Tôi có quen một ông bạn già tập thể dục 84 tuổi. Tôi gọi là bác Hai. Bác Hai là người tập Hương công lâu nhất ở sân. Mỗi tuần tôi ra sân tập 1 ngày. Ông kể cho anh bạn của tôi, là ông bị sỏi thận 4mm ở thận trái + 1 sỏi 3mm ở thận phải và được tôi hướng dẩn vài động tác. Bốn tháng sau ông gặp bạn tôi là anh Đức cũng tập thể dục ở sân, ông Hai nói tôi nhờ ông bác sỉ Đông y quen anh chỉ cho tôi tập, ngày hôm qua tôi đi siêu âm không còn thấy sỏi trong thận nữa rồi, ông bác sĩ Đông Y hay quá. Anh Đức nói ờ, ổng là bạn tôi nhưng là bác sĩ Tây y. Ông Hai ngạc nhiên, bác sĩ Tây y mà hướng dẩn tôi tập những động tác đó sao…
Sáng nay, lại có một anh bạn khác đến thăm. Anh này hơn tôi 12 tuổi. Trước năm 1975 anh là Cán sự y tế làm việc trong bộ phận Sốt Rét. Năm nay anh Chương yếu hơn năm rồi nhiều. Chân đi lọm khọm, tay run và điếc nặng. Nói chuyện với anh phải to tiếng anh mới nghe. Anh Chương cười nói: Đọc quyển “ Chữa bệnh bằng máy sấy tóc” của Hải viết, tôi thấy Hải giống Lệnh Hồ Xung quá. Tôi hỏi tại sao anh lại nghĩ tôi giống một nhân vật trong chuyện Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Anh Chương nói: vì tôi thấy Hải chữa bệnh giống Lệnh hồ Xung khi giao đấu với đối phương, lúc tấn công thì đánh ngay vào đúng yếu huyệt mà không biết đó là chiêu thức gì, môn phái gì, tà hay chính phái.
Tôi có đọc Tiếu ngạo giang hồ rồi nhưng quên. Sẵn có laptop cạnh bên tôi mở lên vào Google và tìm được một đoạn nói về Lệnh hồ Xung rồi cùng đọc với anh:
“ Hơn hai chục chiêu kiếm này đều chém về phía Lệnh Hồ Xung, nhưng mũi kiếm đưa tới chiêu nào cũng cách chàng đến bảy tám thước.
Lệnh Hồ Xung cũng vung kiếm lên nghinh địch, có lúc đánh vào hán tử gánh củi một thức, có lúc nhằm đâm vào hán tử gánh rau một chiêu và đều cách người họ đến bảy tám thước.
Nhưng lạ thay! Hai hán tử hễ thấy chàng ra chiêu là lộ vẻ hoang mang hoặc nhảy nhót né tránh, hoặc hấp tấp vung kiếm lên đón đỡ.
Quần hào thấy thế đều đứng thộn mặt ra.
Hiển nhiên mũi kiếm của Lệnh Hồ Xung còn cách người đối phương rất xa mà lúc chàng ra chiêu chẳng có chút kình phong nào. Ðây lại không phải là chàng phát huy kiếm khí vô hình để tấn công mà sao hai hán tử hoang mang chỉ sợ đón đỡ không kịp?
Quần hào theo dõi cho đến lúc này mới biết hai hán tử kia quyết không phải là hạng tiều phu hay gánh rau thông thường mà là những nhân vật công lực tinh thâm, bản lãnh cao cường. Lúc bọn họ ra chiêu công kích thì một người chậm chạp, một người như kẻ điên khùng, nhưng lúc họ né tránh đỡ gạt thân hình lại nhẹ nhõm và ổn định vững vàng. Nếu họ không dầy công tu luyện hàng mấy chục năm thì quyết không thể đến trình độ đó được.
Bỗng nghe hai hán tử đồng thanh la hét, biến đổi thế kiếm.
Hán tử gánh củi hươi những chiêu kiếm ra một phạm vi rất rộng và đường kiếm rất hùng hồn.
Người gánh rau khi tiến khi lui rất là mau lẹ. Ðầu mũi kiếm vọt những điểm hàn tinh.
Lệnh Hồ Xung cầm thanh trường kiếm đưa mũi chênh chếch lên không cử động nữa. Cặp mắt chàng có lúc trợn lên nhìn hán tử gánh củi, có lúc ngó chằm chặp vào hán tử gánh rau. Mục quang chàng tới đâu là hai hán tử lại nhượng bộ chiêu thức, hoặc hô hoán lùi lại, hoặc chuyển thế công thành thế thủ.
Bọn Kế Vô Thi, Lão Ðầu Tử là những tay võ công cao cường theo dõi một hồi lâu, dần dần đã nhìn ra manh mối. Họ thấy hai hán tử phải né tránh hoặc rút lui để tự bảo vệ nhằm vào lúc mục quang của Lệnh Hồ Xung phóng ra bắn vào những yếu huyệt trên hai người kia.
