CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI SUY NHƯỢC CƠ THỂ

Trước mặt tôi là một nam bệnh nhân 70 tuổi đang điều trị chóng mặt do rối loạn tuần hoàn não, suy van tĩnh mạch chân, viêm dạ dày. Ông có thể trạng gầy, người lúc nào cũng mệt mỏi, không thèm ăn, suy kiệt. Bệnh nhân đi khám ở vài nơi. Trong đơn thuốc tôi thấy ngoài thuốc điều trị bệnh nhân còn có vitamin B complex (vitamin B1, B6, B12…). Ông cố gắng ăn bồi dưỡng, uống sữa Ensure…mà tình trạng vẫn không cải thiện (ăn ngủ kém, người mỏi mệt, đau nhức mình mẩy, bụng đầy có khi xót ruột, ăn không tiêu…). Tôi hướng dẩn cho bệnh nhân cách ăn uống. Sau 1 tháng cân nặng bệnh nhân tăng 1.5 kg rồi tháng thứ 2 tăng thêm 1.5 kg nữa. Đồng thời bệnh nhân có cảm giác phấn chấn, khỏe mạnh hơn nhiều. Bệnh nhân đến tái khám với vẻ mặt vui mừng, sắc diện tươi tỉnh.

Trên đây là 1 trong nhiều bệnh nhân mà tôi gặp. Sự yếu đuối suy nhược trở nên khỏe mạnh , cân nặng tăng lên, người xấu đẹp ra. Thật là một sự vui mừng, một niềm phấn khởi cho cả bệnh nhân lẫn thày thuốc.

Nhưng các bạn muốn biết tại sao có tình trạng này ( người gầy ốm, suy nhược, biếng ăn, đầy bụng khó tiêu…?)

Thường khi đi khám bệnh, bác sĩ hay dặn dò: hạn chế ăn ngọt và các chất béo vì ăn ngọt nhiều dễ gây hư răng, ăn quá nhiều ngọt có thể bị tiểu đường hoặc ăn ngọt sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng lên và người bị tiểu đường khi xét nghiệm mỗi tháng sẽ thấy đường máu cao hơn, bệnh tiểu đường nặng hơn. Còn ăn béo sẽ gây tăng chất lipid ( cholesterol, triglycerid ) trong máu, có thể gây xơ vữa động mạch hoặc làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch góp phần cho các bệnh tê tay chân, rối loạn tuần hoàn não, nhồi máu cơ tim do dòng máu qua động mạch vành bị xơ mỡ sẽ kém trường hợp xấu có thể bít tắc.

Những lời cảnh giác đó làm bệnh nhân càng sợ, mỗi ngày có khuynh hướng xem 2 chất ngọt và béo là không tốt thậm chí là kẻ thù của sức khỏe. Từ đó bệnh nhân ngày càng kiêng 2 chất ngọt và béo. Ăn đường bánh kẹo, uống mật ong… cũng sợ. Ăn thức ăn nào có chút mỡ cũng lấy mỡ bỏ đi. Hoặc những người đang thực hiện cho nhiều chế độ ăn kiêng cũng dễ bị tình trạng ăn thiếu chất, thiếu năng lượng, không đủ lượng calories.

Trên thực tế việc dinh dưỡng cho cơ thể chúng ta phải có 3 nhóm chất dinh dưỡng đa lượng (tính bằng gam) rất quan trọng là: Bột đường, Đạm, Béo (cung cấp năng lượng cho cơ thể) và 1 nhóm chất dinh dưỡng vi lượng (tính bằng mg) là  vitamin và muối khoáng có trong rau, củ, quả.

Nếu chúng ta kiêng ăn chất đường bột, cơ thể không tạo ra glucose là chất dinh dưỡng cho các cơ quan trong cơ thể và quan trọng là thiếu chất dinh dưỡng cho não bộ, tủy sống là những cơ quan trọng yếu chỉ huy và điều chỉnh mọi hoạt động của cơ thể. Nếu thường xuyên thiếu chất bột đường, cơ thể dễ bị tình trạng suy nhược, tay chân bủn rủn, hoa mắt, người mệt lả, có thể ngất đi.

Mặt khác việc kiêng khem quá mức chất béo sẽ đưa đến tình trạng cơ thể thiếu chất để tạo ra màng tế bào, tạo ra mật, tạo ra các nội tiết tố. Cơ thể không thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Lúc đó buộc cơ thể phải tiêu hao các chất béo có sẵn ở vùng bụng, ngực, mông… và huy động nguồn chất đạm có sẵn trong cơ thể như cơ đùi, cơ mông, cơ bắp tay, cơ cẳng chân… để tạo ra năng lượng và nhiệt lượng cần thiết cho cơ thể hoạt động.

