Trước khi đề cập đến những biện pháp cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ tôi có một nhận xét như sau: Trong khi khám bệnh tôi thường gặp những người trên 60 tuổi đến khám bệnh và than: tôi không ngủ được. Xem lại những toa trước, tôi thấy bệnh nhân đã được khám bởi vài bác sĩ, trong toa luôn có thuốc ngủ, lúc thì thảo dược ( mimosa, rotunda…) lúc thì thuốc ngủ Tân dược ( lexomil, amitriptyline…) lúc thì phối hợp cả hai, nhưng bệnh nhân vẫn chưa hài lòng: Ban đêm tôi không thể nào ngủ được!
Tôi hỏi ban ngày bác có ngủ không? Không, thậm chí trưa tôi cũng không ngủ. Nhưng hỏi kỹ thường thì người lớn tuổi, ban ngày không làm việc gì, chỉ đi tới đi lui trong nhà, ngồi, rồi nằm đọc báo. Nhưng có một chi tiết quan trọng là ban ngày, người già hay nằm, dù là không ngủ thẳng thành giấc, nhưng lúc thức, đôi khi lim dim, rồi thức ( Không phải chỉ riêng người già, mà một số người từ 40 đến trên 50 tuổi, có sinh hoạt tương tự thì ban đêm thường mất ngủ ).
Những bệnh nhân này thường cho bác sĩ biết: Ban ngày tôi không ngủ! Nhưng trên thực tế, ban ngày họ có ngủ nhiều, dù là lúc tỉnh, lúc lim dim! Hầu hết những trường hợp như vậy ban đêm không thể ngủ được. Tình trạng mất ngủ về đêm sẽ làm người bệnh càng mõi mệt, càng nằm lim dim ban ngày nhiều hơn. Và vòng xoắn bệnh lý càng làm ban đêm bệnh nhân không thể ngủ được.
Với những bệnh nhân này tôi gợi ý là ban ngày cần có việc làm lặt vặt, tránh nằm lim lim lúc thức lúc ngủ. Ban ngày nếu có ngủ, thì có thể ngủ khoảng 1 tiếng vào buổi trưa. Những bệnh nhân tuân thủ lời khuyên trên, vẫn dùng toa thuốc cũ, khi trở lại tái khám đều cho biết họ đã ngủ được vào ban đêm!