Bỗng thấy hán tử gánh củi vung kiếm lên chém giữa lúc Lệnh Hồ Xung chiếu mục quang vào huyệt Thương khúc ( trên rốn 2 thốn và cách đường giữa 0.5 thốn ) ở bụng hắn. Bỗng chiêu kiếm của hắn chỉ phóng ra nửa vời rồi lập tức thu về để chống đỡ huyệt Thương Khúc trong người hắn.
Lúc này hán tử gánh rau đâm liền mấy chiêu vào Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung lại đưa mục quang chiếu vào huyệt Thiên Ðỉnh ( 2 huyệt nằm sau cơ ức đòn chủm và đường ngang giữa cổ ) ở cổ hắn.
Hán tử gánh rau vội cúi đầu xuống. Thanh kiếm của hắn cắm sâu xuống đất cứng trong thửa ruộng khô.
Hai hán tử giao đấu kiếm một hồi như vậy rồi mồ hôi toát ra đầm đìa.
Chỉ trong khoảng khắc, áo quần họ ướt đẫm chẳng khác người ngã xuống nước bò lên.
Lão già đứng ngoài bàng quang theo dõi cuộc đấu không nói nửa lời. Ðột nhiên lão ho lên một tiếng rồi nói:
– Thật đáng bội phục! Thật đáng bội phục!
Ðoạn lão bảo hai hán tử gánh củi và gánh rau:
– Các ngươi hãy lui ra!
Hai hán tử dạ một tiếng. Nhưng Lệnh Hồ Xung vẫn đưa mắt láo liên nhanh như điện chớp và không rời những yếu huyệt của hai người.
Hai người vừa múa kiếm chống đỡ vừa lùi lại mà thủy chung vẫn không sao thoát khỏi mục quang của Lệnh Hồ Xung.
Lão già reo lên:
– Hảo kiếm pháp! Lệnh Hồ công tử! Ðể lão hán lãnh giáo mấy cao chiêu.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Vãn bối không dám đương.
Rồi chàng quay lại nhìn lão già chắp tay thi lễ… ”
Tôi và anh Chương đọc xong đoạn trên rồi cùng cười khoái chí.
Tôi nói: Thật ra tôi chẳng biết mình ở môn phái nào, lúc thì ghi đơn thuốc Tây, lúc hướng dẩn cho bệnh nhân những cách chẳng phải thuần Đông y hay Tây y. Nhưng có một điều cơ bản là phải khoa học. Dù Đông y hay Tây y cũng vậy
Anh Chương xem , nếu nhìn vào lịch sử, tiến hoá của loài người, nhìn vào nhiều mặt tiến bộ của các ngành khoa học…Thì y học thật ra chẳng cần phân biệt đông tây. Mà chuyện cần nhất, là làm sao để chữa bệnh cho con người trên khắp hành tinh này được hiệu quả. Y học thời xưa ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Pháp, Anh, Mỹ…đều làm gì có thuốc viên, thuốc tiêm, chuyền dịch… mà khi bệnh chỉ biết hái lá, hoa, cây cỏ, củ rể để ăn hay nấu lên mà uống, chỉ biết dùng đá mài nhọn để châm chích vào những điểm trên cơ thể trị bệnh.
Diện mạo của y học Đông ngày nay đã khác so với thời xưa rồi. Bệnh viện Đông sử dụng các thiết bị chẩn đoán hiện đại như máy đo huyết áp, siêu âm màu, máy đo điện cơ, đo chức năng hô hấp, CT, MRI.. Và các Đông dược cũng thay đổi từ dạng thuốc thang thuốc sắc thuốc hườn nay trở thành thuốc viên, capsule thậm chí là thuốc chích..
Còn Tây y, bây giờ trong thời đại khoa học của thế kỷ 21, một bộ phận trong Tây y, còn nghiên cứu lại những vị thuốc, những bài thuốc kinh nghiệm, nổi tiếng, có nhiều kết quả trong điều trị, mà dân gian khắp vùng trên thế giới đã sử dụng có kết quả tốt. Các nhà khoa học trích tinh những chất trong loại cây, lá, trái…. đó để thành một dạng mà ta gọi là thực phẩm chức năng ( thục địa, đương quy, ngũ gia bì thành viên capsule…
Hoặc từ những thực phẩm chức năng các nhà y học lại kết hợp thêm với thuốc tân dược ( Ginkgo E = Ginkgo và vitamin E ). Quả thật là một điều thích thú và kỳ diệu.
Tôi không câu nệ Đông hoặc Tây. Tôi hoan nghênh cả Tây y lẫn Đông y, hoan nghênh những cách chữa bệnh không Đông cũng chẳng Tây ( nhiều khi chẳng cần đụng đến người của bệnh nhân, mời các bạn xem trong sách TỰ CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN ) miễn là dựa trên khoa học để đem lại sức khỏe cho mọi người là được. Không biết các bạn có đồng ý với quan điểm này không?