Do đó việc thiếu hụt chất béo và chất bột đường sẽ làm cho cơ thể ngày càng gầy sút, các cơ bắp teo nhão, sợ lạnh, giảm cân nặng, biếng ăn, tóc thưa, tóc khô, rụng tóc,  hay quên, khó tiêu, ăn ngủ kém, sắc mặt kém tươi, tánh tình buồn bực không vui… Tình trạng này làm sức đề kháng giảm đi, bệnh nhân dễ bị cảm cúm, viêm họng… Nếu đi kèm với các bệnh mãn tính như cao huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, rối loạn tuần hoàn não, mất ngủ, viêm dạ dày thì càng làm cho bệnh nhân có cảm giác bệnh của mình ngày càng nặng hơn! Từ đó tâm lý của người bệnh không ổn, lại tạo thêm một vòng xoắn bệnh lý khác!

Số người ở vào tình trạng này không phải ít. Họ không biết phải làm sao. Theo tôi nghĩ chỉ cần cải thiện chế độ ăn uống là có hướng giải quyết tốt rồi.

 

      Đến đây các bạn nóng lòng muốn biết ăn uống như thế nào để cải thiện tình trạng “ Suy dinh dưỡng” đó phải không?

 

      Các bạn chỉ cần ăn uống đầy đủ chất: Thiếu chất Bột đường, thiếu chất Béo thì các bạn ăn nhiều chất Bột đường và chất Béo bù vào. Chỉ vậy thôi.

 

     Bổ sung chất Bột Đường bằng cách ăn thêm: Khoai lang, đường, bánh, kẹo đậu phọng, kẹo mè, sô cô la, kem, xôi ngọt, chè đậu, bánh mì chấm sữa đặc có đường, uống mật ong, ăn trái cây, uống nước trái cây…

        Bổ sung chất Béo bằng cách ăn thêm: dầu mè, dầu olive, dầu phọng, mỡ, bơ, thịt ba rọi, trái bơ, đậu phọng, đậu phọng rang tỏi ớt, bơ đậu phọng, sữa béo, lòng gà, phở, bánh Pizza, nước cốt dừa, mè, bún thịt ba rọi nướng, đậu hủ hay mì căn ướp xả ớt chiên với nhiều dầu, phô mai, bơ, cơm chiên hột vịt, cơm chiên nhiều dầu mỡ với lạp xưởng. Các thức ăn béo cần kết hợp với các gia vị cay như hành lá, củ hành, tỏi, xả, ớt, tiêu, mù tạt.

 

    Mỗi ngày người trưởng thành uống khoảng 2 lít nước.

   *Một thức uống có thể làm kích thích ăn uống, ăn ngon miệng, biết đói bụng, thèm ăn là: nước từ trái chanh muối (nên pha ít mặn) + đường + một lát gừng. Những trường hợp bị cao huyết áp khi uống cần pha ít mặn và phải kiểm tra huyết áp thường xuyên.

 

GHI CHÚ:

 

*** Cách ăn uống này có nhiệm vụ xuất sắc trong các trường hợp ăn thiếu 2 chất Bột đường và Béo lâu ngày giúp người gầy tăng cân, người suy kiệt trở nên khỏe mạnh có sức đề kháng tốt từ đó có ích cho những trường hợp bệnh mãn tính

*** Những trường hợp khác áp dụng cách ăn uống này cũng rất tốt như: người sụt cân, gầy ốm trong khi hoặc sau một thời gian mắc các bệnh mãn tính như viêm dạ dày, già yếu, cao huyết áp, ung thư, tiểu đường ( những trường hợp bị tiểu đường nên bổ sung các thức ăn ngọt nhưng ít thôi, bù lại nên ăn nhiều chất béo và cay ), rối loạn tuần hoàn não, người áp dụng chế độ kiêng ăn (ăn chay, ăn thô, ăn 16/8…) không đủ chất và không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.

*** Cách ăn uống này KHÔNG nhằm để chữa bất cứ một bệnh gì. Khi áp dụng chế độ ăn uống này, nếu có bệnh, các bạn vẫn KHÔNG THỂ NGƯNG các thuốc đang điều trị như cao huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, rối loạn tuần hoàn não, viêm dạ dày…mà VẪN TIẾP TỤC UỐNG THUỐC NHƯ TRONG ĐƠN mà bác sĩ đang điều trị bệnh cho bạn.

*** Những trường hợp bị tiểu đường hoặc bị rối loạn lipid máu ( cholesterol và triglycerid trong máu cao) có thể áp dụng phương pháp ăn uống này nhưng chỉ áp dụng trong thời gian ngắn 1 đến 2 tháng để cải thiện tình trạng suy kiệt và có thể điều chỉnh liều lượng thuốc điều trị tiểu đường và điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu ( việc điều chỉnh liều lượng thuốc sẽ do bác sĩ, căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu của bạn ).

  Hy vọng cách ăn uống đơn giản trên sẽ là một vũ khí hữu hiệu để chống lại tình trạng “suy dinh dưỡng” và mang lại sức khỏe cho những bạn ở vào tình trạng này.

 

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *