THUỐC VÀ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Như các bạn biết Hội Chứng Ruột Kích Thích (HCRKT) là một bệnh thuộc hệ tiêu hóa và hệ thần kinh với các triệu chứng là đầy bụng, nặng bụng, thay đổi số lần đi đại tiện và tính chất của phân. Bệnh không do tổn thương thực thể của ruột già nên không bao giờ đi đại tiện ra máu.

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây nên bệnh HCRKT. Chỉ biết bệnh Hội Chứng Ruột Kích Thích làm bệnh nhân bất tiện trong sinh hoạt do đi đại tiện thường lỏng nhiều lần trong ngày, làm bệnh nhân lo lắng vì chữa bệnh và uống thuốc mà bệnh cứ dây dưa không khỏi.

Thuốc trong đơn của một bệnh nhân thường thấy là thuốc chống co thắt ( spasmaverin, meteospasmyl…) thuốc giảm hơi trong đường tiêu hoá ( Simethicone , carbophos…) cầm tiêu chảy, giảm kích thích niêm mạc ruột  ( loperamid..), thuốc chống nôn ói ( domperindon…), thuốc chống lo âu ( sulpirid …), men tiêu hóa ( neopeptine…), vi khuẩn có lợi cho đường ruột ( Lactomin, Biolactyl…), thuốc điều hòa nhu động của dạ dày-ruột qua cơ chế thần kinh ( trimebutine…) . Nhiều toa thuốc còn cho kèm thuốc kháng sinh và thuốc băng niêm mạc dạ dày. Tuy uống nhiều thuốc như vậy, bệnh Hội Chứng Ruột Kích Thích có lúc giảm rồi có khi lại tái phát.

Nhưng có một loại thuốc tôi chưa hề thấy trong đơn của một bệnh nhân HCRKT. Thuốc này thường được chữa bệnh khác. Nhưng khi dùng cho bệnh Hội Chứng Ruột Kích Thích dạng tiêu chảy thì theo sự đánh giá của riêng tôi là TỐT. Vì chỉ sau khi sử dụng thuốc này khoảng 1 tháng mà không kèm theo bất cứ một loại thuốc nào thường gặp trong đơn thuốc của một bệnh nhân Hội Chứng Ruột Kích Thích mà tôi đã đề cập ở trên, các triệu chứng làm bệnh nhân HCRKT khó chịu, phiền toái, lo lắng như: đi đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng, đau bụng, đầy bụng, nặng bụng, khó tiêu…đều giảm đáng kể. Có bệnh nhân HCRKT đi đại tiện mỗi ngày còn một lần, phân thành khuôn. Mọi sự xáo trộn hầu như trở lại bình thường.

Đố các bạn loại thuốc đó là thuốc gì?

Trước khi các bạn tìm ra câu trả lời tôi xin phép được gợi ý bằng một câu chuyện. Tôi có một bệnh nhân nam khoảng 40 tuổi tên T… Anh T làm nghề buôn bán phụ tùng xe đạp. Thường anh hay uống bia mỗi tuần 3 lần, mỗi lần uống khoảng 3 lon bia. Anh uống bia gần 10 năm nay. Anh T đến khám bệnh và khai đau họng, sổ mủi, sốt 3 ngày. Đồng thời anh cũng khai bệnh của anh (kéo dài gần 2 năm) với các triệu chứng đầy đủ như trên là tiêu chảy ngày 4 lần, bụng lúc nào cũng đau râm ran, đầy bụng, ậm ạch khó chịu.

Anh T đã khám vài nơi đều được chẩn đoán là Hội Chứng Ruột Kích Thích, Viêm đại tràng kích thích. Toa thuốc của anh về bệnh HCRKT rất nhiều và cũng gồm các nhóm: chống co thắt, chống tiêu chảy, men tiêu hoá, chống đầy hơi…

Anh T khai một bệnh thứ ba là mỏi 2 chân nhiều vì suốt ngày anh thường đứng.

Bệnh thứ tư của anh T là bệnh cao huyết áp (HA 150/90mmHg, anh T đang điều trị bệnh Cao Huyết Áp tại phòng mạch bs tư). Sau khi khám, tôi đề nghị anh đi đo điện tâm đồ và siêu âm mạch máu 2 chân. Kết quả là anh bị giãn tĩnh mạch nông vùng đùi và cẳng chân. Sau đó tôi ghi đơn điều trị cho anh các loại thuốc viêm họng và giãn tĩnh mạch. Còn các thuốc đầy bụng tiêu chảy nhiều lần … (thuốc HCRKT) thì anh T vẫn còn thuốc (đang khám tại bs tư) nên tôi không ghi thêm nữa.

