoá, chấn thương, hay các tư thế gập cổ tay thường xuyên sẽ tạo một sự chèn ép vào ống cổ tay và do thần kinh giữa là cấu trúc mềm nhạy cảm nên dễ bị ảnh hưởng nhất. Đó gọi là hội chứng ống cổ tay.
Người bị hội chứng ống cổ tay có cảm giác tê các ngón cái, trỏ, giữa và ½ ngón áp út. Cảm giác tê có thể lan lên cẳng tay, cánh tay. Cảm giác tê tay thường xuất hiện khi làm việc trên máy vi tính, khi đang ngủ hay khi sử dụng xe máy trong thời gian dài. Đồng thời người bệnh, khi cầm nắm một vật yếu và dễ rớt.
4* XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH:
Xơ vữa động mạch là tình trạng động mạch bị các mảng chất béo bám vào thành trong của động mạch. Mảng bám này ngày càng to khiến lòng động mạch hẹp lại và có thể gây tắc nghẻn.
Một số bệnh gây ra do tình trạng xơ vữa động mạch nặng như cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu não, hoại tử một vùng nào đó do không có máu đến nuôi. Ngoài ra xơ vữa động mạch có thể gây ra những cục máu đông làm thuyên tắc động mạch ngoại biên
Nguyên nhân của tình trạng xơ vữa động mạch là do rối loạn lipid trong máu. Từ đó mỡ có khuynh hướng tích tụ lại ngày càng nhiều ở thành trong động mạch thành mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch máu lại.
5* HỘI CHỨNG RAYNAULD:
Là tình trạng giảm máu lưu thông đến các đầu ngón chân, ngón tay…do tình trạng co mạch máu vì tiếp xúc thường xuyên với môi trường lạnh hay do cường thần kinh giao cảm. Một số người có tạng tăng sự nhạy cảm của mạch máu ngoại biên có thể dễ bị hội chứng raynaud hơn những người khác.
Người có hội chứng raynaud có thể bị lạnh, tê, đau, buốt, kiến bò, dị cảm…đầu các ngón tay, ngón chân…Những yếu tố dễ xảy ra hội chứng Raynaud là ngoài sự tiếp xúc với nhiệt độ lạnh thường xuyên còn những yếu tố khác dự phần như hay hút thuốc lá, uống cà phê.
Màu sắc các ngón tay thay đổi đột ngột sang màu trắng bệch, rồi xanh tím khi oxy đến rất ít và trở lại màu sắc bình thường khi máu đến tái cung cấp cho vùng thiếu máu nuôi.
Hội chứng Raynaud nặng lên trong mùa lạnh và cải thiện khi sang mùa hè. Ở những người bị stress làm cường thần kinh giao cảm gây nên tình trạng co mạch cũng làm hội chứng Raynaud nặng hơn.