Sau một tháng anh T đến để nhận thuốc điều trị tiếp tục bệnh Cao Huyết Áp và Giãn Tĩnh Mạch. Điều đầu tiên là anh nói với tôi là “Bác ơi tháng rồi tôi không đi trị bệnh HCRKT mà bây giờ quá tốt rồi, bụng tôi nhẹ nhàng không còn đầy bụng và mỗi ngày tôi đi đại tiện có một lần, không biết tại sao, nhưng tôi mừng quá!”

Tôi hỏi anh ngoài toa thuốc tôi ghi cho anh còn uống thêm thuốc nam hay thuốc bắc gì nữa không. Anh T cười và trả lời tôi không uống thuốc Nam hay Bắc gì hết ngoài toa thuốc của bs ghi. Uống nhiều quá bây giờ tôi sợ thuốc lắm rồi, chỉ uống thuốc nào thật cần thiết thôi…Tôi in lại toa thuốc tháng rồi của anh Toàn để xem lại rồi tôi phát hiện ra một chuyện nhỏ.

Bây giờ thì các bạn có câu trả lời rồi phải không?

Tôi xin được nói rõ thêm. Thuốc trong đơn của tôi ghi cho anh T để trị bệnh Giãn tĩnh Mạch của anh là thuốc Daflon 500mg ( Diosmine 450 mg tương ứng : Hespéridine 50 mg )

Theo toa của HÃNG SẢN XUẤT: Les Laboratoires là Daflon 500mg chỉ dùng cho 2 trường hợp bệnh lý là suy tuần hoàn tĩnh mạch hay giãn tĩnh mạch chân VÀ các dấu hiệu chức năng của cơn đau trĩ cấp (sa búi trĩ, chảy máu búi trĩ, rát hậu môn…). Trong phần chỉ định của Dalflon không có điều trị HCRKT

Nhưng qua sự tình cờ ngẩu nhiên, tôi phát hiện Daflon còn có tác dụng tốt ở người bị HCRKT. Sau bệnh nhân này tôi có vài bệnh nhân HCRKT khác cũng có kết quả tốt khi chỉ sử dụng Daflon.

Nhưng tại sao Daflon lại có thể điều trị bệnh HCRKT dạng tiêu chảy? Đó cũng nằm trong cơ chế khoa học: Ở những trường hợp tiêu chảy thường có sự tiết dịch từ những mạch máu nhỏ trong thành ruột làm phân lỏng. Ở những người vốn có thành mạch máu yếu, căng giãn làm các phân tử Na và nước dễ thoát ra lòng ruột già. Điều này càng làm tăng triệu chứng tiêu phân lỏng nhiều hơn.

Mà Daflon ngoài tính làm bền thành tĩnh mạch lớn còn có tác dụng bền thành các mao mạch (những mạch máu rất nhỏ nối động mạch và tĩnh mạch). Do đó Daflon làm bền chắc những mao mạch tại thành ruột già khiến dịch từ mao mạch thành ruột vào lòng ruột già giảm đi. Cuối cùng có thể làm hạn chế hoặc chấm dứt tình trạng tiêu lỏng và tiêu lỏng nhiều lần trong bệnh HCRKT.

Trên thực tế ở những bệnh nhân HCRKT tôi đã điều trị, những triệu chứng khác như đầy bụng, ậm ạch khó tiêu…cũng không còn nữa!

        Các bạn bị bệnh HCRKT chỉ cần uống 1 ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên Daflon sau khi ăn. Sau 1 tháng có thể có kết quả tốt. Mặc dù uống Daflon không ảnh hưởng gì xấu cho cơ thể (còn có thể giúp hệ thống mạch máu của các bạn được tốt hơn) tuy nhiên trước khi uống Daflon các bạn cần phải hỏi ý kiến bs đang điều trị HCRKT cho bạn.

 

Comments(10)
  1. Chinh 2 June 2020
    • BS HUỲNH HẢI 2 June 2020
      • Chinh 11 June 2020
        • BS HUỲNH HẢI 11 June 2020
  2. NGUYỄN THANH TÙNG 10 July 2020
    • BS HUỲNH HẢI 10 July 2020
  3. ngọc vân 17 July 2020
    • BS HUỲNH HẢI 18 July 2020
  4. ngọc vân 23 July 2020
    • BS HUỲNH HẢI 25 July 2020

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *